Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

7 Bài Học "Vỡ Lòng" Chiêm Nghiệm Đầu Năm Mới.

Trước thềm năm mới luôn là thời điểm lý tưởng để chúng ta bắt đầu soi xét và suy ngẫm về năm cũ đã qua, về những gì bản thân đã đạt được trong những tháng ngày đã trôi vào dĩ vãng. Lòng biết ơn lại trỗi dậy, vì mình cảm thấy thật may mắn, bởi lẽ biết bao người đã ra đi mà mình vẫn còn ở lại, vẫn còn được nếm trải biết bao vui buồn của thế gian. Vì lòng biết ơn đối với số phận, chúng ta nên có tâm thế sẵn sàng chuyển mình, bứt phá hơn trong một năm mới sắp đến, sẵn sàng đón nhận bất cứ cơ hội nào trong tầm tay. Để làm cho từng giây phút ta được sống không vô vị, không tầm thường. Để khiến trước là cuộc sống của ta trở nên tươi đẹp hơn, sau là đem đến nhiều niềm vui, tiếng cười và sự giúp đỡ cho nhân loại.

Để chuyển mình mạnh mẽ, kỳ diệu nhất, chúng ta nên suy ngẫm và hiểu biết chính xác về những gì mình thực sự cần.


1. Chúng ta cần hành động nhiều hơn, không phải cần thêm ý tưởng.

Ý tưởng là một thứ kỳ diệu, chính nhờ nó mà xã hội loài người ngày càng phát triển, trở nên văn minh, tân tiến hơn. Các nhà khoa học nhờ ý tưởng đột phá mà phát minh được những công cụ giúp tối ưu hóa cuộc sống của con người; những người làm nghệ thuật nhờ ý tưởng sáng tạo mà viết nên một cuốn sách, hòa lời và nhịp cho một bài hát đầy tinh tế làm nao nức lòng người và xoa dịu tâm hồn của chúng ta. Chúng ta cũng cần những ý tưởng sống mới mẻ để đổi thay bản thân và thăng hạng cuộc sống. Không có những ý tưởng, chúng ta như những cỗ máy vô hồn với những công việc lặp đi lặp lại thường nhật, tẻ nhạt và khiến chúng ta mãi dậm chân tại chỗ.

Ý tưởng là tốt, nhưng BẮT TAY VÀO HÀNH ĐỘNG mới là chìa khóa của thành công. Không có gì đáng sợ bằng việc nói mà không làm, suy nghĩ mà không hành động, lên kế hoạch mà không thực hiện. Dạo gần đây, mình suy ngẫm và nhận thức được rằng chúng ta chính là một khách hàng theo kiểu “nô lệ” của nền “công nghiệp ý tưởng”. Rõ ràng rằng, những cuốn sách self-help vẫn đầy rẫy trên các kệ sách và luôn nằm trong top best-seller; những video “5 điều giúp bạn…”, “10 thứ bạn cần…”, “20 ý tưởng dọn dẹp…” chẳng hạn, vẫn thu hút rất nhiều lượt view trên các nền tảng xã hội.


Mình không lên án những nội dung như thế này, trái lại, mình còn thực sự biết ơn và cảm kích vì chúng cũng đem lại kha khá nguồn cảm hứng và sự thay đổi cho cuộc sống của mình. Nhưng nếu chúng ta không biết cách kiểm soát và kỷ luật bản thân, thì những content ý tưởng như trên dễ dàng biến bạn trở thành một “chuyên gia” trong phong cách sống động-lực-ảo.

Chúng ta vẫn tích cực bấm nút theo dõi những nguồn tin như thế, và mỗi lần có một content mới, chúng ta lại lao vào xem như con thiêu thân để mong kiếm chút ý tưởng mới mẻ nhằm thay đổi cuộc sống của mình. Chúng ta hừng hực khí thế lúc ban đầu, nhưng sự lười biếng và trì hoãn đã kéo chúng ta tiếp tục ngồi xuống trên chiếc ghế an nhàn êm ái, hít thở trong một vòng tròn sống thoải mái của chúng ta.

Nếu bạn chịu khó để ý, bạn sẽ thấy những content self-help thường lặp đi lặp lại. Nào là hãy ngủ đủ, ăn uống đủ, vận động nhiều hơn, học ngoại ngữ mới, thực hành thiền định… Bạn đã bắt gặp những ý tưởng này rất nhiều lần trước đó, chỉ là, bạn viết xuống giấy hoặc ghim vào đầu những ý tưởng đó, rồi vẫn tiếp tục chu kỳ sống buông thả của mình mà thôi.

Khi tiếp nhận quá nhiều nội dung self-help mà không thực hiện, bạn dễ dàng rơi vào vòng luẩn quẩn và áp lực vô hình vì không nhìn thấy sự cải thiện tích cực nơi bản thân. Và chính vì sự không cải thiện, mãi dậm chân tại chỗ ấy lại mách bảo bạn phải tìm kiếm nhiều ý tưởng sống hơn nữa. Để rồi bạn lại tiếp tục dính chặt bản thân mình vào những nội dung self-help như vậy.

Điều bạn cần thay đổi ngay lúc này chính là: dừng tìm kiếm các ý tưởng sống mới mỗi ngày đi, thay vào đó, hãy bắt tay vào hành động những ý tưởng “có thể đã cũ rích nhưng không bao giờ lỗi thời” ngay bây giờ.

Người ta khuyên bạn nên ăn đủ 3 bữa mỗi ngày và vận động nhiều hơn để tăng cường sức khỏe, thế thì hãy làm y như vậy, hãy ăn uống đầy đủ và tìm cho mình một môn thể thao ưa thích để tập tành. Điều ấy đâu quá khó!

Người ta khuyên bạn nên học ngoại ngữ tầm 30 phút mỗi ngày để nâng cao trình độ, vậy thì đừng lười nữa, cố gắng giảm bớt thời gian nghịch điện thoại và dành thời gian quý báu ấy cho việc học đi.

Nội dung self-help không hề xấu. Điều bạn cần làm đó là tiếp thu chúng và thực sự áp dụng chúng vào cuộc sống hằng ngày của mình mà thôi. Sau một thời gian, hãy chứng kiến sự thay đổi rõ rệt nơi bạn.

 

2. Chúng ta cần thấu hiểu, không phải cần trách nhiệm.

Sự thấu hiểu dường như trở thành một thứ xa xỉ trong cuộc sống hiện đại xô bồ như ngày nay, khi ai cũng phải cuống cuồng chạy theo đồng tiền để cải thiện cuộc sống, và khi có chút thời gian rảnh, người ta lại cắm mặt vào mạng xã hội để chiêm ngưỡng cuộc sống màu hồng của người khác (và bỏ bê chính cuộc sống màu hồng của mình).

Mọi người ít giao tiếp và trò chuyện với nhau hơn, ít chịu khó bỏ thời gian suy nghĩ cho đối phương, cho những người thân cận (nhưng lại tích cực bỏ thời gian soi xét cuộc sống những người khác), nên sự thấu hiểu từ đó cũng giảm dần, hoặc nếu có hiểu cũng chỉ là bề nổi. Vì con người dễ nhớ về ấn tượng ban đầu hơn là thay đổi quan điểm của mình về đối phương.

Ngày nay, mình thực sự trân quý những ai ghé vào quán cà phê và ngồi xuống trò chuyện với nhau một cách vui vẻ, thân mật, thay vì mỗi người cắm mặt vào một chiếc điện thoại và chẳng quan tâm gì về người đối diện. Dường như mọi người chỉ có trách nhiệm ngồi-đối-diện với nhau.

Bạn trai chỉ có trách nhiệm đưa bạn gái dạo phố mỗi cuối tuần, làm thợ chụp ảnh cho nàng, trả tiền nước cho nàng, và rồi lại nhắn tin trò chuyện trên điện thoại.

Bạn bè chỉ có trách nhiệm rủ nhau ra quán cà phê để có người ngồi cùng và tận hưởng máy lạnh chạy phà phà cùng mùi hương cà phê thơm nức, vì đi một mình thì kỳ cục, nhưng rồi lại nhắn tin trò chuyện trên điện thoại sau khi về nhà.

Và, ba mẹ vì lấy cớ bận rộn công việc nên chỉ có trách nhiệm đưa tiền cho con tiêu sao cho đủ mỗi tuần, chỉ có trách nhiệm đưa con đi chơi giải khuây chỗ này chỗ kia, chỉ có trách nhiệm bắt ép con học hành sao cho thật tốt để không làm mất mặt họ, chỉ có trách nhiệm quăng tiền cho người khác để họ lo cho con mình, mà không dành chút thời gian mỗi ngày ngồi xuống, mặt đối mặt tâm sự với con, lắng nghe những trải lòng của con, thấu hiểu tâm tư, tình cảm và những gì chúng thực sự muốn. Để rồi tình cảm của chúng dành cho ba mẹ ngày càng vơi cạn, khoảng cách giữa hai thế hệ ngày càng tăng lên, thậm chí dẫn đến những kết cục bi thương chỉ vì không lắng nghe, thấu hiểu.


Thời đại công nghệ số dễ khiến chúng ta trở nên kỳ cục nếu không cầm và lướt điện thoại khi hai tay đang rảnh rang, đúng chứ? Việc trò chuyện trên mạng xã hội cũng dễ làm chúng ta trở nên thụ động hơn trong giao tiếp thực tế. Nhưng nếu có thể thì trong năm mới này, chúng ta hãy cố gắng đặt mục tiêu sống trọn vẹn từng giây phút, sống với những điều thực tế nhiều hơn. Hãy trò chuyện nhiều hơn với những người thân cận, và thực sự dành thời gian để lắng nghe, suy ngẫm và thấu hiểu cho họ.

 

3. Chúng ta cần ngủ, không phải cần thức nhiều hơn.

Chẳng phải ngày nay là một thời đại số điên cuồng hay sao? Khi mà wifi không hề tắt, ánh sáng nhân tạo từ khắp mọi nơi luôn được bật?

Khi thế giới ngày một phát triển, con người ta cũng dễ dàng chạy theo vội vã guồng quay của công việc, cố gắng để bắt kịp mọi xu hướng, mọi deadline; mọi người luôn cần sự thể hiện tốt hơn, tốt hơn nữa; và sự tốt hơn ấy được nhiều người đánh đổi bằng chính giấc ngủ và sự an yên của bản thân mình.

Kể cả khi chẳng có công việc nào đòi hỏi họ phải thức, nhiều người vẫn thâu đêm suốt sáng để lướt facebook, instagram và tiktok vì muốn kiếm thêm chút giải khuây cho cuộc sống vốn đã mệt mỏi và muộn phiền của họ. Nhưng họ chẳng biết được rằng, giải khuây chỉ là nhất thời, còn sự tụt dốc trong sức khỏe và (cả) nhan sắc mới là thứ đang bị khuất mắt trông coi, và hàng ngày càng khiến họ mệt mỏi, muộn phiền hơn nữa.

Giấc ngủ đủ 8 tiếng ngày nay vốn được xem là xa xỉ, và giấc ngủ sớm từ 10h tối thậm chí còn xa xỉ và… kỳ cục hơn. Chẳng ai lại leo lên giường, tắt hết nguồn vui từ chiếc smartphone nhỏ bé để nhắm mắt nghỉ ngơi cả, đúng chứ? Ông A mới bị bắt, nhỏ B mới dính phốt, bao vụ scandal còn chưa hóng, sao có thể “an tâm” mà kết thúc một ngày được?

Nhưng chúng ta đang sống cho cuộc đời của ai đây? Của chính chúng ta, hay của những người nào đó bạn vô tình bắt gặp trên mạng xã hội? Liệu chúng ta có đang sử dụng quỹ thời gian quý báu của mình vào những việc có nghĩa hay không? Liệu có đáng để đánh đổi giấc ngủ và sức khỏe chỉ vì muốn biết thêm thông tin về người nào đó, nhưng biết xong cũng để đó chứ chẳng thể quy đổi được tiền mà tiêu? Họ thậm chí còn chẳng có tác động và ảnh hưởng gì đến cuộc sống của chúng ta kia mà.


Hãy trân quý giấc ngủ, và ngủ nhiều hơn. Theo lời khuyên của tổ chức về giấc ngủ Sleep Foundation, thì đối với hầu hết người lớn, ít nhất bảy giờ ngủ mỗi đêm là cần thiết cho các chức năng nhận thức và hành vi phù hợp. Ngủ không đủ giấc có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiếu ngủ khiến mọi người dễ bị mất tập trung, giảm nhận thức, phản ứng chậm và thay đổi tâm trạng một cách tiêu cực. Mình có thể đơn giản hóa kết luận này một cách hài hước như sau: bạn ngủ không đủ, chất lượng công việc giảm xuống vì thiếu tập trung, sếp la, thiếu tôn trọng bạn, và tâm trạng bạn thì dễ cáu gắt, khó chịu, khiến mọi người xung quanh cũng xa lánh bạn nốt. Đó là chưa kể đến sự buồn ngủ sẽ theo bạn đi muôn nơi (và điều này thực sự khó chịu), da dẻ xám ngoét, mụn bọc "đình chiến", thần sắc ủ dột, yếu ớt vì thiếu ngủ khiến bạn trông già thêm chục tuổi, kém thu hút với người đối diện.

Từng ấy những tác động tiêu cực có khiến bạn giật mình mà trân trọng giấc ngủ hơn chưa?

 

4. Chúng ta cần nâng cao giá trị cho thời gian của bản thân, không phải chấp nhận số phận.

Giá trị của bản thân bạn là bao nhiêu? Câu hỏi này có lẽ bạn đã được nghe đến nhiều lần. Nhưng rồi bạn cũng cảm thấy khó trả lời vì câu hỏi khá mơ hồ. Để làm rõ hơn, mình có thể chỉ cho bạn một câu hỏi khác dễ hình dung và trả lời hơn:

“Giá trị một giờ đồng hồ trong ngày của bạn là bao nhiêu (tiền)?”

Khi bình tĩnh suy xét câu hỏi, bạn sẽ chợt giật mình vì nhiều điều vỡ lẽ.

Nhiều bạn trẻ luôn miệng cho rằng họ bận rộn. Các bạn ấy sáng đi học, chiều đi làm thêm tại một quán cà phê, cửa hàng tiện lợi hay shop thời trang nào đó đến tối, hoặc tối không làm thì sẽ set một kèo ăn chơi tưng bừng với bạn bè đồng trang lứa. “Mình bận lắm, thời gian đâu mà đọc sách, học thêm, hay tập thể dục kia chứ!” là lời phản kháng dễ hình dung mỗi khi có ai đó đề cập đến cuộc sống của họ.

Giữ được sự bận rộn cho bản thân xuyên suốt một ngày là một tín hiệu đáng mừng của một cuộc sống năng động. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải xem xét lại, liệu sự bận rộn ấy có quá “rẻ mạt” không? Khi mà một giờ trôi qua, bạn chỉ kiếm thêm được 20 ngàn tiền lương? Nếu bạn dành một giờ ấy để lướt điện thoại, giá trị của nó giảm xuống còn 0 đồng. Và sâu cay hơn nữa, nếu bạn dành một giờ ấy để have fun với bạn bè tại một nhà hàng, quán cà phê hay rạp chiếu phim nào đó, thì giá trị của nó tụt xuống số âm (vì bạn đang tiêu tiền của mình).

Bạn xứng đáng nhận được nhiều nhiều hơn thế với một giờ đồng hồ của mình, chỉ cần bạn có thái độ tôn trọng thời gian, thì thời gian cũng sẽ tôn trọng bạn và cho bạn những gì tuyệt vời nhất. Thay vì bán thời gian cho một cửa hàng dịch vụ (nhà hàng, cà phê, quần áo), thì hãy tự nâng cao giá trị của bản thân bằng cách tăng trình độ ngoại ngữ và kiến thức chuyên môn của mình (dạy học, thiết kế, lập trình… chẳng hạn), để kiếm một công việc đòi hỏi nhiều chất xám khác với mức lương cao hơn. Bạn cũng có thể dành thời gian để tập tành tự kinh doanh, tự trở thành chủ của chính bản thân mình, chỉ cần bạn kỷ luật và biết định hình doanh nghiệp nhỏ của mình.


Và thay vì dán mắt vào mạng xã hội, hãy bỏ thời gian để đọc sách, học thêm hoặc trải nghiệm một điều gì đó mới mẻ, vận động và viết nhiều hơn chẳng hạn. Những hành động này tuy không mang lại “lương” cho bạn, nhưng ít ra cũng đang cho bạn một “số vốn” quý giá, tích lũy qua tháng năm giúp bạn trở nên “giàu có”, đáng giá hơn trong mắt nhà tuyển dụng, lộng lẫy hơn trong mắt những người khác, ắt cơ hội và sự thành công sẽ chực chờ bạn ngoài cửa mà thôi.

Đừng vì bạn vẫn sống đủ bằng số lương ít ỏi hàng tháng mình kiếm được mà chấp nhận dậm chân tại chỗ. Hãy kiên định với sự phát triển của bản thân mỗi ngày. Hãy kiên định với mục tiêu kiếm nhiều tiền hơn. Vì như nhân vật Yeon Soo đã nói trong bộ phim thanh xuân Our beloved summer: “Tôi ghét cái nghèo. Vì cái nghèo khiến tôi không thể hào phòng với ai”. Những đồng lương ít ỏi khiến chúng ta không thể hào phóng trước là với chính bản thân mình, sau là với những người thân cận và còn cả những người xa lạ đang cần sự giúp đỡ của chúng ta nữa.

 

5. Chúng ta cần giữ vững ước mơ cao cả, không phải các mong ước tầm thường an nhàn.

Nhà thơ Nguyễn Thiên Ngân từng viết:

"Trải qua mấy cuộc đau thương,

Người còn giữ mộng phi thường đó không?"

 ...

Từng chữ, từng chữ như thấm nhuần vào tâm hồn vì cảm thấy thân thuộc, thấu cảm quá. Người ta thường nói, cứ mơ mộng đi, làm gì có ai đánh thuế giấc mơ bao giờ? Nhưng cũng chính vì việc mơ mộng quá dễ dàng, nên con người ta cũng khó phấn đấu vì nó, cho nó. Khi bước chân vào đường đời tấp nập, bon chen, trải qua những khổ ải cơm áo gạo tiền, nhiều người sau một thời gian lăn lộn ngược xuôi bỗng chốc giật mình khi nhớ về những mộng đẹp cao siêu thuở niên thiếu.

Ngày còn bé, ta mơ ước làm những công việc mà ta ngưỡng mộ. Không thiếu những câu nói “Em ao ước lớn lên được làm bác sĩ, giáo viên, ca sĩ, họa sĩ…” xuất phát chân thật từ tận đáy lòng của những đứa trẻ thơ. Lớn lên một chút, ta lại ước làm một nghề nào đó có được chút vinh hoa, được người ta ái mộ, có được chút danh thơm tiếng tốt. Nhưng như chủ nhân của kênh truyền động lực sống Web5Ngay đã từng đề cập: Chúng ta chỉ hay nhìn vào đích đến, thành quả của cuộc hành trình, mà không nghĩ về quãng đường gian nan, quá trình khổ ải mình phải vượt qua để chạm được cái đích ấy. Vì không hình dung được, nên chúng ta cứ mơ mộng thế thôi, cũng nghĩ sẽ có ngày mình làm được, cứ nghĩ nó dễ lắm. Nhưng khi tất bật chạy theo những đồng tiền nhỏ lẻ đủ để trang trải cuộc sống, ta tạm gác ước mơ cao cả ấy qua một bên. Sự tạm gác ấy kéo dài đến một lúc nào đó ta bỗng thấy mình không còn đam mê, nhiệt huyết với ước mơ ấy nữa.


Và rồi, xã hội gán cho những người ấy hai chữ “hi sinh”:

Họ phải hi sinh ước mơ vì chồng, con, gia đình.

Họ phải hi sinh ước mơ vì có sứ mệnh khác cao cả hơn

Nhiều bạn trẻ mộng ước cao vời, cũng cố gắng kiếm tiền để xây dựng ước mơ. Nhưng khi nhận được những đồng lương ít ỏi, lại chẳng có kế hoạch chi tiêu cụ thể, liền vung tiền cho những đua đòi vật chất với thế hệ đồng trang lứa. Hết tiền, rồi lương lại về, rồi lại tiêu pha, rồi lại hết tiền… vòng quay ấy cứ luẩn quẩn, mãi chẳng để dư ra được đồng nào để bắt đầu thực hiện những dự định cao cả. Lâu dần, phong cách sống tầm thường và an nhàn bỗng choán hết tâm trí, họ chỉ mong ngày ngày đi làm 8 tiếng, không phải tăng ca, về nhà được đặt lưng xuống giường và lướt facebook thoải mái, thỉnh thoảng tụ tập ăn uống hát hò với bạn bè, là được. Tiền hết rồi lại sẽ có tiền về, không phải lo tiết kiệm gì nữa cả. Họ dần quên đi những ước mơ cao cả mà họ ao ước từ thuở xưa kia.

Và cho đến khi về già, chúng ta sẽ thường nuối tiếc về những gì chúng ta đã bỏ lỡ.

Nhưng, mình chỉ muốn nhắn nhủ với các bạn một điều thôi:

“Giờ là lúc sống giấc mơ đời mình.”

 

6. Chúng ta cần sự tập trung, không cần sự bận rộn.

Steve Jobs đã chỉ dạy chúng ta rằng:

Focus and simplicity. Once you get there, you can move mountains”.

"Hãy tập trung và đơn giản hóa. Một khi bạn đạt tới trình độ ấy, bạn có thể chuyển núi dời non."

Bạn có nhận thấy rằng, hầu hết các vấn đề của chúng ta đều sinh ra do sự thiếu tập trung và tính cách luôn phức tạp hóa mọi thứ của chúng ta lên hay không?

Bạn không có nhiều tiền để tiêu, nhưng bạn cũng không tập trung tìm cách giải quyết vấn đề, tập trung vào việc nâng cao trình độ, kỹ năng, và tập trung để hoàn thành nhiều nhiệm vụ (cho bạn tiền) nhất có thể. Thay vào đó, bạn cố gắng phức tạp hóa mọi thứ để thỏa mãn cái tôi và sự lười biếng của mình: bạn đổ lỗi cho số phận, bạn lên án cha mẹ vô tâm, thiếu định hướng cho con cái, và thậm chí bạn còn tự gán cái mác “trầm cảm” lên chính bản thân để tìm chút an ủi từ xã hội.

Bạn dằn vặt đau khổ vì người yêu quá vô tâm. Bạn khóc lóc, bỏ ăn bỏ uống, không thiết tha làm gì. Trong khi đó, chỉ cần tập trung sống tốt phần mình, suy nghĩ đơn giản hơn rằng nếu họ không cho bạn hạnh phúc, vậy tại sao bạn còn phải dây dưa? Ngoài kia không thiếu những người tốt xứng đáng hơn với bạn.

Thời đại công nghệ số cũng khiến chúng ta trở nên quá phức tạp và xao lãng. Có quá nhiều phần mềm trò chuyện, quá nhiều game để chơi, quá nhiều nguồn thông tin được tiếp cận, quá nhiều KOLs để theo dõi… Chúng ta không thể giỏi trong bất kỳ một lĩnh vực nào chỉ vì thiếu sự tập trung cao độ để rèn giũa bản thân trong lĩnh vực ấy. Chúng ta làng nhàng trong việc học và làm chỉ vì cứ học và làm được 10 phút thì lại bị thu hút bởi những tiếng ting ting vui tai từ điện thoại, báo hiệu có người vừa gửi tin. Chúng ta trở thành chuyên gia trong việc đa nhiệm – multitasking, và luôn than thở (một cách tự hào) rằng mình bận lắm. Tuy nhiên, đã bao giờ ta hỏi sự bận rộn ấy có giá trị cao không? Khi mà bạn làm việc suốt ngày, nhưng chất lượng công việc chẳng mấy đáng nể?


Nên nhớ rằng, nguồn năng lượng của chúng ta là có hạn. Nó sẽ vơi cạn dần khi tiến dần đến cuối ngày. Nếu bạn mải mê dành năng lượng ấy cho những việc vặt vãnh như lướt face, chơi game, chém gió với bằng hữu… thì năng lượng để dành cho những việc quan trọng, cho bạn “vốn sống” no đủ khác lại không còn dồi dào nữa. Thậm chí, bạn có biết rằng việc đa nhiệm, liên tục bắt não trạng chuyển đổi công việc cũng khiến bạn mất rất nhiều năng lượng hay không?

Bạn đã bao giờ nghe đến định nghĩa “Decision Fatigue” hay chưa? Đó là một trạng thái “quá tải về việc ra quyết định”, kết luận được rằng: sự ra quyết định của chúng ta ngày càng trở nên kiệt quệ và cẩu thả hơn vào cuối ngày, khi bản thân bắt đầu cạn kiệt năng lượng, sau khi đã đưa ra nhiều quyết định trước đó. Trung bình một người lớn đưa ra khoảng 35.000 quyết định mỗi ngày, kể cả những quyết định nhỏ nhặt, vặt vãnh nhất như chọn lấy thứ gì sau khi mở tủ lạnh, chọn mặc đồ gì để đi làm, hay chọn mặc áo gì cho con sau khi tắm cho chúng chẳng hạn.

Vì thế, nếu trong ngày bạn dành năng lượng quý giá để đưa ra hàng ti tỉ những thứ quyết định vụn vặt, không quan trọng, và trì hoãn những việc quan trọng khác đến cuối ngày mới làm, thì bạn đang sống không thông minh lắm đâu. Điều bạn cần làm bây giờ chính là giảm bớt hoặc tự động hóa những sự lựa chọn vô thưởng vô phạt trong cuộc sống của mình, như cắt giảm số lượng đồ trong tủ quần áo, chỉ chừa lại những món đồ basic, dễ phối nhất có thể, như Mark Zuckerberg, Bill Gates hay Steve Jobs đều là những tỉ phú đơn giản với các thể loại quần áo giống nhau, không màu mè giúp họ dễ chọn từ ngày này qua tháng khác.

Hãy sống đơn giản, và tập trung sống hết mình với từng hành động hướng tới một phiên bản tốt hơn của chúng ta.

 

7. Chúng ta cần sự chỉn chu, chứ không cần “dát vàng”.

Thế giới ngày nay dường như được định nghĩa bởi hàng hiệu. Chỉ cần dát lên người hàng tá món đồ hiệu xa xỉ, ta lập tức thu hút liền được sự chú ý của mọi người xung quanh. Họ cho ta sự thỏa mãn qua việc trầm trồ, khen ngợi lẫn chút ganh tị. Họ thậm chí tôn sùng ta trở thành mẫu gương sống đẳng cấp.

Nhưng chính vì áp lực về tài sản cá nhân khiến không ít bạn trẻ trở nên kiệt sức, trầm cảm vì không thể đáp ứng đủ những “đòi hỏi” vô hình từ xã hội. Nhiều người nhịn ăn, nhịn uống, thậm chí vay nợ chỉ để sắm được một chú iPhone13 xịn xò khiến bản thân không mất mặt với bạn bè. Nhiều người điên cuồng chạy theo tiền bạc, hư vinh đến nỗi sa đà vào những con đường tội lỗi, trái với luân thường đạo lý. Để đến khi xã hội lên án, lại ân hận vì sẽ mãi chẳng lấy lại được tiếng thơm.

Điều chúng ta cần chỉ là sự chỉn chu, không cần phải “dát vàng”. Chỉn chu trong lời ăn tiếng nói, dáng điệu, hành vi, trong phong cách cá nhân, trong học vấn, sự nghiệp, và trong các mối quan hệ với mọi người. Sự chỉn chu không đòi hỏi tính cầu kỳ, lại chẳng phải được định nghĩa bởi hai chữ “tiền bạc”. Chúng ta hoàn toàn có thể tìm một kiểu tóc phù hợp, gọn gàng mà tốn chẳng mấy chi phí, và chăm sóc da dẻ cho sáng láng, mịn màng hơn. Chúng ta nghiễm nhiên có thể học cách ăn nói nhẹ nhàng, uyển chuyển, khoan thai hơn bằng cách đọc loạt sách Madame Chic. Tránh ăn nói bỗ bã, vô duyên, khinh thường người khác. Chúng ta có thể bắt đầu tập đi, đứng thẳng người, nhanh nhẹn, hoạt bát, cùng với các hành vi đúng mực. Chúng ta cũng có thể định hình một phong cách sống cụ thể, phù hợp với nền tảng và tài chính cá nhân. Việc học luôn mở rộng cánh cửa cho chúng ta nhiều cơ hội, và sự nghiệp cũng vậy, chỉ cần ta siêng năng, cầu tiến và kiên định hơn với những mục tiêu của mình. Chúng ta cũng cần xác định lại các mối quan hệ, tập trung chăm sóc và nuôi dưỡng những mối quan hệ ý nghĩa, quan trọng nhất với mình, và bỏ qua những mối quan hệ không tên, vô bổ khác. Các bạn có thể thấy, những điều này chẳng đòi hỏi nhiều tiền nhiều bạc đúng không?

 ---

Chúng ta sẽ không đặt một kế hoạch thay đổi bản thân quá hoàn hảo cho năm mới sắp đến. Bạn biết đấy, cuộc đời chứa đầy những plan B mà ta không ngờ tới. Nhưng một điều chắc chắn, rằng bạn hãy luôn phấn đấu với mục tiêu trở nên tốt hơn bản thân của ngày hôm qua, luôn kiên định với hành trình xây dựng phiên bản tốt nhất của chính mình. Và trên hành trình ấy, lắm lúc, bạn sẽ cần phải ngồi xuống trong tĩnh lặng và suy ngẫm về những gì đã xảy ra, liệu rằng chúng ta có đang đi chệch hướng và mất cân bằng hay không? 

Năm mới này, mình xin chúc tất cả các bạn luôn mỉm cười và an yên trong cuộc sống. Hãy nhớ rằng, "sự kết thúc luôn là tín hiệu cho một khởi đầu mới". Và kết thúc 2021, cũng chính là báo hiệu của một năm 2022 đầy nhiệt huyết và tưng bừng. 

Good luck!


 Tác Giả: Jadie 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/nhinhut214/

--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

801 lượt xem, 743 người xem - 767 điểm