Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

7 Cách Cải Thiện Tâm Trạng Khi Có Cảm Xúc Tiêu Cực

 

Stress, thất tình, bệnh nan y, mất người thân, công việc trở ngại - cuộc sống không phải lúc nào cũng toàn chuyện vui, sẽ có những lúc bạn buồn bã, chán nản, hoài nghi, tuyệt vọng,... Cảm xúc tiêu cực là điều ai cũng phải trải qua trong cuộc đời nhưng nếu để nó ở lại quá lâu hoặc chìm đắm trong hố sâu u tối của cảm xúc tiêu cực bạn sẽ dễ rơi vào những rối loạn tâm lý. Và điều cần làm là làm sao để nâng cao cảm xúc, cải thiện tâm trạng của bạn lên dù cho là trong tức thời để không để con quái vật mang tên cảm xúc điều khiển, chi phối bạn còn bạn chỉ là một kẻ bị dắt mũi đáng thương. Một người bạn tôi thường nói: “Người không biết điều khiển cảm xúc của mình chỉ là kẻ ở trọ trong chính ngôi nhà của mình và phục tùng ông chủ mang tên là cảm xúc.”


Quản lý cảm xúc của chính mình đòi hỏi cần phải có một quá trình lâu dài học hỏi và thực hành. Nhưng tôi có thể đề xuất cho bạn một vài cách điều tiết cảm xúc của mình tạm thời, để không phải bị mắc kẹt quá lâu trong hố sâu cảm xúc và cũng là cách tạo đà để bạn duy trì cảm xúc tích cực, học cách quản lý cảm xúc của bản thân.

1.Thiền hoặc tập yoga

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng viết trong cuốn Thiền tập cho người bận rộn rằng: “Lãnh thổ con người bạn rất bao la: thân thể, cảm giác, tri giác, tâm hành và nhận thức. Cảm xúc chỉ là một trong 51 tâm hành của con người. Nó đến, nó ở lại một thời gian rồi nó đi, tại sao ta phải chết vì nó?”. Chính vì vậy khi có cảm xúc tiêu cực hãy xem nó như là một cơn bão và điều bạn cần làm tìm cách trú bão để vượt qua cơn bão.

Thiền được xem là một cách hiệu quả để đẩy lùi cơn bão cảm xúc. Bạn không cần phải hành thiền một cách thành thạo như người hành thiền lâu năm. Việc của bạn cần làm là quan sát hơi thở của mình. Bạn có thể ngồi trong tư thế hoa sen hoặc bán hoa sen. Nếu tư thế này khó khăn với bạn, bạn cũng có thể tìm một thế ngồi thoải mái hơn nhưng điều kiện tiên quyết là phải ngồi thẳng lưng, nhắm mắt (nhắm hờ nhưng không phải he hé), thả lỏng cơ thể, hai tay để ngửa hoặc úp đặt lên trên đùi. Việc quan sát hơi thở có thể được diễn ra bằng cách bạn chú tâm hoàn toàn đến từng lần mình hít vào – thở ra và không hề suy nghĩ về bất kì đối tượng nào khác. Để việc thiền đạt hiệu quả bạn cần hít thật sâu căng đầy bụng và thở ra hết không khí trong bụng. Việc tập trung hoàn toàn vào hơi thở giúp bạn tạm thời gác lại mọi suy nghĩ khác, quan sát hơi thở từng đợt ra vào, từng lần bụng phồng xẹp. Đây cũng là cách quay vào bên trong và nhìn lại chính mình. Nếu chưa quen bạn chỉ cần hành thiền trong vòng 7-10 phút. Sau đó khi đã quen và trải nghiệm được cảm giác an nhiên từ thiền mang lại bạn có thể tăng dần dần thời gian thiền lên.

Yoga cũng là một cách hay để quay vào bên trong và tạm thời tách mình ra khỏi những chuyện khiến bạn phải đau đầu suy nghĩ. Khi tập yoga bạn sẽ có cơ hội để quan sát hơi thở và những chuyển động cơ thể của mình. Thậm chí bạn còn có thể lắng nghe tiếng nói của từng bộ phận trên cơ thể như cái khớp lưng hơi bị đau của mình chẳng hạn.


2.  Luyện tập thể dục, thể thao

Có lẽ bạn đã nghe quá nhiều về lợi ích của việc tập thể dục, thể thao rồi đúng không? Nhưng quả thật tôi cần nhấn mạnh lại tác dụng của thể dục, thể thao đến sức khỏe cũng như cảm xúc của bạn. Giữa sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần có mối liên hệ chặt chẽ. Một cơ thể khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng dễ đẩy cảm xúc tích cực của con người lên. Giải thích trên cơ sở khoa học thì trong quá trình bạn tập luyện thể dục, thể thao cơ thể bạn sẽ tiết ra một loại hooc-môn có tên là endophin – đây là một loại hooc-môn tạo ra cảm giác hạnh phúc ở con người.

Nếu vẫn còn băn khoăn về việc tập thể dục, thể thao vì e ngại không biết bắt đầu từ đâu hay bạn không biết chơi môn thể thao nào thì tôi có một vài đề xuất cho bạn. Bạn có thể bắt đầu bằng việc đi bộ, chạy bộ. Đây là những cách vận động cơ bản và khá dễ dàng cho những người không giỏi hay không hứng thú nhiều với thể thao. Còn nếu bạn thành thạo trong các môn bóng (bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ,…), cầu lông, bơi lội,… thì quá tuyệt vời. Việc bạn cần làm chỉ là cầm bóng lên là rủ hội bạn cùng chơi.

3.   Kết nối với các mối quan hệ tích cực

Tôi hiểu xu hướng chung khi chúng ta đang có những cảm xúc tiêu cực là chúng ta muốn thu mình lại, muốn ở một mình và thậm chí là không muốn giao tiếp với người khác. Nhưng nếu được hãy mở lòng ra và kết nối với những người xung quanh. Nếu bạn là một người hướng nội thì bạn có thể kết nối với những mối quan hệ sâu sắc như gia đình, bạn thân. Việc kết nối có thể diễn ra theo cách bạn chia sẻ câu chuyện của mình với một người mà bạn tin tưởng, hoặc thậm chí nếu thích bạn có thể cùng hội bạn tham gia vào các hoạt động đa dạng như đi ăn uống, đi du lịch hay tham gia các hoạt động xã hội giúp đỡ cộng đồng,…

Cảm giác khi mở lòng để chia sẻ cũng như cảm giác cho đi, làm những điều ý nghĩa cho cộng đồng sẽ giúp tâm trạng của bạn tốt lên.


4.  Chăm sóc bản thân

Nghe có vẻ hơi lạ vì ngày nào bạn chẳng dành thời gian và chăm sóc cho bản thân đúng không? Nhưng thực sự là khi có tâm trạng không tốt chúng ta thường quá tập trung vào cảm xúc của bản thân mình mà quên mất đi việc chăm sóc chính mình, thậm chí là bỏ bê bản thân.

Đã bao lâu rồi bạn chưa cắt lại mái tóc lòa xòa? Bạn có để ý là móng tay của mình đã dài và da mình thì xỉn màu đi không? Thức khuya, dậy muộn và bỏ bữa sáng bạn có thấy hình ảnh của mình trong đó. Và còn biết bao điều nữa chứng tỏ bạn đang quên lãng chính mình.

Dành thời gian chăm sóc bản thân sẽ khiến tâm trạng bạn tốt hơn. Một mái tóc gọn gàng, một làn da sáng màu, những bộ quần áo sạch sẽ và thơm tho sẽ giúp bạn cải thiện tâm trạng của mình.


5.  Ưu tiên cho những sở thích hay bất kì điều gì khiến bạn cảm thấy khá hơn

Bạn có thể ngồi ở một góc quán cà phê quen, yên tĩnh để đọc một cuốn sách cũ hay nghe một bản nhạc xưa, uống một tách trà nóng. Nếu điều đó khiến cảm xúc bạn an định lại, tại sao bạn lại không làm nhỉ?

Nếu thích vẽ tranh, bạn cũng có thể mang theo một ít dụng cụ cần thiết đến một không gian khiến bạn cảm thấy thoải mái như cánh đồng, bãi biển, … hay những vùng ngoại ô, bày biện ra và vẽ, để những gam màu sáng tối vuốt ve lại cảm xúc của mình.

Bạn cũng có thể đi ăn uống, đi mua sắm, đi du lịch,… nếu bạn cảm thấy điều đó giúp tinh thần bạn thoải mái hơn. Nhưng lưu ý cần phải biết giới hạn khi dùng những sở thích ấy để cải thiện tâm trạng. Đừng ăn uống quá độ, nhậu nhẹt bét nhè, mua sắm tràn lan những thứ không cần thiết chỉ để khỏa lấp cơn cảm xúc của mình. Nên biết điểm dừng lại ở đâu. Nếu không, điều đó sẽ càng khiến tâm trạng bạn tệ hơn khi để sở thích lao theo đà của những cảm xúc tiêu cực.

Có những người sẽ cảm thấy tâm trạng tốt hơn khi được chơi đùa cùng con nít, động vật (chó, mèo,…). Hoặc cũng có người sẽ cảm thấy đỡ tệ hơn khi được tắm táp sạch sẽ, ngửi mùi xông hương liệu trong phòng và nghe một bản nhạc cổ điển.

Có người sẽ cảm thấy tốt hơn nếu đứng trước biển và hét thật to. Cũng có người thích một mình gào lên trong phòng kara và chửi vài câu thô tục người đã khiến họ đau khổ. Điều đó cũng không có gì quá đáng. Bạn có thể khác biệt, chỉ cần bạn làm những điều khiến bạn cảm thấy tốt hơn và không làm hại đến ai. Nhưng điều quan trọng là cần biết điểm dừng, đừng đi quá giới hạn.

6.  Cho chính mình thời hạn để hồi phục

Ai đó đã từng nói “Cơn mưa nào dù tầm tã đến mấy thì cũng đến lúc phải dừng lại”. Dù có chuyện gì tồi tệ xảy ra đi chăng nữa thì cũng đến lúc nó phải kết thúc. Bạn xứng đáng được sống vui vẻ và hạnh phúc.

Bạn có thể chìm trong cảm xúc tiêu cực, xấu tính, có một vài thói quen thiếu lành mạnh nhưng bạn cần đặt ra thời hạn để mình quay trở về. Quá khứ là điều đã qua, bạn không thể nào thay đổi được những điều không thể thay đổi. Điều bạn cần làm là chấp nhận nó và sống tốt từng giây phút ở hiện tại. Đó chính là cách giúp tương lai của bạn tươi sáng hơn. 

7. Biết ơn những trải nghiệm tiêu cực

Cuộc sống không phải lúc nào cũng diễn ra như ý mình. Sẽ có lúc bạn cảm thấy bị cuộc đời ngó lơ, bị bỏ mặc, bị đối xử tệ bạc. Nhưng cuộc sống vốn dĩ là vô thường, chỉ khi bạn trải qua những cảm xúc tiêu cực bạn mới hiểu ý nghĩa của những cảm xúc tích cực, chỉ khi trải đau khổ bạn mới hiểu giá trị của hạnh phúc.

Những trải nghiệm tiêu cực là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống của bất kì ai. Khi đối diện và vượt qua nó bạn sẽ trở nên vững vàng, trưởng thành và bản lĩnh hơn để khi gặp phải những chuyện không may, những biến cố vô thường trong cuộc sống bạn sẽ đủ tỉnh táo và mạnh mẽ để đương đầu và chiến thắng.

Tác giả: Julia Nguyễn, Happy Talk

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/hoadatphat.6296 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,392 lượt xem, 1,337 người xem - 1339 điểm