Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

7 Cách Xây Dựng Cuộc Sống Suôn Sẻ Và Giá Trị Hơn.

Tôi nghĩ đây là lúc thích hợp để nghiên cứu và viết nên bài này. Bởi lẽ một năm học mới đã bắt đầu.

Nói thế không phải đối tượng của bài là những em học sinh – sinh viên vẫn còn tràn đầy sinh lực, hoài bão trong tháng 9, mà còn dành cho bất cứ ai đang bước vào một hành trình và khởi đầu mới. Những người mong muốn cuộc sống của họ sẽ sang một trang mới vui tươi và có nhiều điểm sáng hơn.

Hoặc như tôi, ngày nào cũng là một hành trình mới, như Dylan Thomas đã nói: “life always offers you a second chance, it’s called tomorrow”, là động lực để tôi dậy sớm hơn và bắt tay ngay vào việc hoàn chỉnh bản thân.

Chúng ta luôn có xu hướng bắt đầu một hành trình mới với một tâm trạng “so high”, hứng khởi, dồn dập mong muốn làm thật nhiều thứ. Từ đó sinh ra vấn đề ép bản thân làm quá độ, nguy hiểm hơn là bắt buộc chính mình hành động thay đổi đúng nghĩa 180 độ ngay từ những ngày đầu.

Như kiểu, trước đó chẳng đọc sách bao giờ, ngày mai ép mình đọc 50 trang.

Bỏ tập gym từ năm ngoái tới nay, ngày mai đăng ký gói tập dài hạn liền tay với 1 tiếng tập cường độ cao mỗi ngày.

Thời đại học chật vật lên xuống với vốn tiếng Anh ít ỏi, ngày mai thúc giục mình phải đọc cho bằng được một trang báo tiếng Anh, nghe cho bằng được một bài TED Talks.

Để rồi hành trình thay đổi vốn dĩ tưởng chỉ là một đường thẳng, “so smooth”, nhưng bắt đầu có những cú chệch hướng nhẹ đi.

Nếu không nhận ra vấn đề và thay đổi, những cú lệch khỏi đường ray ấy sẽ hất luôn con tàu của bạn khỏi chuyến đi đến với phiên bản tốt hơn, đáng ngưỡng mộ hơn của chính mình.

Hãy đọc, hãy thấu ngẫm những điều sau để giữ chắc bánh lái con tàu cuộc sống, chầm chậm tiến cũng được, miễn là không dừng lại, đặc biệt, không chệch khỏi đường ray - vốn dĩ vẫn luôn cố định, cứng chắc và mạnh mẽ - như cuộc sống của muôn người chúng ta.


1. Làm chủ sự lựa chọn thông minh.

Gần đây, tôi vừa được tiếp cận với một khái niệm mới: “The Ilusion of Choice” - Ảo tưởng về sự lựa chọn, là một thuật ngữ lần đầu tiên được trình bày bởi nhà triết học và tâm lý học người Mỹ William James trong bài giảng "Ý chí để tin tưởng", xuất bản lần đầu tiên vào năm 1896.

Ảo tưởng về sự lựa chọn cho rằng mọi người tin rằng họ có quyền kiểm soát cuộc sống của mình nhiều hơn so với thực tế.

Chúng ta đang không hề sống trong một thế giới hoàn toàn tự do, kể cả trong những hành động mà chúng ta nghĩ là sự tự do được đề cao tuyệt đối.

Như việc tra Google chẳng hạn.

Chúng ta tưởng rằng mình được tự do lựa chọn nguồn tin để tiếp cận và tương tác, nhưng thực tế sự lựa chọn chỉ dừng lại ở… trang đầu tiên của Google, nói cho đúng hơn nữa – dừng lại ở những kết quả Google hiện ra đầu tiên.

Vì chúng ta nghĩ rằng những trang ấy đáng tin cậy, mà không biết rằng trên thực tế, hầu hết đều là sản phẩm của quảng cáo. Tôi trả tiền – anh đưa tôi đến gần hơn với người dùng.

Còn nhiều ví dụ khác tương tự, như việc chúng ta tin tưởng hơn những sản phẩm xuất hiện với tần suất cao trong quảng cáo, tin tưởng vào lời quảng bá của các KOLs, tin tưởng vào review của cộng đồng mạng…

Hoặc, chúng ta chọn trường này vì danh tiếng, vì được người thân đã từng học qua giới thiệu; chúng ta chọn công ty này vì lương bổng, vì chính sách đãi ngộ tốt, vì người quen gợi ý… mà không hề quan tâm đến điều cốt lõi nhất – sở thích, sở trường, nguyện vọng của chính chúng ta.

Chúng ta vốn không hề hiểu rõ bản thân mình.

Làm nô lệ giữa một rừng những sự lựa chọn tự do dẫn đến hai vấn đề:

-  Thứ nhất, bạn bị hoang mang giữa vô vàn lựa chọn, lâu dần dẫn đến mệt mỏi, áp lực, stress.

-  Thứ hai, bạn bị mất thời gian và tiền bạc vô nghĩa vì những thứ mình không thích.

Mắc phải những triệu chứng trên, chúng ta dần sinh ra trạng thái “tồn tại” trong cuộc sống, mà không thực sự “sống”, vì sống là phải tận hưởng chứ, sao lại ngày qua ngày luôn bị áp lực vì lựa chọn, và chán chường vì những điều vô nghĩa trải qua mỗi ngày.

Để thoát khỏi kiếp nô lệ này, bạn chỉ cần nắm rõ một điều thôi: hiểu rõ sở thích và nhu cầu của bản thân – theo một cách CHỦ QUAN nhất.

Biết rõ mình cần gì, nhu cầu của mình tới đâu, để đánh giá kỹ những sự lựa chọn, và sống theo phương châm của câu nói “Bien dans sa peau” – một câu tiếng Pháp rất hay, nghĩa là thoải mái với những gì thuộc về mình.

Lựa chọn thông minh sẽ khiến chúng ta tiết kiệm được nhiều thời gian, tiền bạc và công sức hơn, vốn dĩ là những thứ chúng ta cần tiêu xài thật cẩn trọng trên hành trình phát triển cuộc sống.

Vì những cú xoay xở tìm lại thời gian, tiền bạc và công sức đã mất sẽ khiến chúng ta trở nên chật vật hơn mỗi ngày.

 


2. Cắt giảm tối đa thời gian vô nghĩa.

Tôi rất ấn tượng với bài hát thánh ca “Cũng một kiếp người” khi tham dự thánh lễ trong nhà thờ. Lời bài hát mô tả ngắn gọn thực trạng cuộc sống:

“Cũng một kiếp người, có người đi tìm chân lý. Cũng một kiếp người, có người hoang phí thời gian. Cũng một kiếp người, có người nghèo khó gian nan. Cũng một kiếp người, có người quyền thế cao sang.”

Người thành công không phải là người có nhiều thời gian rảnh để làm được nhiều việc, mà là người biết tận dụng tối đa thời gian quý báu của mình, để “đi tìm chân lý”, và làm cho kiếp người “quyền thế cao sang”.

Có người sống trọn vẹn 24 giờ, có người lại để 24 giờ vuột qua tầm tay với quá nhiều những giây phút lãng phí, vô nghĩa.

Chẳng hạn, ngày trước khi ngồi cùng một cô bạn và tìm kiếm một sản phẩm dưỡng ẩm trên trang web mua sắm, tôi chỉ gõ vào thanh tìm kiếm dòng chữ “kem dưỡng ẩm”, và trang chủ trả về hàng tá kết quả khác nhau.

Cô bạn tôi quay qua hỏi: “Sao mầy biết rõ tên sản phẩm cần tìm, mà lại không gõ thẳng cái tên đó ra vậy?”

---

Chúng ta thường xuyên dính vào cạm bẫy của sự lựa chọn. Dù biết rõ thứ mình muốn, nhưng chúng ta vẫn muốn “đứng núi này trông núi nọ”, thậm chí không rõ thực hư chiếc núi kia như thế nào, có phù hợp với chúng ta không, và quan trọng hơn, chúng ta cũng chẳng thực tâm muốn tìm hiểu về nó, mà chỉ để thỏa mãn sự tò mò nhất thời vô dụng.

Đa nhiệm cũng là một ví dụ khác về việc chúng ta giết chết quá nhiều thời gian quý báu của chính mình.

Hãy thử ngẫm lại xem, bạn có thực sự đạt được một kết quả tốt đẹp nhất định từ việc đa nhiệm không? Hay lại phải làm đi làm lại, tốn thời gian và sức lực.

Ví dụ như tôi thường xuyên mở những kênh Youtube về giáo dục, nhưng vì thời lượng quá dài, tôi lại mở thêm tab Facebook và tự nhủ sẽ vừa lướt face vừa nghe giảng.

Nhưng trên thực tế, tôi không nhớ được thứ gì từ bài giảng ấy. Kết quả hoặc là phải nghe lại, hoặc là như chưa hề học được thứ gì từ nguồn Youtube quý giá kia.

Tập trung vào duy nhất một việc chính là chìa khóa giúp chúng ta thoát khỏi được cảnh ném thời gian qua cửa sổ. Và khi bắt đầu nhận thấy bản thân đang làm một hành động có vẻ “dấm dớ” nào đó, hãy tự suy niệm “liệu điều này có đang giải quyết một vấn đề gì đó trong cuộc sống của tôi hay không?”. Nếu câu trả lời là không, hãy “tắt” hành động ấy ngay lập tức.

 

3. Bắt đầu sớm.

Trải qua những năm tháng đại học hơi không “năng suất” cho lắm, tôi nhận ra có rất nhiều đầu việc nên được làm từ sớm khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tránh để “nước đến chân mới nhảy”.

Bạn chỉ cần hiểu một điều thôi: Càng lớn, chúng ta sẽ ngày càng có nhiều trách nhiệm hơn – đến từ công việc, gia đình – đồng nghĩa với việc thời gian rảnh bị rút ngắn đi.

Tôi chứng kiến chính bản thân tôi và một vài người cùng độ tuổi đang thực sự chật vật trong một số việc mà đáng lý ra chúng ta nên làm từ sớm.

Ví dụ, lớp học Anh văn của tôi có tiếp nhận một số học viên cần thi lấy bằng tiếng Anh gấp nộp cho trường để xét tốt nghiệp. Nhìn các bạn ấy loay hoay vất vả cân bằng giữa việc phải đi thực tập/ đi làm, đi học thêm, và đi thi phải đạt được đủ số điểm cần thiết, khiến tôi nhận ra những việc vốn dĩ đã được cho thời gian để chuẩn bị từ sớm, thì hãy làm ngay từ sớm cho rồi.

Hãy hoàn thành các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học ngay từ năm 2, năm 3 đi. Đó là khoảng thời gian bạn còn rảnh rang đấy.

Hãy tìm một công ty thực tập sớm, việc ấy không chỉ giúp bạn tránh chật vật xin vào làm đại một công ty nào đó khi hạn nộp bằng đã gần kề, mà còn giúp bạn có thêm nhiều thời gian để hiểu rõ bản thân mình, xem rằng liệu mình có hợp với ngành nghề ấy, với công ty ấy, và bạn muốn gắn bó với sự nghiệp nào.  

Hãy thử “khởi nghiệp” đi, dù trong những việc cỏn con nhất, chỉ cần bạn thích. Hãy nhớ rằng, khi nhận lấy một công việc ‘9 to 5’, bạn sẽ phải nỗ lực lắm lắm mới có thể hi sinh quãng thời gian chiều tối quý giá – vốn được nhiều người mặc định là thời gian nghỉ ngơi sau nhiều tiếng làm việc – để làm thêm một việc khác, để học thêm một điều gì đó (học thi Ielts chẳng hạn).

Khởi nghiệp – nhận job khi chúng ta còn nhiều thời gian, khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, còn cho phép chúng ta nhận ra nhiều thứ đúng – sai, thích hợp hay không, để từ bỏ mà không quá chật vật vì ám ảnh về thời gian thanh xuân còn lại mà thấy tôi “chẳng làm được gì khi đã chớm có tuổi”, và để tiếp tục nó, nuôi dưỡng nó cho tới khi nó có đủ thời gian nở rộ.

Chẳng hạn, nếu muốn lập một kênh Youtube hay Tiktok, hãy bắt tay vào thực hiện từ bây giờ. Vì chúng cần thời gian để tạo niềm tin với khán giả, “đường dài mới biết ngựa hay”.

Còn ti tỉ những việc khác mà nếu đối với bạn, “làm trước làm sau cũng như nhau”, thì bạn hãy thay đổi tư tưởng, nắm bắt thời gian mà hoàn thành chúng. Bắt đầu muộn có thể cũng ổn, nhưng dễ khiến chúng ta nản chí và chấp nhận số phận, không muốn thử thách bản thân thêm bất cứ điều gì.

 


4. Tập trung vào Weekly routine.

Tôi từng OCD tới mức chỉ cần có một ngày không hoàn thành được nhiều việc, không năng suất cho lắm như những gì tôi đã đề ra, thì những ngày còn lại trong tuần cũng theo đó mà “tuột mood” không phanh.

Đã không biết bao nhiêu lần tôi ám ảnh về một Daily routine hoàn hảo. Như bà quản gia Ellen Dean đã nói với ông Lockwood trong tác phẩm Đồi gió hú: “Ông không nên nằm đến mười giờ. Phần tốt đẹp nhất của buổi sáng đã qua lâu trước lúc đó. Người nào đến mười giờ mà chưa làm được nửa công việc hằng ngày thì dễ có cơ bỏ dở nửa kia”.

Nếu có một ngày vì lý do nào đó mà tôi nướng đến quá giờ thức dậy mong muốn, thì quả đúng là tôi tuột mood đến độ dễ bỏ dở các kế hoạch đã lập ra, và cho rằng bản thân mình quá tệ.

Nhưng dạo gần đây tôi có đọc nhiều về một lời nhắc nhở: trước nhất, hãy nhận thức được rằng chúng ta chỉ là những “con người”, mà phàm là con người thì có những giới hạn nhất định, và sự không hoàn hảo vốn dĩ vẫn là một phần không thể thiếu. 

Và chúng ta thì khó nhận biết được rằng thực ra việc để bản thân “off” 1-2 ngày là chuyện không nên trách cứ. Đừng cho rằng chúng ta đang trật đường ray chỉ vì những ngày không theo lịch trình như vậy.

Khi nhận thức được điều đó, tôi bắt đầu tập trung hơn vào việc thiết lập kế hoạch theo tuần, và có tinh thần thoải mái, cởi mở hơn với kế hoạch theo ngày.

Hãy đánh giá năng suất của bản thân một tuần một lần. 7 ngày là khoảng thời gian đủ để bạn thực hiện được nhiều kế hoạch và dự định, cũng như linh hoạt sắp xếp lại lịch trình nếu lỡ có một hai hôm không làm hết việc.

Ví dụ, nếu hôm nay bạn không đọc kịp 1 chương sách như dự định cho mỗi ngày, bạn hoàn toàn có thể đọc 2 chương sách vào ngày mai.

Tôi rút ra được một số bài học khi thực hiện review cuộc sống theo tuần:

- Thứ nhất, không nên đặt ra quá nhiều việc cần làm trong một ngày, vì nó gia tăng nguy cơ chán nản khi bạn không thể hoàn thành mọi thứ. Kể cả khi bạn có nhiều thời gian rảnh, hãy chỉ đặt ra một vài đầu việc quan trọng nhất trong ngày để ghi vào to-do list.

- Thứ hai, nên theo dõi những việc quan trọng cho sự phát triển cuộc sống của mình. Tốt nhất, chúng ta không nên bỏ qua điều gì đó quá ½ tuần. Muốn thi IELTS nhưng số ngày ôn luyện bài vở chỉ là 2/7 trong một tuần thì bạn thực sự nên xem lại vấn đề khiến mình không theo đuổi chúng tới nơi tới chốn.

Bí kíp ở đây là hãy ghi rõ mục tiêu bạn muốn đạt được. Ví dụ: hãy ghi ra “4 tiếng học IELTS, mỗi ngày 1 tiếng” và đánh dấu số giờ ấy trong tuần. Và bạn hoàn toàn có thể học hơn số giờ ấy. Tương tự với số chương sách cần đọc, số giờ tập thể dục, số bài báo nghiên cứu cần đọc…

- Thứ ba, hãy hoàn toàn thông cảm với những ngày bạn lỡ tuột mood. Đôi khi, đó là tín hiệu để bạn nghỉ ngơi nhiều hơn.

 

5. Có khoảng nghỉ thuần túy.

Celeste Headlee là một nhà báo đài phát thanh người Mỹ, tác giả, diễn giả trước công chúng với lối trình bày hài hước, mạch lạc và vô cùng thu hút. Mới đây bà đã cho ra mắt một cuốn sách mới mang tên Do Nothing: How to Break Away from Overworking, Overdoing and Underliving nhằm đưa ra cách giúp mọi người giải tỏa áp lực từ việc làm việc quá nhiều.

Nữ tác giải khuyên nhủ chúng ta cần có thời gian nghỉ ngơi và tĩnh dưỡng, vì "Không làm gì cả thực chất lại có thể giúp bạn làm việc tốt hơn".

"Việc tạm dừng kiểm tra công việc cho phép não bộ của bạn tìm thấy sự nghỉ ngơi thuần túy. Mặc dù nói vậy nhưng đây lại không một nhiệm vụ dễ dàng để thực hiện". Vì ngày nay, hầu như chúng ta đều đang không nghỉ ngơi đúng cách.

Do những trách nhiệm trong công việc và gia đình, đôi khi chúng ta vẫn nghỉ ngơi trong một trạng thái “lo âu về những việc chưa hoàn thành”, đặc biệt đối với một người có công việc freelancer như tôi và nhận việc liên tục, việc nghỉ ngơi thuần túy tưởng chừng đơn giản nhưng rất khó thực hiện vì nỗi ám ảnh về “deadline”, và tôi vẫn đang phải luyện tập nghỉ ngơi trọn vẹn thường xuyên.

Để dễ hình dung, Celeste có giải thích về sự “nghỉ ngơi thuần túy” theo hướng gần gũi: "Bạn không nướng bánh chỉ để khoe nó lên mạng xã hội. Bạn nướng bánh đơn giản vì bạn muốn ăn bánh mà thôi".

Ý tưởng ở đây chính là: hãy toàn tâm toàn trí làm điều bạn thích mà không cần chứng minh cho cả thế giới biết.

Và hãy nhớ rằng, làm những việc bạn thực sự THÍCH, dù có lập dị đến đâu, mà không phải vì xu hướng xã hội hay muốn khoe mẽ bản thân.

Giống như con tàu chạy trên đường ray cũng cần những nhà ga nhất định để nó dừng lại và cho bộ máy nghỉ ngơi, chúng ta cũng rất cần những lúc không làm gì (vốn dĩ là sở thích của rất nhiều người), hoặc làm những việc hoàn toàn nằm bên ngoài công việc, để tái tạo lại năng lượng.

Đôi khi từ đó, chúng ta lại nảy sinh những ý tưởng mới mẻ và có nhiều động lực làm việc hơn.

 

6. Gia tăng các phản xạ không điều kiện.

Nỗ lực quá nhiều cũng là một trong những lý do khiến bạn dễ nản và bỏ cuộc.

Một cuộc sống tốt đẹp hơn có nền móng là những hành vi, thói quen tốt nho nhỏ mỗi ngày.

Nhưng điều khó nhất chính là đưa được những thói quen ấy vào mỗi ngày sống, khiến bản thân cảm thấy dễ dàng hơn khi thực hiện chúng, và dần dần tiến đến trạng thái thực hiện chúng như những phản xạ không điều kiện, như việc chúng ta thở vậy.

Chẳng hạn, nếu chúng ta dọn giường ngay khi thức dậy, lâu dần, tâm trí chúng ta sẽ có thiên hướng ghét sự bừa bộn sau khi tỉnh ngủ, và thế là chúng ta sẽ luôn dọn giường theo một cách dễ dàng nhất có thể - không thúc ép - mỗi khi bắt đầu một ngày mới.

Hoặc như thói quen uống một cốc nước ấm ngay sau khi thức dậy, đã được chứng mình có rất nhiều lợi ích cho cơ thể, đã được tôi lặp đi lặp lại mỗi ngày trong suốt 6 năm vừa qua. Bây giờ, mỗi khi thức dậy, tôi đều vô thức đi đun nước uống mà không cần nỗ lực ghi nhớ phải làm chúng.

Khi ngày càng có nhiều những hành vi tốt được thực hiện dễ dàng đến thế, chẳng phải chúng ta đang có một cuộc sống được vận hành thật trơn tru đó sao?

Tôi rất thích một câu quote sau: “Isn’t it funny how day by day nothing changes, but when you look back, everything is different”. Nhiều người thường từ bỏ những thói quen tốt nho nhỏ sau một thời gian thực hiện vì không thấy ngay được những sự thay đổi lớn lao của bản thân, nhưng việc kiên trì thực hiện chúng ắt sẽ là nền móng cho thành công của bạn sau này. Mọi thứ sẽ thật sự khác biệt sau một thời gian dài bạn áp dụng những thói quen nhỏ ấy.

Bí quyết ở đây chính là đều đặn thực hiện các thói quen tốt để biến chúng trở nên những phản xạ không điều kiện – không đòi hỏi quá nhiều nỗ lực của bạn khi thực hiện chúng sau này.

Và để đều đặn thực hiện chúng, chúng ta cần phải “nhớ” đến chúng hằng ngày trong một thời đại có quá nhiều thứ thu nạp vào trí óc.

Để nhớ được việc cần làm những thói quen ấy, có một bí kíp vô cùng hiệu quả: hãy để chúng trong tầm mắt.

Ví dụ, để các sản phẩm chăm sóc tóc vào một chỗ tiện tay với khi bạn gội đầu để không quên bước nào. Tương tự với các sản phẩm skincare hay thực phẩm chức năng cho cơ thể.

Để bình nước trước mắt cách một khoảng không với tay tới được, để không quên dặn dò bản thân cần đứng dậy vươn vai sau một khoảng thời gian tập trung làm việc, tiện thể uống nước luôn.

Để một cuốn sách đầu giường, để dễ dàng mở ra đọc một vài trang trước khi đi ngủ.

 

7. Học cách trình bày.

Tôi có quen một người em gần nhà khiến tôi từng mệt mỏi khi phải trò chuyện cùng, và tôi đã thôi không còn trò chuyện quá nhiều với em ấy nữa, vì cảm thấy thời gian của mình bị lãng phí kha khá mà chẳng có nhiều thứ đọng lại.

Phong cách trò chuyện của em ấy luôn là “nửa thật nửa giả và rắc thêm rất nhiều lời bông đùa”. Tôi nhớ có một lần hỏi em được bao nhiêu điểm thi TOEIC, em nói ‘990 điểm’ (vốn là số điểm cao nhất của bài thi) khiến tôi chán chường (vì tôi cũng biết trình độ của em không đạt đến mức ấy). Nếu em lịch sự cười nói “em không muốn tiết lộ” thì tôi sẽ tôn trọng em ấy mà không hỏi thêm gì nữa ngay.

Trình bày ở đây không chỉ trong lời nói, mà còn trong hành động và tư duy, từ đó ảnh hưởng tới lối sống và cách lên kế hoạch của bản thân.

Một kế hoạch 5 năm, 10 năm chẳng hạn, nếu không biết cách trình bày cẩn thận, ngắn gọn, mạch lạc, dễ hiểu, tôi dám cá bạn sẽ mắc kẹt trong một mớ bòng bong những việc muốn làm, nên làm và chắc chắn phải làm.

Việc trình bày tốt, chỉn chu cũng giúp tiết kiệm thời gian cho chính chúng ta và những người khác. Trình bày tốt giúp mọi việc thông suốt, dễ hình dung, từ đó dễ thực hiện hơn, khiến cuộc sống trở nên có tổ chức hơn. Để làm được điều đó, hãy nhớ:

- Không nói đùa hay nửa đùa nửa thật, không đúng thời điểm, đặc biệt trong công việc và những vấn đề chung.

- Từ bỏ kiểu trò chuyện “rào trước đón sau”, vào thẳng vấn đề trong nhiều tình huống.

- Nói ngắn gọn, đúng trọng tâm. Luyện tập trình bày với giọng nói mạch lạc, rõ ràng, kiểu giọng “chỉ cần nghe một lần là hiểu”.

- Không ngại bày tỏ cảm xúc thật của bản thân, nếu thích thì bảo thích (không vì sĩ diện mà không muốn cho người khác biết mình đang vui), chán thì bảo chán, hay không vừa ý thì cứ bày tỏ.

---

Chúc bạn sống một cuộc sống trọn vẹn hơn, dễ dàng và đầy hiệu quả nhé!


Tác Giả: Jadie

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: Jadie

--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá +19,087,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

264 lượt xem, 97 người xem - 102 điểm