Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Âm Tiết Số 0 Và Sự Tổn Thương Trong Xã Hội Hiện Đại

Âm tiết số Không và cách để vượt qua tổn thương ?

“Hãy để nỗi đau sản sinh ra mục đích. Hãy để rắc rối trở thành thông điệp. Hãy để mọi chuyện trở thành bàn đạp chứ không phải vật cản. Hãy thay đổi.”

Tony Gaskins

Hầu như những người có sức ảnh hưởng nhất đến giới trẻ ngày nay như ca sĩ, nghệ sĩ,… đều có xu hướng nói về những vấn đề trầm cảm, buồn đau, lạc lõng. Điển hình như Billie Eilish vì nổi tiếng quá nhanh dẫn đến cô đơn bị trầm cảm lâu ngày và từng có ý định tự tử, Goo Hara bị cô lập đến mức trầm cảm và đã tự tử thành công ở nhà riêng sau 1 lần thất bại,… là hai ví dụ tiêu biểu.

GIỚI TRẺ TỰ SÁT NGÀY CÀNG NHIỀU, MẠNG XÃ HỘI CÓ PHẢI LÀ NGUYÊN NHÂN ?

Truyền thông xã hội nói chung và mạng xã hội nói riêng được nhiều người quy trách nhiệm cho các vụ tự sát ngày càng tăng của giới trẻ. Theo NIMH (Viện Nghiên Cứu Sức Khỏe Tâm Lý Mỹ), số lượng mắc bệnh trầm cảm là cao nhất ở những 18-25 tuổi, chiếm 10.9%, trong đó phái nữ dễ có nguy cơ trầm cảm hơn phái nam.

Một vài số liệu thống kê:

Tỷ lệ suy nhược tâm lý và cảm xúc trong độ tuổi 14-17 đã tăng thêm hơn 60%, độ tuổi 12-13 tăng 57% và độ tuổi 18-21 tăng 46%. Ngoài ra, trung bình một người thuộc độ tuổi 12-25 tại Mỹ sẽ trải qua một giai đoạn ảnh hưởng nặng nề trong cuộc sống theo Cục Sức khỏe và Con người Hoa Kỳ.

Theo Giáo sư tâm lý học Jean Twenge, tác giả cuốn sách “iGen” nói về tác động của mạng xã hội tới giới trẻ: “Rất nhiều bằng chứng đã chỉ ra rằng giới trẻ đang ngày một trở nên ‘buồn rầu’ hơn ngày trước”. Nguyên nhân được ông chỉ ra là “Một trong những lý do lớn nhất được xác định là smartphone, công nghệ số như mạng xã hội, nhắn tin, chơi game…”. Trái với những kỳ vọng khi công nghệ phát triển sẽ làm con người hạnh phúc hơn.

 

Khi khoa học và công nghệ làm cho thế giới phẳng đi thì theo một nghiên cứu được Cục sức khỏe và con người Hoa kỳ thống kê được, kể từ cuối thập niên 2000 tình trạng sức khỏe tâm lý và tinh thần của giới trẻ đã giảm đi rõ rệt, đặc biệt điều này xảy ra mạnh hơn ở những nước có nền khoa học hiện đại như Mỹ, Eu…Không khó hiểu khi các con số này liên quan mật thiết đến tần suất tự tử ngày càng tăng trong giới thanh thiếu niên.

Một số chuyên gia về sức khỏe tâm thần cho rằng việc giới trẻ sử dụng quá nhiều mạng xã hội cũng có thể là nguyên nhân khiến các bệnh lý về tâm thần thêm nghiêm trọng và dẫn đến nguy cơ tự tử nhiều hơn. Theo đó đã có một số nghiên cứu đã cho thấy sự liên quan giữa việc nghiện dùng điện thoại thông minh với hội chứng lo âu, trầm cảm, mất ngủ ở giới trẻ.


Thời đại mà mạng xã hội như một cuộc sống thứ hai, ví dụ như ở Nhật Bản, một quốc gia không mấy mặn mà chuyện yêu đương, ở nơi mà đa số phụ nữ được dạy cách sống độc lập và độ tuổi kết hôn cao hơn trung bình các nước khác. Con người không mấy “ưa thích” với nhu cầu kết nối, họ quan tâm cuộc sống trên mạng hơn cuộc sống thực. Một ví dụ ở chính xung quanh chúng ta là trong một cuộc trò chuyện cà phê thì vẫn tồn tại những người “say mê” nhắn tin cho người không có mặt. Con người càng mất kết nối, càng trở nên lạc lõng. Càng lạc lõng lại càng có xu hướng tìm đến mạng xã hội. Càng tìm đến mạng xã hội lại càng mất kết nối.

Mạng xã hội tác động đến con người, làm cho con người nhạy cảm, dễ bị tổn thương. Và đôi khi nó làm cho con người có vẻ vô cảm và nhẫn tâm hơn. Một sự kiện xảy ra trên mạng xã hội, người ta sẵn sàng lên mạng “ném đá” với nhau và sử dụng từ ngữ khó nghe nhất.

KHI CUỘC SỐNG KHÔNG PHẢI LÀ ƯỚC MƠ ?

Một trong những nguyên nhân của trầm cảm nữa là người ta cảm thấy thất bại khi không đạt được lý tưởng của cái tôi quá cao mà họ đã đặt ra. Rối loạn trầm cảm nếu không được nhận biết và can thiệp kịp thời có thể dẫn tới những ý tưởng tự sát. Theo một thống kê ở Mỹ thì cứ 60 người chết lại có 1 người có ý tưởng tự sát. Chắc hẵn ai cũng biết đó không phải là một sự trùng hợp.

Ông bà chúng ta sống trong thời kỳ khó khăn, bị bủa vây bởi nghèo đói. Cha mẹ chúng ta sinh ra được dạy rằng chỉ cần một cuộc sống ổn định, đủ ăn, đủ sống là được. Sau đó, vào đầu những năm của thế kỷ 21, kinh tế thế giới bước vào thời kỳ tăng trưởng tốt, cha mẹ chúng ta làm được nhiều hơn những gì mà ông bà ta mong đợi. Do đó, họ dạy cho chúng ta- giới trẻ ngày nay, khắt khe hơn với những kì vọng vừa tầm. Sự kì vọng nhiều dẫn đến hai trạng thái tâm lý, đó là so sánh “con nhà người ta” ở cha mẹ và dẫn đến nhiều người trẻ ảo tưởng về năng lực bản thân.

So sánh “con nhà người ta”

Một trong những điều mà khi đi học tôi ám ảnh nhất, đó là tâm lý so sánh với bạn bè cùng trang lứa của phụ huynh. Những câu nói “mày xem thằng A kìa, tự giác học hành chả bao giờ đợi nhắc nhở”,“trong lớp con đứng hạng mấy”... khiến việc học đã vất vả nay lại thêm mệt mỏi và căng thẳng.

Ảo tưởng năng lực thái quá

Một phần thanh thiếu niên do được cha mẹ bao bọc nên dẫn đến thất vọng khi ra xã hội thực tế nghiệt ngã. Họ có thể đánh mất cảm xúc khi bị chất vấn năng lực. Khi họ tốt nghiệp đại học, nhiệt huyết tuổi trẻ thôi thúc bản năng con người muốn cống hiến. Họ muốn làm giàu cho bản thân, xây dựng xã hội nhưng đến khi xin việc, nhà tuyển dụng đòi hỏi những năng lực mà anh(chị) ta không đủ đáp ứng, phỏng vấn nhiều lần thất bại thành nản chí.


Theo góc nhìn tâm lý học, tháp nhu cầu Maslow, nhu cầu được đánh giá, được tôn trọng là nhu cầu bậc cao (bậc 4), xuất phát khi cả 3 nhu cầu phía dưới đều đạt được ( Hầu hết sinh viên tốt nghiệp đại học đều đạt đủ 3 nhu cầu phía dưới: Sinh lý, an toàn và liên kết). Kỳ vọng lớn lao sụp đổ, thất vọng còn nhiều hơn nên sẽ dễ bị suy sụp tâm lý.


Âm tiết số 0 – Phép thử của lòng tin?

Khi buổi thí nghiệm được diễn ra năm 1974, không một ai, kể cả bản thân cô nghệ sĩ trẻ 28 tuổi Marina biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Marina đứng giữa đám đông, xếp xung quanh mình 72 món đồ vật, từ chiếc lông vũ mỏng manh cho tới dao găm và khẩu súng lục đã lên đạn.

Cô nói rằng sẽ đứng im trong 6 giờ, ai muốn làm gì cũng được, Marina đã cam kết trước rằng sẽ không có kiện cáo hay bất cứ điều gì liên quan đến pháp luật xảy ra, và điều đó đã làm đám đông yên lòng để có thể bộc lộ sự hung tàn.

Ban đầu, tất cả khán giả đều nhút nhát và nhẹ nhàng, họ chỉ vuốt ve cô bằng chiếc lông vũ, chải tóc bằng cái lược nhỏ. Nhưng bạo lực dần tăng lên từng giây khi đám đông bắt đầu cắt nát quần áo của Marina, ghim cành hoa hồng lên cơ thể, tát, đánh, gí súng vào đầu. "Âm tiết số 0" đã trở thành những giai điệu hung hăng và chết chóc.


SỰ LIỀU LĨNH VĨ ĐẠI

Theo nhà tâm lý học Brené Brown thì tổn thương xuất phát từ “văn hóa không bao giờ là đủ”, coi trọng sự hoàn hảo đã ăn sâu vào con người nhiều thế hệ. Chúng ta tự thấy mình không đủ giỏi, không đủ giàu, không đủ thông minh…rồi chúng ta tổn thương. Sự tổn thương khiến chúng ta từ chối kết nối, thu mình lại với thế giới xung quanh.


Nếu bạn né tránh những gì gây ra tổn thương, bạn sẽ làm rạn nứt sự kết nối. Kìm nén những tổn thương cũng đồng thời với việc đóng băng sự biết ơn, niềm hạnh phúc,…Nếu bạn không dám đối mặt với tổn thương, nếu để tổn thương mặc sức hành hạ bạn thì đến một ngày nào đó đau thương sẽ giết chết bạn.

Dũng cảm đối mặt với tổn thương được Brené Brown xem là một sự liều lĩnh vĩ đại. Những người dám dấn thân vào cuộc đời, dám đối mặt tổn thương là những người sống toàn tâm và theo nghiên cứu của bà thì những người này là những người hạnh phúc trong cuộc sống của mình.

KHÁI NIỆM NGƯỜI TOÀN TÂM:

Người toàn tâm rất đơn giản, họ là những người có dũng khí để nhận mình là người không hoàn hảo. Bởi vì không hoàn hảo, nên họ biết cách tha thứ cho chính mình, tử tết với chính mình và sau đó là với người khác. Bởi vì không ai có thể đối chân thành với người khác nếu như chúng ta không đối xử tốt với chính mình. Những người toàn tâm từ bỏ khuôn mẫu mà họ muốn đạt tới, họ thấy không thực sự cần thiết để bất chấp đạt tới lý tưởng cao họ đề ra, họ muốn trở lại thành bản thân mình. Và thay vì vươn tới cái tôi, họ dành cuộc sống này để kết nối với nhân loại.

Tập cách sống Toàn Tâm, chấp nhận mình là người không hoàn hảo, thay vì hướng đến sự cầu toàn, cần phải được rèn luyện mỗi ngày. Sống toàn tâm cũng là một cách để thoát khỏi sự tổn thương.

VẬY CẦN LÀM GÌ ĐỂ THOÁT KHỎI TỔN THƯƠNG

"Nếu bạn để mặc cho đám đông quyết định sự sống chết của chính mình, thì đến lúc nào đó, họ sẽ giết bạn", Marina chia sẻ sau buổi diễn với những vết thương tràn ngập cơ thể.

Buổi biểu diễn ám ảnh của Marina đã tiết lộ những góc tăm tối của con người, cũng giống như thí nghiệp nhà tù Stanford của Philip Zimbardo hay thí nghiệm vâng lời của Stanley Milgram, Marina đã chứng minh được rằng con người sẵn sàng làm hại đồng loại nếu người đó không có khả năng chống cự.

Đám đông reo hò và sự bất lực của nạn nhân - chính là kích thích tố để những khán giả của Marina đối mặt với sự hung tàn tăm tối nhất của mình.

Nhưng nếu bỏ qua lông vũ và dao găm, chỉ có internet và bàn phím, liệu bạn có chắc rằng mình chưa từng cùng đám đông làm tổn thương ai đó chỉ bằng những con chữ?


Một số vụ tự tử vì mạng xã hội:

Ngày 27.6.2013, Nữ sinh N.T.C.L (lớp 12, Thạch Thất, Hà Nội) tự tử vì bị đăng ảnh bêu xấu và miệt thị trên facebook. Ngày 17.6.2015 N.T.A.T, nữ sinh lớp 9 của một trường THCS ở H.Cẩm Mỹ (Đồng Nai) đã tự tử bằng cách uống thuốc diệt cỏ do bị phát tán clip nóng và những bình luận ác ý từ dân mạng. Hay một số vụ tự tử vì mạng xã hội trên thế giới. Nổi tiếng là: Tháng 9.2013, bé gái Rebecca Ann Sedwick (12 tuổi, ở bang Florida, Mỹ) đã nhảy lầu tự tử. Cảnh sát đã kết luận bé gái này chết vì bị tác động bởi những lời bắt nạt trên mạng xã hội. Ngày 29.5.2015, bé gái 13 tuổi người Mỹ Izabel Laxamana đã nhảy cầu tự tử. Nguyên nhân dẫn đến sự việc này được cho là bị bố tung video clip bêu xấu lên mạng. 

Xác định tổn thương

Để thoát khỏi tổn thương, đầu tiên bạn phải xác định được những tổn thương của mình. Bạn cần phải viết, kể ra hoặc ít nhất là phải biết được tổn thương của mình, đây là điều đầu tiên cũng là điều quan trọng nhất. Nếu như bạn không hiểu được bạn bị ám ảnh bởi điều gì thì cũng không khác gì bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhân nhưng lại không biết vấn đề của họ.

Nguyên nhân tổn thương có thể là chúng ta quá cầu toàn dẫn đến thất vọng, có thể tổn thương đến từ bên ngoài, cha mẹ do quá kì vọng vào bạn dẫn đến làm bạn tổn thương mà họ không hay biết hay sự tổn thương tâm lý từ những bình luận ác ý trên thế giới ảo.

Chia sẽ tổn thương

Chia sẽ tổn thương không phải là kiểu chia sẽ thái quá bằng phương tiện truyền thông, bạn không thể đăng lên facebook và nói “tôi đang bị tổn thương, tôi đang cần sự giúp đỡ”. Làm như vậy chỉ giúp ích cho việc kẻ làm tổn thương bạn thêm hả hê và cố gắng khoét sâu vào nỗi đau của bạn. Mà nó là sự chia sẽ cảm xúc cho những người muốn lắng nghe. Đơn nhiên bạn phải biết ai là người đứng cùng và chiến đấu cùng ta trên một trận địa. Những người này sẽ không bao giờ chỉ trích khi chúng ta sai lầm.

Gia đình là nơi con người có thể trở về với bản thể của mình. Nơi ta có thể trở thành can đảm nhất hoặc sợ hãi nhất. Đó là nơi bản chất của ta được thể hiện. Đó là nơi ta chia sẽ những câu chuyện khó nói nhất, những khoảnh khắc đáng sợ nhất hay tủi thân nhất nơi bên ngoài… có những người con xa gia đình đối mặt với bao nhiêu gian truân, vất vả, đối mặt với sự lừa lọc, dối gạt nhưng trông họ vẫn ổn, bên ngoài xem như không có vấn đề gì. Nhưng khi gọi điện về cho cha mẹ ở quê nhà, mẹ hỏi thăm “con có vất vả lắm không ?” thì họ lại òa khóc như một đứa trẻ con. Con người không thể vượt qua tổn thương nếu cứ một mình xoay sở. Chia sẽ là cách hay nhất và cũng là liều thuốc ngắn nhất đê vượt qua “căn bệnh” tổn thương. Chúng ta phải đánh giá được mình cần gì, đáp ứng được nhu cầu của bản thân thì mới có khả năng lắng nghe và mở rộng trái tim với tâm thế chia sẽ và không phán xét người khác.


Cô đơn thật đáng sợ. Nó giết chết con người ta một cách từ từ, bằng sự đau khổ gặm nhấm từng ngày. Ai trải qua rồi mới có thể hiểu được. Cảm giác ấy nó tồi tệ đến mức nào. Bạn sẽ ra sao nếu gia đình bạn không đủ bình yên và êm ấm cho bạn dựa vào ?

Khi ta dám đương đầu với tổn thương, con người sẽ tìm được sức mạnh cần có để đối kháng lại nó theo cách thích hợp với bản thân chúng ta. Chúng ta sẽ giảm được tình trạng mang người thân ra trút giận cho những rắc rối bên ngoài kia xã hội.

Nỗi đau giúp bạn học được nhiều điều:

Sống thật tốt, đừng quá nhạy cảm, đừng quá suy nghĩ, suy nghĩ nhiều cũng chỉ làm bản thân tổn thương mà thôi. Người nói thì vô tâm nhưng người nghe lại để bụng, một câu nói vô tình cũng làm bản thân nghĩ ngợi quá nhiều thì làm sao mà không phiền muộn. Có một số chuyện người nói đã quên nhưng người nghe thì cứ nhớ hoài.

Dan Baker Nhà tâm lý học đồng thời cũng là đạo diễn truyền hình, người đã từng trải qua nhiều đau khổ và tuyệt vọng : “Tôi nhận ra lạc quan thực sự là như thế nào: đó là nhận thức rằng đau khổ càng nhiều, bài học càng sâu sắc. Có rất nhiều bài học trong cuộc đời mà ta không hề muốn học. Bạn không thể chỉ kể cho ai đó những bài học này và mong họ trở nên khôn ngoan. Sự khôn ngoan chỉ đến qua con đường đau khổ”. Sau này trải qua giai đoạn khó khăn thì bạn mới nhận ra rằng điều gì làm trái tim bạn tan nát cũng giúp trái tim bạn rộng mở, tôi đã nhận ra như thế, còn bạn, bạn đã nhận ra chưa ?



Tác Giả: Hải Đường, SV @ Đại học sư phạm

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100038414825058

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

445 lượt xem, 426 người xem - 431 điểm