Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Anime Xu Hướng "Demon Slayer" Và Bài Học Từ Tấn Bi Kịch Của Lòng Đố Kỵ

Lưu ý: chứa spoil nội dung phim!

 

Một người bạn của tôi đã có lần bày tỏ quan điểm của cô ấy: “Bà có nghĩ rằng nền công nghiệp nghệ thuật điện ảnh của Việt Nam không phát triển là do chúng ta ít có tinh thần triết học không?”


Hiển nhiên vào lúc đó tôi vẫn chưa có quan điểm, nên chỉ gật đầu tiếp nhận.

 

Tuy nhiên, lời nhận xét đó khiến tôi suy nghĩ đến tận bây giờ!

 

Triết học đã xuất hiện kể từ khi con người bắt đầu nhận thức thế giới xung quanh, có thể triết học đã được bắt đầu từ sự kinh ngạc. Con người đã và luôn kinh ngạc trước những vấn đề mà họ vẫn chưa thể nhận được lời giải đáp.

 

Bất cứ khi nào con người còn tồn tại, họ vẫn sẽ tiếp tục suy tư về đời sống này. Triết học không chỉ là một môn học, mà nó đã nhanh chóng hòa làm một với con người, hóa thành chính cách sống của họ. Từ lúc con người đầu tiên bắt đầu đặt câu hỏi về thế giới, triết học chính thức trở thành hơi thở của con người.


Vậy thì triết học từ xưa đến nay chỉ là sự suy tư của con người về thế giới. Chưa bao giờ là thứ trang sức tô điểm kệch cỡm cho đầu óc của bất kỳ một ai.  


Chính vì lẽ đó thay vì tập trung vào những trang sách nhức đầu và tối nghĩa của Heidegger hay Hegel với cái “Ý niệm tuyệt đối” gì đó, thì những áng tạp văn của Cao Huy Thuần lại đưa người đọc đến với triết học một cách nhẹ nhàng, hợp ý tôi hơn.  

 

Việt Nam “ít” có tinh thần triết học. Lịch sử của một dân tộc tang thương bởi chiến tranh từ năm này qua tháng nọ đã cướp mất thời giờ “suy tư” của họ. Tuy nhiên, những bậc thầy như nhà văn Cao Huy Thuần là một trong số những người đã thật sự sống với triết học, và triết học là đời sống của họ.

 

Những câu chuyện đầy nhẹ nhàng như “Thấy Phật”, “Sợi tơ nhện”, “Chuyện trò”,... đã chứng minh rằng triết học không phải là thứ trang sức để tô điểm kệch cỡm. Những trước tác của ông đã khẳng định rằng triết học không phải là đặc quyền của một số ít người cao siêu, mà đó là tài sản chung của tất cả mọi người, là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, tựa như hơi thở.

 

Triết lý thấm nhuần qua từng câu văn giản dị, những câu chuyện rất đơn giản. Nhưng qua đó là những bài học sâu sắc về cuộc sống, về tình người, tình yêu, tôn giáo và những giá trị đầy nhân văn.Ông chỉ truyền tải những tư tưởng triết học một cách tự nhiên, giản dị và gần gũi như thế, giúp độc giả dễ dàng tiếp cận và thấu hiểu.

 

Một ví dụ tiêu biểu hiếm hoi cho việc áp dụng triết học vào lĩnh vực văn học. Thế còn lĩnh vực điện ảnh, kịch,... hay thậm chí là hoạt hình thì sao!?

 

Demon Slayer, dạo gần đây đã được chú ý trở lại nhờ vào Animation - đồ họa sống động. Dù phần nội dung được đánh giá thấp hơn hẳn phần nhìn, nhưng cũng không khó để nhận thấy rằng trong Demon Slayer vẫn ẩn giấu những triết lý sâu sắc v nhân sinh. Nổi bật với các cảnh hành động mãn nhãn, bộ phim vẫn mang trong mình những thông điệp đầy giá trị về tình yêu, tình cảm gia đình, lòng dũng cảm, sự đối lập giữa thiện và ác, giữa nhân tính và phi nhân tính và lòng hy sinh...

 

Demon Slayer là câu chuyện phiêu lưu đầy cảm xúc, theo chân Tanjiro Kamado, một cậu bé tốt bụng sống trong một ngôi làng nhỏ cùng gia đình. Một ngày nọ, sau khi trở về nhà từ thị trấn, Tanjiro kinh hoàng phát hiện ra cả gia đình mình đã bị sát hại bởi quỷ, chỉ có em gái Nezuko còn sống nhưng đã bị biến thành quỷ. Dù đã trở thành quỷ, Nezuko vẫn giữ được phần lớn nhân tính và không tấn công Tanjiro. Quyết tâm trả thù cho gia đình và tìm cách chữa trị cho em gái, Tanjiro gia nhập Sát Quỷ Đoàn, một tổ chức bí mật chuyên tiêu diệt loài quỷ để bảo vệ nhân loại. Trong cuộc hành trình, Tanjiro gặp gỡ và kết bạn với những đồng đội mới, bao gồm Zenitsu Agatsuma, Inosuke Hashibira. Họ đối mặt với nhiều loại quỷ mạnh mẽ và tàn ác, đặc biệt là những Thượng Huyền Quỷ dưới quyền Muzan Kibutsuji - thủ lĩnh của loài quỷ và kẻ đứng sau cái chết của gia đình Tanjiro.


Demon Slayer đã chứng minh rằng ngay cả trong lĩnh vực hoạt hình, triết học vẫn dành cho mình sự hiện diện.


Con người đến với triết học không chỉ bằng những cuốn sách dày cộm và khó hiểu, hay những bài luận văn tối nghĩa, phức tạp, mà triết học còn có thể xuất hiện trong muôn vàn những hình thức nghệ thuật đa dạng một cách rất nhẹ nhàng và gần gũi như thế.


Đối với tôi, những ai có thể truyền tải được những tư tưởng triết học thông qua nghệ thuật chính là những “bậc thầy”!


Tôi thắc mắc, những ai đã trải nghiệm qua tác phẩm này, liệu câu chuyện của nhân vật nào đọng lại sâu sắc nhất trong suy nghĩ của họ sau tất cả? Mỗi nhân vật trong Demon Slayer đều mang trong mình những câu chuyện riêng”. Thậm chí, trước khi trở thành quỷ dữ, họ cũng đều đã từng sống một cuộc sống như biết bao những con người bình thường khác.


Hai anh em Gyutaro và Daki sống trong khu ổ chuột và bị xã hội ruồng bỏ hay Akaza sống trong một gia đình nghèo khổ và phải chịu đựng nỗi đau khi cha mẹ và vị hôn thê bị sát hại. Hoặc thậm chí là tên quỷ phản diện chính - Muzan đã phải thống khổ vì căn bệnh nan y dày vò từ tấm bé. Sự hóa quỷ khiến hắn bất tử và sống cô đơn qua hàng trăm năm. Đó thậm chí còn không phải là sự lựa chọn của chính hắn, mà chỉ là hậu quả của một quyết định vô cùng tuyệt vọng để cứu sống bản thân.

 

Nhưng nếu có một ai đó ‘hóa quỷ chỉ vì lòng đố kỵ, thì một khi màn đêm của sự vô minh tan đi, họ sẽ chợt nhận ra cái giá phải trả  quá khủng khiếp! Lòng đố kỵ tựa như một con rắn độc, từng bước len lỏi vào sâu thẳm của tâm hồn và đầu độc suy nghĩ mỗi cá nhân. Thế nhưng, nó lại có sức hấp dẫn kỳ lạ, cuốn hút không ít triết gia phải suy ngẫm về nó.

 

Tất nhiên điểm chung giữa họ là đều không đánh giá cao đức tính này cho lắm. Lòng đố kỵ ẩn giấu chính nó, lặng lẽ ngụ sâu bên trong tim của mỗi con người. Lòng đố kỵ tựa như một mồi lửa than, chỉ chực chờ chủ nhân của nó châm mồi để bùng cháy thành ngọn lửa tàn phá tất cả!

 

Lòng đố kỵ từ đâu đến? (và ngươi sẽ đi về đâu?). Khi con người so sánh bản thân họ với người khác thì nó vẫn chưa xuất hiện. Nhưng, lòng đố kỵ sẽ bắt đầu len lỏi khi con người bước đầu vạch ra ranh giới giữa "ta" và "họ".

 

Ngay vào thời khắc đó là lúc xuất hiện một sự phân biệt vô hình. Đó có thể là sự phân biệt cao - thấp, giỏi - dở, đẹp - xấu, giàu - nghèo,... Những cặp đối lập bắt đầu xuất hiện, mà có đối lập thì có mâu thuẫn, và khi có mâu thuẫn là có đau khổ.

 

Khi mồi lửa của lòng đố kỵ bên trong ta bùng lên, chúng sung sướng rực cháy đỏ lòm cả mặt mũi. Kể từ lúc đó, “niềm vui của người khác trở thành nỗi buồn của chính ta, thành công của họ trở thành sự thất bại của ta. 

 

Demon Slayer đã chứng minh cho chúng ta thấy lòng đố kỵ có thể phá hoại cuộc đời của chính chủ nhân của nó chứ chẳng ai khác, một cách không nương tay.

 

Từ thuở bé cho đến khi chết đi, cuộc đời của Thượng Huyền Nhất - Kokushibo là một tấn bi kịch! Nhưng anh ta cũng chỉ là một hình tượng, một nhân vật hư cấu mà tác giả đã khắc họa nên nhằm đại diện cho vô vàn con người đang mắc phải cái bẫy độc hại này.

 

Bi kịch của Kokushibo cũng chính là lời nhắc nhở về cái giá phải trả khi cố chấp đánh đổi mọi thứ chỉ để đạt được mục tiêu mù quáng, mà quên mất những giá trị đầy ý nghĩa vẫn còn đang thường hằng tồn tại. Một tấn bi kịch không chỉ của riêng anh ta mà còn của vô vàn con người trong đời sống hiện thực.

 

Một khi bức màn vô minh được vén lên, cũng là lúc cả cuộc đời của Kokushibo đã bị hủy hoạt đến không còn gì.

 

Câu hỏi cuối cùng của Kokushibo tự hỏi mình, hay một câu trần thuật, hoặc một lời thú tội với em trai anh ta “Rốt cuộc anh sinh ra trên đời này là để làm gì? Hãy nói cho anh biết đi, Yoriichi?”

 

Đến giây phút cuối cùng, Kokushibo ra đi ngập chìm trong tội lỗi, nhưng anh ta vẫn không thể rũ bỏ lòng đố kỵ của mình, đến mức đánh đồng sự tồn tại của chính mình với sự hoàn hảo của em trai!

 

“Anh sinh ra để làm gì khi một con người hoàn hảo như em đã tồn tại!?”

 

Hãy thử đổi nội dung lời thoại của Kokushibo lại, sẽ cho ra kết quả của nhiều “suy nghĩ lầm lạc” vẫn đang ngày đêm dày vò chính bản thân họ.

 

“Nếu chị giỏi hơn con như thế, thì mẹ còn sinh ra con làm gì!?”

 

“Nếu không có nó thì thành tích của mình sẽ được nhiều người công nhận hơn!”

 

Tôi lại nghĩ Kokushibo thật sự tồn tại. Tồn tại ở bất kỳ đâu trong những tâm hồn bị ám ảnh bởi sự so sánh và ganh đua. Những suy nghĩ như “Nếu chị giỏi hơn con như thế, thì mẹ còn sinh ra con làm gì!?” hay “Nếu không có nó thì thành tích của mình sẽ được nhiều người công nhận hơn!” là biểu hiện của lòng đố kỵ và bất mãn. Chúng len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống, khiến con người trở nên u uất và lầm đường lạc lối.

 

Kokushibo chính là hiện thân của những con người không thể chấp nhận bản thân mình, luôn cảm thấy họ bị đe dọa bởi sự thành công của người khác và không ngừng tự vấn về giá trị tồn tại của chính mình.

 

Gã đã dùng tất cả mọi thứ mà mình đã đánh mất chỉ để nhắc nhở chúng ta rằng sự hoàn hảo không nằm ở việc vượt qua người khác, mà ở việc hiểu và chấp nhận chính mình. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể thoát khỏi vòng xoáy của lòng đố kỵ vô nghĩa và tìm thấy hạnh phúc thực sự.

 

Kokushibo có một người em trai song sinh là Yoriichi - thợ săn quỷ huyền thoại và cũng là người sáng lập ra Hơi Thở Mặt Trời, hơi thở mạnh nhất. Từ khi còn nhỏ, Kokushibo luôn ganh tỵ với em trai Yoriichi vì tài năng thiên bẩm.

 

Kokushibo luôn cảm thấy mình không thể sánh bằng em trai Yoriichi, dù đã cố gắng hết sức. Đến cả việc sáng tạo ra và sử dụng Hơi Thở Mặt Trăng thì cũng chỉ là sự nỗ lực của Kokushibo nhằm bắt chước Hơi Thở Mặt Trời của em trai.

 

Không ít những người trẻ mắc phải sai lầm tựa như Kokushibo. Khi họ đã cố gắng tạo ra một sản phẩm tuyệt vời. Nhưng hằn sâu bên trong đó lại là sự thù thắng đối với một sản phẩm của người khác.

 

Thay vì tự hào và hãnh diện vì đó là sản phẩm của bản thân mỗi người trong chúng ta. Tự hào vì đó là kết quả của biết bao sự nỗ lực của những tháng ngày vừa qua, thì chúng ta lại thẳng thừng rũ bỏ nó. Tệ hơn khi chúng ta gán cho sản phẩm của mình chỉ là phiên bản “nhái lại” của người khác.

 

Kokushibo đã vô cùng tức giận khi không thể luyện ra hơi thở mạnh mẽ nhất như em trai Yoriichi - Hơi Thở Mặt Trời và gán cho Hơi Thở Mặt Trăng của anh ta là một “phiên bản khác thấp kém hơn”.

 

Lòng đố kỵ đối với em trai đã ăn sâu vào tâm trí Kokushibo, khiến anh trở nên mù quáng. Việc hóa thành quỷ cũng chỉ vì Kokushibo đã được hứa hẹn rằng điều đó sẽ có thể giúp anh vượt qua em trai mình - Yoriichi và trở thành người mạnh nhất.

 

Từ một con người có phẩm giá, giờ đây đã trở thành quỷ dữ, mất hết nhân tính. Tất cả chỉ vì lòng đố kỵ!

 

Người đọc chê cười Kokushibo ngu ngốc nhưng liệu ở xã hội ngoài kia, biết bao con người đã buông bỏ tất cả phẩm giá của mình chỉ vì lòng đố kỵ!?

 

Dù đã trở thành quỷ song Kokushibo vẫn không thể hoàn toàn thỏa mãn. Anh sống trong sự cô đơn và hối hận về những quyết định đã đưa anh đến tình trạng này.

 

Em trai của anh đã mất từ lâu vì tuổi già, trong khi Kokushibo vẫn còn mãi luân hồi đau khổ trong sự ganh đua với em trai mình. Sự bất tử chỉ khiến Kokushibo càng thêm thống khổ!

 

Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy rằng: "Đừng so sánh mình với người khác. Người này tài giỏi hơn, người kia giàu có hơn. Hãy luôn so sánh với chính mình của ngày hôm qua, để thấy sự tiến bộ và tự hoàn thiện."

 

Một nhà văn người Pháp cũng “triết lí” không kém Đức Phật, Balzac đã từng nói: “Người có tính ghen tị đau khổ hơn bất cứ ai, bởi hắn ta phải cộng dồn hạnh phúc của người khác cùng với sự ghen tỵ của bản thân, cuối cùng làm cho chính mình đau khổ hơn gấp nhiều lần”.

 

Sự hóa quỷ của Kokushibo là một câu chuyện bi thảm về một con người bị lạc lối trong ngọn lửa của lòng sân hận. Điều này làm cho nhân vật của Demon Slayer trở nên cực kỳ phức tạp và đáng thương.

 

Người đọc nếu cảm thông với nhân vật này thì có lẽ sẽ vẽ ra một kết cục khác.  Kokushibo vẫn sẽ thay em trai mình thừa kế gia tộc, thay vì bỏ lại sản nghiệp, vợ và con thơ, bỏ lại tất cả để đuổi theo lòng sân hận của mình.


Hắn sẽ gạt bỏ lòng đố kỵ sang một bên, tập trung vào việc xây dựng gia đình và dìu dắt em trai Yoriichi trưởng thành. Hắn sẽ trở thành trụ cột vững vàng, che chở cho em trai để cậu ấy an tâm làm nhiệm vụ diệt quỷ.


Dưới sự dẫn dắt của Kokushibo, Yoriichi lớn lên sẽ trở thành một kiếm sĩ tài năng và nhân hậu. Hai người họ cùng nhau, sát cánh chiến đấu chống lại bè lũ quỷ dữ, bảo vệ con người.


Đó cũng chính là giải pháp của Đức Phật. Ngay từ đầu, việc so sánh hai con người khác nhau đã là sai trái. Tức giận và đố kỵ chỉ bởi vì giá trị riêng biệt của hai con người hoàn toàn khác nhau lại càng không đúng! Dù cho có là anh/ em trai song sinh nhưng vẫn không phải là một! Và, nếu đã là những cá thể tồn tại độc lập với nhau, mỗi người sẽ tự sở hữu thứ giá trị và phẩm giá của riêng mình.

 

Nếu Immanuel Kant cho rằng cá thể nào từ khi sinh ra với tư cách là một con người thì sẽ tự có một thứ “phẩm giá’ người của riêng mình và nó vô cùng cao quý.  

 

Vậy thì chúng ta bình đẳng! Bình đẳng vì đều cùng là con người, đều có phẩm giá cao quý của riêng mình. Chính vì thế, Kant khuyên tha nhân nên dựa vào thứ “quyền tự nhiên” này để trân trọng giá trị bản thân, không nên so sánh với người khác. 

 

Aristotle của Hy Lạp Cổ đại lại càng rõ ràng hơn, ông phân biệt ra hai loại đố kỵ: đố kỵ tốt và đố kỵ xấu. Lòng đố kỵ của Kokushibo chắc chắn là đố kỵ xấu. Không những hắn hủy hoại chính bản thân mình mà còn hủy hoại cả những người khác. Trải qua hàng trăm năm, Kokushibo sớm đã quên đi gương mặt của phụ thân và mẫu thân hắn, cả vợ con, bạn bè, hay gia tộc,... Nhưng duy chỉ còn gương mặt của người em trai hắn - Yoriichi vẫn như thứ chất độc hằn sâu trong tâm can gã.

 

Lòng đố kỵ sẽ không bao giờ nguôi ngoai. Chúng là căn bệnh di căn, chỉ chờ đến khi nạn nhân tự - phản tư lại chính mình, nhận ra và sửa đổi bản thân. Nếu không, dù trải qua biết bao năm tháng, nó vẫn còn ở đó...

Tác Giả: Nguyễn Trần Như Ngọc

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại linkhttps://www.facebook.com/profile.php?id=100011670243463

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +15.000.000 VND/tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

198 lượt xem, 161 người xem - 177 điểm

lh-fulllh-x