Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Áp Lực Khi Xung Quanh Toàn Những Người Ưu Tú

Sống giữa một tập thể toàn những người giỏi giang, người thì thạc sĩ nọ, tiến sĩ kia khi tuổi đời còn rất trẻ, người thì vừa ra trường đã có ngay việc làm tại những tập đoàn danh tiếng, người thì kinh doanh đủ các loại mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, rồi thì người tham gia các cuộc thi nổi tiếng và giành được các danh hiệu cao, được nhiều người hâm mộ,… Chà, quả thật là không quá xa lạ với rất nhiều người trong chúng ta nhỉ. Trong một xã hội mà những con người ưu tú có thể dễ dàng được tìm thấy ở bất cứ đâu, thì tồn tại cùng với họ quả là một thử thách không nhỏ. Mà rồi suy cho cùng, không một ai có thể tránh khỏi việc suy nghĩ, dù chỉ là thoáng qua, rằng mình đang thật kém cỏi và chẳng là gì khi đem ra so sánh với những người xung quanh. Một áp lực khổng lồ vô tình được đặt lên vai, và lắm khi, khiến con người ta mù quáng theo đuổi những giá trị bắt chước và cố gắng tạo nên hình hài của một người không phải chính bản thân mình.

 

TÔI THẬT KÉM CỎI

Chính xác. Đó sẽ là suy nghĩ rất dễ hiểu khi quanh ta có quá nhiều những người giỏi giang. Cảm giác như bản thân luôn thấp hơn người khác một bậc. Vì sao vậy? Vì họ làm được những điều chúng ta không làm được hoặc những điều chúng ta hằng mong ước, luôn cố gắng để vươn tới. Thường thì cảm giác tự ti sẽ là điều đầu tiên chúng ta gặp phải nếu tiếp xúc và đề cập đến vấn đề này. Như trong một buổi họp lớp thường niên, mọi người ai cũng vui vẻ kể lại những kỉ niệm vui ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, những trò nghịch ngợm, những nắm tháng vô tư bên nhau, rồi bỗng nhiên một người hỏi cuộc sống hiện tại của mọi người ra sao rồi? Một câu hỏi đơn giản, và mang tính chất quan tâm, nhưng cũng khiến bạn cảm thấy ngại ngùng và như né tránh để trả lời. Sẽ mặc cảm biết bao khi bạn bè xung quanh hồ hởi kể về những dự án khởi nghiệp, những cửa hàng doanh thu ngất ngưởng, rồi cuộc sống ổn định ngay cả khi còn rất trẻ. Nhìn lại mình, chưa có gì trong tay, đang vất vả, cố gắng từng ngày với công việc, mọi thứ vẫn chưa đâu vào đâu cả, chỉ dám chia sẻ với mọi người: “Tớ cũng tạm ổn thôi.” Xung quanh mình, ai cũng xinh đẹp, tài năng, trong khi bản thân còn đang vật lộn với mớ hỗn độn của cuộc sống hàng ngày, họ đã có những thành tựu nhất định, đi hết nơi nọ chốn kia, rồi đủ mọi thứ khiến mình cảm thấy bản thân thật kém cỏi. 

Phải làm sao khi mình không giỏi như người khác? 

Xuất phát điểm như nhau, tại sao người khác có thể thành công, còn mình thì không? Khi người ta có học bổng nọ học bổng kia, mình vẫn đang cố gắng học để qua môn. Khi mình chỉ còn 10 nghìn trong người những ngày cuối tháng, người ta đã kiếm được cả chục triệu. Khi mình còn đang lăn lộn với những deadline tối ngày, thì người khác đã là trưởng phòng nọ, giám đốc kia.  Vậy là bắt đầu chuỗi ngày lao đầu vào cố gắng học tập, làm việc cốt để cho bằng bạn bằng bè, để cảm thấy mình cũng có chút giá trị. Cố gắng, rồi cố gắng, rồi lại cố gắng đến điên cuồng, nhưng mãi mà chẳng với được tới đích như những người xung quanh. Dù bản thân chỉ cách cái đích hướng tới 0,1 mm thì đó dường như vẫn là quá xa vời mà không thể nào chạm tới được. Sự cố gắng theo một cách gò bó đưa con người ta vào một guồng quay hối hả, không còn tha thiết gì đến những khác, bỏ qua những sở thích, những ham muốn thường ngày, chỉ cố sao để đạt được những điều như những người xung quanh mình đang có.

 

CHÚNG TA CÓ ĐANG SỐNG CHO HẠNH PHÚC CỦA NGƯỜI KHÁC?

Có bao giờ bạn tự hỏi: “Mình sống cho ai và mình sống vì cái gì?”. Thực tế nếu cứ cố chạy theo ánh hào quang của những người xung quanh và mong rằng một ngày mình sẽ được ánh sáng của sự thành công chiếu rọi, chúng ta sẽ chẳng khác nào một cái bóng, cứ theo mãi, theo mãi nhưng không bao giờ bước ra được trước bản thể.

Chúng ta liệu có đang sống cho chính mình?

Mỗi người có một cuộc sống riêng và những lối đi riêng. Sự thành công của người khác không giúp chúng ta trở nên giàu có và ngược lại. Chúng ta và họ, gặp nhau nơi giao lộ của cuộc đời, có thể với họ, chặng đường đến với thành công đã gần tới đích, nhưng với chúng ta, đó chỉ là sự bắt đầu. Đi ngang qua nhau và chúng ta vô tình nhìn thấy cái đích của họ và cho rằng mình đã thất bại, mình thật kém cỏi và rẽ nhanh khỏi con đường đang đi để chạy theo họ. Nhưng đâu phải vậy, con đường bạn đang đi, cái đích bạn hướng tới nó không ở bên trái, cũng chẳng ở bên phải mà ở ngay trước mắt. Đừng mất công nhìn ngang nhìn dọc để rồi khiến bước chân chững lại, hay lạc bước đi vào những con đường không dành cho mình, cứ thế mà bước tiếp thôi.

Cứ cố gắng vì những điều ngay từ đầu đã không hợp với mình, nhưng người khác lại làm được và thành công với những điều đó, cái đó không được gọi là kiên trì, mà gọi là sự cố chấp. Nhận ra được giá trị của bản thân, hiểu được điểm mạnh và điểm yếu mới có thể vẽ ra con đường của riêng mình được. Ngay cả khi xung quanh mình là những người rất rất tài giỏi, nhưng tin tôi đi, sẽ có những điều bạn làm được mà người ta có mơ cũng không thể chạm tới. Có bao giờ bạn nghĩ, những gì mình đang có cũng là ước mơ của hàng ngàn người ngoài kia. Những người ưu tú, có thật họ đang hạnh phúc với những gì mình đang có, hay trong lòng cũng đang dằn vặt với suy nghĩ giống như bạn:” Chà, những người xung quanh mình thật tài giỏi, còn mình thì kém quá!”. Đôi khi, chúng ta chỉ nhìn thấy phần mặt nạ bóng bẩy họ khoác lên về những điều họ có, nhưng kỳ thực, sâu bên trong họ ra sao, cũng đâu có ai nhìn thấu.  Nhiều người chỉ thèm muốn những điều mà người khác có, nhưng lại không bao giờ nhìn nhận và hài lòng về những gì mình đang nắm trong tay. Sự tham lam là bản chất của mỗi chúng ta, và nó khiến con người ta quên đi việc đứng trước gương và trả lời cho câu hỏi: “Tôi là ai?”.

 

SỐNG GIỮA NHỮNG NGƯỜI ƯU TÚ, VẬY TÔI CŨNG LÀ NGƯỜI ƯU TÚ

“Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Sống cùng với những người ưu tú, đồng ý là có áp lực không nhỏ, nhưng thách thức bao giờ cũng mang đến những cơ hội không ngờ. Cơ hội để chúng ta học hỏi sự thành công, sự tài năng của họ và vận dụng những điều đó trên con đường mình đang đi. Sự so sánh bao giờ cũng có 2 mặt, nếu không tránh được những tác động không tốt của nó, hãy cứ đón nhận đi. Nhưng đừng quên việc đẩy suy nghĩ thêm một bước xa hơn, đó là lấy đó làm động lực để chúng ta phát triển. Bị so sánh với “con hàng xóm” ư, không sao hết, vui vẻ đón nhận và cố gắng vươn lên. Bị so sánh với những người giàu có ư, không sao hết, lấy họ làm mục tiêu để phát triển bản thân. Mỗi người sống trên trái đất này mang một sứ mệnh khác nhau, có người hành nghề y cứu người, có người lại buôn bán thực phẩm, có người thì lại làm kinh doanh các mặt hàng thời trang,… Sự so sánh chỉ mang tính chất tương đối, và khi đã biết mình tồn tại vì mục đích gì, mang lại những lợi ích gì cho cộng đồng, thì chẳng phải, chính chúng ta cũng đã là những người ưu tú rồi hay sao?

 

Bạn là người ưu tú!

“Ưu tú” suy cho cùng cũng chỉ là tính từ dùng để miêu tả người khác, chứ không ai lại cỗ ngực tự gọi mình là người ưu tú cả. Ngay cả những người thành công nhất trên thế giới, sự ưu tú của họ cũng là do những người xung quanh đánh giá và nhìn nhận. Và thêm một điều nữa, không ai là toàn năng, ai cũng có điểm mạnh và song hành với đó là những thiếu sót. Vậy nên, hãy cứ cố gắng hết mình, vạch ra các mục tiêu cụ thể cho cuộc sống và tận hưởng những niềm hạnh phúc khi đạt được các mục tiêu ấy. Hạnh phúc dù nhỏ bé đến đâu, nhưng nếu biết tận hưởng một cách trọn vẹn, cũng tuyệt vời hơn rất nhiều những mơ ước xa xôi về những thứ không phải của mình. Những gì bạn đang có hôm nay, hãy nhớ rằng đó có thể là ước mơ của cả triệu người có hoàn cảnh không được như bạn. Nếu có điều kiện được tiếp xúc với những người tài giỏi, thành công, đừng quá áp lực, hãy lấy họ làm mục tiêu để học hỏi, phấn đấu và chinh phục con đường mà bạn đang hướng tới. Sống một cuộc đời được đánh dấu bằng chính tên của mình, thật tự hào phải không nhỉ? Và đừng quên: Bạn cũng là người ưu tú! 


Tác Giả: Huy Vũ 
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link:  https://www.facebook.com/quanghuy.vu.35110  
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 11 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info  

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.  


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,465 lượt xem, 4,196 người xem - 4201 điểm