Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Ba Dạng Nước Mắt Và "Nước Mắt Cảm Xúc", Chúng Ta Đã Thực Sự Hiểu Rõ?


Con người chúng ta sẽ khóc với ba dạng nước mắt:

1. Nước mắt nền: Con Ngươi trong đôi mắt rất nhạy cảm, đến nỗi lúc nào cũng khóc, ngay cả khi có gì đó chạm vào. Con Ngươi có tuyến lệ đặc biệt để tạo ra nước mắt mới và những cái ống đặc biệt được gọi là ống dẫn nước mắt để dẫn nước mắt cũ ra ngoài. Và có thể tạo ra gần 300ml nước mắt mỗi ngày, tức khoảng 113 lít mỗi năm. Nếu quan sát kĩ, bạn sẽ thấy Con Ngươi lúc nào cũng rơm rớm.

Nước mắt nền tạo thành một tấm màng mỏng gồm ba lớp, bảo vệ con ngươi khỏi những bụi bẩn và vật thể nhỏ. Ngay cạnh Con Ngươi là lớp màng nhầy, giữ tất cả những thứ này gắn chặt vào Con Ngươi. Bên ngoài là lớp nước, giữ cho Con Ngươi lúc nào cũng ướt, đẩy lùi vi khuẩn xâm hại và bảo vệ giác mạc khỏi bị tổn thương. Cuối cùng là một lớp lipid, một tấm phim dầu bên ngoài, giữ cho bề mặt luôn trơn láng, để Con Ngươi có thể nhìn xuyên qua và ngăn các lớp bên ngoài bay hơi.

 

2. Nước mắt phản xạ: Một ví dụ điển hình để dễ hình dung, khi chúng ta thái một củ hành tây. Mặc dù không muốn nhưng nước mắt cứ thế tuôn ra, cay xè. Bởi vì, khi đó đã xảy ra một phản ứng hóa học, những lớp của củ hành được bóc tách sẽ chuyển hợp các hợp chất sulfoxide thành axit sulfenic, tạo nên một chất cực kì khó chịu với tên gọi: syn-Propanethial S-oxide, khí này làm cay Con Ngươi và khiến chúng ta không ngừng khóc. Đây là nước mắt phản xạ. Chúng được tạo nên để rửa đi những chất độc hại hoặc những vật thể lạ. Lượng nước mắt này nhiều hơn và lớp nước có chứa thêm kháng thể để ngăn chặn bất kì vi sinh vật nào cố tình xâm nhập.

 

3. Nước cảm xúc: khi ai đó quá buồn hoặc quá hạnh phúc, cảm thấy như mất kiểm soát hoặc gặp điều gì đó có thể nguy hiểm. Nước mắt cảm xúc được gửi đến để ổn định tâm trạng, càng nhanh càng tốt, cùng với các phản ứng vật lý, chẳng hạn như nhịp tim tăng và nhịp thở chậm lại. Các nhà khoa học không chắc chắn rằng tại sao nước mắt lại hữu ích. Chúng có thể là một cơ chế xã hội để khơi gợi sự thông cảm hoặc thể hiện sự đầu phục. Một số nghiên cứu cũng cho thấy, nước mắt cảm xúc chứa một lượng lớn các hormone stress, chẳng hạn như ACTH và Enkephalin, endorphin và chất giảm đau tự nhiên. Trong trường hợp này, nước mắt cảm xúc làm Con Ngươi dịu lại, cũng như báo hiệu trạng thái cảm xúc chúng ta cho người khác và nhận được những sự an ủi từ mọi người xung quanh.

 

Bài viết này, tôi muốn nhấn mạnh đến “nước mắt cảm xúc” của con người.

Dạng nước mắt này chúng ta thường có xu hướng dấu nhẹm đi đến mức không xem trọng. Thậm chí “kì thị” và trở nên mặc cảm vì chúng.

 

Nữ giới dễ chạm vào cảm xúc nhiều hơn và đây được xem là lý do vì sao phụ nữ khóc nhiều hơn.

Mặc dù có thể đúng là nam giới thường khóc ít hơn nhưng dường như họ cũng cảm thấy ít xấu hổ hơn khi khóc ở nơi công cộng. Đây có thể bởi vì sự khác nhau trong cách phụ nữ và nam giới nghĩ rằng người khác sẽ xem về biểu hiện cảm xúc nơi công cộng của họ.

Con người hay nghĩ rằng chúng ta thường khóc vì những nỗi đau nhiều hơn là bởi những niềm vui và hạnh phúc. Đôi khi, khóc chỉ đơn giản là do chúng ta rung động trước những thứ đẹp đẽ như hội họa, âm nhạc.

 

Nước mắt cảm xúc, biểu hiện những trạng thái tiêu cực…

 

Không mấy lạ lẫm khi bắt gặp một hình ảnh cô nàng công sở mới chân ướt chân ráo bước vào công ty. Cô ấy có thể bật khóc nức nở khi có ai đó “già làng” hơn nhờ pha một ly cafe nóng. Mọi người xung quanh thì đều ngạc nhiên thắc mắc: có chuyện gì với cô ấy thế? Chỉ nhờ một việc cỏn con thôi mà cô ấy đã phản ứng như vậy? Nhưng thực tế không phải vậy, cô ấy khóc vì hàng tá những vụn vỡ mà chỉ riêng bản thân cô biết.

 

Chuyên gia trị liệu Joanna Cross đã nói về vấn đề này:

“Nếu bạn thấy ai đó thường hay khóc ở nơi công sở, tôi nghĩ điều này không hữu ích cho riêng cá nhân nào. Khóc thường là sự tích tụ của những thất vọng và không phản ứng kịp thời với một tình huống. Chạm tới đỉnh điểm, sẽ như giọt nước tràn ly, mọi thứ sẽ “tức nước vỡ bờ”.

 

Vì vậy, những người thường xuyên khóc trong công việc có nguy cơ không được coi trọng. Họ không được coi là người đáng được quan tâm hoặc tôn trọng. Và họ có thể được gán một cái nhãn - trở thành một nhân vật có đặc điểm đặc trưng, ví như “mí ướt” hay “yếu đuối”, mặc dù điều này có thể đúng hoặc không.

 

Khi những cảm xúc bị bỏ lơ, có thể tạo ra sự ứ đọng của tất tần tật về những vấn đề gây tranh cãi mà bạn đáng lẽ phải nên giải quyết trước đó nhưng không, bạn đã không làm vậy. Ai mới đầu cũng cần thời gian để bắt nhịp với “dây chuyền sản xuất chuyên nghiệp” của một doanh nghiệp. Thường thì với người mới sẽ chờ thời gian cảm hóa tất cả, giúp bản thân thành thạo cũng như chứng minh năng lực để đáp ứng được tốt yêu cầu công việc. Dần dà, sếp và những người cũ sẽ thấy được khả năng và sự tận tâm nơi bạn. Rồi bạn sẽ được trao tấm bằng “thông qua” trong mắt mọi người và được hòa đồng với tất cả. Đến đây thì thật tốt rồi.

 

Nhưng nếu không đợi được đến ngày đẹp trời đó, vì nhiều rào cản mà người mới toanh như bạn không kết nối được với mọi người, nhiều lý do bạn không thể tự nêu ra vấn đề để gỡ những rắc rối hoặc cứ âm thầm chịu đựng đến khi không chịu nổi, bạn sẽ òa khóc bất cứ lúc nào.

 

Chính vì vậy, việc giải quyết dần những khúc mắc giữa bạn với mọi người ở chốn công sở, thực sự rất cần thiết. Mọi thứ cần nên rõ ràng và làm việc trong một môi trường thoải mái, chúng ta sẽ đạt được hiệu quả công việc cao và có động lực đi làm mỗi ngày.

 

Đây là một trường hợp phổ biến về việc nếu chúng ta cứ lờ đi cảm xúc của chính mình. Đến cuối cùng, nước mắt cảm xúc sẽ làm nhiệm vụ của mình, thông báo cho chủ nhân biết rằng mọi thứ đang “quá sức chịu đựng” rồi. Và khóc sẽ giải phóng những hormone stress, xoa dịu đi nỗi đau đang thì thầm của bạn.

 

Nước mắt cảm xúc, biểu hiện những niềm hạnh phúc, rung cảm, yêu thương…

 

Chúng tôi lệ nhòa bước ra khỏi rạp chiếu bộ phim “Chờ ngày lời hứa nở hoa”. Chẳng thể kìm nén những giọt nước mắt thật thà, trước tình cảm mẫu tử không chung dòng máu. Những phân cảnh cuối phim mượt mà, sâu lắng như mộng của ngôi làng nhỏ với tháng ngày đoàn viên tươi đẹp. Khi người mẹ Maquia “thần tiên” của bộ tộc Iorph, không thể thực hiện lời hứa “sẽ không khóc” lúc kề cạnh người con trai già nua trút hơi thở cuối cùng trong khoảng không gian dần chìm trong yên ắng. Và đâu đó phảng phất trên gương mặt người con trai Ariel, vẫn đau đáu một nỗi niềm chẳng thể nào mãi bên cạnh để bảo vệ người mẹ yêu dấu của mình.

Chúng tôi đã khóc vì những rung cảm dù chỉ là trên phim ảnh nhưng truyền tải những thông điệp nhân văn đầy ý nghĩa.

 

Chúng tôi đã khóc khi xem trận trung kết giữa Việt Nam và Uzbekistan dưới mưa tuyết Thường Châu, trước tinh thần đồng đội của tuyển cờ đỏ sao vàng chung tay đào xới tuyết để lấy vị trí đặt bóng giúp Quang Hải kiến tạo nên bàn thắng cầu vồng tuyết tuyệt đỉnh, những hình ảnh đó mãilà dấu ấn không phai trong lòng người hâm mộ nước nhà.

 

Tôi đã thấy những người làm chương trình thời sự quốc gia, khóc nghẹn trước những hình ảnh thương tâm của khúc ruột miền Trung yêu dấu, đang phải chống chọi với thiên tai bão lũ hoành hành.

 

Tôi đã khóc không ít lần, đứng nép đằng xa nhìn sự tần tảo và vất vả của những người thân thương.

 

Chúng ta khóc vì đoàn thể, vì những người thân thương. Vì những điều lớn lao và cả những điều bình dị nho nhỏ trong cuộc sống.

 

Cả khi chúng ta khóc vì chính mình, những niềm vui hạnh phúc hay nỗi đau buồn, đó cũng là điều hết sức thường tình.

 

Chí ít, chúng ta nên chọn cho mình một cách để giải tỏa những “muộn phiền”…

 

Việc giải quyết những vướng mắc, rắc rối giữa bản thân với những người xung quanh, như ví dụ nêu phía trên hay bất kể những vấn đề gây "muộn phiền" trong cuộc sống, không phải dễ dàng như trở bàn tay. Cả khi vấn đề không được xử lý ngay và phải ôm đồn quá nhiều thứ, cơ thể chúng ta rất cần một cách để tự chữa lành. Khóc là một trong số nhiều cách. Đây thường được xem là cách mà bản thân bất lực trước tất cả. Cũng đúng thôi. Nhưng chúng ta sẽ thấy dễ chịu hơn khi khóc được một trận thỏa thích.

Hãy cứ khóc khi mọi thứ vượt quá giới hạn chịu đựng của bạn.

Tôi hay chọn cách nghe nhạc khi tâm trạng không ổn, thường là những bản nhạc buồn lại giúp tôi “mau chóng khóc hơn”. Bạn có từng khóc khi nghe một bản nhạc đượm sầu không?

Giáo sư David Huron của Đại học Ohio - Mỹ, một chuyên gia trong lĩnh vực về tâm lý và nhận thức âm nhạc, đã có những nghiên cứu vì sao có những người thích nhạc buồn và một số khác thì không thực sự thích. Điều này hoạt động dựa trên một loại hormone, có tên gọi là prolactin, liên quan đến sự tiết sữa từ quá trình nuôi con bằng sữa mẹ.

 Khi khóc, chúng ta sẽ giải phóng ra prolactin và trong nhiều trường hợp, prolactin có tác dụng an ủi. Lúc đó, chúng ta sẽ cảm thấy dễ chịu và giữ được bình tĩnh.

Có thể nói rằng prolactin là hormone giúp chúng ta tìm thấy sự an ủi.

Khi nghe nhạc buồn, nếu cơ thể giải phóng prolactin, sẽ giúp chúng ta có cảm giác tốt hơn. Nhưng nếu prolactin không được giải phóng hoặc không đủ lượng, việc tìm đến nhạc buồn cũng không thể giúp chúng ta hứng khởi hơn. Có nghĩa là, cách này có thể hữu ích với đa số nhưng không đúng với tất cả mọi người.

Hãy lắng nghe cơ thể và tìm cho mình một cách để giải tỏa những muộn phiền.

 

Kết…

Bữa tiệc khai mạc đầu tiên của con người khi đến với thế giới là tiếng khóc chào đời. Đó là phản xạ tự nhiên báo hiệu rằng đứa trẻ có thể tự thở.

Đối với trẻ nhỏ, việc khóc rất cần thiết cho sự phát triển về cả thể chất và tâm sinh lý.

Đối với người lớn, thật không dễ dàng và thoải mái bù lu bù loa như một đứa trẻ.  Thế giới của người trưởng thành có muôn điều phải gánh vác và đối mặt. Hễ đụng cái mà khóc như một đứa trẻ hẳn là không còn “hợp lý” và kiến chúng ta trông chẳng “người lớn” gì cả.

Nhưng không phải vậy mà ta tự tước đi quyền “được khóc” của mình.

Bởi có nhiều áp lực nên ta sẽ cần sử dụng nhiều “nước mắt cảm xúc” hơn.

Bạn có thể khóc một mình, ở một không gian kín đáo riêng tư. Hoặc không may bật khóc nơi công cộng, cũng chẳng sao cả. Bạn không phải quá e ngại hay mặc cảm những khi rơi lệ. Dĩ nhiên, điều gì “quá” cũng không tốt, khóc quá nhiều cũng vậy.

Khóc có thể giúp cân bằng cảm xúc và giải tỏa những dồn nén, căng thẳng một cách h mạnh và chẳng làm tổn hại đến ai. Và không hoàn toàn là yếu đuối hay xấu xí như mọi người thường tự áp đặt lên chính mình và toàn thể.

Miễn là bạn có ba loại nước mắt, giữ cho bạn cân bằng và khỏe mạnh, thì mọi chuyện vẫn sẽ ổn cả.

Khóc cũng là một nhu cầu thiết yếu của một con người, chúng ta cần nên nhớ cho điều này.

Tác giả: Nguyễn Thúy

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100004490164794

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

569 lượt xem, 536 người xem - 536 điểm