Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Bài Học Từ Những Người Thầy Của Tôi

Tôi năm nay hai mươi hai tuổi, vừa kết thúc chặng đường đi học dài mười sáu năm, và suốt những năm tháng ấy, tôi thường được coi là một đứa “học giỏi” mặc dù chính bản thân tôi lại tự luôn cảm thấy mình chậm chạp hơn người khác. Có những kiến thức mới các bạn có thể tiếp thu và vận dụng ngay trong tiết học thì thường là tôi sẽ phải mất thêm thời gian về nhà xem lại và làm thêm bài tập. Lúc nhận ra được điều đó, tôi dần xem việc học không còn là một áp lực nữa mà trái lại, tìm được niềm yêu thích với nó, thích cảm giác cả ngày vùi đầu vào sách vở như lạc trong thế giới riêng của chính mình. Hơn nữa, dù không nhanh nhẹn được như bạn bè cùng trang lứa, có vẻ như tôi lại có thể học tốt hơn khi ngồi một mình và tự khám phá theo cách chẳng giống ai.

Trong chuyến hành trình vừa qua, tôi thấy bản thân mình đã thật sự trưởng thành lên rất nhiều và tôi muốn bày tỏ sự trân trọng, biết ơn, yêu thương chân thành nhất đến vô số những người thầy người cô của cuộc đời mình. Nhưng trong tôi, vai trò của những người thầy cô yêu quý với tư cách là những người truyền đạt kiến thức để tôi vượt qua được kỳ thi này đến kì thi khác lại không quan trọng bằng việc từ họ, điều quý giá nhất mà tôi học được là nhân cách tốt đẹp, là lòng quả cảm, là sự rộng lượng, là nhân sinh quan, là những mẩu chuyện không tên được kể trong giờ học… - những điều còn quan trọng hơn kiến thức rất nhiều và nhất định sẽ theo tôi suốt cả cuộc đời, như những vài học tôi chia sẻ ngay dưới đây.

1. Học tập một cách chủ động (Independent learning)

Đó là câu chuyện về một thầy giáo người Canada dạy tiếng Anh mà tôi may mắn gặp được vào năm 2018, khi đã đi được một nửa chặng đường trên giảng đường Đại học của mình. Qua quá trình làm việc với thầy, có những điều tôi đã học được, có những điều tôi tự nhận ra và tích lũy để làm cơ sở phát triển thành giá trị của riêng mình, nhờ ảnh hưởng tích cực từ tư duy sắc bén và sự thông minh của thầy.

Chúng ta có thể tự học và song song với đó là tự mình rút ra được phương pháp phù hợp với bản than bằng kinh nghiệm đã tích lũy được trong quá trình tự bơi như thế, hiển nhiên mọi thứ của cái giá của nó, cụ thể là mất nhiều thời gian và thậm chí nhiều sẽ bất lực bỏ cuộc vì … đi mãi vẫn không thấy đường. Vậy thì vai trò của người làm giáo dục quan trọng nhất chính là ở đây: hướng dẫn người học phương pháp học phù hợp. Người giáo viên có vai trò cung cấp kiến thức nền tảng, tài liệu học, nguồn tra cứu thông tin và học liệu, tổ chức lớp học và hướng dẫn cách làm việc theo nhóm cho hiệu quả. Không có trao đổi thông tin hay tranh luận về các góc nhìn, sẽ không có trao đổi ý tưởng và xây dựng các mối quan hệ tích cực. Vậy tóm lại, giáo viên sẽ cung cấp cho học sinh tất cả những gì cần thiết, việc còn lại của học sinh là chăm chỉ học thôi, và giáo viên chỉ làm việc lại với học sinh sau khi đảm bảo rằng chúng đã trải qua quá trình tự nghiên cứu và trao đổi kiến thức nghiêm túc với partner. Quá trình trao đổi thông tin theo hình tam giác (sơ đồ 3), thay vì theo đường thẳng (sơ đồ 1) hay hình sao (sơ đồ 2) dưới đây thật sự sẽ hiệu quả hơn nhiều. Và quan trọng nhất, nếu không tự mình trải qua bứớc này, người học không thể rèn luyện và cải thiện được cho mình kỹ năng tư duy logic và độc lập - nền tảng để phát triển bản thân một cách bền vững.

Một số cách tương tác trong việc học (Nguồn ảnh: Tác giả)

Tôi muốn bàn luận trước về Sơ đồ 3:

(1) Giáo viên cung cấp kiến thức nền tảng, phương pháp, học liệu, nguồn tra cứu thông tin, và động lực, nguồn cảm hứng cho học sinh.

(2) Học sinh tự nghiên cứu và làm việc nhóm: trình bày, lắng nghe, feedback, tranh luận với nhau.

(3) Sau khi học sinh đã nghiên cứu kiến thức, tranh luận và đánh giá kép cho nhau sẽ quay lại làm việc với giáo viên để có được đánh giá ở mức độ sâu hơn. Đồng thời, giáo viên sẽ tổng kết lại vấn đề, giải quyết các tranh luận, và tiếp nhận những ý tưởng mới như là kết quả của quá trình làm việc nhóm ấy.

Sau cùng, giáo viên sẽ hướng dẫn cho học sinh cách để phát triển các ý tưởng hay cách giải quyết những cuộc tranh luận hiệu quả bằng việc truyền đạt phương pháp, cung cấp nguồn tài liệu phù hợp,… - đây lại chính là quá trình đã diễn ra ở bước (1), và việc học cứ diễn ra theo một vòng tuần hoàn như thế, nhưng theo hình xoắn ốc, hàm ý rằng trong giáo dục, nếu ta lấy việc tương tác liên tục làm cốt lõi, thì cứ mỗi vòng tròn được vẽ lên, đường kính sẽ lại lớn lên tương ứng, mênh mông, bất tận.

Hình xoắn ốc (Nguồn ảnh: Internet)

Mặc dù theo như ý tưởng được truyền tải trong sơ đồ 2, nơi người học được xem là trung tâm của vũ trụ, cũng khá ổn đấy chứ?!, tôi lại muốn nhấn mạnh hơn vào sơ đồ 3, nơi các nhân tố trong đó đều tương tác hai chiều với nhau và tạo thành một vòng tuần hoàn. Ở đó, giáo viên là người hướng dẫn, nhưng cũng sẽ có lúc, giáo viên chính là một người học trò khác, cũng cần tiếp thu cái mới, tương tác và trao đổi thông tin để không ngừng tự hoàn thiện mình.

Việc học là chuyện cả đời, khác với người thầy chỉ có thể gắn bó với ta trong một giai đoạn nhất định. Đó là lý do tầm quan trọng của công nghệ được thầy tôi nhấn mạnh: trong buổi phỏng vấn đầu vào, ngoài kiểm tra năng lực thì học sinh sẽ được giới thiệu các trang web và được hướng dẫn tự học những mảng kiến thức nhất định trước khi chính thức bước vào khóa học vẻn vẹn và duy nhất mười buổi. Tôi đã rất ấn tượng với điều này, bởi lẽ, nếu chúng ta không chuẩn bị sẵn sàng cho mình một nền tảng thật tốt, ta chắc chắn sẽ gặp khó khăn khi tiếp xúc với kiến thức mới mẻ, kết quả là cảm thấy thời gian, công sức và tiền bạc mình bỏ ra thật lãng phí. Mức độ tiếp nhận kiến thức không chỉ phụ thuộc vào chỉ số thông minh (IQ) mà lại phụ thuộc rất lớn vào nền tảng kiến thức đã tích lũy và xây dựng. Chuẩn bị trước không chỉ giúp ta tăng khả năng tiếp thu cái mới, mà hơn hết, nó thể hiện thái độ nghiêm túc, chủ động đối với việc học.

Vậy thì một mặt, việc học thật sự diễn ra lất lâu trước khi người thầy xuất hiện; và mặt khác, giáo dục tốt lại phụ thuộc vào việc giảng dạy tốt (Great education depends on great teaching – Sir Ken Robinson). Nhận thức được đồng thời cả hai điều này sẽ giúp cho con đường chinh phục tri thức diễn ra một cách thuận lợi và khoa học. Tôi cũng hoàn toàn tin rằng, một khi có thái độ tốt với việc học, ta tự khắc có được thái độ sống tốt đẹp và lạc quan hơn với con người, công việc và với cuộc đời nói chung.

2. Thành thật và tin bản thân nhiều hơn chút nữa 

Đó là điều tôi học được khi quen một cô giáo dạy tiếng Anh khi tôi mười bảy tuổi, chuẩn bị lên lớp 12. Cho đến bây giờ, nhiều khi cô trò ngồi nói chuyện với nhau, tôi vẫn thấy tiếc vì cô không phải là giáo viên dạy chính của tôi trên lớp. Tôi quý mến cô tới nỗi cố tình đi học thêm chỉ để tạo ra một mối liên hệ nào đó với cô. Khác với những giáo viên trước đó chỉ in cho học sinh một tập đề và chăm chăm vào tờ đáp án, đọc theo chẳng cần quan tâm xem đúng hay không cho đến có học sinh thắc mắc – tôi vẫn xem đó là một biểu hiện của sự thiếu trách nhiệm, cô là một người rất khác. Lần đầu tiên tôi biết một người giáo viên chỉ cầm trên tay tờ đề như chúng tôi có, trao đổi với học sinh từng câu một, dừng lại để thảo luận khi đáp án có vấn đề, sẵn sàng thừa nhận cái này cô không chắc chắn và cùng học sinh tra từ điển hay nghiên cứu đáp án của bài. Đây là một bài học đắt giá mà tôi được học và thấm nhuần một cách tự nhiên hết sức, và tôi đã mang theo mình tư tưởng này để đi dạy kèm trong những tháng ngày dài là sinh viên, thậm chí cho tới tận bây giờ. Thành thực mà nói, tôi chẳng phải là giáo viên gì cả, chỉ là một người hướng dẫn, không hơn; nhưng không phải vì cảm thấy không đủ năng lực mà tự tôi muốn tiếp cận người học từ một góc độ gần gũi hơn. Tôi xem họ như là những người bạn hơn là học trò, sẵn sàng thừa nhận sự chưa hoàn thiện trong kiến thức của mình và cùng họ thảo luận để tìm ra chân lý. Đây cũng chính là lý do mà ở trên, tôi muốn nhấn mạnh vào sơ đồ 3, nơi quá trình tương tác và học tập diễn ra liên tục giữa cả người học và giáo viên. Suy cho cùng, tôi không muốn học sinh xem mình là người cung cấp cho họ kiến thức hay sự thật, tôi thích mình trong vai trò là người hướng dẫn họ trên con đường chinh phục tri thức hơn cả.

Mục đích cao quý nhất mà giáo dục đúng nghĩa nên hướng tới là hướng dẫn người học làm sao họ có thể tự mình học được chứ không phải làm cho họ ngày càng phụ thuộc vào những người thầy, quan trọng hóa một cách thái quá vai trò của người thầy với mục đích kinh tế mà vô tình quên mất rằng bản thân người học đã có đầy đủ những công cụ cần thiết để tự học.

Dạo gần đây, tôi có đọc được rất nhiều bài viết đấu tố, chỉ trích nhiều thầy cô, người dạy tiếng Anh, cả hệ phổ thông cho đến luyện thi các chứng chỉ, văn bằng, bị mang ra đánh giá về năng lực, sự trung thực, và cả đạo đức. Tôi thấy hơi buồn cho nhiều người khi họ cảm thấy niềm tin bị tan vỡ, các giá trị đạo đức bị thay đổi, và cảm thấy mông lung không biết rồi mình nên… cắp sách ví đi bái sư phương nào cho an tâm. Tôi hiểu rằng họ chỉ trích người giáo viên nhiều như thế vì họ cảm thấy bị lừa dối. Khi trường học không đủ làm ta cảm thấy hứng thú với việc học và không làm ta thấy được hiệu quả, ta đến với những người nằm ngoài hệ thống giáo dục chính thống, đến những người cam kết sẽ cho ta một kết quả như ý. Tôi không biết và cũng không muốn đánh giá về bất kỳ ai cả, chỉ tự nhận thấy rằng ta đau khổ vì ta đã quá phụ thuộc. Phụ thuộc vào một người, một phương pháp dạy, một nguồn tài liệu, vào một niềm tin mơ hồ. Giáo dục đúng nghĩa không phải và cũng không nên như thế: không nên làm cho người học dần mất sự lạc quan vào bản thân mình và hệ giá trị của xã hội; mà trái lại, phải là nguồn nuôi dưỡng niềm tin chân thật nơi con người. Để khi không còn lớp học, khi không còn giáo viên, khi sách bị đốt, khi tượng đài tri thức ngày nào hóa ra chỉ là… một người giỏi marketing, họ vẫn tự tin đi hiên ngang giữa cuộc đời. Cũng giống như việc nuôi con vậy, bố mẹ cảm thấy hạnh phúc và tự hào khi đủ khả năng chu cấp cho con đủ đầy đến hết đời chẳng hề ngần ngại, nhưng thật sự đứa con sẽ chỉ cảm thấy trọn vẹn khi chúng được chủ động với cuộc đời của chính mình. Tương tự, chỉ khi học trò tự tin vào bản thân, vào những hành trang đã được chuẩn bị để đối mặt với cuộc đời đầy bão tố, người giáo viên mới hoàn thành nghĩa vụ cao quý được giao phó. Chú chim nào rồi cũng phải lớn và bay đi, hãy tự hào vì mình là người chắp cánh ước mơ cho chúng thay vì cảm thấy cô đơn vì người con, người trò của mình không còn muốn bên cạnh đòi hỏi từng chút một.

Và dù là một ý tưởng được đặt giữa cả bài viết, đây có lẽ là điều tôi muốn nhấn mạnh nhất. Người giáo viên, hãy thành thật với bản thân mình nhiều hơn, xem mình cũng chỉ là một người học trò phiên bản lớn tuổi mà thôi. Và hãy dần trở thành một người hỗ trợ, cố vấn, chuyên gia - hơn là áp đặt cho mình vai trò một người cung cấp bài giảng đơn thuần.

Tôi tìm thấy ý tưởng trên của mình trong câu nói ngắn gọn của Lev Vygotsky, nhà tâm lý học người Liên Xô: “The teacher must adopt the role of facilitator not content provider” (Tạm dịch: Giáo viên phải là người hỗ trợ chứ không phải người cung cấp nội dung).

3. Đừng nói "Em trượt rồi" - hãy nói "Chỉ là em chưa làm được thôi mà" (Richard Curwin)

Quay lại với người thầy già nhưng vô cùng thú vị phía trên, tôi không phải là ví dụ duy nhất về việc thầy tôi thật sự có mắt nhìn người, có sự tử tế và niềm tin bất diệt vào khả năng của những người trẻ mà người khác khi nhìn vào chỉ thấy bình thường hoặc thậm chí, có phần… lập dị. Ở lớp học của thầy, mỗi học sinh được nhìn nhận như một cá thể đặc biệt và tôi đã chứng kiến thầy trò chuyện với học sinh của mình về ước mơ mà họ sợ hãi không dám theo đuổi. Thầy không chỉ nói suông kiểu tao tin mày có thể làm được, chỉ cần mày cố gắng; mà luôn đưa ra lý lẽ, dẫn chứng và cả những ý tưởng về con đường nên đi một cách cụ thể, gần gũi, để mọi người tin rằng à thì ra, mình thật sự có thể làm được như vậy và rằng mình thật sự yên tâm khi có cơ hội trò chuyện với một người thông minh và hiểu biết đến như thế.

Tôi tin rằng niềm tin vào con người thật sự rất quan trọng. Nếu thầy không cho tôi cơ hội được học và làm việc cùng thầy khi tôi chẳng có gì để chứng minh ngoài một chiếc CV vụng về được soạn bởi một cô sinh viên năm 2, và một buổi nói chuyện ngắn ngủi rụt rè về Tâm lý học, giáo dục, về bản chất của con người,… tôi sẽ không bao giờ biết được rằng mình lại có thể làm được nhiều thứ và làm được tốt đến thế.

Trong suốt những năm đi học, hóa ra những môn tôi học tốt hay có hứng thú chính là những môn mà tôi cảm thấy được truyền cảm hứng từ một người giáo viên nào đó, thậm chí, có những môn, chỉ vì sự quý mến cá nhân về phương pháp dạy, nhân cách, hay đơn giản là vì cảm nhận được từ họ sự tử tế và chân thành, mà tôi cũng cố gắng học thật tốt. Có một tuổi thơ khó khăn, tôi trở nên tự ti và yếu đuối hơn bất kỳ đứa trẻ nào khác cùng tuổi. Thế nhưng chính nhờ sự động viên, sự yêu quý và tin tưởng của những người thầy từ cấp 1, cấp 2, đến cấp 3 và thậm chí là lúc tôi học Đại Học, tôi mới có đủ sức mạnh đi được đến ngày hôm nay. Những trái tim non nớt nhưng đầy đam mê và nhiệt huyết một khi có được niềm tin tuyệt đối từ người khác rằng chúng có thể, nhất định sẽ rất hoan hỉ và phấn đấu hết mình, đặc biệt là khi “người khác” không ai ngoài những người làm giáo dục với một bầu trời kinh nghiệm và tri thức.

4. Đọc để thấy rằng ta chẳng hề cô đơn (We read to know we are not alone - C.S. Lewis)

Vẫn người thầy tôi đã kể, là người truyền cảm hứng cho tôi về việc đọc sách, bắt đầu với những cuốn sách về Tâm lý học mà thầy đã nhờ chị trợ lý gửi tôi vào mùa hè năm 2018 ngay sau buổi đầu gặp mặt. Mặc dù trước đó, tôi đã là một đứa đam mê những trang sách nhưng chỉ đến thời điểm ấy, tôi mới thật sự biết mình nên đọc những gì và đọc như thế nào, cũng như có được hình dung nhất định cho ước mơ của mình. Tôi say mê đọc, rồi quay lại trao đổi với thầy về các chủ đề khác nhau, các cuốn sách, các tác giả, bất kỳ khi nào có cơ hội. Có nhiều lần tôi cảm thấy mình mất phương hướng, nhưng chỉ cần trò chuyện với thầy dù chỉ trong mười lăm phút ngắn ngủi thôi cũng giúp tôi lấy lại được động lực và niềm tin vào mình. Thầy đam mê đọc sách đến nỗi tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé và hơi… xấu hổ, vì trong Kindle của cụ giáo có hơn ngàn đầu sách và mỗi năm đọc được hơn trăm trong số đó. Thầy còn bảo, chỉ cần có Kindle thì tao có lạc trong đảo hoang cả mấy tháng cũng được, với vẻ mặt nghiêm túc cực kỳ (dĩ nhiên là phải có thức ăn, nước uống, và cái gì đó để sạc Kindle rồi!). Và tôi bị thầy dụ dỗ mua Kindle, rồi tôi đồng ý với suy nghĩ kỳ cục đấy của thầy, dù năm nay đã gần hai phần ba năm trôi qua mà đáng buồn tôi mới chỉ đang dừng ở cuốn sách thứ mười mà thôi.

Nguồn ảnh: Internet 

Bao nhiêu năm trôi qua, tôi vẫn giữ cho mình thói quen đọc thật nhiều. Một ngày trôi qua mà không đọc thêm được trang sách nào hay không học thêm được điều gì mới, tôi sẽ cảm thấy ngày hôm đó trôi qua thật vô nghĩa và dằn vặt với bản thân. Tôi cũng không muốn nhắc đi nhắc lại về tầm quan trọng của việc đọc sách (thực ra là việc đọc sách gì và đọc như thế nào còn quan trọng hơn nhiều!) mà ai trong chúng ta cũng đã từng nghe hay buộc phải nghe cả trăm ngàn lần rồi, dù thật ra là… đọc quan trọng thật đấy. Có những ngày buồn tênh, đọc đôi ba trang sách, học được một điều gì đó hay ho, bắt gặp một ý tưởng như tri kỷ nói hộ lòng mình, cảm giác cuộc đời mình thật không vô nghĩa. Như tôi đã nói ở trên, mỗi người học cần chủ động và tạo dưng được niềm tin vào bản thân mình. Nhưng điều này chẳng hề dễ chút nào, bởi muốn cho niềm tin không phải là thứ sáo rỗng, nó phải xuất phát tri thức thực sự, chỉ có được bằng cách đọc thật nhiều, học thật nhiều.

Ông giáo già của tôi vẫn chăm chỉ đọc sách, nói về sách và những bộ óc vĩ đại một cách say sưa nhiệt huyết, như thể ông giáo chưa từng già. Có lẽ tóc thầy ít thật, bộ râu trông hài hước dần bạc đi nhiều, cũng mất ngủ như bao người có tuổi ngoài kia, nhưng vẫn tình nguyện làm đầy tớ cho lũ mèo và là người tình đam mê của những cuốn sách. Con tim ấy hẳn là chưa từng già cỗi, và với sự tự tin, một tư duy tốt, một trời kiến thức và sự nhạy cảm tuyệt vời như thế, tôi hoàn toàn hiểu rằng chẳng phải tự nhiên mà có được.

5. Hỡi người chữa lành vết thương, hãy nhớ kỹ ba điều

Gần đây, trong một cuộc nói chuyện ngắn, vẫn là người thầy già ở trên, bảo tôi là đứa trẻ sinh ra để làm “The Wound Healer”, nghĩa là người chữa lành vết thương. Qua cách tôi làm việc với học sinh của thầy, giúp họ vượt qua nỗi sợ với kiến thức, giải cách tiếp cận mọi vấn đề một cách đơn giản, hiểu mỗi người họ cần gì để giúp đỡ một cách khéo léo, đại loại là như thế. Tôi biết mình vẫn còn con đường rất dài và gian nan cần bước để có thể là một người như vậy đúng nghĩa, chứ không chỉ là “trông giống”, “trông rất có phong cách” hay “sinh ra để”. Song song với điều ấy, tôi lại được học thêm bài học lớn khi thầy trao đổi với tôi về tài năng hoặc/và tiềm năng của con người. Thứ nhất, biết được mình là ai và đang ở đâu, biết được bản thân có thể làm điều gì xuất sắc. Thứ hai, khi biết được thế mạnh của mình, phải biết cách bảo vệ bản thân trước những chỉ trích, nếu không sẽ rất dễ sụp đổ, mất niềm tin vào bản thân và không có đủ can đảm làm điều đó nữa. Cuối cùng là, đừng làm điều đó quá thường xuyên bởi nếu làm quá nhiều, ta sẽ không còn thời gian làm mới và hoàn thiện bản thân - điều này liên quan đến kỹ năng quản trị thời gian hiệu quả, để làm sao vẫn có thể cống hiến khả năng của mình cho xã hội, nhưng trong lúc đó đủ bình tĩnh để biết được đâu là giới hạn bản thân, để dừng lại, suy ngẫm và trau dồi.

Có thể là quan điểm này không hoàn toàn làm hài lòng tất cả mọi người, nhưng thật sự nó rất đáng cân nhắc, nhất là trong lĩnh vực mà thầy đang làm việc: dạy học. Thầy chỉ dạy học trực tiếp khoảng 3 buổi, tổng là 10 giờ đồng hồ mỗi tuần, không hơn. Thời gian còn lại được dành để viết lách, update lại giáo trình một cách liên tục, đọc sách, và… chăm mèo. Thầy bảo với tôi rằng, nếu như ta dạy 4 buổi mỗi tuần, ta sẽ trở nên cực kỳ cáu bẳn, căng thẳng và đau khổ. Tôi từng được kể về một người bạn thầy là nhà tâm lý học rất có tài và có tâm, nên khi được nhiều người đề nghị tư vấn và trị liệu tâm lý, ông ấy luôn động lòng cảm thông và giúp đỡ họ, và hậu quả là có nhiều thời điểm công việc quá nhiều khiến ông ấy rất mệt mỏi đến độ trầm cảm, lãng quên giá trị sống của mình. Điều lạ lùng là chúng ta lại như thế rất thường xuyên, luôn trong thế bị động, nghĩ rằng đâm lao rồi phải theo lao và cảm giác không thể dừng lại bởi phía trước là đường lao đã phóng rồi một đi khó lòng sửa lại, còn phía sau là gia đình, là cơm áo gạo tiền, là rất nhiều áp lực phải vượt qua. Thế nhưng, thay vì xem mình là mũi lao để rồi đến khi cán đích lại cảm thấy bế tắc, bất lực vì không thể vẽ lên trang giấy đời mình một bức tranh như ý, hãy là một con chim, một cánh bướm, bay theo tiếng gọi của cả lý trí và trực giác mình.

Cuộc sống tôi từ đó về sau, đã thay đổi rất nhiều, không phải vì thầy đã trực tiếp dạy cho nhiều đến vậy, mà chính là nhờ sức mạnh to lớn của tầm ảnh hưởng, nguồn cảm hứng và niềm tin bất diệt vào những giá trị chân thật.

--------------------------------------------------------------------------

Cho đến tận giờ khi ngồi viết những dòng này, tôi vẫn chỉ cảm thấy mình là một cô bé nhỏ nhoi giữa dòng đời, sinh ra trong khó khăn nhưng được bố mẹ tạo điều kiện hết sức trên con đường học tập, không ngừng nhắn nhủ tôi rằng chỉ có tri thức mới có thể thay đổi vận mệnh của mình. Trên con đường đó, tôi lại rất may mắn khi luôn có được sự yêu mến, giúp đỡ và niềm tin chân thành từ các thầy cô. Chẳng ai trong chúng ta là hoàn hảo cả, nhưng từ những nhân cách cao đẹp, quan điểm sống lành mạnh, thái độ tích cực, nghiêm túc với kiến thức, và nhất là sự nhiệt thành với nghề nghiệp từ những người thầy, người cô mà tôi đã gặp trên đoạn đường đời vừa qua, tôi đã thấy nhân cách của mình hoàn thiện hơn rất nhiều. Tôi mang ơn tất cả những người họ – những người với câu chuyện và bài học tôi vừa kể trên hay với cả những người tôi chưa kịp kể hết, và cả những người thầy tôi có lỡ vô tình quên đi. Tôi chẳng thể tìm lại từng người họ để trả ơn, chỉ biết tự nhủ bản thân sẽ cố gắng sao cho xứng đáng với tất cả những ân huệ tử tế, tốt đẹp mà tôi đã được ban. Những bài học tôi đã có sẽ không dừng lại ở đoạn đường mười sáu năm học đã qua, mà chúng sẽ theo tôi mãi trong sự nghiệp theo đuổi tri thức dài đằng đẵng cả đời này.

Bạn thấy đấy, tôi bắt đầu bài viết này khẳng định bản thân là người đề cao việc tự học hơn cả, nhưng cũng chính trong quá trình gian nan mà tôi đã tự phải trải qua ấy, hơn ai hết tôi lại là người luôn quý trọng những người thầy và nhận thức được vai trò không thể thiếu của họ trong nền giáo dục. Công nghệ đã, đang và sẽ làm thay đổi rất nhiều bản chất của giáo dục nói chung và vai trò của giáo viên nói riêng, nhưng trên hành trình tìm kiếm tri thức, thật may mắn khi có một người thầy giỏi luôn đồng hành, không phải để nâng đỡ ta trên từng bước đi, mà để khi ta vấp ngã hay nản lòng, lúc quay lưng lại thì luôn thấy họ vẫn ở phía sau, sẵn sàng hỗ trợ, động viên và soi đường chỉ lối.

Tôi sẽ kết thúc bài viết này rất dài này của mình bằng một đoạn trích mà tôi dịch từ bài diễn thuyết mang tên “Làm thế nào để thoát khỏi thung lũng chết của giáo dục” (How to escape education's death valley) về vai trò của giáo viên và nền giáo dục của Ngài Ken Robinson, một tác giả, diễn giả, cố vấn giáo dục mà tôi rất đỗi ngưỡng mộ, như một sự bày tỏ kính trọng đối với sự ra đi gần đây của ông: Một người thầy, người bạn tâm giao tôi không có vinh hạnh gặp mặt, nhưng được biết đến ông cũng đã là một điều may mắn rất lớn trong đời:

“Không có bất kỳ hệ thống nào trên thế giới hay bất kỳ trường học nào trên cả nước tốt hơn người giáo viên cả. Giáo viên là nhân tố quyết định sự thành công của trường học. Nhưng dạy học là một nghề nghiệp đòi hỏi sự sáng tạo. Giảng dạy, nếu được nhận thức một cách đúng đắn, thì không chỉ là một hệ thống phân phối thông tin đơn thuần. Bạn (giáo viên) ở đó không chỉ để truyền tải kiến thức mà bạn có được. Người thầy vĩ đại làm thế, nhưng người thầy vĩ đại cũng là làm nhiệm vụ cố vấn, kích thích, truyền cảm hứng, khơi gợi, và cũng tham gia vào việc học. Bạn thấy đấy, sau cùng thì nói đến giáo dục chính là nói về việc học. Nếu việc học không diễn ra thì không thể được gọi là giáo dục nữa. Và mọi người sẽ chỉ tốn thời gian vô ích khi thảo luận về giáo dục mà không đề cập gì đến việc học. Mục đích tối cao của nền giáo dục chính là khiến cho con người học hỏi.”

Tác Giả: Quynh Nhi

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/little.quynhnhi/

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 11 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.  

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

776 lượt xem, 705 người xem - 799 điểm