Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Bạn Có Đang Cảm Thấy Cô Đơn Không?

Đã bao giờ, bạn cảm thấy tủi thân khi lúc nào cũng lủi thủi một mình chưa?

Đã bao giờ, bạn cảm thấy mình lạc lõng ngay cả khi ở trong một căn phòng đầy người, ở giữa một thành phố chật chội, náo nhiệt chưa?

Đã bao giờ, bạn cảm thấy xung quanh bạn không ai hiểu bạn, bạn cảm thấy không kết nối được với mọi người, kể cả gia đình hay bạn bè chưa?

Đã bao giờ, vào một ngày nghỉ, bạn muốn rủ ai đó đi café, xem phim,… nhưng khi mở danh bạ hay list friends của mình ra, bạn lại không biết phải gọi cho ai, để rồi lại đành cất điện thoại đi và trải qua ngày nghỉ một mình chưa?

Đã bao giờ, bạn thèm khát một người bạn đồng hành, một người có thể lắng nghe bạn xàm xí mỗi ngày, một người có thể trò chuyện, tâm sự cùng bạn chưa?

Nếu có, thì thật cô đơn phải không?

Mình đã từng đọc ở đâu đó, có người nói rằng: “Cô đơn không phải ở một mình. Cô đơn là khi bạn có rất nhiều điều nhưng không biết kể cùng ai”. Bạn không nhất thiết phải ở giữa hoang đảo như Robinson Crusoe, mà ngay trong xã hội nhộn nhịp toàn người với người, sự cô đơn vẫn tồn tại và bủa vây bạn. Dù được vây quanh bởi bạn bè, đồng nghiệp, cảm giác cô đơn đó vẫn hiển hiện. Mà thực tế cho thấy, xã hội càng đông người, mối quan hệ càng tăng lên, con người ta càng dễ cảm thấy cô đơn và lạc lõng. Những người “khỏe” về mặt tinh thần sẽ đối phó với nỗi cô đơn bằng cách giải quyết nó, còn người “không khỏe” lại tự nhấn chìm mình vào trạng thái này.

Mình từng đọc được một bài viết của Vietcetera, viết về 10 biểu hiện vô thức cho thấy bạn đang rất cô đơn. Hãy thử đọc và xem bạn đang có những dấu hiệu đó không nhé!

Thứ nhất, bạn đang lý tưởng hóa các mối quan hệ cũ. Có phải bạn thường có xu hướng hồi tưởng về các mối quan hệ trước đây như mối tình đầu, những nơi đã đi qua, những cuộc trò chuyện thân mật hay những dòng tin nhắn ngọt ngào…? Đó là khi bạn cảm thấy hiện tại không có đủ yêu thương để thay thế cho những gì đã qua, bạn đang cảm thấy cô đơn ngay trong chính mối quan hệ của mình.

Thứ hai, bạn ngại kết bạn và gặp gỡ người mới. Khi bạn quá quen với việc ở một mình, bạn càng có ít động lực để mở rộng mối quan hệ. Bạn thấy mình thật “ngầu” khi có thể tự làm mọi thứ mà không cần ai, như ăn một mình, ngủ một mình, đi xem phim, uống café một mình, tự sửa chữa được đồ dùng trong nhà,… Cho đến một ngày, bạn đột nhiên nhận ra rằng, mình thực sự đang không ổn. Chỉ là bạn đã một mình quá lâu, đến nỗi quên mất rằng ai cũng khao khát có người tâm sự và bầu bạn mà thôi.

Thứ ba, bạn giả vờ chán ngán các mối quan hệ yêu đương. Có phải bạn đã từng nghĩ hoặc nói với mọi người rằng “Mình không muốn yêu”, “Mình không quan tâm/không có thời gian cho việc yêu đương”,… ? Nếu bạn đang thể hiện sự coi thường, chán ghét những ai đang yêu hay mong muốn được yêu, có khả năng trong thâm tâm bạn cũng đang khao khát điều tương tự. Bởi nếu không, bạn đã chẳng cần phải cố chối bỏ nó làm gì.

Thứ tư, bạn bị ám ảnh với việc hoàn thiện bản thân. Chúng ta thường theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo khi thấy mình chưa đủ giỏi, chưa phát huy hết mức. Và cảm giác đó thường trở nên rõ rệt nhất khi ta đang xa cách với những người xung quanh.

Thứ năm, cảm giác bão hòa, trống rỗng. Bạn cảm thấy việc trải lòng, tâm sự với người khác chẳng còn ý nghĩa gì nữa, vì vậy mà bạn kiềm chế, cô lập hầu hết cảm xúc của mình.

Thứ sáu, bạn bị ám ảnh với những tiểu tiết không quan trọng. Chúng ta dễ trở nên khó tính, lập dị và ám ảnh hơn với những tiểu tiết trong cuộc sống. Bởi vì nhu cầu thật sự của chúng ta không được đáp ứng, ta chuyển sự thất vọng của mình sang những nhu cầu nhỏ hơn.

Thứ bảy, bạn phóng đại sự khác biệt giữa bản thân và người khác. Càng ít kết nối với người khác, chúng ta càng biện minh cho sự tách biệt cộng đồng của mình. Ta cho rằng đó là sự tự lập, tính hướng nội hay sự chọn lựa, và tự hào một cách phi lý về sự tách biệt của mình hơn là thực sự quan tâm về nó.

Thứ tám, bạn hay tự phê bình bản thân. Khi bạn cảm thấy không thể kết nối với mọi người, bạn sẽ soi xét những thiếu sót của bản thân và liên tục nhắc nhở mình về lý do mà bạn cho rằng mình không được yêu thương. Đó là bởi vì không có sự ủng hộ và kết nối với mọi người mà chúng ta cảm thấy không cách nào khắc phục được mọi khuyết điểm mà ta luôn xét nét.

Thứ chín, bạn không ngừng cảm thấy kiệt sức. Khi một mình quá lâu, đến một lúc nào đó trong ta chỉ còn mệt nhoài và nản lòng. Một mình cố gồng gánh mọi thứ khiến bạn thêm mệt mỏi và kiệt sức.

Cuối cùng, bạn từ chối mọi cơ hội mới. Chúng ta càng cô đơn, thế giới quanh ta sẽ càng thu hẹp. Khi không liên lạc với người khác trong thời gian dài, chúng ta càng thu mình với cuộc sống. Ta sẽ thích ở nhà hơn ra ngoài, thích an toàn hơn mạo hiểm, bỏ qua mọi cơ hội mà đáng lẽ phải theo đuổi và nắm bắt. Tách khỏi thế giới bên ngoài đồng nghĩa từ bỏ một phần đặc tính của con người – kết nối và vươn tới những điều lớn lao hơn. Quan trọng nhất, đó là khả năng phấn đấu trở thành phiên bản hoàn thiện nhất của chính mình.

Bạn đã từng rơi vào những tình huống, trạng thái đó chưa?

Mình thì rồi. Đã có một khoảng thời gian mình bị down mood nghiêm trọng, mất khoảng 2 tháng. Mình mệt mỏi, mình chán nản, mình khó chịu, mình buồn bực. Mình suy nghĩ quá nhiều thứ trong đầu, mình có quá nhiều việc phải làm, có quá nhiều chuyện phải lo. Mình muốn làm hết tất cả nhưng rồi mình không có tâm trạng, không có hứng thú, không có động lực để làm. Lúc đó, mình thực sự chỉ muốn tìm ai đó để tâm sự, mình chỉ muốn nói với ai đó rằng “Mình đang rất không ổn”. Mình không cần họ động viên, an ủi hay đưa ra giải pháp cho mình, mình chỉ cần có một người ở cạnh, chỉ cần im lặng thôi cũng được, để mình cảm thấy bớt cô đơn, để lòng bớt chơi vơi, để mình cảm thấy mình vẫn có chỗ để bấu víu, để dựa vào. Nhưng rồi, mình lại không biết tìm ai. Không phải vì không có ai để nói, mà là có chút gì đó không muốn nói, không muốn họ biết chuyện của mình, hay một chút sợ người ta không quan tâm, sợ người ta không hiểu được mình, rồi sợ làm phiền người ta.

Vậy phải làm gì để ta có thể thoát khỏi cảm giác cô đơn này?

Cần phải khẳng định rằng, sự cô đơn là một phần bình thường trong cuộc sống con người. Vào một thời điểm nhất định nào đó, chúng ta cảm thấy cô đơn, nhưng khi trạng thái này trở thành mãn tính sẽ rất dễ trở thành một dạng bệnh lý - cô độc. Nếu cô đơn là trạng thái vật lý khi con người ở một mình thì cô độc lại là cảm giác mang tính tiêu cực và đau đớn.

1. Hãy thừa nhận và đối mặt với thực tế.

Nhiều người xấu hổ khi thừa nhận họ cô đơn vì cho rằng nó giống như bị cô lập hoặc lập dị. Tuy nhiên, chối bỏ sự cô đơn đồng nghĩa với việc mất cơ hội để đấu tranh với nó. Bạn hãy dành thời gian tự hỏi mình xem sự khó chịu và nỗi cô đơn này đến từ đâu. Nó có thực sự là nỗi cô đơn hay không? Nhận thức được điều này sẽ giúp bạn đối mặt với nỗi cô đơn đó dễ dàng hơn. Đồng thời, bạn cũng nên dũng cảm đối mặt với khó khăn và “vượt mặt” nó. Nhà tâm lý học Rosenberg cho rằng, khi đứng trước bất cứ vấn đề khó khăn nào, bạn cần phải dũng cảm đối mặt với nó và "thẳng tiến". Điều này được so sánh với việc “nhảy vào hồ bơi dù bạn biết nước rất lạnh”. Mọi người đều biết rằng, sau khi nhảy xuống hồ nước, dần dần bạn sẽ không cảm thấy lạnh nữa. Do vậy, lời khuyên của các chuyên gia đưa ra, dù gặp cú sốc gì, bạn cần phải tự nhủ rằng đó chỉ là việc thoáng qua và bạn hoàn toàn có thể vượt qua nó. Khi đó, bạn có thể cảm thấy thoải mái hơn nhiều.

2. Đừng từ chối hoặc giữa khoảng cách

Cảm giác xấu hổ và tự ti thường đi kèm với sự cô đơn, phản ứng phổ biến là khiến bản thân nghĩ rằng bạn không thực sự cần bất cứ ai, mọi thứ sẽ tốt hơn và bạn sẽ tự làm tốt. Tuy nhiên, phản ứng này sẽ gây hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất. Mọi người cần nhau và mọi người cần cảm thấy được yêu thương. Vì vậy, ngay khi bạn muốn "gắn nhãn" cho sự cô đơn, hãy thử làm điều gì đó để ngăn chặn nó.

3. Luyện tập giao tiếp trực tiếp

Hãy trao đổi và chia sẻ những mong muốn của mình với những người xung quanh, lắng nghe những chia sẻ và giúp họ đạt được mong muốn của bản thân trong phạm vi khả năng của bạn. Việc này giúp chúng ta cải thiện tâm trạng và cảm thấy cuộc sống của có ý nghĩa hơn ngay cả khi đang buồn, đồng thời còn giúp chúng ta cảm thấy tốt hơn về bản thân.

4. Làm sâu sắc thêm các mối quan hệ

Cảm giác có một người bạn thực sự đáng tin cậy sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề bằng một trong hai cách. Một là bạn thực sự có thể gọi họ khi bạn cô đơn. Hai là cảm giác có một người luôn sẵn sàng nhận điện thoại sẽ khiến bạn thậm chí không cần gọi điện nữa. Một khi bạn biết rằng, có một người sẽ “luôn ở đó”, bạn sẽ thấy bớt cô đơn hơn dù có ở một mình đi nữa.

5. Tìm kiếm một sở thích mới

Bạn có thể viết ra những kỷ niệm vui. Chỉ cần dành 15 phút mỗi ngày để ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt mà bạn đã có với bạn bè và gia đình là đủ để vượt qua cảm giác tiêu cực.

Hay cũng có thể nuôi thú cưng, hoặc dành thời gian với người khác. Tương tác với động vật có khả năng giải phóng dopamine trong não. Đây là một chất dẫn truyền thần kinh dẫn đến cảm giác vui vẻ và hạnh phúc. Hơn thế nữa, các hoạt động ngoài trời như dắt chó đi dạo cũng là cơ hội để bắt đầu cuộc trò chuyện với những người nuôi thú cưng khác và thậm chí có thể giúp kết bạn.

Hoặc tham gia câu lạc bộ bởi việc tương tác với những người có chung sở thích sẽ tạo cơ hội tốt hơn để hình thành các kết nối có ý nghĩa.

6. Hạn chế sử dụng mạng xã hội

Với sự phát triển vượt bậc của Internet ngày nay, mọi người dễ dàng kết nối với nhau qua các trang mạng xã hội. Chỉ với một vài lần chạm là bạn đã tiếp cận cuộc sống của rất nhiều người. Đôi lúc bạn cảm thấy tủi thân khi tự so sánh bản thân với bất kì một ai khác vì bạn cảm thấy họ có một cuộc sống hạnh phúc hơn, họ có nhiều người ở bên cạnh hơn, họ có những người bạn thật sự hiểu họ hay đơn giản họ được là chính mình… Tất cả những việc này có thể thúc đẩy cảm giác cô đơn bên trong, khiến bạn tự xây “bức tường” để ngăn cách bản thân với xã hội. Đó là chưa kể trên các trang mạng xã hội có rất nhiều thông tin “nuôi dưỡng” sự cô đơn như các bộ phim, bài hát, hình ảnh với nội dung buồn bã trong tình cảm, vấp ngã trong cuộc sống… khiến cảm giác cô đơn càng có cơ hội bùng lên mạnh mẽ. Đôi lúc bạn nên hạn chế sử dụng mạng xã hội, dành thời gian để chăm sóc và yêu thương bản thân mình hơn. Vì mỗi một người trong chúng ta là một cá thể riêng biệt, toả sáng theo cách riêng nên không cần ngưỡng mộ cuộc sống của người khác.

7. Hãy luôn mỉm cười

Các nhà khoa học khuyên rằng, chúng ta nên thường xuyên nhắm mắt lại và nghĩ về lần cuối cùng bạn khiến ai đó cười hoặc vui vẻ, sau đó để cơ thể làm phần còn lại. Chỉ cần nghĩ đến lúc đang tếu táo, nụ cười sẽ tự động nở trên khuôn mặt bạn. Mỉm cười là động tác khơi dậy tất cả những chất dẫn truyền thần kinh tốt trong não và khiến bạn hạnh phúc hơn so với chỉ vài giây trước. Hãy giữ cảm giác đó bằng cách dựa vào thứ khiến bạn cảm thấy thực sự dễ chịu, chẳng hạn như đọc cuốn sách yêu thích hoặc chạy bộ.

8. Luôn nhớ rằng bạn không đơn độc

Mỗi khi gặp khó khăn, chúng ta hay thuyết phục bản thân rằng tình huống ta đang gặp phải là duy nhất và những người xung quanh chẳng ai có thể hiểu được. Lúc này bạn đang tập trung quá mức vào bản thân. Vì thế hãy bước ra khỏi “bức tường” ngăn cách bạn với thế giới để nhận ra ngay lúc này có rất nhiều người thân yêu đang sẵn sàng giúp đỡ bạn. Chuyển sự tập trung từ bản thân sang người khác để nhận ra có rất nhiều người đang gặp khó khăn giống bạn, có thể họ đang chờ sự giúp đỡ từ bạn.

Hãy luôn nhớ rằng "Bạn không bao giờ đơn độc" và cảm thấy một mình trong thế giới này vì bên cạnh bạn luôn có những người thân yêu, những người đồng hành vì một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tình yêu thương là dành cho tất cả mọi người, tình yêu thương sẽ lấp đầy những khoảng trống trong lòng, tiếp thêm sức mạnh cho bạn vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

 Tác Giả: Trang

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

475 lượt xem, 421 người xem - 426 điểm