Nguyễn Phương Thảo@Triết Học Tuổi Trẻ
7 tháng trước
Bạn Có Đang Cảm Thấy ‘’Mất Kết Nối’’?
1. Nhân duyên đến với chủ đề và khái niệm ‘’mất kết nối’’
‘’ Ta mất nhau thật rồi em ơi
Tan vỡ hai cực đành chia đôi
Anh sẽ luôn ghi nhớ em trong từng tế bào
Vậy mà dừng lại như thế sao?’’
(Mất kết nối – Dương Domic)
Giai điệu này có lẽ đã khá quen thuộc với nhiều bạn trẻ dạo gần đây, và trong đó có tôi. Trong vô thức tôi đã thuộc bài hát đó, không chỉ bởi độ phủ sóng mạnh mẽ, hay giai điệu được lặp lại trong tâm trí tôi vì hàng xóm nhà tôi hôm nào cũng nghe, mà còn bởi bài hát này đem lại cho tôi nhiều trăn trở, khiến tôi phải suy nghĩ về cụm từ ‘’mất kết nối ‘’.
Khi lên google và tìm kiếm cụm từ này, tôi thường nhận lại một số kết quả như: cách sửa lỗi không thể kết nối với mạng điện thoại di động, cách khắc phục tình trạng mất kết nối internet. Ngoài ra, ‘’mất kết nối’’ cũng từng xuất hiện trong cuốn sách ‘’ Lost connection’’của tác giả Johann Hari. Trong cuốn sách đó, tác giả đã đề cập đến mất kết nối là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm, lo âu: mất kết nối với công việc, mất kết nối với những giá trị ý nghĩa, mất kết nối với mọi người xung quanh, mất kết nối với vị trí xã hội và sự tôn trọng, mất kết nối với thế giới tự nhiên…
Tuy nhiên, trong bài viết này, tôi muốn đề cập đến ‘’mất kết nối’’ là tình trạng mất sự gắn kết giữa con người với con người.
2. Mất kết nối trong các mối quan hệ
Mất kết nối trong mối quan hệ giữa 2 người – tình yêu đôi lứa
Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, đặc biệt là sau đại dịch Covid 19, mọi người đã quen với việc hoạt động online, tiếp xúc với nhau qua màn hình điện thoại. Những ứng dụng hẹn hò dần nổi lên và việc yêu qua mạng đã không mấy xa lạ với giới trẻ. Đó cũng là lúc mà mọi người bày tỏ cảm xúc qua icon trên mạng nhiều hơn gặp mặt trực tiếp, là khi những lời yêu thương được thể hiện trên mạng nhiều hơn là ngoài đời. Ta dần cảm thấy ‘’ ngại ‘’ khi bộc lộ cảm xúc trực tiếp với người khác, chuyện gì khó nói, ta để về ‘’inbox’’. Có thể nói, mạng xã hội đã trở thành nhịp cầu kết nối nhiều trái tim, những mối tình bắt nguồn từ việc ‘’ rep tin ‘’ trên facebook, hay comment dạo. Chúng ta không thể phủ nhận rằng có nhiều mối tình online như trong tranh đã được vẽ lên nhờ thế giới ảo đó. Tuy nhiên, việc quá đắm chìm trong màn hình ảo đó đôi khi đã khiến cho tình yêu của giới trẻ dễ ‘’ mất kết nối ‘’. Bởi sợi dây kết nối lúc bắt đầu đã không bền chặt, chúng ta hay gọi nó là ‘’mập mờ’’ nên chỉ cần ‘’ tan vỡ hai cực’’ thì sẽ dễ kết thúc.
Tôi hay được nghe mẹ kể về những mối tình thời xưa, cách đây tầm 20 năm, đó là lúc mà công nghệ chưa phát triển hiện đại như bây giờ. Những lần gặp gỡ và rung động ngoài đời đem lại những cảm giác chân thực, đó là những cái nắm tay hay sự e thẹn trong lần đầu gặp gỡ, những tâm sự luôn được bộc lộ trực tiếp... Liệu rằng những điều đó đã khiến cho sợi dây tình cảm vì thế mà vững chắc hơn chăng?
Nhưng bây giờ, tình yêu online được thể hiện qua những tin nhắn, giới trẻ giận dỗi vì người đó thả tym ảnh của người khác, quên không chúc mình ngủ ngon hay trả lời tin nhắn chậm…Những mong muốn, nguyện vọng được thể hiện thông qua con chữ, đôi khi không thể diễn tả hết thái độ và tình cảm có thể dễ khiến đối phương hiểu lầm hơn. Mặc dù không thể khẳng định giới trẻ mất kết nối trong tình yêu hoàn toàn là do mạng xã hội. Tuy nhiên, có thể thấy một thực tế rằng mối quan hệ online sẽ dễ mất kết nối hơn so với trực tiếp, bởi chỉ cần một trong hai cực ngừng phát tín hiệu, thì cực còn lại sẽ ít có cách nào kết nối lại. Hiện tượng này ở giới trẻ hay gọi là ‘’ bị ghost’’.
Mất kết nối trong mối quan hệ bạn bè
Ngày nay chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhóm bạn trẻ ở ngoài quán café, dù ngồi gần nhau nhưng mỗi người đều tự nói chuyện với bạn đồng hành của mình – chiếc điện thoại, không ai nói với nhau câu gì. Những câu chuyện với nhau trở nên đứt đoạn và nhạt nhẽo, ta dần trở nên ngại giao tiếp hơn.
Tôi còn nhớ khi tôi còn bé, chỉ cách đây hơn chục năm nhưng đã có sự thay đổi đáng kể so với thời nay. Hồi đó nhóm bạn tiểu học của chúng tôi chơi vui với nhau vì những trò chơi như chơi nhảy dây, đá cầu, ô ăn quan, đuổi bắt. Khi tan học về, chúng tôi thường rủ nhau đi thả diều, câu cá… Nhưng thời nay, khi nhìn vào những đứa em, cháu tôi, tôi thấy hầu hết thời gian ở nhà chúng đều chơi game online, không Free Fire thì Among Us, ít khi thấy chúng nó rủ nhau đi chơi như hồi xưa của tôi.
So sánh tôi của ngày xưa và hiện tại cũng có thể thấy vòng bạn bè đang thu hẹp lại, những người bạn không quá thân thì sẽ mất kết nối. Tuy nhiên, tôi thấy ‘’ mất kết nối’’ chưa hẳn là không tốt. Bởi mỗi người đều có cuộc sống riêng, môi trường sẽ đổi thay vậy nên có những người bạn cũ từng rất thân thiết nhưng hiện tại đã hầu như biến mất khỏi cuộc sống của chúng ta để đến với những vòng tròn tình bạn mới của họ. Nhiều mối quan hệ không đủ mạnh sẽ biến mất để nhường chỗ cho những mối quan hệ chất lượng và thực sự có giá trị.
Tôi có một cô bạn thân, cũng được trên 10 năm rồi. Chúng tôi đã từng dính với nhau như keo với sơn, tưởng như không bao giờ có thể xa nhau, vậy mà khi lên đại học chúng tôi ở cách nhau 10km. Ban đầu, tôi và bạn đều không quen với cảm giác đó và thấy nhớ đối phương, nhưng rồi thời gian trôi qua, chúng tôi hiểu khoảng cách không phải là thứ khiến chúng tôi mất kết nối, quan trọng là trong tâm chúng tôi có muốn hướng về nhau hay không mà thôi. Những cuộc nói chuyện, tâm sự về cuộc sống hàng ngày ít dần, nhưng thay vào đó là những lời động viên, an ủi, chúng tôi hiểu cả hai có cuộc sống mới và bằng cách của mình. Từ đó tôi nhận ra rằng, sự kết nối trong tình bạn cần có sự vun đắp từ cả hai, và nếu thực sự liên kết ấy bền chặt thì môi trường hay yếu tố ngoại cảnh cũng sẽ khó làm đứt gãy.
Mất kết nối trong mối quan hệ gia đình
Bạn có thấy càng lớn cách thể hiện tình cảm với bố mẹ của chúng ta càng khác nhau không? Hồi nhỏ chúng ta có thể ngày nào cũng nói yêu bố mẹ, ôm bố mẹ và thể hiện cảm xúc vui, buồn, hờn, giận với bố mẹ của mình. Tuy nhiên khi lớn lên dần, chúng ta càng ngày càng ít nói về cảm xúc của mình hơn. Đặc biệt là với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và mạng xã hội cũng tạo ra sự khác biệt trong nhận thức, cách nhìn nhận và tiếp cận cuộc sống của các thế hệ. Lăng kính nhìn cuộc sống của bố mẹ và con cái thời nay có phần khác nhau, vì thế sự mất kết nối trong giao tiếp xảy ra. Phải công nhận rằng, chúng ta có thể dễ nói lời yêu thương ngọt ngào và thể hiện tình cảm đối với người thân của mình thông qua tin nhắn, như một ‘’ anh hùng bàn phím’’, nhưng lại khó có thể nói cám ơn, xin lỗi, hay nói yêu bố mẹ trực tiếp với họ. Đó phải chăng là một mầm mống của sự mất kết nối?
Bạn có thường xuyên chia sẻ với gia đình về cuộc sống thường ngày của bạn không? Tôi thường nghe được hai ý kiến trái chiều như thế này: Ý kiến thứ nhất cho rằng chúng ta chỉ nên chia sẻ với bố mẹ về những thành tích, những niềm vui và những gì tích cực để bố mẹ không phải lo lắng cho chúng ta, và vì họ đã có quá nhiều nỗi lo rồi. Ngược lại, ý kiến thứ hai cho rằng, khi vấp ngã, thất bại hay buồn chán, chúng ta có thể chia sẻ cho bố mẹ của mình. Tôi tự hỏi tại sao chúng ta không gộp hai ý kiến đó lại. Bởi gia đình là người thân nhất của chúng ta, sẽ luôn mở cửa chào đón ta dù ta thành công hay thất bại. Nếu chúng ta luôn lạc quan, vui vẻ và thể hiện nó với bố mẹ thì đó là điều tốt, nhưng cố gắng che giấu đi những điểm tối, góc khuất để gượng cười với chính những người thân quen nhất của mình thì chúng ta có còn coi gia đình là điểm tựa nữa không? Đúng là khi trưởng thành, có những vấn đề ta phải tự mình giải quyết, tuy nhiên, tôi nghĩ rằng ta không nên coi sự kết nối với gia đình là sự kết nối bắt buộc, ‘’ vì nghĩa vụ ‘’ – đó không phải là sự kết nối thực sự.
Mất kết nối giao tiếp với tập thể
Trên đây, mất kết nối được đề cập trong mối quan hệ với người thân, người quen. Còn ở phần này tôi muốn nói đến mất kết nối với những người xa lạ. Điều này có thể hiểu như khi đến một môi trường mới, ta khó hòa nhập với câu chuyện của mọi người, không có sự tương tác và trở nên vô hình trong đám đông. Một khi đã trải qua cảm giác không hòa nhập được, một số bạn trẻ có thể bắt đầu tin rằng mình không cần sự kết nối thực tế nữa. Họ tìm cách rút lui vào thế giới riêng của mình, nơi họ cảm thấy an toàn và thoải mái. Tuy nhiên, lâu dần, việc thiếu sự kết nối với những người xung quanh có thể khiến họ rơi vào trạng thái cô đơn sâu sắc và thiếu đi những mối quan hệ xã hội phong phú.
Vậy làm sao để khắc phục tình trạng này? Đó là bắt đầu từ những bước nhỏ. Việc tham gia vào những nhóm sở thích chung, nơi mọi người có những chủ đề và mục tiêu tương đồng, có thể giúp dễ dàng mở đầu một cuộc trò chuyện. Đồng thời, việc luyện tập giao tiếp, dù là những cuộc nói chuyện ngắn, cũng có thể giúp cải thiện khả năng kết nối và xây dựng sự tự tin. Hơn nữa, việc chấp nhận rằng cảm giác lạ lẫm khi gặp người mới là một điều bình thường và sẽ qua đi theo thời gian, cũng là cách để vượt qua cảm giác không hòa nhập. Mặc dù sự mất kết nối với người xa lạ có thể là một trải nghiệm khó khăn, nhưng nếu biết cách nhìn nhận và học cách mở lòng, việc tạo dựng những mối quan hệ ý nghĩa và vượt qua sự ngại ngùng sẽ trở nên dễ dàng hơn.
3. Vì sao giới trẻ ngày nay ‘’ mất kết nối’’?
Phụ thuộc vào công nghệ và mạng xã hội
Mạng xã hội ra đời đã gắn kết người với người, làm cho mối quan hệ của con người thêm rộng mở. Nhờ vào internet, chúng ta có thể kết bạn khắp năm châu bốn bể. Vì thế có vô lý nếu nói rằng công nghệ và mạng xã hội là nguyên nhân chính dẫn đến mất kết nối? Câu trả là là không! Bởi kết nối thế giới ảo là các kết nối không theo chiều rộng nhưng chưa đủ sâu, vì thế các mối quan hệ được hình thành trở nên hời hợt, thiếu bền chặt và dễ đứt gãy. Kết quả là, dù trong danh sách bạn bè trên thế giới đó có thể lên đến hàng nghìn người, nhưng khi màn hình đóng lại, chúng ta vẫn có cảm giác cô đơn. Đó là khi chúng ta muốn chia sẻ, tìm một người thực sự lắng nghe và chân thành, hay khi khó khăn cần người giúp đỡ thì ít khi ta tìm đến những mối quan hệ trên thế giới ảo đó. Như vậy, thế giới ảo nhưng cô đơn thật!
Áp lực công việc
Một nguyên nhân nữa dẫn đến mất kết nối là do áp lực từ công việc. Sự nghiệp được nhiều bạn trẻ đặt lên hàng đầu, đặc biệt là khi mạng xã hội bùng nổ và đâu đâu ta cũng thấy sự thành công của người khác. Một áp lực đồng trang lứa vô hình có thể nhen nhóm trong chúng ta, khiến ta càng tập trung vào công việc thay vì chọn duy trì các mối quan hệ xã hội. Tôi đã từng được chứng kiến một câu chuyện có thật từ người hàng xóm gần nhà tôi: Cô chú ấy lấy nhau khi chú khoảng hơn 30 tuổi. Vì nghĩ người đàn ông trong gia đình là trụ cột, vì thế chú ấy lao đầu vào công việc, mong muốn cho gia đình được đủ đầy vì thế sẽ hạnh phúc. Những bữa cơm chung gia đình trong những năm đầu dần bị chú thay thế bởi cuộc gặp gỡ đồng nghiệp, nhậu nhẹt bàn chuyện làm ăn... Sau một thời gian dài cố gắng, đúng là chú ấy đã có một vị trí khá cao trong sự nghiệp, tuy nhiên lúc này thì người vợ đã đề nghị ly hôn vì cảm thấy cô đơn và không được sẻ chia trong chính ngôi nhà của mình. Hầu hết thời gian của cô đều ở nhà chăm con, những lúc muốn nói chuyện tâm sự với chồng rất khó vì chú hay về muộn. Khi chú ấy có trong tay sự nghiệp, nhưng lại cảm thấy không hạnh phúc. Chú từng tâm sự với tôi rằng chú thấy hối hận vì đã không cân bằng được công việc và sự kết nối gia đình. Sợi dây kết nối gia đình cứ đứt dần do không có sự sẻ chia và thấu hiểu, để đến một lúc khi giọt nước tràn ly thì rất khó hàn gắn lại.
Lối sống vội vã và bận rộn
Cơ cấu xã hội hiện đại với nhịp sống nhanh, sự phân tán trong công việc, học tập và các trách nhiệm cá nhân khiến giới trẻ không còn thời gian và năng lượng để duy trì những mối quan hệ thật sự. Nghiên cứu cho thấy rằng phần lớn giới trẻ dành thời gian để ngủ, bởi đã quá mệt với công việc và áp lực cuộc sống nên nhu cầu gắn kết với mọi người, với thế giới giảm đi, thay vào đó, họ sống trong thế giới ảo để tiết kiệm năng lượng, dành thời gian yêu bản thân thay vì gắn kết với mọi người.
4. Hệ quả của việc ‘’mất kết nối’’
Thiếu kỹ năng giao tiếp thực tế
Việc giao tiếp chủ yếu qua các phương tiện điện tử, đặc biệt là qua mạng xã hội và tin nhắn, khiến giới trẻ thiếu đi kỹ năng giao tiếp trực tiếp và lắng nghe chân thành. Khi các cuộc đối thoại thiếu sự kết nối cảm xúc và sự chia sẻ thật lòng, mối quan hệ giữa cá nhân trở nên vô hình, dẫn đến cảm giác bị cô lập và không thể hòa nhập vào cộng đồng.
Tôi đã từng nghe nhiều câu chuyện của bạn bè rằng họ chỉ có thể yêu đương và nói chuyện với nhau thông qua màn hình, nhưng khi gặp mặt trực tiếp thì không ai biết nói gì cả, và dấu chấm hết cho một mối quan hệ cũng từ đó mà ra. Bởi sau cùng điều chúng ta mong muốn là một mối quan hệ đời thật và gắn bó lâu dài.
Tăng cường các vấn đề về sức khỏe tâm lý
Nghiên cứu trong cuốn sách Lost connection’’của tác giả Johann Hary cũng chỉ ra rằng việc mất kết nối là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm, lo âu. Việc chúng ta thu mình lại và không chia sẻ những cảm xúc thật của bản thân, cố kìm nén cảm xúc tiêu cực tích tụ lâu ngày sẽ dẫn đến bệnh tâm lý như trầm cảm. Vì thế, chúng ta cần có những kết nối thực sự, tạo cảm giác an toàn và đáng tin tưởng để có thể giãi bày những tâm tư của mình.
Thiếu động lực trong việc xây dựng mối quan hệ bền vững
Trong khi công nghệ cung cấp một không gian dễ dàng và tiện lợi cho các kết nối ngắn hạn, giới trẻ lại thiếu động lực và thời gian để xây dựng những mối quan hệ bền vững. Việc dễ dàng bỏ qua các mối quan hệ khi gặp phải khó khăn hay thử thách trong giao tiếp làm gia tăng tình trạng mất kết nối sâu sắc giữa các cá nhân, cũng như giữa cá nhân với xã hội.
5. Giải pháp
Từ cá nhân
Xuất phát từ nguyên nhân của hiện tượng mất kết nối, giải pháp hữu hiệu nhất để tăng cường kết nối giữa người với người là tăng giao tiếp trực tiếp. Tiến sĩ tâm lý Lê Nguyên Phương cũng từng trình bày quan điểm của mình rằng: ‘’ Dù công nghệ đã giúp mọi người kết nối với nhau từ xa dễ dàng hơn nhưng một số khía cạnh của sự tương tác giữa người với người không thể thực hiện thông qua giao tiếp trực tuyến. Tương tác trực tiếp mang lại cảm giác về sự hiện diện và gần gũi về thể chất, cho phép thể hiện các tín hiệu phi ngôn ngữ như nét mặt và ngôn ngữ cơ thể - vốn đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp. Theo một nghiên cứu vào năm 2018, các thành phần phi ngôn ngữ trong giao tiếp giữa người và người chiếm đến 90% quá trình giao tiếp, giúp truyền đạt cảm xúc, thái độ hiệu quả.
Những tín hiệu phi ngôn ngữ không thể truyền tải qua màn hình. Ngoài ra, chúng còn giúp tránh hiểu lầm, nhận diện được cảm xúc, tâm trạng người đối thoại rõ hơn, nhờ đó xây dựng lòng tin và mối quan hệ giữa các cá nhân. Sự hiện diện và gần gũi về mặt thể chất còn là một yếu tố quan trọng giúp giảm căng thẳng và gia tăng cảm giác thư giãn. Nghiên cứu đã phát hiện sự đụng chạm làm dịu trung tâm thần kinh và chậm nhịp tim. Nó cũng làm giảm huyết áp cũng như cortisol - hoóc môn gây căng thẳng - và kích hoạt giải phóng oxytocin - một loại hoóc môn thúc đẩy liên kết tình cảm với người khác. Động chạm cơ thể còn làm tăng mức độ dopamine và serotonin - 2 chất dẫn truyền thần kinh giúp điều chỉnh tâm trạng, giảm căng thẳng, lo lắng.’’
Vì thế, hãy ra ngoài để nói chuyện với bạn bè nhiều hơn, trao cho nhau những cái ôm và lời động viên trực tiếp. Để cảm nhận, để hiểu và thêm gắn kết với mọi người.
Từ gia đình
Gia đình là yếu tố quan trọng giúp hình thành các mối quan hệ xã hội bền vững. Các bậc phụ huynh cần tạo ra một môi trường mở, nơi con cái có thể thoải mái chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ mà không sợ bị phán xét. Thời gian chất lượng bên gia đình, như các bữa ăn chung hay những buổi trò chuyện thân mật, là cách hiệu quả để thắt chặt các mối quan hệ trong gia đình và từ đó giúp giới trẻ duy trì kết nối với xã hội. Vì thế cần tạo dựng môi trường gia đình ấm áp và gắn kết.
Từ xã hội
Tham gia vào các hoạt động xã hội và cộng đồng là một cách hiệu quả để giúp giới trẻ kết nối với nhau. Các chương trình tình nguyện, câu lạc bộ sở thích, các buổi giao lưu văn hóa hay thể thao sẽ tạo ra cơ hội để giới trẻ xây dựng các mối quan hệ mới, mở rộng mạng lưới xã hội và phát triển kỹ năng tương tác trong môi trường thực tế. Giới trẻ cần được khuyến khích tham gia vào các hoạt động giao tiếp trực tiếp, thay vì chỉ dựa vào các phương tiện điện tử. Các chương trình, hội thảo, hoặc lớp học về kỹ năng giao tiếp có thể giúp nâng cao khả năng lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc trong mối quan hệ. Đặc biệt, việc thúc đẩy các buổi gặp gỡ, trò chuyện trực tiếp trong môi trường gia đình, bạn bè và cộng đồng sẽ giúp xây dựng những kết nối bền vững. Như vậy, xã hội sẽ là cầu nối gắn kết gián tiếp thông qua các chương trình, buổi gặp mặt.
Có thể nói, sự kết nối được ví như một sợi dây liên kết các cá nhân với nhau. Khi sợi dây này mạnh mẽ, nó tạo ra sự gắn kết bền vững, nhưng nếu yếu hoặc đứt đoạn, sự liên kết sẽ bị rời rạc và mất đi. Vì thế, để tạo ra sự gắn kết, kết nối những sợi dây mạnh mẽ đó thành một mạng lưới bền vững thì cần có sự gắn kết, phối hợp của các bên. Cũng giống như giải pháp trên cần có sự tích cực thực hiện từ cá nhân, gia đình và xã hội.
6. Góc nhìn khác về mất kết nối
Có thể thấy sự mất kết nối gây ra khá nhiều hệ quả tiêu cực, tuy nhiên dưới góc độ khác chúng ta nhận ra rằng sự mất kết nối cũng có giá trị của nó. Nhiều bạn trẻ ngày nay thường bị cuốn theo những guồng quay của cuộc sống, nghe theo lời khuyên của các mối quan hệ nên đôi khi quên mất bản thân thực sự mong muốn điều gì. Vì thế, sự ngắn kết nối tạm thời với xã hội để quay về với bản thân mình, với con người bên trong để đối thoại với bản thân là một khoảng lặng cần thiết. Điều đó cũng giống như việc không còn ai bên cạnh nên ta phải tự học cách bước tiếp con đường phía trước của bản thân và tự quyết định cuộc đời của chính mình. Khi đó, mất kết nối lại là sự kết nối ngầm của bản thân với chính mình.
7. Kết luận
Xuyên suốt bài viết là mạch logic từ Khái niệm – Nguyên nhân – Hệ quả - Giải pháp của hiện tượng mất kết nối ở giới trẻ theo quan điểm của cá nhân tác giả cùng với sự tổng hợp thông tin từ các nghiên cứu khoa học.
Bài viết đã nêu lên một số quan điểm chính:
Thứ nhất, mất kết nối là tình trạng mất sự gắn kết giữa con người với nhau.
Thứ hai, mất kết nối được phân tích trong mối quan hệ giữa cá nhân trong mối quan hệ tình yêu, với bạn bè, với gia đình và với cộng đồng.
Thứ ba, nguyên nhân chính của mất kết nối là do sự phụ thuộc vào mạng xã hội và công nghệ.
Thứ tư, giải pháp hữu hiệu nhất để giảm tình trạng mất kết nối ở giới trẻ là khuyến khích, thúc đẩy việc giao tiếp trực tiếp. Ngoài ra cần có sự phối hợp từ phía cá nhân, gia đình và xã hội.
Thứ năm, mất kết nối không hoàn toàn là một hiện tượng tiêu cực.
8. Thông điệp
Trong một thế giới mà mạng xã hội có thể dễ dàng kết nối chúng ta với hàng triệu người, ta phải đối mặt với một nghịch lý: Mặc dù có thể giao tiếp với ai đó chỉ qua vài cú nhấp chuột, nhưng chúng ta lại không thể cảm nhận được sự sâu sắc, không thể trao đi những cảm xúc thật sự. Mối quan hệ ảo ấy, dù nhanh chóng, nhưng lại thiếu đi chiều sâu và sự chân thành. Ta trở thành những thực thể tách biệt, chỉ hiện hữu qua những dòng trạng thái, những bức ảnh hay những tin nhắn vội vàng, mà chẳng ai thực sự hiểu được nhau một cách trọn vẹn. Dần dần, những cuộc trò chuyện không còn là phương tiện để kết nối trái tim, mà chỉ là cách thức trôi qua, nhạt nhòa, không có sự lắng nghe hay chia sẻ thực sự.
Và rồi, khi màn hình tắt đi, ta lại đứng trước sự thật đau lòng: Một cảm giác cô đơn khó diễn tả, như thể có cả ngàn người xung quanh, nhưng chẳng có ai thật sự ở bên cạnh. Sự kết nối ngày càng trở nên mong manh, khi mối quan hệ thật sự dần bị thay thế bằng những tương tác hời hợt, vô hồn. Đây chính là sự ‘’mất kết nối’’, một hiện tượng ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại, khi chúng ta bị cuốn vào vòng xoáy của công nghệ và mạng xã hội, quên mất rằng, để kết nối thực sự, đôi khi chỉ cần một ánh nhìn, một câu nói từ trái tim.
Bài viết này trình bày quan điểm của cá nhân tác giả dưới lăng kính của một người trẻ về hiện tượng ‘’mất kết nối’’, từ đó nêu lên nguyên nhân và một số giải pháp. Qua đó tác giả muốn truyền tải một thông điệp đến chính mình và các bạn trẻ: Những chiếc màn hình sáng lấp lánh không thể thay thế được những cuộc trò chuyện thật sự, những ánh mắt chân thành hay những cái nắm tay ấm áp. Vì vậy hãy tìm lại bản chất của sự kết nối, để không chỉ thấy nhau qua mạng, mà còn cảm nhận nhau qua từng khoảnh khắc sống thật.
9. Lời kết
Cuối cùng, để kết luận của bài viết tương thích với phần mở đầu, tôi xin phép mượn lời của một bài hát khá nổi tiếng với giới trẻ - APT. được thể hiện bởi hai ca sĩ mà tôi rất yêu thích, Bruno Mars và Rosé:
Chỉ câu hát ngắn này nhưng đã nói lên thực trạng giới trẻ phụ thuộc vào mạng xã hội (Sent to your phone). Đây là một thực tế phổ biến trong các mối quan hệ hiện đại, khi mà việc chia sẻ cảm xúc và tình cảm đôi khi chỉ xảy ra qua các tin nhắn hoặc hình ảnh (kissy face là biểu tượng cảm xúc trên ứng dụng nhắn tin hoặc mạng xã hội). Mặc dù công nghệ tạo điều kiện kết nối nhanh chóng, nhưng nó không thể thay thế được sự gần gũi và cảm xúc mà những cuộc gặp gỡ trực tiếp đem lại. Vì thế, ‘’I'm tryna kiss your lips for real’’ thể hiện khát khao và mong muốn được gặp gỡ trực tiếp, có sự giao tiếp thể chất chân thật thay vì chỉ giao tiếp qua màn hình. Như vậy, câu hát đã thể hiện được khá đầy đủ thông điệp nội dung bài viết trên đây tôi muốn truyền tải.
Tác giả: Nguyễn Phương Thảo
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +15.000.000 VND/tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
1,223 lượt xem, 992 người xem - 1015 điểm