Thùy Chang@Triết Học Tuổi Trẻ
năm ngoái
Bạn Có Phải Là "Nô Lệ Của Tư Bản"?
“Nô lệ tư bản” được giới trẻ xướng tên trong thời gian gần đây bởi một vài lý do liên quan đến vấn đề kinh tế, xã hội. Trong thời đại mà đồng tiền là thước đo để đánh giá sự sung túc và là nhu cầu không thể thiếu đối với con người thì cụm từ “nô lệ tư bản” lại càng được xuất hiện nhiều trong cuộc sống của chúng ta, đặc biệt là giới trẻ.
Nô lệ tư bản là gì?
Nô lệ tư bản được giải thích như việc người lao động phải bán sức lao động của mình cho chủ sở hữu tư bản mà không màn đến sức khỏe hay thời gian nghỉ ngơi của mình để có thể kiếm thêm thu nhập. Các điều kiện lao động và lợi ích của người lao động thường phụ thuộc vào quyền lực của chủ sở hữu tư bản.
Con người chúng ta khi đến độ tuổi trưởng thành hay thậm chí là khi nhận thức được tầm quan trọng của đồng tiền đều mong muốn rằng mình có thể tìm được việc làm, có thêm thu nhập để chăm sóc bản thân và gia đình. Thế nhưng không phải tiền đã điều khiển chúng ta, mà chính những tham vọng đã đẩy chúng ta vào vòng xoáy của tư bản, thậm chí chúng ta bất chấp tất cả để có thể kiếm tiền.
Vòng tuần hoàn của con người
Ngay từ khi là một bào thai bé nhỏ, chúng ta gián tiếp được đồng tiền nuôi nấng, mặc dù chúng ta chưa nhận thức được đồng tiền nhưng cũng dần được tiếp xúc với nó hằng ngày. Khi chúng ta lớn hơn chút, tụi mình cũng có không ít những thương vụ với bố mẹ như: nếu con làm cái này con sẽ được 5k, làm cái kia sẽ được mua món đồ chơi yêu thích,.... Bạn thấy đấy, ngay từ khi còn nhỏ chúng ta đã được học cách cố gắng để đạt được những gì mình mong muốn.
Đến giai đoạn cấp 2, cấp 3, chắc chắn có không ít những bạn học sinh bị cám dỗ bởi những lời đường mật về tiền bạc, sự hào nhoáng của những người xung quanh mà bỏ học kiếm tiền, bỏ rơi cả tương lai tươi sáng phía trước.
Cả khi chúng ta đã bước vào môi trường đại học hay đi làm kiếm tiền, những nguồn thông tin sai lệch, mang tính chất lừa đảo tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội, thậm chí họ còn liên hệ với chúng ta với tác phong vô cùng chuyên nghiệp. Lứa tuổi sinh viên nhẹ dạ cả tin, “việc nhẹ lương cao” luôn là đề tài các bạn quan tâm. Việc này đã làm không ít các bạn trẻ bị lừa không chỉ là về tiền mà còn là những vấn đề nguy hiểm khác.
Có những bạn vì muốn phụ giúp gia đình chi trả kinh phí đã tìm việc làm thêm hay làm những công việc liên quan đến chuyên ngành mình yêu thích, thế nhưng vì quá mải mê kiếm tiền mà các bạn quên mất mình đang là một sinh viên, điều quan trọng nhất vẫn là việc học, dẫn đến việc từ bỏ giữa chừng để đi làm vì nghĩ đi làm có tương lai hơn hẳn.
Đến khi ra trường, các bạn lại lao vào vòng xoáy hối hả của cuộc sống, các bạn không từ thời gian, sức khỏe của mình để kiếm tiền, đi làm từ lúc 7h sáng và về nhà khi thành phố đã dần chìm vào giấc ngủ, cơm ăn ngày 3 bữa qua loa từ các hàng quán. Đến cả những ngày lễ bạn cũng tranh thủ đi làm để có mức lương x2 , x3,....., bạn chạy deadline đến 2-3 giờ sáng và rồi 5h phải dậy để chuẩn bị đi làm với đôi mắt thâm và tinh thần uể oải. Thử nghĩ mà xem chúng ta đi làm vì điều gì mà đến cuối cùng tiền chúng ta kiếm được lại trả về với thuốc thang, bạn nghĩ xem đã bao lâu rồi bạn chưa gọi về cho gia đình, không tụ tập bạn bè, không dành thời gian cho bản thân mình?
Rồi đến khi về già, nếu có thể tích góp được một khoản để chăm lo cho bản thân , mọi cố gắng khi chúng ta còn trẻ sẽ chẳng hề lãng phí. Thế nhưng, nếu chúng ta cứ mãi làm việc mà khi già vẫn phải kiếm cho mình một công việc để tự nuôi sống bản thân, bạn có cảm thấy bạn đã nợ thanh xuân điều gì không?
Vì sao chúng ta tình nguyện trở thành “Nô lệ tư bản”
“Nô lệ tư bản” thường được réo tên như một cụm từ mang ý nghĩa tiêu cực, đặt nặng nhiều nỗi áp lực. Tuy vậy nó cũng là một cụm từ viral để chỉ những bạn trẻ mới bước chân vào thế giới công sở.
Lợi ích của tư bản mang lại vô cùng to lớn, nhất là trong vấn đề liên quan đến kinh tế, tài chính. Ngoài ra, khi chúng ta bước chân vào làm việc trong một công ty sẽ mang lại cho ta khá nhiều các mối quan hệ, lẫn bài học đường đời vô cùng đắt giá. Cho ta cuộc sống hạnh phúc, sung túc hơn.
Bản thân mình đang là một cô sinh viên năm 2 theo học tại một ngôi trường đại học tư nhân tại TP HCM. Suốt những năm tháng học sinh, mình không phải mưu sinh kiếm tiền cũng không quá xem trọng việc kiếm tiền trong thời gian này, nhiệm vụ chính của bản thân vẫn là làm sao học cho thật tốt. Sau khi bước chân vào giảng đường đại học, mình vẫn không có ý định đi làm thêm với những công việc phục vụ part - time vì sức khỏe mình không tốt lắm. Dần dần, mình cảm thấy việc chỉ có đi học và về nhà khiến cuộc sống khá nhàm chán, thế là mình bắt đầu tìm hiểu và apply vào các câu lạc bộ của trường, sau này có nhiều kinh nghiệm hơn mình lại apply vào các dự án bên ngoài, thực sự sau khi trải nghiệm nhiều như thế, đã mở ra một bước ngoặt vô cùng to lớn trong cuộc đời sinh viên của mình. Mình quay cuồng trong công việc, từ chạy dự án, viết bài content,.... tuy rằng những công việc này không lương nhưng mình luôn muốn làm hết sức với một ý nghĩ rằng bản thân sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm hơn và sau vài tháng tiếp đó thì mình có cơ hội được làm gia sư - công việc đã giúp mình có thêm thu nhập đầu tiên trong cuộc đời mình. Lúc đầu mình thấy việc bận rộn với các công việc rất vui, cảm thấy bản thân sống có ý nghĩa hơn, thế nhưng vì tính “tham công tiếc việc” mình đã bỏ bê bản thân khá nhiều và những căn bệnh vặt đến với mình như cơm bữa, tinh thần cũng trở nên mệt nhoài, uể oải. Sau đó mình tự hỏi bản thân cớ sao lại hành hạ bản thân như thế và mình quyết định cắt bỏ những dự án/ câu lạc bộ không còn mang lại kiến thức cho mình, chỉ tập trung vào những dự án thực sự cần thiết và việc học trên lớp. Điều này đã giúp bản thân khỏe mạnh hơn, gặp gỡ nhiều mối quan hệ và có năng lượng để làm việc một cách hiệu quả nhất, học được cách nghỉ ngơi chứ không cố ép bản thân làm việc như trước.
Mình không khuyên các bạn không nên làm việc nhiều, mà hãy làm việc thật thông minh và dành thời gian cho bản thân và gia đình, bạn bè để sau này sẽ không phải thốt lên hai từ “ giá như”.
Vậy làm sao để cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi?
Cách để chúng ta vừa có thu nhập vừa không bỏ lỡ thanh xuân của mình đó chính là bạn hãy cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi hay tham gia các hoạt động khác. Vậy chúng ta cần cân bằng sao cho hợp lý?
Thứ nhất, trước khi làm bất cứ việc gì bạn cũng cần chú ý đến sức khỏe của mình, phải đặt nó lên hàng đầu. Dù bận đến đâu bạn hãy đảm bảo bản thân ăn đủ 3 bữa chính, ngoài ra bổ sung đủ nước và ăn các thực phẩm giàu vitamin để có năng lượng học tập và làm việc.
Thứ hai, bạn cần giới hạn thời gian làm việc ngay tại chỗ làm của bạn, mỗi sáng bạn cần vạch ra những điều bạn cần làm trong một ngày, từ đó bạn sẽ dễ dàng làm việc một cách có năng suất. Ngoài ra việc bạn tối ưu hóa việc làm ở chỗ làm giúp bạn có thêm nhiều thời gian nghỉ ngơi.
Thứ ba, dù bận đến mức nào thì việc lập ra những nguyên tắc trong việc làm đẹp, chăm sóc bản thân hay dành một khoảng thời gian nhất định cho gia đình và bạn bè là vô cùng cần thiết. Điều này không chỉ giúp bạn kết nối với những người xung quanh mà còn giúp bạn giảm thiểu những vấn đề liên quan đến trầm cảm, stress, giúp bạn hạnh phúc và yêu đời hơn.
Thứ tư, cuồng quay trong công việc trong một thời gian dài với những đầu việc lặp đi lặp lại, lâu dần những kiến thức ta được học cũng ngày càng ít, việc dành thời gian để học thêm những kiến thức mới như học một ngôn ngữ mới hay học một kỹ năng mà mình quan tâm cũng giúp cho chúng ta có thêm nhiều cơ hội trong công việc và làm cho cuộc sống càng thêm ý nghĩa.
Và cuối cùng là hãy biết đủ, biết nghỉ ngơi khi mình đã thấm mệt, biết khi nào bản thân cần gác lại việc làm để thưởng cho mình một buổi đi chơi, biết khi nào cần về với gia đình với người thân. Đủ để yêu thương, đủ để thấu hiểu, đủ để sống.
“Nô lệ tư bản” không xấu, chính cách chúng ta làm việc mới là thứ quyết định. Mong rằng những kiến thức trên đây có thể giúp bạn có thêm nhiều động lực và kiến thức để giúp bản thân có một tuổi thanh xuân tươi đẹp hơn.
Tác giả: Thùy Trang
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: Thùyy Changg
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +15.000.000 VND/tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
2,222 lượt xem, 2,012 người xem - 2016 điểm