Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Bạn Có Thấy Mình Bận Rộn Quá Không?

Đây là bài viết giúp bạn có thể "mua" thêm thời gian với giá 0 đồng.

Mình rất thích câu ví von: Thời gian trôi như chó chạy ngoài đồng.

Một câu ví von duyên dáng hết sức, kết hợp một hình ảnh ngộ nghĩnh chân thật (bạn hãy hình dung lũ chó khi chúng phòng hết tốc lực) để bàn về một thực tế không thể phũ phàng hơn: thời gian không ngừng trảy chôi, chẳng mấy chốc ta đã đi qua 5 năm, 10 năm của đời người.


Thời gian là một thứ có thể tạo ra áp lực, nhất là trong trận chiến khẳng định vị thế của bản thân trên bản đồ sự nghiệp chung của xã hội. Càng lớn tuổi, ta càng có nhiều trách nhiệm hơn, mà lại chẳng còn có nhiều đặc quyền như khi còn niên thiếu nữa.

Ta phải tự thức dậy và đi tới chỗ làm, không ai có nhiệm vụ phải đón đưa; tiền ăn uống, sinh hoạt, mua sắm phải tự thanh toán, không còn bất kỳ quỹ trợ cấp hằng tháng nào.

Vừa cần phải kiếm tiền, vừa phải tự tay làm mọi thứ, lại còn nỗ lực thăng tiến, không hề khó hiểu khi người lớn luôn ao ước một ngày có số giờ nhiều hơn 24.

Không thể thêm hay bớt con số 24 ấy, vậy thì, tại đây, tại bài viết này, hãy cùng mình tìm hiểu, cân nhắc và đánh giá một số cách giúp bạn có thể tận dụng tốt hơn thời gian của mình, để bạn có thể làm được nhiều việc hơn, nôm na là cảm thấy như “mua” thêm được chút thời gian vậy.

1. Tìm ra cách làm nhanh nhất.

Đây là một trong những tip mà ít người nghĩ tới nhất, hoặc nếu có thì cũng chỉ là vô tình. Một trong những cách hiệu quả để tiết kiệm thêm chút thời gian quý báu trong ngày đó là nghiên cứu, tìm tòi ra cách làm nhanh nhất đối với một số việc.

Điều này có thể sẽ là một cú tát trời giáng vào mặt những kẻ bảo thủ khi họ ít chịu thay đổi và khăng khăng giữ lấy những thói quen, nề nếp sinh hoạt đã in sâu vào trong máu.

Lấy việc nấu ăn làm ví dụ. Chúng ta có thể nhìn xem các bà nội trợ lâu năm nấu một bữa ăn nhanh gọn lẹ trong thời gian ngắn ra sao. Trong khi những người vừa mới học nấu ăn có thể sẽ cảm thấy công việc này quá tốn thời gian và công sức, dẫn đến nản chí, bỏ cuộc và lại lao vào công cuộc ăn uống vô tội vạ, tốn kém từ đồ ăn mua sẵn bên ngoài.

Chúng ta mất nhiều thời gian là vì chưa biết cách kết hợp hài hòa trình tự các nhiệm vụ cụ thể của việc nấu ăn. Lấy ví dụ, ngày trước khi thuê trọ cùng một người bạn, mình đã chứng kiến cô bạn ấy nấu ăn rất ngon nhưng lại để mất quá nhiều thời gian vì luôn phải chuẩn bị sẵn sàng trước các nguyên liệu trước mặt rồi mới bắt tay vào nấu. Trong khi các bà nội trợ thì không vậy, họ sẽ biết được nên xen kẽ việc nào vào với việc nào. Họ sẽ không thái sẵn hành lá mà sẽ thực hiện nó trong lúc đợi canh đang sôi. Họ sẽ không rửa rau sạch sẽ và để đó chờ tới lượt được nấu, mà sẽ ngâm nước muối trước rồi lại quay qua đun nước, trong thời gian chờ nước sôi thì sẽ rửa sạch rau lần cuối cùng.

Tương tự, trong cuộc sống có rất nhiều công việc và nhiệm vụ mà bạn có thể làm với thời gian nhanh nhất có thể. Chọn một con đường để đi cũng như vậy. Tại sao bạn phải đi đường vòng (vì đó là con đường duy nhất mà bạn biết, và bạn sợ lạc!?!) trong khi có hẳn một con đường tắt cắt ngang giúp bạn đến được nơi cần thiết nhanh chóng hơn (bạn hãy thử nghiên cứu trên Google Map).

Một lần chuẩn bị cá nhân trước khi đi ra ngoài đôi khi cũng khiến bạn vội vã đến mức khó chịu, vì bạn luôn thấy mình kéo dài việc ấy thật lâu. Hãy thử tìm hiểu xem có thể cắt giảm được bước nào, hoặc cố gắng để những vật dụng cần dùng trong những lần chuẩn bị ấy ở một chỗ cụ thể thôi, đừng quăng quật lung tung, nhét mỗi chỗ một ít đồ đạc, nếu thế thì chẳng trách bạn cứ loay hoay mãi mà không xong việc.

2. Time batching: trong công việc và sắp xếp đồ đạc.

Không biết các bạn thế nào nhưng mình luôn cảm thấy một ngày trôi qua rất nhanh chóng nếu như ngày đó mình không có kế hoạch cụ thể và làm việc một cách khá “freestyle”. Và phong cách làm việc này dễ dẫn đến một số tình trạng sau:

- Làm việc theo cảm hứng và sở thích:

Vì không có kế hoạch cụ thể sẽ làm gì nên mình chỉ đơn thuần là việc gì mình đang thích làm thì mình sẽ làm. Nhưng cái vấn đề ở đây là sở thích của mình có thể khá… giải trí, và mình cũng liên tục thay đổi sở thích trong ngày nữa.

Thế nên, trong những ngày freestyle ấy, mình dễ nghỉ ngơi nhiều hơn với cái điện thoại túc trực trên tay để mình lướt tóp tóp. Hoặc là mình sẽ bật Youtube coi… hơi nhiều. Khi không còn thích xem các video đó nữa, cộng với cảm giác tội lỗi, mình lại chuyển qua công việc. Làm việc cũng không suôn sẻ do chẳng biết phải bắt đầu từ đâu và làm những gì, mình lại đứng dậy đi lại, đôi khi sẽ đi gội đầu, tắm rửa để xốc lại tinh thần, nhưng làm xong những việc ấy thì thời gian cũng chẳng còn mấy, mình lại tặc lưỡi cho qua một ngày luôn.

- Liên tục chuyển task khiến đầu óc bị phân tâm:

Khi không có kế hoạch cụ thể, mình dễ chuyển task công việc, hoặc liên tục chuyển giữa công việc và giải trí, khiến đầu óc bị phân tâm, công việc không vào guồng, không thể “work in a flow” được.

Kế hoạch trong ngày là rất quan trọng, kể cả với ngày nghỉ. Một trong những cách hiệu quả để bạn làm được nhiều việc hơn trong ngày (để cảm thấy chúng ta có nhiều thời gian hơn, không quá bận rộn) đó là batching: nhóm các công việc tương tự nhau vào làm một thể, tránh phân tâm quá nhiều khi chuyển task. Khi nhóm các công việc tương tự nhau vào cùng làm, chúng ta cũng dễ dàng đạt được trạng thái dòng chảy trong công việc hơn – làm việc xuyên suốt, tập trung, hiệu quả.

Nếu bạn gõ từ khóa “Morning routine” trên Youtube, bạn sẽ thấy hàng tá video xuất hiện. Và khi xem qua một vài video, bạn sẽ thấy hầu hết mọi người sẽ thực hiện phương pháp batching này. Họ sẽ có xu hướng nhóm các công việc “không cần gấp nhưng quan trọng” vào đầu ngày để thực hiện một lượt cho xong, đem đến cảm giác “achievement” tuyệt vời để xây dựng tiền đề cho một ngày vui vẻ, hiệu quả. Những công việc ấy có thể kể đến như dọn giường, uống nước (ngay sau khi thức dậy), tập thể dục (việc quan trọng hay bị bỏ qua), sau đó tắm rửa, skincare (nếu không thực hiện bây giờ thì bạn có thể sẽ hối hận về sau), ăn một bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng, get ready with me (GRWM) cho cảm giác một ngày tươi tắn, một số người có thể đọc sách một chút, viết một chút, chơi với cún cưng một chút (tùy theo sở thích), rồi sau đó mới bắt tay vào công việc chính.

Time batching là phương pháp bạn nên thực hiện ngay từ ngày mai. Hãy mở lại daily plan của mình và thiết kế lại một ngày hiệu quả với các đầu nhiệm vụ tương tự nhau được gộp vào một khối, làm cùng một thể khi bạn đang vào “guồng”, có hứng làm. Đừng chuyển task quá nhiều mà lại toàn những task chẳng liên quan gì nhau, dễ dẫn đến việc nản chí. Time batching có thể áp dụng cho cả dân văn phòng, freelancer và học sinh sinh viên.

Từ time batching, mình cũng chỉ ra cho các bạn thấy một cách làm tương tự với đồ đạc của mình. Bạn có thấy mình rất hay mất thời gian để chuẩn bị đồ đạc trong ngày không? Nếu vậy thì hãy dành ra một buổi để sắp xếp lại toàn bộ đồ đạc, bỏ hoặc cho đi những đồ không còn hữu ích với bạn, và chia khu để đồ một cách trật tự, logic, giúp bạn tiết kiệm thời gian. Hãy xếp hết quần áo, đồ makeup và những vật dụng giúp bạn sửa soạn trước khi ra ngoài vào một chỗ. Đồ bếp cũng quy lại để tại bếp thôi, đừng quăng ném lung tung. Các đồ cá nhân lặt vặt khác cũng hãy xếp gọn vào một tủ đồ để tìm cho dễ hơn. Đừng phải chạy khắp nhà tìm và lấy đồ đạc cần thiết trước khi đi ra ngoài nữa.

3. Học hỏi kinh nghiệm.

Chắc hẳn bạn đã nghe tới một quy tắc (có lẽ) đã dập tắt biết bao ước vọng hoài bão: quy tắc 10.000 giờ.

Đó là quy tắc lần đầu tiên được nhắc đến trong cuốn sách “Những kẻ xuất chúng: Câu chuyện thành công” xuất bản năm 2008 của Malcolm Gladwell - một nhà báo, tác giả, và diễn giả gốc Canada sinh ra tại Anh.

Trong cuốn sách này, ông cho rằng “10,000 giờ là con số kỳ diệu của sự vĩ đại”, có nghĩa 10,000 giờ “luyện tập có chủ đích” là điều kiện cần thiết để trở thành bậc thầy đẳng cấp thế giới trong mọi lĩnh vực.

Nếu cho rằng mỗi ngày bạn dành khoảng 8 tiếng miệt mài cho chuyên môn riêng (đừng tính xa hơn 8 tiếng, vì qua khoảng thời gian đó, não bộ đã muốn mệt nghỉ), khấu trừ những ngày nghỉ, lễ tết, thì bạn cũng mất ít nhất 5 năm để thành công vang dội trong một lĩnh vực nào đó. 5 năm tập trung cao độ để đổi lấy một sự thành công, chi bằng…nghỉ ngang để lập gia đình và sinh con đẻ cái (vốn đối với nhiều người, cũng là một thành tựu lớn lao không kém).

Nhưng không phải không có cách để rút ngắn khoảng thời gian đó. Trên thực tế, chúng ta cần ít hơn rất nhiều thời gian luyện tập để trở nên thành thạo trong bất kỳ chuyện gì. Tuy nhiên, nếu bạn muốn trở thành một bậc thầy, một người không ai sánh kịp, xứng đáng nhận huy chương vàng trong cuộc đấu của lĩnh vực đó, bạn có thể rút ngắn con số 10.000 giờ ấy xuống bằng cách liên tục học hỏi từ kinh nghiệm của những người đi trước, suy ngẫm, và vẽ ra được con đường thích đáng nhất dành cho mình.

Thầy “Năm” (Web5Ngay) mới đây cũng có một chia sẻ: nếu bạn muốn thành công, đừng quên học hỏi. Mà đã học hỏi, đừng quên học hỏi ở cả 2 phía: phía tích cực và phía tiêu cực. Nếu bạn muốn mở một quán cà phê, đừng quên đọc những bài chia sẻ của cả những người thành công và những người thất bại, bởi mỗi người sẽ có một quan điểm riêng và bài học riêng. Chẳng hạn nếu tập trung vào mảng quảng bá, chúng ta có thể phát huy bài học thành công của người thành công, và đúc rút kinh nghiệm từ bài học thất bại của người thất bại. Thế chẳng phải bạn đã có tới hai bài học “xương máu” cho cùng một vấn đề rồi hay sao.

Trong các lĩnh vực khác cũng vậy. Thời đại bây giờ, cái gì cũng cần nhanh. Nhiều người chọn những cách điên rồ để nổi nhanh, kiếm nhiều tiền thật nhanh. Nhưng “đường dài mới biết ngựa hay”, chúng ta luôn phải ý thức về học hỏi từ người khác trước - làm thử - tiếp nhận ý kiến hai chiều – đúc kết kinh nghiệm – nâng tầm sản phẩm của bản thân. Như thế mới chiếm được một vị trí tồn tại lâu dài trong trí nhớ của những người trải nghiệm và hài lòng về sản phẩm.

Người càng có nhiều kinh nghiệm, lại càng rút ngắn được thời gian thành công. Đừng để con số 10.000 giờ hù dọa, ngay từ bây giờ, bạn có thể bắt đầu bật chế độ học hỏi kinh nghiệm từ người khác, và tiến dần hơn đến thành công của chính mình.

Có khi năm sau, nhiều người trong chúng ta lại thành công vang dội ấy nhỉ?

4. Cắt giảm việc dư thừa: 3 cột nhiệm vụ.

Trưởng thành là khi bạn nhận thức được những việc làm bào mòn thời gian quý báu của chúng ta theo một cách âm thầm nhưng khủng khiếp quá đỗi nếu tiếp diễn lâu dài. Nghe đến đây, bạn có thể hình dung những việc như thế nào rồi chứ?

Đúng rồi, là nó đó: việc bấm điện thoại liên hồi của chúng ta, đôi khi chẳng vì mục đích gì. Nó còn được gọi là mindless scrolling – lướt điện thoại trong vô thức.

Mình có quen một cậu bạn, đã từng ngồi cạnh nói chuyện mà cậu ấy vừa cầm điện thoại lướt liên hồi vừa lắng nghe mình, nhưng mọi người biết gì không, mình đã quan sát và thấy cậu ấy lướt với một tốc độ rất nhanh, mà với tốc độ ấy thì có khả năng đọc nhanh đi chăng nữa cũng chẳng thể hiểu được các bài post. Mình không biết cậu ấy lướt như vậy thì có thể tiếp thu được gì. Hay đó chỉ là một hành vi xấu xí, một con rắn độc đã ăn sâu, ẩn mình vào máu, khiến chúng ta thấy rằng nếu không làm vậy thì thành ra kỳ cục, trống trải, mất phương hướng, bị rút cạn nguồn sống. Ta xem việc lướt ấy như hơi thở vậy.

Đừng xem thường hành vi lướt điện thoại giải trí của chúng ta. Hỏi thật, các bạn có thấy giải trí không? Liệu việc hít hà thêm một tí drama có làm cuộc đời các bạn đỡ bất công và tẻ nhạt? Hay nó thậm chí còn làm các bạn thêm căng thẳng và chán ghét bản thân khi chiêm ngưỡng cuộc sống màu hường sang chảnh của những con người khác?

Mình cũng đã từng là một đứa như thế. Mình lướt điện thoại suốt ngày, hết facebook lại tới instagram. Nhưng khi nhận thấy nó làm rất nhiều thời gian của mình trở nên vô nghĩa (vì chẳng đọng lại được gì trong tâm trí), mình đã quyết tâm cắt giảm và tìm những việc hay ho khác để làm (chẳng hạn: kiếm tiền).

Đừng dành cả hàng nhiều giờ đồng hồ cho những việc vặt vãnh như vậy. Một tí lướt sau ăn sáng, trưa, chiều tối; một tí lướt sau khi kết thúc ca làm (mình đã từng, và thấy thật mâu thuẫn, khi mà trong lúc làm chỉ muốn hết giờ mau mau để còn chạy ù về nhà, nhưng kết ca lại ngồi ì một góc quán chỉ để bấm điện thoại); một tí lướt sau khi tắm xong; một tí lướt trước khi đi ngủ. Những cái một tí ấy gộp vào thì chẳng nhỏ nhặt gì đâu. Đừng có quăng 3-4 tiếng đồng hồ quý giá của mình qua cửa sổ như thế chứ.

Ngoài lướt điện thoại, còn có các hành vi khác cũng phổ biến không kém, chẳng hạn như xem phim, chơi game, lê la hàng quán với bạn bè. Mình không bao giờ đánh giá xấu những việc này, vì mình vẫn thực hiện chúng, nhưng với một chừng mực nhất định, thì quãng thời gian bạn dành cho chúng sẽ trở nên có nghĩa. Vì nó giúp bạn xả stress, xốc lại tinh thần, thấu hiểu cuộc sống hơn. Nhưng nếu bạn quá nuông chiều cảm xúc của bản thân và để những việc ấy lấy hết đi thời gian của bạn, thì bạn đã mất cân bằng rồi đó.

Vì sao chúng ta đều có 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần, nhưng có những người đi hết bậc thang thành công này đến bậc thang thành công khác, lại có người cứ mãi dậm chân tại chỗ, tẻ nhạt, vô-ích. Đó là vì cách nhìn nhận thời gian của họ, và cách đánh giá về các hành vi của họ là khác nhau.

Để có thể tận dụng thời gian cho những việc hữu ích hơn, có một cách hay ho để bạn áp dụng. Hãy ngồi xuống, soạn thảo ra một bản kế hoạch ngày-tuần. Viết hết toàn bộ những việc bạn thường làm, kể cả những việc nhỏ nhặt nhất (lướt điện thoại, tắm rửa, nấu nướng, đi lại…). Đánh giá chúng, và xếp vào 3 cột sau:

- Cột 1: Việc cốt lõi:

Xếp vào đây những công việc không đòi hỏi bạn làm, không có deadlines, nhưng nếu không làm thì bạn không thể đi được một quãng đường dài, tỉnh táo, tươi tắn và tràn trề sinh lực, trong cuộc sống phía trước của bạn. Ví dụ:

+ Ăn đủ 3 bữa, đủ chất; uống đủ nước.

+ Ngủ đủ giấc.

+ Vận động cơ thể:

Chú ý: phải tìm cách vận động cả ngày. Thiền sư Sadhguru nổi tiếng người Ấn Độ đã từng khuyên nhủ: dành một tiếng đồng hồ trong ngày để tập thể thao, nhưng 23 tiếng còn lại chỉ nằm và ngồi thì cũng như không, chẳng có ích gì.

Anh mình đang làm bên Nhật với một vị sếp 72 tuổi, vị ấy vẫn đi phăng phăng ngoài đường, dẫn anh mình tới Starbuck trò chuyện. Người Nhật vốn dĩ sống thọ, khỏe mạnh, vì họ vận động suốt, trong sinh hoạt hằng ngày, họ có dùng xe máy mấy đâu, vì hệ thống phương tiện công cộng quá phát triển, việc cuốc bộ, đuổi theo cho kịp các chuyến tàu, dần biến đôi chân họ trở nên quá dẻo dai. Qua năm tháng, cơ bắp của họ vẫn đàn hồi tốt, không bị đau rút, căng cứng.

Người Việt ta vì có văn hóa đi lại bằng xe máy, thành ra chẳng vận động bao giờ, lâu dần ngại vận động luôn. Mấy cô bạn ở chung với mình, mỗi lần mua đồ ăn vặt chỉ ghé vào cửa hàng tiện lợi ngay cạnh nhà, khi quán đó hết món, mình hỏi sao không ghé vào một cửa hàng tiện lợi khác cách đó tầm chục căn để mua, thì họ trả lời: “xa!”. Cũng trong ngôi nhà 5 tầng ký túc xá của bọn mình, mình đã thấy rất nhiều người đi từ tầng 2 lên tầng 3, tầng 3 lên tầng 4 cũng phải sử dụng thang máy và bỏ qua thang bộ. Thế chẳng phải trong một ngày, chúng ta chẳng bao giờ vận động quá 5 phút đó sao?

Hãy chia thời gian ra để vận động, quan tâm tới xương cốt, cơ bắp của mình một chút, vì nó sẽ là thứ gắn bó với ta lâu dài, ảnh hưởng đến tuổi về già. Cố gắng dành lấy một buổi vận động chính có đổ mồ hôi, tầm 30 phút – 1 tiếng, sáng hay chiều đều được, phòng gym, công viên hay tại nhà đều được. Miễn là cho gân cốt nóng lên. Sau đó, nếu phải đi làm, cũng cố gắng tận dụng toàn bộ cơ hội được vận động. Nếu gần chỗ làm thì đi bộ đi; tới chỗ làm thì đừng đi thang máy nữa, thử lâu lâu đi thang bộ xem sao; gửi xe xa hơn một chút; đi ăn trưa ở một quán xa hơn một chút; đứng dậy vươn vai, đi vệ sinh nhiều hơn một chút (tiện thể uống nước)… tối về thì lăng xăng trong bếp nấu cơm, rồi dọn dẹp nhà cửa; trước khi đi ngủ làm một bài yoga.

+ Chăm sóc da dẻ, tóc tai, nói chung là vẻ bề ngoài: đừng bao giờ xem thường vẻ bề ngoài của mình, vì nó có thể là một nguồn vui sướng và tự hào khi chúng ta có tuổi. Mà trên đời này, cứ vui thì ắt đỡ bệnh, mà đỡ bệnh thì như thể có nhiều thời gian hơn.

- Cột 2: Việc duy trì:

Một số công việc bạn bắt buộc phải làm dù có thích hay không. Nó là cái nền nếp sinh hoạt hằng ngày của lối sống bạn chọn. Đánh răng rửa mặt, giặt giũ dọn dẹp, đi chợ mua đồ ăn thức uống, nấu cơm, rửa chén, cho cún cưng ăn … Những công việc mang tính “duy trì” này thực chất cũng rất quan trọng, giúp cuộc sống bạn ngăn nắp, ổn định, trật tự. Cứ thử không đánh răng 3 ngày là biết. Hay bạn tính ăn xong để chén ở bồn, một tuần cũng chẳng rửa?

Nếu ngại sự nhàm chán mà các công việc này đem lại, hãy thử kết hợp đôi chút với các việc khác. Nhiều người chọn bật các bản nhạc yêu thích khi làm chúng. Hoặc có thể nghe podcast, bài học cuộc sống hoặc chia sẻ của mọi người. Nhiều người coi nấu nướng là niềm vui, vì họ tạo ra được một đĩa thức ăn đẹp đẽ, chụp một tấm hình đăng lên mạng để thiên hạ trầm trồ cũng là một sự hưởng thụ cuộc sống. Nhiều người kết hợp làm các việc lặt vặt với việc tập thể dục (giống mình), như chọn đi bộ đi chợ, hay dọn dẹp nhà cửa.

- Cột 3: Việc phát triển:

Chúng ta hơn nhau ở những hành động tạo ra sự phát triển cá nhân.

Nhiều người chọn đọc sách trong khi số khác chọn bấm điện thoại.

Nhiều người chọn học tiếng Anh trong khi số khác chọn chơi game.

Nhiều người chọn học thêm bổ trợ kiến thức cho lĩnh vực của mình, trong khi số khác chọn an phận với một công việc tạm thời nào đó.

Và chúng ta còn hơn thua nhau ở cái khoản kiên định, kỷ luật nữa.

Nên nhớ, “càng kỷ luật càng tự do”.

“Đừng vì sự nuông chiều bản thân mà bỏ cuộc, cũng đừng vì cảm giác tự do nhất thời mà buông thả…”.

Hãy viết xuống những việc bạn nên làm ngay từ bây giờ, cho một sự phát triển mang tầm vĩ mô của bạn sau này.

Học ngoại ngữ, đọc sách, liên tục học hỏi kinh nghiệm chuyên môn, áp dụng, nâng tầm kiến thức cá nhân, được mọi người trọng dụng.

Mà viết xong rồi, đừng quăng đó và tiếp tục buông thả. Ngay từ ngày mai, hãy bắt đầu thực hiện chúng. Thực hiện từ các bước nhỏ trước nhé, đừng một phát bắt ép bản thân đọc 50 trang sách, học 50 từ vựng mới mỗi ngày,… vì như thế thì kiểu gì bạn cũng bỏ cuộc sớm thôi. Vì nản.

Tóm lại, trước khi bắt đầu thấy bản thân rơi vào hoàn cảnh sắp sửa làm gì, hãy luôn hỏi: tôi có đang học được gì từ việc này không?; tôi có thu được lợi lộc (tiền bạc, kiến thức, kinh nghiệm) gì không?; tiền bạc và kiến thức tôi thu được có tương xứng với công sức và thì giờ tôi bỏ ra không. Nếu toàn bộ câu trả lời là không, hãy cắt giảm việc đó ngay lập tức.

5. Việc ưu tiên.

Hồi năm nhất mình từng sống chung với một cô bạn. Ngày nào có giờ lên lớp, cô bạn ấy cũng luôn ăn mặc quần áo chỉnh tề, chải tóc tai gọn gàng, trang điểm xong xuôi từ sớm, sau đó tiếp tục làm những công việc khác cho đến giờ cần đi thì chỉ cần xách cặp xuống nhà lấy xe để đi.

Còn mình thì khác, lúc nào cũng sát giờ mới vắt chân lên cổ mà chuẩn bị, vì thế mà ăn mặc lúc nào cũng xuề xòa, tóc tai túm gọn lại sau gáy còn mặt mũi đôi khi để mộc mạc mà ra đường luôn, nghĩ lại thấy hồi đó đúng là mình chẳng có tí sức sống nào.

Liệu rằng bạn cũng vậy? Lần gần nhất mà bạn có thể lên đồ đẹp, trang điểm, chải tóc, xịt chút nước hoa và bước ra khỏi nhà một cách chậm rãi, và không phải chạy xe ào ào vù vù với một tâm trạng thấp thỏm không biết đến kịp chỗ làm hay không là khi nào?

Ưu tiên công việc cũng là một cách hoàn hảo để bạn không thấy lúc nào cũng vội vàng, không thấy thời gian dường như lúc nào cũng trôi qua gấp gáp, không kịp để mình làm được những điều tốt đẹp nhất. Tại sao lại không chuẩn bị từ sớm để tránh nước đến chân mới nhảy, rồi sau đó còn dư thời gian thì lại tiếp tục làm các công việc khác, có sao đâu chứ?

Năm ngoái, vào thời gian đầu khi mình mới nhận công việc mới, mình luôn tới trễ, hoặc không trễ thì cũng là sát giờ. Không dưới 1 lần mình bị quản lý nhắc nhở, hoặc phải xin phép tới trễ và lấy lý do chung chung như có công việc cá nhân hoặc kẹt xe. Nhưng như thế thì chẳng chuyên nghiệp chút nào. Dạo gần đây mình còn đọc được một lời chê bai, đại khái rằng nếu bạn còn không quản lý được thời gian của bản thân mình, thì nghĩ gì đến việc quản lý nhiều người, quản lý một sự nghiệp lớn.

Câu chuyện của cô bạn năm nhất chính là tấm gương để mình noi theo. Hãy luôn chuẩn bị trước và sẵn sàng. Vì khi bạn sẵn sàng, bạn sẽ luôn trong trạng thái an nhiên, bình thản, lại còn đủ thời gian để chăm chút cho bản thân rực rỡ nhất. Tóm lại: đừng chạy đua với thời gian!

6. Tập bỏ qua sự hoàn hảo.

Mấy người tôn sùng chủ nghĩa hoàn hảo thường hay mệt mỏi là một câu chuyện có thật, vô cùng thật. Họ sẽ bị hao tổn nhiều năng lượng về thể chất, trí tuệ và cả thời gian hơn những người bình thường khác rất nhiều. Vì mình đã từng là một người như thế.

Mình luôn ngưỡng mộ những người đa tài và thành công trong cuộc sống. Đối với mình, những người ấy chính là hình mẫu lý tưởng. Mình ép bản thân phải đạt được thật nhiều thành tựu như họ, trở thành một “con nhà người ta” thì cuộc sống mới gọi là có ý nghĩa được.

Nhưng mình đọc được một câu nói của nhà văn Oscar Wilde thế này:

Be yourself, everyone else is taken.

Hãy là chính mình, tất cả ai khác đều có người làm rồi.

Nếu là nô lệ của sự hoàn hảo, ta cứ mãi đắn đo. Mà nếu cứ mãi đắn đo, ta chẳng thực hiện được nhiều việc. Mà không thực hiện được nhiều việc, xác suất ta gặp may trong cuộc sống là khá thấp (một người gặp nhiều may mắn là do anh ta bắt tay vào làm thử rất nhiều việc, do đó số lần gặp may mới tăng lên, chứ không phải do anh ta có “số” hưởng gì đâu). Không gặp may mắn, ắt cuộc đời chỉ toàn tối tăm, hoặc chí ít là bình bình, tầm tầm, nhàn nhạt.

Mình cũng nhận ra một chân lý điên rồ: Sự trì hoãn của mình chính là hiện thân của chủ nghĩa hoàn hảo.

Mình là một kẻ nghiện lên kế hoạch refresh bản thân. Nhưng ngộ một chỗ: mình lên sẵn kế hoạch để đó, và chờ thời điểm thích hợp rồi mới làm (ví dụ ngày đầu năm mới, ngày sinh nhật, ngày kết thúc kì thi cuối khóa…nói chung là những dịp mà người ta dễ có tư tưởng “bắt đầu lại” – new year new me gì đó).

Những ngày chưa tới cái thời điểm ấy, mình vẫn chấp nhận sống sai, giết thì giờ, không chăm lo cho bản thân, và không chịu học hành tử tế. Đầu óc lúc nào cũng kiểu: “Chưa được, chưa đến lúc hoàn hảo. Chờ thêm chút nữa rồi mới làm”. Đối với mình, thời gian như thể luôn vơi lại đầy, không bao giờ hết, thành ra không có tư duy quý trọng nó.

Việc liên tục dằn vặt về những sai phạm của bản thân trong quá khứ cũng chính là một dấu hiệu của thói tôn sùng chủ nghĩa hoàn hảo. Chẳng phải vì muốn cuộc sống của mình thật bằng phẳng, tốt đẹp, không lầm lỗi, không điều tiếng, nói chung là phải thật hoàn hảo thì mình mới chịu được đó sao. Nhưng là con người thì ai mà chẳng có lỗi lầm chứ. Qúa khứ không thay đổi được, hãy cứ nhẹ nhàng lướt qua, cái quan trọng là can đảm bước tiếp, tập trung sống cho hiện tại và tương lai, thay đổi bản thân mỗi ngày để hôm nay tốt hơn 1% so với hôm qua là được.

Nói chung, mình thấy sau nhiều năm theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo, những gì mình nhận về được hầu hết là áp lực, sự mệt mỏi về cả thể lực lẫn tâm trí và tiến độ chậm chạp trong việc thực hiện và hoàn thành mọi thứ.

Một chủ nghĩa hoàn hảo nửa vời và lố bịch làm sao!

Mình biết cách tốt nhất để thay đổi bản thân chính là hành động ngay mà không cần lo nghĩ về kết quả, dù cho có thiếu thốn phương tiện hành động đến đâu đi chăng nữa. Một khi hành động đủ lâu, mọi thứ đã vào guồng, thói quen sẽ được tạo dựng và sau đó mình có thể thực hiện nó mà không cần nỗ lực quá nhiều. Đừng muốn mọi sự phải thật hoàn hảo nữa, hãy nắm bắt thời gian mà tiến lên.

Chỉ khi bắt tay vào hành động ngay và liên tục, kiên định, thành quả bạn tạo ra mới nhiều đủ để bạn đóng gói thành một bộ sưu tập trưng ra khoe với bà con thiên hạ được. Quan trọng là, bạn có ĐỦ nỗ lực không thôi, hay sau một thời gian đổ mồ hôi sôi nước mắt lại quay về làm nô lệ của thần “lười”.

7. Lên sẵn kế hoạch/ ý tưởng. Đừng bao giờ xem thường việc “tổng hợp” trong cuộc sống.

Bạn sẽ thấy cái cảnh sau rất quen thuộc: Có hai đứa bạn thân lúc nào cũng hỏi nhau:

“Ăn gì bây giờ?”

“Không biết nữa!”

Và rồi hai đứa ngồi thẫn thờ để nghĩ món ăn, lưỡng lự, cân nhắc, suy tính.

Khi thế giới càng trở nên hiện đại, chúng ta lại càng mất nhiều thời gian hơn cho việc LỰA CHỌN, vì có quá nhiều thứ, không biết chọn cái gì.

Đó là lý do vì sao mà chủ nghĩa tối giản vẫn có chỗ đứng trong một xã hội xô bồ theo kiểu maximalism (chủ nghĩa tối đa) như ngày nay. Đơn giản là vì, những người theo đuổi lối sống đó cảm thấy đỡ mệt mỏi hơn trong lựa chọn, và có nhiều thời gian hơn cho các công việc mình thích.

Mình không theo đuổi chủ nghĩa tối giản đâu, mình cũng là một đứa nghiện mua này mua nọ (dù cũng không quá nhiều). Nếu bạn là một người cũng như mình và cảm thấy mất quá nhiều thời gian cho việc suy nghĩ lựa chọn, hãy ngồi xuống và lên sẵn kế hoạch, ý tưởng cho từng khía cạnh trong cuộc sống.

Ví dụ, bạn thấy mình mất quá nhiều thời gian cho việc lựa chọn nấu món gì? Hãy ngồi xuống và viết tất cả các món ăn bạn có thể nấu/ bạn thích ăn, vào một kho lưu trữ nào đó. Khi đi chợ mua thực phẩm, chỉ cần mở ra xem hôm nay bạn muốn ăn gì, và mua đúng những loại thực phẩm nấu món đó là xong (và còn tránh được việc mất thời gian cho hành vi lang thang vô định trong siêu thị nữa).

Hay bạn mất quá nhiều thời gian cho việc lựa chọn trang phục? Hãy mở tủ quần áo ra, thanh lọc nó, và bắt đầu sắp xếp theo kiểu phân loại: đầm – quần – áo – chân váy… để mỗi ngày bạn đều dễ dàng lướt mắt và chọn được đúng item có thể kết hợp với nhau.

Bạn có mất quá nhiều thời gian để học không? Đúng vậy, nhiều bạn trẻ loay hoay trong việc học vì có quá nhiều nguồn thông tin và kiến thức, không biết bắt đầu từ chỗ nào. Thời cấp 3, mình có một cô bạn đã dành tới khoảng một tuần chỉ để ngồi tổng hợp lại toàn bộ kiến thức quan trọng của một môn học. Thời gian và công sức bỏ vào lúc đầu nghe có vẻ quá nhiều, nhưng về sau, những gì nhận lại rất xứng đáng. Cô bạn luôn biết kiến thức đó nằm ở đâu, và dễ dàng tra cứu vì đã tổng hợp lại vào cùng một chỗ. Tương tự, nếu bạn muốn học một môn gì đó, tiếng Anh chẳng hạn, vậy thì hãy lựa chọn ra một nguồn duy nhất mà bạn thấy tin tưởng để học, đừng để mắt tới những nguồn khác nữa. Vì đôi khi, chúng ta cứ nghĩ học từ một nguồn là không đủ, nhưng có bao giờ bạn chịu học hết, vọc hết toàn bộ cái nguồn ấy chưa? Nếu có thể làm thế thật, chẳng mấy chốc trình độ của bạn cũng sẽ tăng vù vù một cách nhanh chóng. Khi đã học hết của nguồn ấy, bạn có thể chuyển sang một nguồn thứ hai để học. Đừng thấy nguồn nào trông có vẻ hay hay cũng lưu lại, cũng tải về, rồi để đấy mốc meo, vô ích, mà bản thân cũng chẳng có gì tiến bộ, vì phàm xung quanh cuộc sống mình hỗn độn, thì tâm trí và sự quả quyết cũng hỗn độn theo mà thôi.

8. Kết hợp công việc thông minh.

Multitasking không phải là một phong cách làm việc thông minh vì nó khiến não bộ bị phân tâm, mệt mỏi. Nhưng nếu có một việc nào đó mà bạn có thể làm vì thói quen, làm trong vô thức vẫn được, thì hãy cảm thông và đón nhận multitasking một chút.

Chẳng hạn, bạn có thể vừa ngồi ăn cơm, vừa nghe podcast, sách nói hoặc những chia sẻ của người khác. Tai và miệng kết hợp như thế cũng không có vấn đề gì mấy.

Ngồi trên xe buýt đến trường, hoặc khi ngồi chờ vào lớp học, bạn cũng có thể nghe hoặc đọc thêm cái gì đó.

Trước khi đi ngủ, thay vì dùng điện thoại để không bị mất đi giấc ngủ sâu theo khuyến cáo, sao ta không tranh thủ dùng thời gian đó đọc sách giấy, giúp mỏi mắt, ngủ nhanh hơn?

Kết hợp công việc thông minh đôi khi cũng giúp bạn làm được kha khá các công việc lặt vặt đó. 

 ---

Chúng ta là những cá thể không hoàn hảo, vẫn còn va vấp, non nớt. Phải ngã mới biết chỗ làm mình ngã để mà né. Phải trải qua những tháng ngày phí phạm, trống trải mới biết thêm trân quý thời gian. Quản lý thời gian cũng là một môn học khó nhằn, chúng ta cũng phải thử, phải hiểu, phải đúc kết kinh nghiệm. Nhưng không sao, vì có rất nhiều người đang giúp đỡ bạn, bằng cách chia sẻ những kinh nghiệm về thời gian của họ. Còn bạn thì sao? Bạn có muốn thêm vào một vài bài học quý báu khác về thời gian, để mọi người cùng học hỏi không?


Nào chúng ta cùng đi mua thêm chút thời gian. Bởi lẽ, thanh xuân chớp mắt lại qua bây giờ...!


Tác Giả: Jadie

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: Jadie

--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá +19,087,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ. 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

625 lượt xem, 208 người xem - 210 điểm