Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Bạn Có Thực Sự Ổn Không?

Trong những cuộc trò chuyện, mình để ý rằng, lời hỏi thăm quen thuộc mà mọi người thường trao cho nhau là “ Dạo này bạn có ổn không? “. Cũng như giống mình, mình nhận thấy câu trả lời chung chung của mọi người là mọi thứ vẫn ổn.

Nhưng sự thật thì mọi  thứ có ổn không? Với bản thân mình, thì thường không ổn. Có lẽ chăng là do chưa cảm thấy có đủ sự tin tưởng để nói ra điều không ổn với người khác, hoặc là tự nghĩ, có nói ra chắc người ta cũng không giúp mình được gì, hoặc đơn giản là mình không muốn mọi người xung quanh cần lo thêm chuyện mình gặp phải. Nếu đào sâu nữa, chắc hẳn có nhiều lý do để câu nói  mọi thứ đêu ổn trở thành câu dối lòng nhất của nhiều người.

Một chiến dịch thương hiệu của tập đoàn bảo hiểm Prudential có tên là “ Không sao đâu “. Với nội dung, kêu gọi sự lắng nghe thực sự, để cảm nhận về những tâm tư, những điều mà người thân của chúng ta đang trải qua trong cuộc sống, ẩn dưới câu trả lời “ không sao đâu “ của mọi người. Mình nghĩ đây là một chiến dịch khá thú vị.


Đôi khi, chúng ta muốn tự động viên mình rằng “ không sao đâu, mọi chuyên rồi sẽ ổn thôi “. Điều này mang lại sự hy vọng, một niềm tin rằng, có thể hôm ngay, ngày mai sự việc còn khó khăn, nhưng ngày kia có thể sẽ khác. Nhưng có nhiều trong cuộc sông, chúng ta thực sự cảm thấy mệt mỏi, cô đơn, và muốn được nói ra, chia sẻ điều đó cùng với ai cho nhẹ lòng.

Việc chia sẻ với một người mà ta cảm thấy đủ sự quan tâm, và tin tưởng, nó sẽ giúp nói ra được khúc mắc trong lòng mình. Đôi khi sự việc khó khăn ấy, cũng chưa tìm ra giải pháp gì cả, nhưng việc có được  một người bạn lắng lòng nghe vấn đề của ta, ta cảm thấy như được có người bên cạnh tiếp sức. Người lắng nghe ta, giống như một chiếc gương cảm thông có mặt ở đó, để phản chiếu, giúp ta nhận diện, nhìn lại tâm trạng mà bấy lâu nay ta đang dấu kín.

 


Văn hóa che đậy

Gần đây, mình có nghe được trong bài chia sẻ của thầy Minh Niệm về chủ đề sống thật, thầy có nói về người Á Đông có văn hóa “ mọi thứ đều ổn cả “ khi được ai đó hỏi chuyện, mọi người đều cố gắng để giấu đi sự bất ổn có mặt trong mình. Việc nói ra rằng, mình đang không ổn ở điều gì đó trong cuộc sống, thì với người Á Đông là một thử thách thực sự. Thầy cũng chia sẻ rằng, người phương tây cũng có sự che đậy như vậy, nhưng có phần đỡ hơn. Trong một bài viết ở cuốn sách Hiểu về trái tim tác giả – thầy Minh Niệm có chia sẻ rằng, các bạn trẻ phương tây coi việc “ Busy “ ( bận rộn) là một đặc sản,  nếu ai không “ Busy “ nghĩa là người đó đang ế ẩm, phải “ Busy “ thì mới là  “ đắt hàng “, và thực sự là đang sống.

Nhiều lần, khi nhìn lại bản thân, mình cũng thấy điều đó có mặt ở trong mình, không những phải cố tỏ ra ổn với người khác, mà còn cố gắng phải “ Busy “ cho có giá trị. Luôn phải kiếm một điều gì đó để làm, còn ngồi chơi không là một cảm giác khó chịu. Nhưng thực sự, việc bận rộn hơn nữa, có làm cho cuộc sống có giá trị hơn không, hay nhiều khi chỉ là lý do để ta khỏa lấp những khoảng trống ở trong chính bản thân mình?

Khi viết tới đây, mình tự nghĩ, phải chăng việc không thể nói ra sự thật về thử thách bản thân mình đang đối mặt, xuất phát từ nỗi sợ bị phán xét trong cuộc sống này của chúng ta?. Chúng ta chưa đủ dũng cảm để ngồi lại lắng nghe tiếng nói “ chưa ổn “ nào đó trong bản thân,  xem mình đang cảm thấy cô đơn, lạc lõng hay lo lắng về điều gì..và rồi, ta lại gói những cảm xúc này, ém tất cả vào một ngăn thật kín như chưa từng có mặt, để vùi mình trong công việc. Đối mặt với cảm xúc khó chịu trong bản thân là một việc làm không thú vị gì, mình cảm thấy như vậy. Và nhiều khi đó là việc khó. Có lẽ đó cũng là lý do mà nhiều người dù mệt mỏi rồi vẫn không thể rời xa tivi, hay màn hình điện thoại, đôi khi cũng chẳng biết phải làm gì, nhưng nếu đặt nó xuống, ta có thể sẽ phải đối mặt với những khoảng trống không dễ gì chịu trong ta.

Chiếc tivi, hay điện thoại có chăng chỉ có thể giúp ta khỏa lấp những căng thẳng phần nào trong chính mình, nhưng chúng không thể giúp ta có đủ dũng khí nhìn lại những khoảng trống khắc khoải mà ta đang muốn dấu kín trong lòng. Nhưng nếu có một người bạn- một người có khả năng lắng nghe những nỗi niềm ấy, mà không phán xét, hay đưa ra lời khuyên chỉ dạy gì, thì rất có thể sẽ giúp ta ra soi lại chính bạn thân mình. Nếu bạn từng có những giây phút được lắng nghe một cách chân thành như vậy, mình tin rằng, điều đó giống như việc chúng ta ở trong đêm tối, và người kia- với sự lắng nghe chú tâm, như một người bạn đồng hành cùng ta ở đó, họ sẽ chiếu rọi ánh sáng cần thiết cho ta khi cần. Sự việc sẽ trở nên sáng rõ hơn trước chiếc “gương soi”,  rất có thể ta sẽ nhìn thấy được thêm nhiều khía cạnh về vấn đề mình đang đối mặt, khi nhìn với một tâm thế mới.

 


Làm một chiếc gương

Nếu có một “ chiếc gương “  như vậy, mình hy vọng, đó là chiếc gương của sự thoải mãi, cho phép bản thân kể hết ra những thắc mắc trong lòng, và ở đó không có sự phán xét, hay cả việc phải đưa ra lời khuyên gì đó cho bản thân mình.

Chiếc gương đó, nói với ta rằng,” Hình như bạn có điều gì không ổn? tôi muốn lắng nghe bạn được không, bạn có thể yên tâm rằng, tôi sẽ là một chiếc gương giúp bạn có không gian thoải mãi để chia sẻ điều bạn muốn mà không phải lo lắng hay sợ hãi gì về tôi. Tôi sẽ giữ chiếc gương của mình được trong vào lúc này, để lúc bạn soi vào đó, những khúc mắc của bản thân cũng được hiện lên, – và cả chính tôi – chiếc gương – sẽ thấy bạn là chính bạn vào lúc đó, mà không mang sự phán xét lên con người của bạn”.

Nhưng để gương đó có thể là soi rõ cho người khác, thì tự thân chiếc gương phải sáng trong. Nghĩa là chúng ta cũng cần tự lắng nghe được chính những phần nào cảm xúc ở trong chính mình.

Nếu bạn yêu một ai đó, điều tốt nhất bạn có thể đem lại cho họ là sự có mặt của bạn. Làm sao bạn có thể yêu thương nếu như bạn không ở đó. – Thiền sư Thích Nhất Hạnh.



Học cách lắng nghe bản thân, và chữa lành vết thương cho chính mình

      Tất cả những cảm xúc thân thiện hướng tới người khác đều đến từ những cảm xúc thân thiện hướng tới bên trong mình – Aristotle.

   Tập lắng nghe và thấu hiểu bản thân, có lẽ là khởi đầu quan trọng trước khi chúng ta có thể lắng nghe người khác. Ở đây mình muốn nói về việc lắng nghe những cảm xúc, nhu cầu trong mỗi người. Nếu muốn biết được sức khỏe đang ở tình trạng ra sao, ta cần làm những kiểm tra, để biết các chỉ số sức khỏe thế nào. Dựa trên những chỉ số này, bác sĩ sẽ cho những phác đồ điều trị cũng như lời khuyên thích hợp để cải thiện tình trạng. Vậy ta có thể làm gì khi những lo lắng, bất an, có mặt trong bản thân mình như những cơn bão cảm xúc đang ồ ạt hình thành?. Liệu chúng ta có thể làm như một “ bác sĩ “ cho chính mình ít nhiều trong một số trường hợp không?

Trong cuốn sách, “ 7 thói quen để thành đạt “ của tác giả Stephen R.covey, có đoạn, mà mình nghĩ là manh mối để ta có thể tin tưởng rằng, mỗi người đều có khả năng để quan sát, nhìn lại cảm xúc của chính bản thân mình một cách khách quan, mà không phán xét chính mình.

“ Chúng ta không phải là điều mà chúng ta cảm thấy. Chúng ta không phải là tâm trạng chúng ta đang mang, chúng ta cũng không phải là cái mà chúng ta nhận thức. Chúng ta có khả năng tư duy về cảm xúc, tâm trạng và ý nghĩ, có khả năng tự nhận thức, và chính điều này đã tách chúng ta ra khỏi con người mình và ra khỏi thế giới động vật để xem cách chúng ta nhìn nhận về bản thân mình. “

Dù chúng ta không nhận thức về khả năng này thì thực tế là điều đó vẫn có mặt trong mỗi người. Bằng cách phát triển khả năng “ tự nhận thức “, mình tin mỗi người có thể hiểu về chính bản thân mình hơn, không còn để những cơn bão cảm xúc nhấn chìm mình nữa. Trong bài viết này, mình xin được chia sẻ, trao đổi một số cách thức mà mình đã áp dụng cho chính mình và thấy khá hiệu quả với bản thân mình.

 Viết nhật ký

 Bằng cách ghi chép lại những cảm xúc diễn ra trong ngày, chúng ta có thể nhìn lại chính bản thân mình theo một lăng kính mới. Lăng kính của một người “ quan sát “ mà không phán xét bản thân. Những cảm xúc đang diễn ra, hoặc đã diễn ra sẽ được “ mời lên “ và chiếu lại trên trang giấy. Hãy làm điều này một cách trung thực, và chậm rãi, thông qua hai câu hỏi chính : Tôi đang cảm thấy thế nào vào lúc này, và trong tình huống đó của ngày hôm nay, tôi đã phản ứng ra sao?

Một số cảm xúc sẽ rất mạnh, và đôi khi ta không thể làm được việc này ngay. Hãy để cho mình được thư giãn, thả lỏng bằng cách đi dạo, hoặc nghe một bản nhạc trước khi ngồi “ vẽ “ lại những cảm xúc đã diễn ra.

Khi làm điều này một cách thường xuyên, chúng ta sẽ có kỹ năng tách mình, và lắng nghe cảm xúc một cách khách quan mà không phán xét. Mình tin việc chấp nhận chính bản thân, chấp nhận những gì đã xảy ra là bước đầu tiên của quá trình chữa lành và trị liệu.

 Dành thời gian để hòa vào thiên nhiên.

Cách tiếp theo mà mình thấy khá hiệu quả với bản thân khi có những cảm xúc mạnh đó chính là đi dạo. Phần lớn những cảm xúc của chúng ta bắt nguồn từ việc lo lắng những việc trong tương lai, hoặc tiếc nuối những điều đã xảy ra trong quá khứ. Bạn hãy thử để ý xem, ngay khi đang đọc những dòng chữ này, thì tâm trí bạn có suy nghĩ về việc khác không?

Thói quen suy nghĩ lan man, mang tâm trí ta rời xa những việc đang xảy ra trong hiện tại lúc này. Có những lúc ta có cảm giác “wow” trước một vẻ đẹp nào đó trong thiên nhiên. Có thể là một rừng cây, một bông hoa, hay là bầu trời xanh rộng lớn của một ngày mới. Đó là những giây phút mà tâm trí ta có mặt để thưởng thức sự sống, những lo lắng, hay tiếc nuối cũng sẽ lùi lại cho sự bình yên. Nếu có thể tập trung nhiều hơn vào những việc đang xảy ra trong hiện tại , mình tin rằng, chúng ta sẽ biết cách để suy nghĩ vấn đề một cách sáng suốt hơn.

Prensent trong tiếng anh vừa có nghĩa là hiện tại, vừa có nghĩa là món quà. Nếu có lúc nào đó trong cuộc sống bạn cảm thấy mệt mỏi, bạn hãy thử cho phép mình được đi dạo, hòa vào thiên nhiên, cảm nhận những chất liệu nuôi dưỡng từ thiên nhiên và giúp bạn bớt đi những lo lắng, buồn phiền nhé.

Một đề xuất nhỏ, là bạn hãy thực sự cho mình cơ hội để có mặt trong giờ phút đó nhiều hơn, bằng cách hạn chế sử dụng thiết bị điện tử. Hãy thử thách thức mình xem trong thời gian đó bạn có thể cảm nhận được bao nhiêu lần cảm giác của nắng ấm, hay là cơn gió thổi qua, hoặc là hình ảnh rung rinh của những hàng cây nhé.



Xin được kết thúc bài viết này bằng một đoạn trích trong bài viết có tựa đề “ Tôi xin lắng nghe “  của  tác giả, dịch giả, Nguyễn Duy Nhiên, mà mình tình cờ đọc được thông qua một bạn chia sẻ trên YBOX gần đây :

Xin chia sẻ với bạn bài thơ dưới đây, When I ask you to listen, không biết tên tác giả. Tôi nghĩ, bài thơ không phải chỉ muốn nói với người đang lắng nghe, mà cũng muốn nhắn nhủ với người đang cần được lắng nghe. Vì thật ra, chúng ta không cần tìm một câu trả lời nào, chúng ta chỉ cần một sự tĩnh lặng để có thể lắng nghe nhau trọn vẹn hơn mà thôi.

Khi tôi cần bạn lắng nghe tôi,

thì bạn lại muốn buông lời khuyên nhủ.

Nhưng nào phải những gì tôi đang cần ở bạn đâu

Khi tôi cần bạn lắng nghe tôi,

bạn lại tuôn lời giải thích lý do tôi không nên cảm thấy muộn phiền.

Nhưng có biết không, bạn đang dẫm đạp lên cảm xúc của tôi rồi.

Khi tôi cần bạn lắng nghe tôi,

thì bạn lại muốn làm điều gì đó,

để giúp tôi giải quyết được vấn đề.

Nhưng có biết không,

vô tình bạn đã phụ tôi rồi.

Cũng lạ, phải không bạn?

Lắng nghe! Chỉ cần bạn lắng nghe thôi.

Không cần phải nói hay làm gì,

mà chỉ cần nghe thôi.

Tôi có thể đang nản lòng hay cảm thấy rất mỏng manh

Nhưng tôi không phải là bất lực.

Khi bạn làm một điều gì dùm tôi,

mà tôi có thể tự làm được, và cần phải nên làm

thì chỉ khiến tôi thấy đau hơn,

và sợ hãi khi cảm thấy mình là vô dụng.

Nhưng, chỉ cần bạn chấp nhận một sự thật đơn sơ,

rằng tôi đang cảm nhận những gì mình cảm nhận

Cho dù chúng có vô lý đến đâu,

để rồi tôi có thể thôi cố gắng thuyết phục bạn

và quay trở lại với chính mình,

để thấy được những gì đang thật sự có mặt ở phía sau.

Hiểu rồi thì câu trả lời cũng sẽ rõ ràng thôi

đâu cần gì thêm nữa lời khuyên nào

Những muộn phiền vô lý đó,

sẽ trở thành hữu lý

khi ta thấy rõ rồi những gì ở phía sau

Và có lẽ vì vậy, mà sự nguyện cầu đôi khi lại hữu hiệu cho rất nhiều người.

Vì Trời Phật lặng thinh, các ngài không cho lời khuyên, hay sửa đổi một điều gì.

Các ngài chỉ lắng nghe thôi, vì biết rằng, chúng ta có thừa khả năng tự mình bước tới.

Vì vậy, xin bạn hãy lặng thinh

chỉ cần lắng nghe thôi.

Và nếu như bạn có gì cần muốn nói.

xin cho tôi một vài phút

tôi hứa, đến phiên bạn

sẽ lắng nghe với trọn một tấm lòng “



Tác Giả: Cảnh Linh

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/canh.linh.353?ref=bookmarks 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,067 lượt xem, 2,800 người xem - 2805 điểm