Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Bạn Đã Thực Sự Trưởng Thành?

Hôm đó là ngày bố mẹ đưa mình về thăm ông bà. Ông từng phục vụ trong quân đội, cách ông cư xử rất chuẩn mực, mọi lời nói ông đưa ra sau mỗi chén rượu đều toát lên sự sâu sắc và chất đàn ông. Bố mình là một người tính cách khá “đàn bà”- nghĩ như vậy là vô lễ và hơi phân biệt giới tính nhưng mình rất khó chịu trước một người hèn nhác, vô trách nhiệm, luôn đổ lỗi cho người khác. Bố liên tục ba hoa mình là người có tầm nhìn xa, mình tài giỏi, mình hi sinh tất cả cho con cái nhưng tất cả chỉ dừng lại ở lời nói. Từ ngày công ty phá sản, bố thường tự nhận đang thất nghiệp, thực tế bố vẫn có vài mối làm ăn, kiếm đủ tiền để sống; ngày ngày dậy lúc 8 giờ, chiều chiều đi chơi tennis, đàn đúm, nhậu nhẹt với bạn bè - mà thực ra cũng toàn “bè” chứ làm gì có “bạn”, tối về lúc nhá nhem, xem thời sự bình luận mấy câu, khinh thường mấy chính trị gia, tắm rửa rồi lên giường nằm xem tivi, không màng đến việc dọn nhà, rửa bát, chăm sóc vợ con… Trở lại bàn nhậu, ông có cho bố vài lời dạy bảo chân thành, bố nhăn nhở cười, khen lời dạy của ông rất hay, rất tiến bộ…

Trên đường về nhà, cả 2 bố con đều đã ngấm men rượu, mình bắt đầu tranh luận với bố về cách cư xử, về lối sống của bố. Bố cười cợt, nói rằng mình chưa trưởng thành, chưa hiểu được nỗi khổ của bố, chưa biết bố phải trải qua khó khăn như thế nào… Bản thân mình thì lại cho rằng mình khá trưởng thành. Có một nghịch lý trên đời: câu cửa miệng của thằng say là “ tao chưa say”,  câu cửa miệng của thằng nói dối là “ tao nói thật ”… Tương tự như vậy, ai nói rằng mình đã trưởng thành nghĩa là người đó chưa trưởng thành, lý do là nếu bạn để cái “tôi” lớn lên, nó sẽ khiến bạn ngừng phát triển - nếu bạn nghĩ bạn giỏi thì bạn sẽ không thể giỏi hơn được nữa. Vậy thì lời bố nói liệu đúng? Mình đã thực sự trưởng thành? 



Trước hết, trưởng thành là gì? Theo định nghĩa, trưởng thành là động từ: trở thành người lớn.

 Người lớn: con người ở tuổi trưởng thành, thường là những người đã trưởng thành cả về mặt sinh lý ( đến tuổi sinh sản) và pháp lý (có khả năng tự nuôi sống bản thân và biết chịu trách nhiệm với bản thân).

Nếu chỉ dừng lại ở đó thì chẳng phải mình đã trưởng thành? Không đơn giản như vậy đâu các bạn ạ, bởi vì nếu xét trưởng thành về mặt nhận thức thì 1 cậu bé 6 tuổi cũng có thể suy nghĩ như 1 người trưởng thành, 1 cụ ông 90 tuổi vẫn có thể cư xử không đúng mực, chưa “trưởng thành”.

 Đối với mình, “trưởng thành”  là 1 quá trình, ngày hôm nay chúng ta phải cố gắng mạnh hơn chúng ta của ngày hôm qua, tích lũy dần về “lượng” đủ rồi sẽ đến thay đổi về  “chất”. “Trưởng thành” không phải một cột mốc để chúng ta có thể đạt được. Mình xin thay thế cột mốc ấy bằng từ “ trở thành đàn ông” - “ be a man”. Từ “đàn ông”- “man” ở đây nội hàm là toàn bộ khí chất, phẩm giá, cách cư xử (manner) của một quý ông, nó vượt trên vấn đề giới tính ( nếu bạn là nữ có thể thay từ “man” bằng từ “woman”)

Làm thế nào để biết mình đã trưởng thành hay chưa? Giải pháp mình xin đưa ra là “soi gương”. Chương trình Táo Quân năm nay có một thông điệp mà mình rất thích: “Soi gương là để làm gì? Là để nhìn lại chính mình, điểm mạnh thì ta phát huy còn điểm yếu thì ta hạn chế”. Người xem vui cười với cảnh các Táo đùn đẩy, tìm mọi thủ đoạn để không phải soi gương, không dám đứng trên cao để soi gương, hùa nhau tránh soi gương ở dưới thấp. Nhưng nếu mọi người chỉ cười và không có ấn tượng gì đọng lại về cảnh này mình nghĩ là rất “phí”. Soi gương- tự nhìn lại bản thân thì có gì đâu mà phải sợ? Nhiều người có lẽ sẽ nghĩ như vậy nhưng việc đó thật không đơn giản.

 Để có thể soi gương ở trên cao, dám nhận khuyết điểm trước mặt người khác ta cần phải có dũng khí. Dũng khí để thừa nhận khuyết điểm, dũng khí để nghe người khác chỉ ra khuyết điểm, dũng khí để chỉ ra khuyết điểm của người khác, dũng khí để chân thành...

 Chân thành với người khác rất khó nên ta thường ái ngại rồi bỏ qua, cho rằng mình chỉ cần soi gương ở dưới thấp – tự mình kiểm điểm lại mình là được. Thế nhưng người mà chúng ta khó chân thành nhất thực tế lại chính là bản thân. Tự kiểm điểm là việc mà không phải ai cũng làm. Nguyên nhân là do mình nghĩ rằng hiểu bản thân là điều đương nhiên, không cần dành thời gian cho nó… Tất cả chỉ là cái cớ để che đậy việc mình không đủ dũng khí để thừa nhận những gì mình còn thiếu sót. Vì vậy, tự “soi gương” là một điều rất quan trọng, cần cả kiến thức, kỹ năng lẫn thái độ để làm được một cách toàn diện; phải thực hiện nó thường xuyên để nó trở thành thói quen - “Cà phê một mình”.

Tác dụng kỳ diệu của “Soi gương” có thể giúp chúng ta đạt được thành công, hạnh phúc… nhưng bài viết này mình sẽ chỉ đề cập đến khía cạnh “Soi gương” giúp mình trưởng thành như thế nào.


 

Quá trình trưởng thành của mỗi người diễn ra một cách khác nhau, nhưng nó thường gồm 4 giai đoạn:

 Giai đoạn 1 - Phủ nhận:

 Đó là lúc mình sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân, phủ nhận việc mình chưa trưởng thành, tự lừa dối chính mình, tự cho mình đúng, nghĩ mình là cái rốn của vũ trụ… Khi tự nhìn lại chính mình thì thấy Khoảng thời gian đó như một giấc ngủ dài, mình đắm chìm vào game, vào truyện, vào yêu đương... Tất cả những thế giới ảo đó tạo cho mình cảm giác sự tồn tại của mình có ý nghĩa. Bản thân những thứ đó không xấu: game giúp mình biết được tinh thần thượng võ, biết được phải làm việc vất vả thì mới có phần thưởng, biết sự đẹp đẽ của tình bạn... Truyện tranh dạy mình những bài học ý nghĩa, sự đẹp đẽ của thế giới cũng như những tiềm năng vô hạn của con người....Tình yêu nuôi dưỡng cho mình những cảm xúc đẹp đẽ, những thăng trầm giúp mình yêu thương người khác... Cái sai của mình là không phân biệt được ranh giới giữa hiện thực và ảo tưởng, không nhận thức được tính hai mặt của mọi vấn đề. Chơi game sai cách, đắm chìm vào nó mà bỏ quên thế giới thực thì hậu quả rất khôn lường; đọc các thể loại truyện nhảm nhí, không nhận thức được truyện nào đáng để đọc làm hủy hoại đi tuổi thơ; yêu không đúng cách dẫn đến học hành sa sút, chia tay, tự tử.... Thường phải có ngoại cảnh tác động vào như lời dạy bảo của cha mẹ, thầy cô, bị người yêu chia tay, nhìn thấy hậu quả của việc làm sai của mình…ta mới thức tỉnh.

Đây là giai đoạn trước khi trưởng thành, nếu chúng ta "soi gương", giật mình nhìn lại bản thân, hạ thấp cái “tôi” , nhận ra vấn đề thì sẽ vượt qua giai đoạn này.

Giai đoạn 2 - Tức giận, nổi loạn:

 Đây là giai đoạn mình khó chịu, cáu gắt với mọi người, mọi trở ngại mình gặp phải. Mình bực bội với bố mẹ vì không đáp ứng được kỳ vọng của mình, bực bội với sự việc diễn ra không theo ý mình,... Thực chất mình đang giận dữ vì sự bất lực của chính mình,  đây là tâm trạng của mình sau khi thoát ra khỏi thế giới ảo, thích nghi với thế giới thực và nhận ra thế giới thực phức tạp hơn rất nhiều.

 Giai đoạn này kéo dài không quá lâu. Nếu tĩnh tâm lại và mở gương ra soi, tự đặt mình vào hoàn cảnh người khác, mình bắt đầu thấu hiểu, mở lòng lắng nghe. Khi ấy phản ứng của mình với người khác, với thế giới ở mức độ hợp lý do tất cả đều xuất phát từ sự chân thành. Mình đã tâm sự với bố về suy nghĩ, mong muốn của mình và mình tin bố đã lắng nghe và tiếp thu. Mình còn viết thư cho bạn cũ, cho những người mình từng làm tổn thương mong rằng họ biết mình thực sự hối hận về những việc mình đã gây ra. Kết thúc giai đoạn này cũng là lúc mình bắt đầu chân thành với những người bạn, may mắn tìm được một tri kỷ, người có thể cùng mình "soi gương''- ""Cà phê hai mình". 

Giai đoạn 3 - Chán nản, tuyệt vọng:

Bạn đã từng suy nghĩ về cái chết của chính mình?

Cảm xúc của mình cũng giống như khi bạn suy nghĩ về điều đó vậy. Giai đoạn này mình cảm thấy trống trải vô cùng, cảm xúc tiêu cực như cái vòng luẩn quẩn, suốt ngày suy nghĩ linh tinh, tự hỏi đâu là ý nghĩa của cuộc sống, muốn trốn tránh khỏi sự thật… Đây dường như là giai đoạn khó khăn nhất, và cũng là giai đoạn sống còn.

Nếu biết "soi gương" và chân thành với mọi người ngay từ đầu thì giai đoạn này đã không xảy ra. Nguyên nhân của trạng thái tâm lý này là do mình thiếu tự tin vào chính mình, lo sợ những điều sẽ xảy ra trong tương lai. Thế nhưng tương lai thì mơ hồ và đó cũng là nơi những điều tốt đẹp sẽ đến. Thứ quyết định nó chính là hành động của ngày hôm nay. Nhận thức được điều đó mình không còn chán nản, thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn này và đạt được “ bước nhảy của lòng tin”. Trong mình như bùng lên một ngọn lửa nhiệt huyết, ngọn lửa này không chỉ do mình tạo ra mà còn do thầy cô, gia đình, những người xung quanh thổi cho mình - tin vào mình. Mình khâm phục những con người dám cháy hết mình, muốn được như họ và dần định hình được mục đích của cuộc đời. Mình biết cần phải nỗ lực học hỏi, tự tin vào chính mình, cố gắng đạt được thành tựu - không cần quá to lớn mà chỉ đơn giản như dậy sớm tập thể dục, hoàn thành được mục tiêu đặt ra.... Thành công sẽ tạo ra đam mê đi kèm với những cảm xúc tích cực.



Giai đoạn 4 – Chấp nhận:

Sau khi vượt qua những cảm xúc tiêu cực cũng là lúc mình đi đến chấp nhận sự thật. Điều mà mình ngộ ra là chúng ta không sống mãi, ai rồi cũng trở về với cát bụi nên quan trọng là ta sống như thế nào, hết mình trong công việc, tình cảm, chân thành trong các mối quan hệ. Mình chấp nhận con người hiện tại của mình, ổn định lại cảm xúc, suy nghĩ sâu sắc hơn, trân trọng những mối quan hệ của mình hiện tại, có những suy nghĩ lạc quan hơn rất nhiều. Mình chấp nhận rằng bản thân còn nhiều thiếu sót và biết mình cần nỗ lực học tập, tìm thấy niềm vui khi bản thân trưởng thành từng ngày, cháy hết mình trong cả công việc và cuộc sống.

Việc tự "soi gương" phải được làm liên tục vì mỗi ngày mình lại phải chân thành với một con người mới trưởng thành hơn ngày hôm trước, đảm bảo rằng ngày mai mình sẽ trở thành người "mạnh" hơn ngày hôm nay.

Chúc các bạn hạnh phúc với chính bản thân mình.



Tác Giả: Nataba

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100009669739646

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info


(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

308 lượt xem, 297 người xem - 312 điểm