Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Bạn Sợ Bị Đánh Giá Quá Cao - Overrated

Bạn cố gắng một chút, chăm chỉ một chút, có được những thành tích đáng quý, bạn học giỏi không chỉ trong phạm vi lớp mà cả toàn trường và bên ngoài nữa. Và bạn biết đó là do mình nỗ lực ngày đêm mới có được. Bạn chẳng cần khoe khoang vì mọi người xung quanh đều thấy và công nhận điều đó.

Bạn hát hay, nhảy giỏi, giành được nhiều giải thưởng, văn-thể-mỹ đều toàn diện. Và bạn biết rằng đó là kết quả của việc luyện thanh ngày đêm đến khan tiếng, tập nhảy từ những động tác cơ bản, rèn luyện không ngừng nghỉ đến cả người bầm giập. Những lời tán giương khiến bạn vui mừng, hạnh phúc không siết. Bạn chẳng cần gì hơn nữa.

Bạn là người có chí cầu tiến , luôn mong muốn làm tốt công việc của mình và thậm chí có thể giúp đỡ người khác nếu họ cần. Sau những lần như vậy, họ cảm thấy biết ơn và nghĩ bạn thật giỏi, ít nhất là giỏi hơn họ, và có thể vài lần tới, họ cũng sẽ lại tìm đến bạn. Vì những gì bạn thể hiện, sự nhiệt tình của bạn, những gì bạn đạt được khiến họ tin rằng bạn thông minh, giỏi giang. Nhưng họ đâu biết được rằng đằng sau những vinh quang đó là mồ hôi và nước mắt, là những đêm dài thức trắng, là bao lần thất bại bạn cố giấu đi. Rồi họ vô tình gán cho bạn mác “con nhà người ta”, là một tấm gương để người khác noi theo, là một hình tượng nào đó vô cùng tuyệt vời. Từ đó, sẽ có người đem lòng đố kỵ, muốn hạ bệ bạn. Vì sao vậy? Vì họ nghĩ bạn không cần phải cố gắng nhiều mà vẫn đạt được thành tích tốt, có thể là do bạn thông minh, may mắn, sinh ra “tự nhiên” đã giỏi.

Thành tích học tập của bạn tốt, được tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, trong mắt bạn bè, bạn “toàn diện”, bạn ưu tú. Và dần dần người ta mặc định bạn phải như thế, mặc định rằng bạn phải giỏi, kỳ vọng của họ dành cho bạn cũng rất lớn. Vì như thế nên đôi khi họ nhờ bạn làm giúp một việc gì đó mà bạn nghĩ là nằm ngoài khả năng của mình, bạn từ chối thì họ nghĩ là bạn kêu ngạo, chỉ biết nghĩ cho bản thân. Dù là bạn làm được đấy, nhưng có thể sẽ không tốt, có thể sẽ làm ảnh hưởng đến người khác. Vì người ta luôn có tư tưởng là bạn giỏi như vậy, những chuyện cỏn con như thế này chỉ cần “búng tay” một cái là xong. Rồi khi bạn mắc một sai lầm nhỏ, họ cũng thất vọng một chút và ngay cả bạn cũng vậy, thậm chí bạn cũng có thể bị chì chiết bất cứ lúc nào. Người ta thường nói hy vọng càng nhiều thì thất vọng càng lớn mà. Đó là điều không thể tránh khỏi.

*Rồi bạn sợ mình overrated*

Người ta có thể nhìn vào và nói rằng được nhiều sự kỳ vọng, được mọi người tin tưởng như vậy đáng lẽ phải cảm thấy tự hào, chứ sao lại sợ. Ờ, tự hào thì có đấy vì bạn cũng phần nào được công nhận, chẳng phải len lỏi kiếm tìm. Nhưng cái gì cũng có mặt lợi và mặt hại. Đôi khi sự kỳ vọng của mọi người khiến bạn áp lực, bạn luôn mang theo một áp lực vô hình là “mình phải làm tốt”, không thể khiến mọi người thất vọng được. Rồi bạn sợ mình gặp thất bại, những sai lầm của bạn bị người khác trông thấy. Người khác thất vọng một, bạn thất vọng mười. Giống như bạn đang sống trong một lớp vỏ bọc của sự hào nhoáng vậy. Sẽ thật thất bại nếu như bạn cũng ngộ nhận.

Nhưng người ta đã vô tình đánh giá và gán cho bạn một cái mác như vậy rồi, thì thật khó để khiến họ thôi đi cái suy nghĩ đó. Bị đánh giá thấp hay đánh giá cao thì cũng như nhau, cũng đều là “bị đánh giá” cả. Đó là cách thế giới vận hành. Bạn không thể khiến mình trở nên vô hình được, cũng không thể bảo người khác ngưng đánh giá. Vậy thì bạn nên làm gì?

**Hãy chấp nhận** Chấp nhận rằng người ta đánh giá cao bạn cũng đều có lý do. Có lẽ vì sự chăm chỉ, tiến tới của bạn, những thành tựu bạn đạt được qua từng năm khiến người ngoài nhìn vào và cảm thấy ngưỡng mộ. Nhưng dù sao thì cũng có lời ra tiếng vào, sự đố kỵ vào cả những người luôn chầu chực chờ bạn sơ hở để kéo bạn xuống. Chấp nhận rằng bạn cũng có khả năng và một xíu may mắn. Không phải ai cứ cố gắng là đều đạt được thành quả đâu, không phải ai giỏi cũng đều được công nhận đâu. Chấp nhận thực tế rằng cứ được kỳ vọng cao là phải làm thật tốt, phải cố gắng thật nhiều, nếu không thì không chỉ người khác mà chính bản thân cũng cảm thấy thất vọng.

**Hãy tự mình underrated** Nếu người ta đã đánh giá cao mình rồi thì mình tự đánh giá thấp mình thôi. Vậy mới cân bằng. Underrated ở đây không phải là tự hạ bệ mình, tự nhục, mà là nhìn nhận bản thân theo một cách khiêm tốn, khách quan hơn. Nhìn nhận điểm yếu, điểm thiếu xót của bản thân, bạn mới nhận ra mình không hoàn hảo, mình cũng chỉ là một người bình thường, cũng có những lúc thất bại, những lúc không làm tốt. Sự tung hô, kỳ vọng đó cũng là từ những điều họ thấy. Vì mang trên mình bộ giáp xuất sắc đó khiến họ quên đi những điểm yếu kém của bạn. Nhưng đừng vì thế mà đi theo cái suy nghĩ của họ, tự cao về bản thân, vì bạn không biết rằng bạn có thể gặp rắc rối bất cứ lúc nào.

**Hãy loại bỏ nỗi ám ảnh về sự hoàn hảo** Bạn nên biết là trên đời này đâu ai là hoàn hảo, có điểm mạnh thì cũng có điểm yếu. Sẽ có những lúc bạn mắc sai lầm, nhưng bạn sẽ trưởng thành hơn sau những lần như vậy. Đừng chối bỏ những thiếu sót của mình và trưng ra dáng vẻ hoàn hảo, điều đó chỉ khiến bạn mệt mỏi và áp lực hơn thôi.

**Hãy là chính mình** Hãy nhớ rằng bạn luôn luôn là phiên bản tốt hơn của chính mình trong quá khứ. Nghĩa là bạn luôn đi trên con đường tốt đẹp hơn, ngày càng hoàn thiện hơn. Đừng vì những đánh giá của người khác mà đánh mất mình hay cố gắng để làm hài lòng họ, không để họ thất vọng hay nghĩ khác về mình. Hãy nghĩ cho bản thân mình trước, làm điều gì khiến bạn thoải mái, vui vẻ, đừng tạo áp lực cho bản thân để cố làm hài lòng người khác rằng mình phải như thế này, như thế kia. Là chính bạn, chỉ bạn mới biết mình là ai.

**Hãy luôn cố gắng** Một lời khuyên muôn thuở mình muốn gửi đến bạn. Đôi khi những đánh giá tuyệt vời dành cho bạn lại khiến bạn trở nên tự tin đến mức tự mãn. Điều này thật sự không tốt chút nào. Bạn hãy xem những kỳ vọng, lời khen đó là động lực để bạn cố gắng, để bạn phát huy những thế mạnh vốn có và khắc phục những điểm còn hạn chế. Đó mới hay.

Bạn có sợ mình bị đánh giá cao không? Điều đó có làm bạn trở nên mất tự tin và muốn trốn tránh?

Cái mà bạn cần có phải là sự công nhận, công nhận những thành tựu đó là do bạn nỗ lực, đi từ thất bại này đến thất bại khác mới có được chứ không phải là ngày một ngày hai hay sinh ra là đã xuất chúng rồi. Bởi vì bạn có hoàn hảo đâu.

Mình nghĩ thế này, cuộc sống không thể tránh khỏi những lúc bị phán xét, đánh giá. Hiếm ai có thể ngồi lại và lắng nghe bạn, hiếm ai hiểu được những gì bạn đã trải qua. Đa phần họ sẽ nhìn bề ngoài, những gì bạn thể hiện, những thành tựu của bạn để mà đánh giá. Người khác có thể đánh giá cao bạn nhưng còn bạn, bạn có thể tự tin chứ đừng tự đánh giá cao mình, đó là một loại ngu ngốc. Vì Vladimir Kirillovich, nhà tâm lý học người Nga, từng nói: "Sống trong mắt người khác còn tệ hơn sống trong lòng chính mình. Khi bạn đánh giá quá cao địa vị của mình trong lòng người khác, thậm chí đánh giá quá cao mối quan hệ của bạn với người khác, điều chờ đợi sẽ là nỗi thất vọng lớn"

Vậy nên, bạn cứ là chính mình thôi.

Tác Giả: Lâm Hồng Châu
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link:  https://www.facebook.com/profile.php?id=100014418312244
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

227 lượt xem, 210 người xem - 228 điểm

lh-fulllh-x