Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Bất Hạnh Và Phẩm Giá Của Những Niềm Đau


ĐÔI DÒNG KHAI BÚT

Di dịch trên những nỗi bất hạnh, con người tham gia vào một sự kiện - sự kiện của đời sống và tất thảy những gì liên quan đến định mệnh. Cuộc sống là một trục xoay, mỗi một chu trình dao động như thế, cuộc sống không đổi thay, bản thân nó không tự biến đổi diện mạo của mình; vì con người biến đổi nên cuộc sống trong con mắt của con người cũng biến đổi. Xuyên suốt quá trình này, con người bị thâu tóm trong những nỗi bất hạnh, sinh ra cho đến khi hư vô nuốt chửng lấy anh, sướng vui có làm anh thôi khổ đau hay vì khổ đau nên anh biết đến được thế nào là sướng vui?

William Faulkner bảo trong "Sound và Fury" rằng "Con người là toàn bộ nỗi bất hạnh của hắn", như vậy là con người sống bằng nỗi bất hạnh hay con người vốn đã bất hạnh hay con người sở hữu đời sống cá nhân nên đồng thời chiếm giữ luôn cả nỗi bất hạnh?

Liên thông với cách diễn đạt ấy, bất hạnh không phải là sự phiến diện của cuộc sống. Xem chừng danh ngữ này đã nhất thể hóa chính nó trong đời sống. Sự phiến diện không đem lại ý nghĩa cho bất cứ cái gì hay người nào vì sự phiến diện chỉ cho con người thấy được chứ không cho con người thấy rõ. Nỗi bất hạnh là sự hoàn chỉnh của cuộc đời, khi nó thực hiện những công cuộc tự chuyển hóa, nó đã đồng thời biểu lộ chính bản thân nó như là đời sống hiện tại, vì thế mới bảo rằng, "Con người là toàn bộ nỗi bất hạnh của hắn." - tức là, sự xâu chuỗi của những nỗi bất hạnh này làm nên sự liên tu bất tận của thế giới sở tại, của xã hội khả dĩ, của cộng đồng đương là, của tập hợp người đương hiện hữu, của cuộc sống.

 ----------

QUY NẠP NHỮNG KHỐI LƯỢNG PHI VẬT CHẤT TRONG ĐỊNH NGHĨA CỦA "BẤT HẠNH" 

Bất hạnh, như đã nói, không chỉ là phương thức tồn tại của cảm xúc trước một hoàn cảnh nào đó. Bất hạnh thậm chí còn đặt ra những bối cảnh đời sống. Sự xuất hiện những bối cảnh này là đẳng thức cho trước của một phép toán nhân sinh. Bởi vì bất hạnh không đem lại trực tiếp sự thỏa mãn, nó là một vòng xoay của trục giao thông nhân bản. Chiều nghịch là bản thân nỗi bất hạnh và chiều thuận là sự phản ứng của con người. Thế thì, để từ chiều nghịch đi được đến chiều thuận, con người không thể ngang nhiên rẽ lối một cách tùy tiện, mà đòi hỏi phải có một lộ trình đi vòng qua một vòng xoay. Sự diễn ra theo quy luật như vậy ăn nhập với đời sống. Diễn giải khác đi, nối bất hạnh là hoàn cảnh để con người đưa ra những lựa chọn và tự mình phản ứng lại.


Những nỗi bất hạnh khác nhau đặt ra hàng loạt bàn cân khác nhau mà chỉ khi con người đặt trên đó lựa chọn thì mới hình thành trị giá của hiện sinh. Không có nỗi bất hạnh, cảm xúc và tư duy của con người không thể được kích hoạt, bởi lẽ chỉ với bất hạnh mới có hoàn cảnh, và chỉ khi có hoàn cảnh thì mới có cuộc sống. Theo cách luận giải ấy, tính tiếp diễn của hàng loạt sự bất hạnh trong khi con người tồn tại đã cho phép một bộ phận trong số những hiện hữu người thực hiện sự phát kiến vượt qua cả tồn tại để thực sự "sống". Chỉ có những ai chấp nhận sự bất hạnh trong đời sống của mình, thì mới có thể sáng suốt đưa ra chọn lựa, và khi thực hiện quyết định như thế, con người mới phá vỡ chế định ngẫu nhiên của tính bản năng để vươn lên đến tính người. Bất hạnh là cách cuộc sống tự cho phép nó hòa nhập với con người, để con người cảm thấy được cuộc sống đương đồng thời vận động với con người và cho phép con người thực hiện chức năng tư duy cũng như kích thích cảm biến nội sinh bên trong tâm hồn họ. Bất hạnh là sự hữu hiện rõ nhất của đời sống này!

----------

SỰ XÊ DỊCH CỦA NỖI BẤT HẠNH TRONG CUỘC TỒN SINH 


Khi đời sống của con người đồng loạt đổi thay với những mô thức hiện hữu khác nhau, sự bất đồng quy ấy bao gồm về lứa tuổi, trình độ, phân bậc gia cảnh, nghề nghiệp, … Với những chiều kích đa diện như thế, mỗi con người lại có cho riêng họ nỗi niềm riêng, sự bất hạnh âu lo biệt lập với số đông.

Chúng ta không sống để trở nên bất hạnh. Nhưng bất hạnh là đời sống và chúng ta sống trong đời sống, vì vậy bất hạnh dung chứa chúng ta. Sứ mệnh lớn lao hơn cả của việc làm người tức là phá cái kén khuôn định có từ nỗi bất hạnh để diện kiến chân thực lý tưởng nhân sinh cao đẹp đích thực trong cuộc đời này.

Không bao giờ có sự nhất quán của việc làm người, không ai lựa chọn để trở thành thân phận của người khác trong thể xác của chính mình; bằng cách đó, cũng không có sự nhất quán về cách tồn tại của nỗi bất hạnh. Mỗi người có những thống khổ riêng, những thách thức riêng mà số phận bày biện trên mặt phẳng nhân sinh. Bất hạnh hiện hữu chứ nó không hiện hình, vì thế nó là một phương thức trừu tượng tác động đến tính cách, tâm khảm và ý thức hệ của mỗi cá nhân.

Bất hạnh của việc làm một người trẻ là những khát vọng không nằm trong sự kiểm soát được nữa và nỗi lo sợ vì bản thân trở nên kém cỏi. Ấy là khi con điểm định mức tài năng, chữ số định lượng tri thức, giải thưởng định danh con người. Tuổi trẻ sống bằng những thước đo, sự đo đạt đem lại cho họ cảm giác có giá trị, thiếu đi nó, họ bỗng trở nên nhẹ tênh, nhẹ như bị trôi nổi giữa một khơi trường rộng lớn bạt ngàn nhưng chả biết được bản thân mình có nơi đâu để thuộc về. Người trẻ sợ kém cỏi, sợ thua cuộc, sợ quỳ lụy, sợ khuất phục, sợ đơn độc. Nỗi bất hạnh của việc sở hữu cho mình ý nghĩa của tính từ "trẻ" là nỗi bất hạnh gắn với trăn trở về tương lai của họ. Họ hoài nghi về phương cách tồn sinh của bản thân, những cố gắng của họ ở thực tại và những gì mà họ đi qua trong quá khứ. Họ ám ảnh để phải trở nên tài giỏi và phải có được chỗ đứng trong xã hội vốn đã bề thế và không thiếu gì nguồn nhân lực dồi dào. Những bất hạnh của người trẻ không phải do sự áp chế phiến diện đến từ xã hội khách quan bên ngoài, mà là sự nội sinh của áp lực mà chính họ đặt ra buộc mình phải gắng cố. Mặc cảm khi những chàng trai cô gái được xướng danh trên trang báo, được đề cử trên truyền hình để rồi nhìn lại đến nơi mình đương định vị, họ không thấy những bước tiến và họ mưu cầu sự công nhận. Tuổi trẻ bắt buộc phải sống trong sự so sánh, sự so sánh với cái người khác làm được và mình chưa làm được, sự so sánh với cái người khác sở hữu và mình chưa nắm giữ, sự so sánh với điều kiện mà người khác có còn mình thì trống trãi vô tận không điều gì níu giữ, … Dường như xã hội cũng đương là một hí trường, đầy xôn xao và náo nhiệt mà âm thanh lớn nhất là tiếng thét của những cô cậu thanh thiếu niên cất lên khẩn cầu sự chú ý của đại thể cộng đồng. Nỗi bất hạnh như thế, là nỗi bất hạnh của việc sợ hãi không được công nhận, là nỗi bất hạnh của việc oán trách tính bất tài vô dụng của bản thân, nỗi bất hạnh ấy là nối bất hạnh của người trẻ - đầy tham vọng và ước muốn nhưng cứ chao đảo và bất định trên một đại lô vô tận, rú réo tiếng cói xe của chuyến đi sắp sửa vào thế giới của người trưởng thành.

Bất hạnh của một người công nhân là lượng không sóng đôi cùng với chất: sức lực sử dụng quá nhiều, mồ hôi rơi rớt trên nền gạch quá nhiều, mệt mỏi quá nhiều, tăng ca quá nhiều nhưng đồng lương không bao giờ xứng đáng, đời sống không bao giờ có số dư, và những phép toán chi tiêu không bao giờ mang lại lợi nhuận. Nỗi bất hạnh này là nghịch lý đóng vai trò hằng thức, bất biến trong đời sống của những người công dân. Những đêm khuya dài thao thức miếng bánh mỳ chưa gặm hơn quá nữa, những hồi quần quật tiếng cò kẹt của chiếc máy thiếu nhớt, những hì hục hỗn hễnh theo hơi khói xả của dãy máy tự động phì phào và còn có cả những tiếng khóc của đám con đương thiếu sữa mệt nhoài, những cái bấm bút ghi nợ của bà chủ trọ, những tiếng nước chảy rỉ giọt vì chưa thanh toán tiền nước, những mảng màu đen trắng bấu nhập trên màn hình TV chập chờn không phát sóng vì quên khoảng phí truyền hình. Bao nhiêu tiếng động là bấy nhiêu bất hạnh, đời người công nhân gắn với những rung động âm thanh. Những âm thanh cơ giới hay âm thanh bất lực? Những âm thanh công xưởng hay âm thanh thiếu hụt? Những âm thanh máy tiện, máy hàn hay âm thanh của sự túng quẫn? Những âm thanh va đập kim loại, đóng gói hay âm thanh của đứa con thơ chưa nói rành rọt tiếng mẹ, chưa thạo cách gọi cha. Sống bằng những cật lực vật chất nhưng chưa lần nào vật chất hồi đáp họ bằng sự kiêng nễ cho đi, sống bằng những lao lực vì tiền bạc nhưng tiền bạc chỉ bẻ đôi đưa họ tiếng sau (bạc) mà gian lận cướp ở họ tiếng trước (tiền). Vật chất không còn thiết cần gì nữa nhưng lao tâm và mệt nhoài phí phạm, vật chất cần cho nó sự điều hành của tri thức và học thức; mà lắm khi ở những người công dân sống cuối phố, vì không có thứ duyên tiền định với bộ não tiểu tư sản, nên họ trung kiên với trái tim và thể xác của mình. Họ lựa chọn những sự đánh đổi bằng thể lực để đổi bù miếng ăn, họ không chấp chới trong những đo đạt thành tích, có khi họ còn chẳng biết đôi ba tấm bằng chứng nhận đem tới cho họ điều gì, họ sống bằng cái đích đến thẳng băng và thực tiễn: Họ cần miếng ăn và bữa cơm đỡ đói, họ cần phần dư của đồng tiền và họ cần phần thừa cho một đời sống sung túc, thoát khỏi cái mái tôn xuống cấp dột những ngày mưa, thoát cái nơi eo hẹp mà vào được cánh cống khang trang của một mái nhà chắc chắn. Họ cần an cư chứ chưa cần an nhàn, vì họ hiểu tính từ ấy nó quá viễn vong với nấc thang họ đương đứng trong xã hội này. Bất hạnh lớn nhất của họ là họ luôn bị dôi ra khi gần chạm đến tâm điểm của sự đủ đầy, bất hạnh ấy không ngần ngại trau chuốt cho thật đẹp thật lộng lẫy cái trọng yếu của đồng tiền để mời gọi những người công dân, rồi khi trên cuộc đua đó, nó tiếp tục những cú lừa để cả cuộc đời của bao con người ấy chỉ vỏn vẹn gói gọn trong cái may mắn nhất là "đủ ăn" chứ chưa bao giờ thụ cảm thứ thượng lưu sung sướng một lần. Xa xỉ quá nếu bảo họ đi xem một bộ phim ở CGV, cuộc đời của họ có đủ những xung đột điện ảnh, và quá nhiều điểm nhấn làm cốt cho một bộ phim kể về bế tắc của những người máu đong bằng nhớt, miệng đong bằng tiền, …

Bất hạnh của những cậu ấm cô chiêu, những thiếu gia và cô chủ là sự đồng nhất hình mẫu chuẩn mực của thế hệ trước và thế hệ sau. Họ bắt buộc phải gánh lấy huy chương danh dự của gia đình. Khi nhu cầu bộc lộ bản thân bằng cá tính và sự bứt phá, họ ngay lặp tức bị kiềm thúc bởi những thiết chế tại gia. Từ lối đi đứng, hành vi ứng xử và cả học lực. Ấy là khi họ bị khuôn ép theo những điều luật bắt buộc để tiếp nối danh tiếng gia đình. Bất hạnh của họ là ở bức bản đồ mà họ bị nhốt trong đó, thế giới của những gì có sẵn, danh vọng và sức hút, họ không thể trực tiếp tạo lập cho chính mình sự bộc lộ ý muốn cá nhân. Đồng tiền mua cho họ vật chất chứ không mua cho họ phẩm giá tự sinh, thứ phẩm giá làm nên con người họ và điều tiết nỗ lực của họ. Trong thế giới mà tấm bản đồ chứa đựng họ, tất cả mọi thứ đều đã có sẵn, sự có sẵn ấy không hẳn bao giờ cũng là chân dung của tính toàn mỹ, mặt khác, sự có sẵn ấy đã thiết tạo một thứ tư tưởng lồng kính, đóng bọc họ trong sự hào nhoáng để chiêm ngưỡng mà không thể lựa chọn để tiếp xúc với vạn vật bên ngoài. Những đồng tiền cho họ cơ ngơi chứ không cho họ biết về vị giác vô hình của những cung bậc; đồng tiền cho họ cảm nhận về sự xa hoa chứ không có họ cảm nhận sự phức hợp của cảm xúc đời người; đồng tiền cho họ thấy được vị trí của tầm cao, chứ nó không thể hiện cho họ thấy giới hạn của lòng kiên nhẫn, tính chịu đựng, sự uất ức, tiếng thét bất hạnh, ánh mắt bất phục,… của con người. Bởi vì lẽ, đồng tiền ấy không phải đồng tiền do những pha mạo hiểm của chính họ, ấy là những đồng tiền có sẵn, như bao thứ có sẵn khác trong khuôn viên gia đình họ, nó bó buột họ trong vòng xoay liên hồi của ảo tưởng về cách thức tri nhận mọi sự kiện và hình thái bên ngoài xã hội kia. Đừng lựa chọn để chấp nhận là người tiếp nối, hãy lựa chọn trong tư thế của người tạo lập, và để những cái sẵn có được biểu đạt bằng một chức năng động lực thay vì chức năng phán quyết.

Thế rồi ai cũng có những bất hạnh của mình, phải, đúng là thế "Con người là toàn bộ nỗi bất hạnh của hắn" (W. Faulkner), không thể khác. Những chao đảo điên cuồng và sự hoai mục của ý chí, những giác mạc bị đập vỡ vô hình bởi bất lực và niềm đau, những khẩn nguyện rơi vào thung lũng hư vô giữa khóm trăng máu đâu đây rên mấy hồi thê thiết, … Thế giới nội tâm của con người, phần nào có một ô đất vốn được quy hoạch riêng biệt để chôn giấu bất hạnh. Nhiều người vì chôn giấu nhiều quá nên sinh ra thối rữa rồi mục nát như lá độ thu về, xào xạc lá rời cây và con người về lại cõi tử.

Bất hạnh có khiến cho người ta chết đi thật, nhưng liệu nó có phải chặn đứng lối đi của con người? Trước khi có lực đẩy phải có lực hút, trong những thảm kịch thường thấy về sự khổ hạnh của kiếp nhân sinh, phần nhiều thuộc về sự thua cuộc của con người trước sức hút sâu hoáy của đời sống. Cho đến khi độ nén được căng đầy bởi những định hướng, gan lì, bứt phá, bất hạnh thực hiện sự chuyển hóa của nó, với hàng loạt các thao tác tự động biến đổi thành diện mạo mà bấy lâu con người thường mỏi mong được diện kiến: sự an nhiên. Bất hạnh là hình hài của an nhiên bị đắp chồng nhiều lớp vôi rữa của thực tại này.

Làm người là đi tìm những bất hạnh cho riêng mình, bất hạnh phản ánh chính những nhóm xã hội mà cá nhân thuộc về. Nhiều người lựa chọn chối bỏ bất hạnh, nhưng đồng thời ấy là bất hạnh của họ vì họ không định hình được cho mình phiến đoạn mà đời sống đương trưng diện trước mắt.

Ai cũng có một niềm đau, niềm đau nào cũng có những phẩm giá của nó vì chính nó cho người ta thấu hiểu được sướng vui và tự tại. Chối bỏ làm chi cho bằng được đối cực của đời sống con người, phá vỡ đi những kết cấu của công trình hiện sinh chỉ tô vẽ đậm hơn tính phi lý của tư duy con người. Con người hiểu được họ đang đối mặt với khổ đau, con người biết được họ đang được đề cử tại cuộc chiến hẳn nhiên không tránh khỏi, con người thấu được họ đang buộc phải làm điều tất yếu, để rồi khi chính họ biểu hiện nghiễm nhiên sự mất cân đối trong lựa chọn và cảm xúc của mình, buông xuôi và tự mình an ủi về nỗi sợ hãi khi tiến lên và đổi mới. Lạ kỳ.

 ----------

PHÓ MẶC HAY BẰNG LÒNG


Chú chim nhỏ sắp sửa học bay, hỏi bác đại bàng rằng: "Bác ơi, những lần thay da đổi thịt đớn đau như thế, tột cùng những tê buốt máu, da và thịt, làm sao bác vượt qua được điều đó."

Bác đại bàng đáp rằng: "Cứ phó mặc những niềm đau đó mà nghĩ tới một ước vọng lao lớn hơn về điều vĩ đại. Vậy thì cứ ngoảnh mặt chẳng cần chấp nhấn đến chúng rồi nghĩ đến bất hạnh làm gì."

Chú chim nhỏ vỡ òa: "Ra là vậy."

Thế là trong ngày học bay đầu tiên, nó không thể cất cánh ngay từ đầu, nó nhìn thấy vận tốc lao thẳng xuống không dừng lại, nó nhắm nghiền mắt và nghĩ rằng cứ va đập thẳng vào nền đất bên dưới, dù rất đau nhưng cứ phó mặc rồi sẽ bay được. Còn khi đang rơi, nó nhằm nghiền đôi mắt, cái nó mong chớ không phải là khoảnh khắc đối diện với không trung lửng lơ, nó đương hình dung về câu nói của bác đại bàng về sự phó mặc đối với những niềm đau, nên nó đợi chờ thời điểm nó rơi xuống mặt đất, đau điếng, nhưng sẽ bay được. Vách núi cheo leo, nền đất cách rất xa, ba chú chim nhỏ thấy vậy liền bay thật nhanh đến để cứu lấy con, dùng móng gắp nó về lại tổ trên cao.

Con chim thấy thế la hét, đòi ba nó để nó rơi thẳng xuống đất thật đau, rồi nó mới biết bay.

Ba nó bảo rằng: "Sai lầm lớn nhất của con là trông chờ vào nỗi đau của một thời điểm thay vì bằng lòng với khoảnh khắc của sự sợ hãi. Khi con đương rơi, đáng lẽ ra con phải mở mắt thật to và ý thức về không gian và thời gian con đương làm gì chứ không phải đợi chờ để lao thẳng xuống dưới và tan xác."

Nó trả lời: "Nhưng bác đại bàng bảo con phải gánh chịu lấy nỗi đau rồi phó mặc nó thì mới làm nên điều vĩ đại."

Ba nó lắc đầu, cười to và bảo: "Đời người ta có những giai đoạn. Không thể vượt thoát khỏi sự tuyến tính của những cột mốc đời sống. Trước khi con học cách phó mặc những niềm đau để vươn đến điều lớn lao và kỳ vĩ, trước hết con phải diện kiến những cảm giác của nỗi đau và bằng lòng với một thực tế rằng con sẽ không thể thoát khỏi khổ đau. Điều duy nhất con có thể làm là lựa chọn thấu hiểu thực tế đó. Bác đại bàng đã từng ở độ tuổi của con, bác ấy đã như con, tập bay và thất bại, nhưng bác ấy mở to đôi mắt để đối diện với thứ viễn cảnh về sự mất đi đời sống, trong giây khắc ấy, bác ấy bằng lòng với nỗi sợ khi rơi xuống, bằng lòng với cảm xúc của chính mình rồi khi ấy tự nhiên sẽ có một lực đẩy vô hình kéo căng tất thảy mạch máu và đôi cánh con bay lên. Cột mốc tiếp đến của việc nhận ra được nỗi đau và bằng lòng với số mệnh bị vây bủa bởi điều ấy chính là con sẽ phải phó mặc lấy nó. Vào độ tuổi dần trưởng thành hơn, con cũng sẽ có những định hướng to lớn hơn cho đời mình, thì khi ấy, con không thể chỉ bằng lòng như khi con ở độ tuổi hiện giờ, phải có một thứ khác đi, một thứ có được sau những lần diện kiến và bằng lòng với niềm đau, một thứ chui rèn cho con cảm xúc của sự cứng cỏi và đặc quánh lại những chao đảo chông chênh xuân thì. Chỉ khi đó, con mới đi đến thềm sau của ngôi nhà cuộc sống - sự phó mặc để định hướng cho những điều vĩ đại."

 ----------

Phó mặc hay bằng lòng? - đấy không phải một lựa chọn, đó là sự trải nghiệm xuyên dọc cuộc tồn sinh của kiếp người theo một chiều duy nhất từ tuổi trẻ đến già dặn. Kiếp sống không phải chỉ nằm ở lựa chọn, vì lựa chọn chẳng qua chỉ là một thời khắc dẫn vào một không gian rộng mở hơn, ấy là trải nghiệm, chỉ có trải nghiệm mới làm nên cuộc đời với những thứ rất người, rất thực, những hỗn mang và nhập nhòe cho đến những tường minh và thông tuệ. Một chuỗi đời sống. Một chuỗi niềm đau. Một chuỗi đảo chao. Mỗi chuỗi con người.


Tác Giả: Võ Lập Phúc 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/lapphuc.vo

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,007 lượt xem, 940 người xem - 943 điểm