Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Bất Kể Ở Tuổi Bao Nhiêu, Khi Một Người Mất Đi Cha Mẹ, Họ Mãi Mãi Vẫn Chỉ Là Một Đứa Trẻ Mồ Côi

Đã bao lâu rồi bạn chưa về nhà? Bao nhiêu cuộc điện thoại trên tuần là để dành cho người thân?  Lần cuối bạn được nói chuyện với bố mẹ là từ khi nào? bạn có bao giờ nghĩ , xem còn được bao nhiêu cái lần cuối được nghe giọng cha mẹ. Với tôi, cái lần cuối cùng ấy đã là hơn bốn năm về trước, khi tôi được nói chuyện với bố, và thật tệ hại tôi không còn nhớ nổi hai cha con đã nói những gì với nhau.Tệ hơn khi tôi không biết được rằng, đó là lần cuối duy nhất tôi còn cơ hội được trò chuyện với ông,...thật tệ!



Luôn có những lời nói, triết lý hoặc bóng bẩy hoa mỹ, hoặc giản dị chân thật để nói về tình cha me ví như: ngôn ngữ trần gian như chiếc túi rách, đựng chẳng đầy hai tiếng mẹ cha, hay thế gian này chỉ có bố mẹ là yêu con vô điều kiện, còn thế giới phải có điều kiện mới yêu con…..vv. Đạo lý , ai cũng hiểu cũng thấu, nhưng để làm được một người con có hiếu, khiến bố mẹ mỉm cười lại là điều không phải lúc nào và không phải bất cứ ai cũng thực hiện được. Có những câu chuyện tôi giữ cho riêng mình từ rất lâu và chưa  bao giờ có ý định kể, nhưng hôm nay , tôi muốn dũng cảm một lần chia sẻ, hy vọng có nhiều hơn những sự quan tâm từ bạn dành cho gia đình khi còn có thể, biết đâu , bạn sẽ trân trọng được lần cuối bất ngờ không ai muốn ấy…..

            

Năm tháng vô tình, hãy biết trân trọng những khoảnh khắc được bên gia đình khi bạn còn có thể.

( nguồn ảnh internet)



1.Có những nỗi đau,chỉ có thể tự vực dậy; có những con đường chỉ có thể tự mình bước đi

                      

Năm tôi 19 tuổi, vào một buổi sớm tháng 3, ngủ một giấc tỉnh dậy, đột nhiên tôi bỗng trở thành đứa trẻ mồ côi cha.Mất khoảng hai năm trời, tôi sống trong trạng thái nước mắt lúc nào cũng có thể trực trào , những giờ học trên lớp,  cô giảng đến văn hóa cưới hỏi của người Việt, tôi khóc! những ý nghĩ về một ngày mấy chị em tôi lập gia đình không có cha dắt tay đưa tiễn làm nước mắt lã chã không kìm nổi.Những giờ học về phong tục ma chay , tôi khóc! Trở về kí túc xá sinh viên , chỉ cần các bạn tôi nhắc đến một từ cha , bố hay kể chuyện gia đình vui vẻ, tôi cũng lại khóc.Có những buổi trưa, tự dưng tôi ôm mặt  khóc rưng rức chạy ra khỏi phòng trong sự ngạc nhiên của bạn bè, đó là khi nhớ bố. Những ngày tháng ấy, tôi không dám hồi ức lại. Chẳng muốn bạn bè thương hại, tôi không tâm sự với bất kì ai nỗi muộn phiền trong lòng, cũng chẳng dám gọi mẹ, gọi anh em ruột, bởi tôi biết, ai cũng đang rất đau đớn.Vậy là hàng đêm, chùm chăn kín đầu nức nở khóc một mình.Tôi chẳng còn nhớ suốt những tháng ngày ấy tôi có được bao nhiêu đêm thật sự ngủ say giấc.Có những đêm mơ, gia đình đoàn tụ, bố vẫn còn ở lại với chúng tôi, rằng những gì chúng tôi vừa trải qua chỉ là cơn ác mộng, tôi đã sung sướng hạnh phúc biết nhường nào, đó có lẽ là giấc mơ đẹp nhất mà suốt cuộc đời tôi từng mơ.Nhưng chỉ cần mở mắt tỉnh dậy, giấc mơ tan biến, nụ cười , giọng nói, khuôn mặt của Người lại vụt mất, tôi lại một mình chống chọi với nỗi đau thực  tại.Những năm tháng ấy….thật sự không còn nhớ bản thân đã vượt qua bằng cách nào.


Có những nỗi đau,chỉ có thể tự vực dậy; có những con đường chỉ có thể tự mình bước đi

( nguồn ảnh internet)



Những năm tháng ấy, tôi đã sống những ngày đớn đau nhất cũng là ích kỉ nhất cuộc đời mình. Phải cho đến khi ấy, tôi mới thật sự ngấm lời nhà văn Nam Cao từng viết trong tác phẩm Lão Hạc mà tôi được học từ năm lớp 8:“ Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất.”  Là bởi nhìn thấy bạn bè và mọi người xung quanh có thể vui vẻ cười đùa tôi thấy họ thật độc ác,tại sao tôi đang phải gánh chịu nỗi đau lớn đến nhường ấy , đau đến tuyệt vọng, đau đến có thể chết đi sống lại,.. ấy vậy mà họ vẫn có thể cười vui.Họ thật ích kỷ!, Tại sao không để đến lúc vắng tôi mới kể chuyện  gia đình , bố mẹ vui vẻ. Suốt hơn hai năm trời, tôi mang bộ mặt cau có, tuyệt vọng để đón chào bình minh và đối đãi bạn bè,người quen.Nhiều khi bắt gặp ai đó buồn hoặc ra vẻ ủ rũ cần được an ủi chia sẻ, tôi lại thấy khó chịu.Họ có phải chịu nỗi đau lớn như tôi đâu nào, tôi còn chưa than phiền, họ có tư cách gì để tỏ ra mình là người bất hạnh.Mỗi ngày, tôi mang thái độ và một bộ mặt như thể cả thế giới đều đang nợ tôi cái gì đó để đối đãi cuộc đời. Lần đầu tiên thấu hiểu sâu sắc một triết lý nhân sinh trong văn học lại làm tôi cảm thấy mình ngu ngốc và muộn phiền đến thế.”Cái chân đau” của tôi khiến tôi không còn có thể đồng cảm và chia sẻ với bất kỳ ai, cũng khiến tôi mất đi những cơ hội để được lưu giữ những khoảnh khắc tươi đẹp nhất tuổi trẻ   bên bạn bè đại học.Tôi thậm chí không còn muốn trò chuyện với nhỏ bạn thân nhất hồi ấy, vì nghĩ rằng người bạn ấy không thể hiểu thấu nỗi đau đớn trong lòng mình.Những giây phút ấy, tôi thật sự cảm thấy , đáng lẽ ra trời cũng không nên có những ngày nắng đẹp, và cá thế giới này cũng phải ủ rũ u sầu như tôi, tôi mất đi người tôi thân yêu nhất cơ mà!


Bởi nỗi đau cũng cần có lòng tự trọng, nên hãy cười lên nhé, cuộc đời này đâu ai nợ bạn gì đâu

( nguồn ảnh internet)



Trong những năm tháng tuyệt vọng ấy, lần đầu tiên trong cuộc đời tôi lại muốn làm thơ đến thế, và  tôi cũng đã viết được vài bài thơ duy nhất trong cuộc đời mình:

Khôn lớn rồi con ghét những cơn mưa

Đêm mưa hè gieo rắc niềm u uất

Con thương người cát bụi chân mây

Tan biến rồi hình dáng thân thương ấy

Gió cuốn vội đi giọng nói cười

Bao giờ cho con một cơ hội

Cất lên nghẹn ngào hai tiếng:bố ơi!

Chẳng ai thấu được niềm đau ấy

Gặm nhấm hồn còn những tháng ngày

Làm sao đời hiểu được

Con chẳng còn chỗ dựa yêu thương

Người thương không nhỉ đàn con bé

Loắt choắt chưa đến tuổi trưởng thành

Rồi mai đây giông bão cuộc đời ai thay con gánh

Mười mấy tuổi đầu không còn cha


Người thương không nhỉ vợ tao khang

Cực nhọc một đời lam lũ thế

Miệng lưỡi thế gian cay đắng quá chừng


Về đi Người, về với gia đình yêu dấu,

Con hứa chăm ngoan, con hứa thảo hiền

Về đi Người những bữa  cơm vắng

Không ai nấu những món ngon

                                          con gái đi học xa về…

Bài học lớn nhất tôi học được trong mười mấy năm ấy hóa ra lại chẳng phải được học từ trường lớp hay  sách vở.Đó là bài học quý về sự hạn hữu của thời gian và nhân sinh vô thường.Tôi hiểu một cách sâu sắc rằng, bất kể khi nào, bất kể tôi muốn hay không , một ngày đó  mẹ tôi cũng sẽ rời xa mấy anh em chúng tôi.Đó là bài học của sự trưởng thành mà tôi chưa bao giờ muốn hiểu. tôi bắt đầu học cách nói lời yêu với mẹ , thường xuyên gọi điện cho bà, và cố gắng làm mọi thứ tôi cho là có thể sẽ khiến bà vui.

Năm tháng dạy tôi trưởng thành, tôi ý thức rõ hơn mọi cuộc gặp gỡ rồi cũng sẽ kết thúc,có những người chia tay ngày hôm nay, ngày mai thật sự không còn cơ hội gặp lại một lần.Tôi biết được con đường trưởng thành là cô độc, là đau đớn, và chỉ có thể một mình bước đi, gồng gánh mọi nỗi đau trong đời.Nhưng ta vẫn phải không ngừng trưởng thành , để yêu thương, để bao bọc  cho những người ta thương nhất, đôi khi đơn giản chỉ bởi học cách trưởng thành để mẹ cha không còn lo lắng lỡ mai sau khi họ tuổi già sức yếu, đứa con khờ dại của họ vẫn có thể tự bước đi trên đôi chân của mình, dũng cảm đối mặt với bão táp phong ba cuộc đời.

  

Con đường trưởng thành là cô độc, là đau đớn, và chỉ có thể một mình bước đi, gồng gánh mọi nỗi đau trong đời.Nhưng ta vẫn phải không ngừng trưởng thành , học cách trưởng thành để mẹ cha không còn lo lắng lỡ mai sau khi họ tuổi già sức yếu, đứa con khờ dại của họ vẫn có thể tự bước đi trên đôi chân của mình, dũng cảm đối mặt với bão táp phong ba cuộc đời.

( nguồn ảnh internet)



Đến bây giờ đây, khi đã thật sự dần dần quên đi giọng nói bố tôi như thế nào, không hình dung nổi khuôn mặt ông ra sao, chỉ có  cái bóng mờ nhạt, dần dần quên lãng người từng thương tôi nhất, tôi không còn cảm thấy mình bất hiếu.Thời gian thật sự khắc nghiệt đến như vậy, tôi lại dần dần mở lòng hơn với bạn bè.Danh từ BỐ tôi hay né tránh trong suốt mấy năm qua dần dần xuất hiện trong những câu chuyện kể với bạn bè.Tôi bỗng nhiên rất sợ, một ngày kia tôi không còn chút ký ức nào về Người. Tôi kiêu hãnh với bạn bè, tôi có một người cha hiền lành , lương thiện và thương chúng tôi hết mực, dù những năm tháng cuối đời ông say sỉn và nghiện rượu .Nhưng ông vẫn là người cha tuyệt vời nhất của chúng tôi, ông cho chúng tôi sự sống,nuôi lớn chúng tôi và dạy chúng tôi làm người tử tế bằng chính những nếp sống của mình.


  

Tôi kiêu hãnh với bạn bè, tôi có một người cha hiền lành , lương thiện và thương chúng tôi hết mực, dù những năm tháng cuối đời ông say sỉn và nghiện rượu .Nhưng ông vẫn là người cha tuyệt vời nhất của chúng tôi, ông cho chúng tôi sự sống,nuôi lớn chúng tôi và dạy chúng tôi làm người tử tế bằng chính những nếp sống của mình.

( nguồn ảnh internet)



2.Những năm tháng học trò ,tôi ngây ngô tin rằng chỉ cần có nỗ lực mọi khó khăn đều có thể được giải quyết

Tháng ba, mùa của những hoài niệm.Tôi nhớ mình đã trải qua một tuổi thơ vô cùng cực nhọc.Những ngày mà, mẹ tôi vẫn phải thức từ canh hai canh ba khi trời chưa  sáng để gánh nước , giã gạo, đi rừng làm rẫy đến tối mịt mới về.Tôi nhớ những ngày bé, anh cả tôi còi xương suy dinh dưỡng đến tận năm anh học lớp 9 tóc vẫn vàng hoe, bụng ỏng chân tay bé còi hệt như bức tranh đứa trẻ suy dinh dưỡng trong sách công nghệ lớp 6. Tôi nhớ những ngày, mẹ bắt ếch về thịt , nấu cháo trứng gà cho anh, trong khi anh không buồn động thìa đũa còn đứa em gái anh đứng bên cạnh thèm thuồng.Chúng tôi thật sự đã trải qua những ngày mong cho ngày nào trong năm cũng là tết vì tết sẽ được ăn ngon, mặc quần áo mới.Tuổi thơ tôi gắn với rừng núi thả trâu cắt cỏ.Những bữa mưa leo đồi dép tổ ong bám đầy bùn rách bươm , tôi thường bị trượt ngã vô số lần khi cố gắng theo kịp những chú trâu của nhà không cho chúng bị lạc.Tuổi thơ tôi...ám ảnh vì nghèo đói. Tôi thi đỗ trường nội trú của huyện ( ở huyện chúng tôi đó là trường học số một dành cho con em  dân tộc 21 xã vùng cao của huyện, sức cạnh tranh đầu vào rất lớn) chỉ bởi nghe nói học ở ngôi trường đó tôi sẽ có thể ăn sáng cơm với lạc, trưa tối đều sẽ có thịt cá hoặc đậu - theo như lời kể của chị họ học ở nội trú tỉnh và cũng bới đó là nơi tôi có thể chuyên tâm học mà không cần làm việc đồng áng hay thả trâu lên rừng sau buổi học.Với tôi, đó thật sự là thiên đường, là nơi đáng mơ ước.

Vậy là 12 tuổi tôi bắt đầu cuộc sống xa nhà.Tuần học đầu tiên thật sự khó khăn với những đứa trẻ còn quá non nớt như chúng tôi.Buổi tối tự học ôm nhau khóc, tối tan học chùm chăn khóc. Những lần nghỉ tháng từ nhà xuống trường mới thật sự là khó khăn với chúng tôi, bạn bè có đứa ôm chân bố mẹ nằng nặc đòi về bằng được.Theo thường lệ trường hay tập trung học sinh vào lúc 4h chiều sau vài ba ngày  cho học sinh nghỉ tháng ở nhà.Tôi không có thói quen nũng nịu với bố, nhưng mỗi lần bố đưa tôi vào trường tập trung như vậy, tôi thường sẽ lén đứng một góc, nhìn theo bóng bố đổ dài qua khung cổng trường mở toang,cho đến khi ông lên xe phóng đi và mất hút trong ánh hoàng hôn chiều.Cảm giác khi đó thật sự không hề dễ chịu, chỉ muốn chạy đuổi theo, leo lên xe và nói : bố đưa con về với, con không muốn ở đây một mình.Nhưng rốt cuộc chẳng khi nào tôi đủ dũng cảm làm vậy. Và tôi cũng biết như vậy ông sẽ lo lắng biết bao.Những  tháng ngày chưa quay trở lại được với nhịp sống, học tập và sinh hoạt của trường , mỗi ngày sẽ dài lê thê.Có những bữa tôi đã muốn mở toang cánh cổng trường, chạy nhanh về nhà để gặp gia đình, nhưng nhà đâu có gần.Vả lại tôi còn có bạn bè ,thầy cô, rất may, tôi đã vượt qua được nó để học hành.

Nội trú! đó còn là những tháng ngày học tập có kỷ cương và rèn luyện nề nếp; là những tháng ngày nhiều mơ ước khát vọng nhất và sẵn sàng vì ước mơ để thức đêm hôm học hành.Những khi ấy  tôi có một niềm tin mãnh liêt, rằng chỉ cần bỏ thời gian và cố gắng thật nhiều thì có thể giải quyết mọi thứ trên cuộc đời.Việc tôi cần làm là học thật giỏi, học giỏi hơn nữa để kiếm tiền. Mai này trưởng thành, tôi sẽ có thể xây một ngôi nhà mới khang trang hơn cho bố mẹ ở, ngôi nhà tường đất chúng tôi ở đã cũ, mùa đông gió rét lùa qua cánh cửa gỗ lạnh buốt, mùa mưa nước ngập sàn nhà, ẩm ướt . Đó là ước mơ duy nhất tôi có khi tôi 12,13 tuổi. Và tôi tin , chỉ cần cố gắng tôi sẽ làm được, kể cả việc học thật giỏi để trở thành niềm kiêu hãnh cho bố mẹ tôi và làm tấm gương cho các em tôi học tập.Tôi khao khát có thể giúp bố mẹ có một cuộc sống tốt hơn,không còn phải mưu sinh từng ngày, một nắng hai sương, mùa này lo hạn hán mất mùa, mùa sau mưa lụt.

Ngày đó thật ngây ngô!

Tình yêu thương của bố truyền cho con một sức mạnh vô biên để con có thể làm điều mình hằng mong ước.

               ( nguồn ảnh internet)


3.Tuổi 23 tôi hoang mang trước những cánh cửa cửa cuộc đời, đau đớn khi nhận ra : mình LỰC BẤT TÒNG TÂM

Đã  mấy năm trôi qua kể từ ngày bố mất, chẳng có năm nào tôi về nổi ngày dỗ ông.Sinh thời ông hút thuốc , ngày bé ông hay sai chị em tôi ra quán mua thuốc.Nhưng tôi trốn, đó là việc mà tôi cực kỳ ghét . tốn tiền, hại sức khỏe, tôi muốn tốt cho bố thôi mà.Mãi đến sau khi bố mất, bất giác trong ba lô những lần về nhà có một bao thuốc….


 

           Khi cha cho con, cả hai đều cười,khi con tặng cha cả hai đều khóc

( nguồn ảnh internet)

Năm nay, tôi bước sang  kỳ học thứ 2 của năm thứ năm đại học.Bạn bè đều đã tốt nghiệp, người làm giảng viên, người đỗ biên chế, người dạy trường Quốc tế, người làm biên tập….Còn mình tôi vẫn lông bông với điểm số, thi cử và tốt nghiệp .Mặc dù vẫn chẳng bao giờ quên giấc mơ ban đầu, nhưng tôi thì chưa tốt nghiệp. Ngôi nhà vách đất của mẹ con tôi năm nay cũng tròn 23 tuổi.May thay nó vẫn còn có thể che nắng che mưa, che chở cả những bão táp trong cuộc đời chúng tôi, vì nơi đó,chúng tôi còn có mẹ.

Năm nay, tôi 23 tuổi, bạn bè đứa kết hôn ổn định gia đình, sinh những đứa con bụ bẫm, đứa tích tiền mua nhà, mua xe, còn tôi vẫn loay hoay với những giấc mơ đời mình, loay hoay cần bằng giữa làm thêm và học hành qua môn, loay hoay vay tiền đóng học phí.

Năm nay, 23 tuổi, tôi vẫn để mẹ phải bôn ba như những ngày tôi còn học sinh, bà từng làm thêm từ bắc vào nam, từ nông thôn ra thành phố, từ Việt Nam sang cả Trung Quốc.Bà tự hào vì  mình còn khỏe còn có thể kiếm tiền nuôi 2 đứa con gái học đại học, bà tự hào về những mảnh đất bà đặt chân đến nhiều hơn những nơi mà bất kỳ một người phụ nào trong thôn xã chúng tôi từng đi qua….Còn tôi , thấy mình bất lực và vô dụng.

Tôi bắt đầu phải thừa nhận bản thân vô dụng , lực bất tòng tâm.23 tuổi cũng là lúc tôi nhận ra điểm số không phải là tất cả, rồi sau khi tốt nghiệp, sẽ chẳng ai nhìn vào những tấm bằng đó để đánh giá lương mà thay vào đó là năng lực. Tôi bắt đầu hoang mang, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm hình như chẳng có bất cứ chút liên quan gì đến bản thân, vẫn câm điếc tiếng anh như ngày còn là học sinh, …..Tôi bắt đầu tự hỏi 4 năm qua , rốt cuộc tôi đã làm gì?  Thời gian trên trường chỉ còn tính bằng tháng, tôi có thể làm gì để kịp học chúng trước khi ra trường?


 



    Tuổi 23 tôi hoang mang trước những cánh cửa cửa cuộc đời, đau đớn khi nhận ra : mình LỰC BẤT TÒNG TÂM

( nguồn ảnh internet)



4.Năm tháng khiến chúng trưởng thành, ta ghi nhớ mọi dấu mốc quan trọng trong cuộc đời: ngày yêu đầu,ngày kết hôn, ngày đứa con đầu lòng chào đời…..nhưng chúng ta lại chẳng mảy may chú ý mái tóc mẹ cha bạc dần từng ngày, từng ngày một.



Năm tháng khiến chúng trưởng thành, ta ghi nhớ mọi dấu mốc quan trọng trong cuộc đời: ngày yêu đầu,ngày kết hôn, ngày đứa con đầu lòng chào đời…..nhưng chúng ta lại chẳng mảy may chú ý mái tóc mẹ cha bạc dần từng ngày, từng ngày một.

( nguồn ảnh internet)


Năm nay mẹ tôi bước sang tuổi 48, bà từng là một người phụ nữ tâm lí và khéo léo trong cách ăn nói, bà có khả năng thuyết phục người khác cực kỳ tốt. Nhưng  rồi đến một ngày tôi phát hiện ra, mẹ mình nói thật nhiều. Trong những cuộc đối thoại , bà ít lắng nghe và nói nhiều hơn.Đặc biệt tôi ngạc nhiên khi phát hiện ra, cùng một nội dung, mẹ lặp đi lặp lại trong những lần trò chuyện.Vô tình có lần, tôi nổi cáu với mẹ : con biết rồi, mẹ nói lắm thế, mẹ phải nghe con nói đã chứ!”  Và mẹ tôi lúc đó bắt đầu im lặng. Tôi cũng im lặng, tôi xót xa nhận ra, tuổi già đã bắt đầu vẫy tay chào mẹ.Tôi cũng ngạc nhiên khi phát hiện, mẹ càng ngày càng khó tính và thích khoe khoang nhiều hơn, mẹ đã từng tâm lý vậy mà! Giờ đây mỗi lần có khách , hay quen biết người lạ, mẹ thích khoe mẹ có hai cô con gái học đại học, đứa con gái mẹ giỏi như này như nọ.Nhiều khi tôi thấy thật khó chịu và mất  mặt.

Không có người mẹ nào là hoàn hảo,nhưng sẽ luôn có những người mẹ yêu thương con mình một cách hoàn hảo nhất

( nguồn ảnh internet)


Nhưng ngay giây phút nảy ra suy nghĩ đó tôi bắt đầu kiểm điểm lại bản thân.Bởi, 48 năm cuộc đời lam lũ cực nhọc, lần đầu tiên mẹ được ăn bánh kem sinh nhật vào năm 42 tuổi. Bao nhiêu năm lam lũ , giờ đây tài sản mẹ có vẫn là ngôi nhà vách đất đã được xây cách đây 23 năm trời.Mười mấy năm    trời bố đau ốm không làm được việc nặng nhọc, bà một tay nuôi 4 anh em chúng tôi ăn học bằng nghề nông, tất cả những việc nặng nhọc chỉ dành cho đàn ông gánh vác như cày ruộng, cày nương( những năm đó quê tôi vẫn cày bằng sức trâu), chăm bón vải,... mẹ đều thuần thục .Tôi biết mẹ chẳng khỏe đến vậy đâu, tôi cao 1m52, mà cũng sắp cao hơn mẹ một nửa cái đầu,nhưng vì chúng tôi, mẹ gồng gánh. Vậy thì bà có gì là sai đâu khi khoe với thiên hạ, chúng tôi là tài sản lớn nhất bà có được sau bao nhiêu năm  bán mặt cho đất bán lưng cho trời.

5.Cha mẹ rồi cũng sẽ già .Và rồi cũng sẽ có một ngày, họ bỏ ta mà đi.Hãy trân trọng họ!

Nhà văn người Đài Loan , Long Anh Đài từng viết như thế này trong một bài tản văn của mình: Tôi dần dần nhận ra, cái gọi là tình cha mẹ con cái, chỉ có nghĩa rằng duyên kiếp giữa ta và họ chính là đời này kiếp này không ngừng dõi theo, tiễn biệt bóng lưng của họ càng đi càng xa.Bạn đứng ở đầu  bên này con đường ngóng theo bóng họ từ từ mất hút nơi ngã rẽ bên kia của con đường cuộc đời.Họ dùng bóng lưng của họ âm thầm nhắn nhủ với bạn: Không cần đuổi theo!

Bạn thấy đấy, dù có nỗ lực để thành công , giàu có , nhiều tiền, nhưng chẳng có gì đảm bảo cha mẹ chúng ta sẽ đợi được đến ngày ấy để được bạn báo hiểu,và tôi tin họ cũng chẳng đợi chờ gì báo đáp khi  dùng một đời nuôi ta khôn lớn , ăn học.Cũng có thể khi ta có thật nhiều tiền hay thành công như ta mong muốn, bố mẹ cũng chẳng còn hưởng thụ được những vật chất bạn dành cho .

Có một điều chắc chắn rằng tiền bạc chẳng mua được sức trẻ của bố mẹ.Đừng bận bịu mãi với công việc, chạy theo những đam mê  mà bỏ quên họ. “ Bạn có thể làm gì để xây dựng hòa bình thế giới? Hãy về nhà và yêu thương gia đình của mình.”

Đừng để bố mẹ cô độc tuổi già, mong ngóng con từng ngày cuối tuần để đoàn tụ.Nhân cơ hội bố mẹ bạn còn minh mẫn khỏe mạnh, hãy tranh thủ từng khoảnh khắc được bên họ, bớt chút thời gian học tập, công việc để đưa họ đi chơi,hưởng thụ niềm vui khi được  quây quần bên con cái như khi bạn còn nhỏ.Hãy hành động ngay cả bạn chưa thành công giàu có, bởi, rồi họ cũng sẽ già đi, nhanh lắm! rồi cũng sẽ có ngày họ rời bỏ bạn mà đi, nhân sinh vô thường, kiếp người hữu hạn!

Đừng để bố mẹ cô độc tuổi già,bởi, rồi họ cũng sẽ già đi, nhanh lắm! rồi cũng sẽ có ngày  họ rời bỏ bạn mà đi, nhân sinh vô thường, kiếp người hữu hạn!

( nguồn ảnh internet)




Tác Giả: Ly ly, Sinh viên @Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100007780398658

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info


(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,813 lượt xem, 2,731 người xem - 2794 điểm