Thảo Nguyễn@Triết Học Tuổi Trẻ
4 năm trước
Bẫy Rập Của "Giá Trị"
Một hôm nọ, trời trong xanh đẹp như vẽ. Cô bạn tôi nhắn tin với tôi nói cô ý muốn xin nghỉ làm, cô ý không thể chịu được nơi này nữa. Tôi có hỏi cô ấy sự tình làm sao mà phải nghỉ. Cô kể cho tôi nghe việc sếp cô ấy nói cô ấy làm không đúng. Cô bạn tôi cảm thấy vô cùng tệ, "tớ đã nỗ lực như thế mà". Câu chuyện muôn thuở giữa sếp và nhân viên tồn tại ở mọi thời đại. Chúng ta một mặt luôn cổ vụ cho việc phải chỉ ra được điểm còn khuyết thiếu, điểm chưa được để tiến bộ trong khi một mặt sẽ cảm thấy vô cùng tồi tệ khi bị chỉ trích, trách mắng. Sự khác biệt ở hai trường hợp này có lẽ ở chỗ cách các bên trao đổi về vấn đề. Rõ ràng rằng chúng ta sẽ dễ dàng tiếp nhận một lời phê bình trong một cuộc thảo luận ngang hàng hơn là chỉ là buổi trách mắng, chỉ trích xuất phát từ một phía. Chúng ta cơ hồ là cảm thấy bản thân mình được coi trọng trong trường hợp đầu, và có thể gần như thấy mình thật vô dụng, không có giá trị trong trường hợp sau. Theo các chuyên gia tâm lý, trường hợp sau có thể được cho là một dạng thao túng cảm xúc, và rằng người thao túng cảm giác khó chấp nhận một sự thất bại hay vi phạm của đối phương. Các chuyên gia tâm lý đưa ra nguyên do có khả năng là bởi sự ghét thất bại ở người thao túng xuất phát từ các lý do hoàn cảnh, dẫn đến người thao túng sẽ phản xạ lại sự căm ghét đó lên đối phương bằng cách phóng đại lỗi lầm, hạ thấp giá trị bản thân của họ. Đây là một hành vi tiêu cực nhưng lại phổ biến trong nhiều nền văn hóa. Chúng ta hay đem nó gán lên với lý do là "chỉ ra lỗi lầm" để tiến bộ hoặc "tôi làm thế là tốt cho bạn". Nhưng không, việc không thực hiện theo một cách văn minh (một cuộc thảo luận ngang hàng) khiến cho người bị chỉ trích có thể rơi vào một vòng lẩn quẩn: bị chỉ trích - cảm thấy kém cỏi - nỗ lực hơn - lại thất bại - lại bị chỉ trích. Tôi tự hỏi một người có thể chịu được một vòng lẩn quẩn như thế này đến bao giờ. Chúng ta sẽ luôn có thất bại, và rồi chúng ta sẽ luôn bị chỉ trích gay gắt. Tôi sẽ không lấy làm ngạc nhiên khi một ngày nào đó, tâm hồn đó cảm thấy mệt mỏi, và chỉ cần thêm một lần chỉ trích, sẽ như giọt nước tràn ly. Tâm hồn đó sẽ không thể vực dậy như những lần khác, và lần này nó thực sự cảm thấy mình "vô giá trị".
Giá trị rốt cuộc là gì? Chúng ta nghe báo đài, mọi người ra rả suốt ngày về những giá trị hàng hóa, giá trị bản thân, giá trị cuộc sống, giá trị quan, v.v nhưng có vẻ chúng ta đang đưa ra giá trị theo cùng một định nghĩa là "tạo ra cái lời". Hàng hóa có lợi nhuận thì mới có giá trị, cuộc sống giàu sang mới có giá trị, bản thân giỏi giang mới có giá trị. Có đúng là vậy chăng? Giá trị suy cho cùng thì luôn phải gắn với một vật định giá. Một vật có giá trị như nào phải xem nó định giá được như nào. Ví dụ như vàng bạc ngày nay được xem là vô cùng giá trị, ấy là bởi nó được định giá bằng rất rất nhiều tiền. Nếu trong một xã hội không coi trọng của cải vật chất (ví dụ như nhà nước phi thật Utopia) thì rõ ràng vàng bạc không có giá trị gì.
Vật định giá khác nhau sẽ quyết định giá trị khác nhau. Có một bộ phim Mỹ nhân vật chính là Jack. Từ nhỏ, cậu mất tay trái do tai nạn. Sau để giúp cậu nâng cao thể lực, cha mẹ gửi cậu đi học Judo. Trong suốt mấy năm tập luyện, cậu chỉ học duy nhất một chiêu. Trải qua thời gian dằng dẵng, cậu luyện ngày càng thuần thục. Rồi kỳ thi võ toàn quốc đến. Sư phụ của cậu khuyên cậu đi. Cậu chỉ dùng một chiêu mà đi đến vòng chung kết. Lúc này, cậu biết đối thủ của mình rất lợi hại nên chùn bước. Thầy cậu mới bảo như này:"Ta có hai lý do để con chắc chắn thắng. Một là chiêu thức này con đã luyện không dưới vạn lần, không ai có thể bằng con ở chiêu thức này. Hai là, nếu muốn kháng lại chiêu thức này của con thì phải bắt lấy tay trái con mà ra chiêu, nhưng con vốn đã không còn tay trái nên không phải lo lắng gì hết." Như vậy, tay trái của Jack đã được định giá bằng "yếu tố chống lại chiêu thức ra đòn của đối thủ", đã trở thành độc nhất vô nhị. Nói rộng ra thì, giá trị có thể được quyết định bằng vô số vật định giá. Tức là, bản thân giá trị có rất nhiều biến, đáp án cho câu trả lời "giá trị là gì" là vô cùng. Và trong vạn vạn đáp án ấy, luôn tồn tại một đáp án "CÓ GIÁ TRỊ".
Chúng ta bị các hành vi tiêu cực kìm chế, bị suy nghĩ phổ biến làm cho nhầm lẫn khiến chúng ta đưa "giá trị" thành một thứ là sản phẩm của một quá trình (tương tự như "năng lực"). Dần dà, chúng ta đẩy bản thân vào một vòng tuần hoàn của việc "vì không có gía trị nên nỗ lực tạo ra giá trị". "Không có giá trị" đối với chúng ta đồng nghĩa với việc "không có năng lực"/ "không giàu có"/ "không có ích lợi gì". Kỳ thực, yếu tố giá trị và các yếu tố khác như năng lực có một số điểm tương đồng nên chúng ta dễ rơi vào sự "ngụy biện" là đánh đồng khái niệm. Điểm khác biệt cơ bản mà chúng ta nên nhớ là giá trị không tồn tại một mình, giá trị cần vật định giá nó. Giống như xuất phát từ góc nhìn khác nhau sẽ thấy sự vật khác nhau vậy. Và rằng, luôn luôn là "có giá trị" trong mọi trường hợp.
Điều đó nghĩa là gì, tức là giá trị của bản thân ta đơn giản đến mức ta không cần phải thể hiện ra gì để chứng minh điều đó. Là dù có thể ta chưa đạt được gì, ta chưa làm được gì, thì đó là bởi vì ta chưa làm tốt chứ không phải ta không tốt. Ta tin rằng chỉ cần ta nỗ lực thì ta sẽ làm được. Ta có thể tự tin nói với thế giới này rằng: nội sự tồn tại của ta đã là giá trị đối với thế giới này. Thế giới không có ta chắc chắn dù ít hay nhiều cũng sẽ khác một thế giới mà chính ta tồn tại.
Việc không hiểu rõ giá trị nhiều khi sẽ khiến bản thân rơi vào sự thao túng của những kẻ ưa thao túng cảm xúc. Theo các chuyên gia tâm lý, những người càng có nhận thức giá trị bản thân thấp thì càng cảm thấy mình kém cỏi khi bị chỉ trích, bởi vì họ không hiểu rõ đâu là giá trị của họ đâu là năng lực họ còn thiếu. Một vài cách được các chuyên gia tâm lý khuyên dùng là hãy coi trọng bản thân. Bằng cách nào? Yêu thương bản thân, chăm sóc bản thân, luôn tin tưởng rằng sự tồn tại của bản thân là rất quan trọng. Đồng thời, cũng đừng quên nâng cao năng lực bản thân mỗi ngày. Năng lực bạn càng tốt, bạn sẽ càng được định giá với nhiều thứ, và bạn sẽ càng trở nên có giá trị hơn. Mỗi ngày hãy thử học thêm một kiến thức mới, mỗi ngày hãy cố làm mình sống vui vẻ hơn hôm qua. Tôi biết, mọi thứ đều nói thì dễ nhưng bắt tay vào làm mới khó. Nhưng tôi tin đâu đó trong bạn sẽ thôi thúc bạn làm được một khi bạn nhận ra giá trị của chính mình. Bạn biết không, biết đâu hơi thở của bạn giúp một bông hoa ven đường nở rộ. Ánh mắt vui vẻ của bạn giúp một người bớt u sầu. Một câu nói vô tình của bạn khiến ai đó gắng gượng thêm một chút. Bạn không muốn thử nhìn thế giới dưới lăng kính đó sao?
Tác Giả: Phuong Thao
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100040940273991
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
181 lượt xem, 173 người xem - 173 điểm
Có thể bạn thích