Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Bố Không Là Tất Cả, Bố Chỉ Là Bố Thôi.

Người ta nói bố với con gái là tình nhân kiếp trước…

Hình như chả phải.

Bố cực kì vô tâm.


Nếu như sự nhạy cảm tinh tế thuộc về phái đẹp thì,giống như hầu hết giới đàn ông, bố ngược lại. Bố chưa bao giờ để ý đến lời xin phép đi chơi của tôi, trong khi nếu là mẹ, tôi đến phải trình bày vài trang A4 : đi đâu, với ai, làm gì, bao giờ về… Bố thậm chí chưa mua cho tôi một bộ quần áo hay một món đồ chơi nào, chưa một lần chải tóc cưng nựng, chưa một lần dỗ dành bao biện, để cho khi nhìn chúng bạn xúng xính váy áo trong tay bố mà bao lần nước mắt trẻ thơ trực giàn giụa.


Năm 16 tuổi, tôi sống xa nhà hơn chục cây số với cuộc sống tự lập hoàn toàn ở ngôi trường trọng điểm của tỉnh. Tuần về nhà có một lần, thi thoảng bận bịu thì có khi cả tháng. Thế mà, chưa bao giờ bố gọi cho tôi lấy một cuộc điện thoại, chưa bao giờ hỏi han xem con còn tiền không, ăn đủ no không, áp lực không, ốm đau không. Hình như những cử chỉ thân mật với bố đều là xa xỉ? Thế nên tôi đã quen với việc chịu đựng một mình, tất cả, từ những chật vật tiền nong cho đến bệnh tật ốm yếu hay những áp lực, bon chen ở chốn thị thành. Bố chẳng hiểu gì về con gái cả.

Mỗi đêm trái gió trở giời, bệnh đau nhức xương khớp của tôi lại tái phát, tiếng khóc gọi tên bố nhưng lúc nào người đến cũng chỉ là mẹ. Còn những căn bệnh “không khóc được” như đau đầu, sổ mũi, ho, trầy xước … thì có lẽ cả đời bố chẳng bao giờ biết. Ngay cả khi tôi nằm viện chờ mổ, cũng chỉ có mình mẹ. Biết bố không thể đến qua đầu dây điện thoại, đấy là lần đầu tiên tôi khóc vì sự vô tâm của bố, còn tủi thân thì bằng bấy nhiêu lần bố vô tâm.

Bố vô tâm đến mức, 11 năm học, chẳng cả biết GVCN tôi là ai, bạn bè thân thiết có những đứa nào, cuộc sống ở kí túc xá ra sao? Bố chỉ biết con bố học trường Chuyên lớp chọn, học bổng cao và dăm ba giải nhất, bố không biết áp lực của con gái, không biết vô số lần điểm kém, thất bại, vô số lời trách phạt, trêu chọc, ghét bỏ, hay thậm chí lạc lõng, cô đơn…



Thế mà.

Có học lực khấm khá hơn, nên tất cả những gì nhẽ ra phải thuộc về anh trai thì tôi lại được hưởng thụ, từ chiếc máy tính fx đến chiếc xe đạp điện, từ điện thoại cho đến laptop… Tôi lúc nào cũng là người sung sướng hơn. (Mọi người nghĩ vậy). Chỉ bố, chỉ bố là người hiểu tôi phải xa nhà từ những năm 12 tuổi, khi lũ bạn còn người đón đưa, tôi đã phải ngày 4 chuyến xe chục cây số đi về, khi chúng bạn còn bè nheo chê bai món nọ món kia, tôi đã phải ăn cơm bụi ở xa, mà phần nhiều là nhịn đói… Hình như những điều ấy chỉ một mình bố hiểu. Hình như sự “có tâm” của bố không nằm ở chỗ giản đơn như bao ông bố khác.

Tôi còi cọc, lại kén ăn và ham ngủ. Nếu như mẹ suốt ngày ca bài ca “con nhà người ta” thì bố lại cho rằng bài ca ấy là con mình chứ đâu. Mỗi khi về nhà sau cả tuần ở kí túc xá, lúc nào tôi cũng bắt gặp đầu tiên nụ cười tươi rói in trong những lời ngọt ngào “ con gái về rồi đấy à” trên môi bố. Nếp nghĩ cổ hủ của người nhà quê khiến bố chẳng bao giờ chịu vào bếp, sau này chỉ có ngoại lệ là khi con gái về. Bố cố mua nhiều món ngon, hay nấu những món tôi thích để “trừng trị” bệnh bỏ bữa của con gái. Bố cũng là người duy nhất không kêu ca trách móc khi tôi ngủ trễ, chỉ nhẹ nhàng đắp chăn, kéo màn, cài cửa, “dung túng” cho cái tật mà mẹ vẫn bảo “ về nhà chồng nó đuổi thẳng cổ”. Có lẽ cũng một mình bố hiểu, con gái bố trên trường ngày nào cũng chỉ ngủ có 5h đồng hồ, ăn uống bữa có bữa không và học hành vất vả. Chỉ là,“ bố vốn chẳng nói nhiều như mẹ”...


Mỗi khi điền một tờ thông tin nào đó về người giám hộ, tôi lại loay hoay không biết phải ghi như thế nào về những dấu chấm sau mục “nghề nghiệp”. Bố làm ruộng, cả nấu rượu, cả buôn hoa quả, cả làm cán bộ thôn, cả có nghề đánh cá, lại có nghề thợ xây, hoặc làm hàng xáo. Hình như mùa nào thức nấy thì bố mùa nào nghề nấy. Vụ chiêm vụ mùa thì trồng lúa ngô khoai, ngoài vụ thì rau màu, dưa, táo, bưởi.... Mỗi khi con chim nhạn lạc bầy kêu sương đâu đây giữa không gian mênh mang của miền quan họ, bố lại lặn lội những miền tỉnh xa chạy buôn thâu đêm những chuyến hàng… Bố làm bằng bấy nhiêu nghề, cũng chỉ vì vài đồng con cái đi học và được đáp lại là câu xét “vô tâm” của chúng.




Bố còn bị nghiện thuốc lá. Từ hồi trẻ cho đến bây giờ, bao thay đổi, bao biến cố, bố nhất định không bỏ. Hàng trăm lời cảnh báo cũng về con số 0 khi bố thủ thỉ “ Bác Hồ cũng hút mà…”. Bố chưa bao giờ có ý định bỏ cho đến khi tôi bị ho nặng. Bố tìm cách cầm cự bằng việc ăn kẹo bạc hà, dùng nước súc miệng …, những ngày ấy nhìn bố khổ sở hơn cả chính người bị bệnh. Tôi biết bố đang vì tôi, cả đã vì tôi, mà từ bỏ và đánh đổi quá nhiều.


Con gái 17 tuổi, và bố 43. Mái đầu nào chỉ còn sợi đen, nhưng lúc nào cũng có thói quen nhổ tóc bạc. Chỉ là, một sợi thôi, con gái cũng chưa từng. 17 năm cuộc đời, chưa một lần thấy bố rơi lệ, cả khi bà mất, khi con bệnh hay những cơn đau thể xác. Đã từng nghĩ rằng cuộc đời này chẳng còn gì đánh bại được bố nữa. Thế mà ngày con nói con sẽ đi du học, mắt bố hình như ươn ướt. Ơ kìa, bố bảo núi Thái Sơn đổ xuống bố cũng không sợ kia mà…


17 tuổi và 43 năm cuộc đời. Lúc nào cũng nghĩ “trứng khôn hơn vịt”, cứ thấy sự im lặng sau mỗi lần tranh luận của bố là một bước mình trưởng thành. Nhưng tôi... Không. Tất cả chúng ta, đều đã lầm. Mỗi lần im lặng ấy là một bậc thang đưa chúng ta đi xa hơn, xa cả địa lí và tinh thần, để rồi, xa mãi. Mỗi một lần im lặng ấy là một tiếng thở dài, ngậm ngùi, luyến tiếc; hay một nụ cười thích thú của lũ trẻ ngây dại mơ làm người lớn? Người ta, không, cả tôi nữa, luôn mơ về những chân trời rộng lớn, mơ thoát  “kiếp trẻ con” thật nhanh để tự do giang cánh, mơ bay cao bay xa những khát vọng tương lai, mơ vươn tới những đỉnh cao xa hoa ngời sáng, mơ bạn bè năm châu bốn bể rạo rực hòa ca. Nhưng, bạn ơi, giữa tuổi trẻ căng tràn nhiệt huyết và rạo rực đam mê ấy, đôi cánh của chúng ta có bao giờ hướng về quê hương, về gia đình, về ông già tuổi 43 quen thói gói ghém những kỉ niệm?




Ai đã từng nghĩ không, nhưng CÀNG TRƯỞNG THÀNH, TA LẠI CÀNG BÉ LẠI đối với những người thân yêu. Để bé lại, để sà vào lòng bố, để giấu mẹ mua bao thuốc lá, để giấu cha đếm tiền nhổ tóc bạc, không phải là khi ta 17 tuổi, mà lại là khi ta 43 năm cuộc đời, như bố, như mẹ, để thấu hiểu, để luyến tiếc và ân hận. Vậy là đến năm 43 tuổi, chúng ta mới hiểu tâm tư của những con người “vô tâm” ngày trước, con cái chúng ta lại tiếp tục những mơ ước rời xa chúng ta, và sau đó, lại hối tiếc. Mãi mãi vẫn là một vòng luẩn quẩn. Bởi vì rốt cuộc, chúng ta chẳng đủ kiên nhẫn hiểu nổi ai, ngoài chính mình.


17 tuổi, nghĩ rằng mình có thể hái được cả những vì sao, nhưng rốt cuộc, tôi mãi vẫn là đứa trẻ chưa kịp lớn.

Mỗi chúng ta đều có một ông bố, dù học rộng tài cao hay tháng ngày dãi nắng, dù tinh tế tỉ mẩn hay vô tâm vô tình, dù còn trẻ hay tóc đã hoa râm, dù giàu sang phú quý hay chạy vạy lo từng đồng một, thì, chúng ta vẫn tự hào, mình có một ông bố trên đời, phải không?

Ông bố ấy gánh vác cả giang sơn, trải bao thăng trầm dời đổi, dãi bao sương gió cuộc đời, cho ta.

Ông bố ấy chẳng hoàn hảo như trong những bài văn mẫu đâu, nó hoàn hảo theo cách của những- đứa- con.

Nhưng dù như thế, con cũng chẳng muốn “bố là tất cả” đâu. Hãy là Bố của con thôi.



Tác Giả: Nguyễn Thị Thuỷ

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100033093133445 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ".  Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

260 lượt xem, 253 người xem - 279 điểm