Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Bố Mẹ Không Hiểu Con Gì Cả!

Tôi bực mình gắt lên “Bố mẹ không hiểu con gì cả!”

Cuộc tranh cãi nào với bố mẹ, tôi đều muốn gắt lên như thế, nhưng chẳng dám đâu, tôi chỉ dám nghĩ trong đầu và thể hiện một cách rõ ràng ra mặt mà thôi.

Bố mẹ có biết con thích gì không?

Bố mẹ có biết vì sao con lại hành động như thế không?

Bố mẹ có biết mọi việc con làm đều có lý do?

Bố mẹ có biết con học hành sa sút thật sự vì điều gì không?

Bố mẹ có biết…

Bố mẹ chẳng biết gì cả, bố mẹ có hiểu gì con đâu.

Trong kí ức hồi còn đi học của tôi, chưa bao giờ tôi nói chuyện tử tế với bố mẹ mình. Tâm sự, kể chuyện, chia sẻ,… toàn những xa xỉ từ không bao giờ xuất hiện trong từ điển nghèo nàn của tôi. Tôi nhận thấy rõ một điều rằng, bố mẹ nói chuyện không bao giờ cùng “sóng” với mình. Còn tệ hơn thế nữa, bố mẹ rất thích sử dụng “ngôn từ nhạy cảm” trong thế giới của tôi, kiểu như là “chuyện đó có gì đâu con”, “thôi lo học đi”, “con thấy con nhà người ta không?”,… đấy, như thế làm sao mà đỡ được cơ chứ. Bố mẹ không hiểu một tí tẹo gì về con cái họ cả, thật là chán quá đi.

Thời gian thấm thoát trôi qua. Tôi dần lớn lên với thời gian, đương nhiên rồi. Tôi rời xa vòng tay bố mẹ, bước chân lên thủ đô nhiều xô bồ để theo học đại học. Tôi chẳng học hành tử tế gì, chỉ lao ra đường lăn lộn học cái này, cái kia cho thỏa chí vẫy vùng. Vẫy vùng rồi tôi mới tự cười vào mặt mình vì suy nghĩ “bố mẹ không hiểu con gì cả!”…


Tôi đã bao giờ cho bố mẹ cơ hội để hiểu mình?

Đúng rồi, bố mẹ chỉ cần nói gì không vừa ý, tôi chẳng đóng hết mọi giác quan lại, thái độ này nọ ngay. Có thể ngày đấy tôi chưa thể nghĩ được nhiều như bây giờ, hoặc biết đâu tôi đã từng muốn để bố mẹ có cơ hội, nhưng tôi không biết cách “đưa tín hiệu” cho bố mẹ chẳng hạn. Tuy nhiên, dù có muôn vàn lý do trên trời dưới đất, thì bản chất vấn đề cũng chỉ từ hai phía là bố mẹ và bản thân mình. Việc bố mẹ nghĩ thế nào, hành xử ra sao,… tôi không thể kiểm soát được, còn việc trong tầm tay tôi đó là kiểm soát suy nghĩ và hành xử của bản thân. Đâu cứ vì mình không tìm ra cách, vì mình này nọ mà tôi có quyền đổ hết lỗi cho bố mẹ chứ, “bố mẹ không hiểu con gì cả” - một pha đổ lỗi không trượt phát nào của đám con cái tụi mình cho bố mẹ còn gì. Tôi không có ý trách móc gì mình khi xưa, chỉ là tôi muốn cho bản thân nhớ, mình nợ bố mẹ một lời xin lỗi. Lời xin lỗi không đơn giản chỉ là “con xin lỗi bố mẹ” thế là xong, lời xin lỗi phải là hành động sửa sai. Tôi để bố mẹ có nhiều hơn những cơ hội để hiểu con của họ. Những lời tâm sự, kể chuyện, chia sẻ trở thành một phần trong những lần tôi gọi về nhà cho bố mẹ, những ngày nghỉ dài ở nhà của tôi. Tôi không ngờ khi bản thân mình chủ động thay đổi thái độ, bố mẹ cũng dần thay đổi theo hướng tích cực hơn trong việc trò chuyện với tôi. Bố mẹ nói nhiều hơn về họ, những nỗi lo, vất vả, những từ ngữ nghe có vẻ “sến sẩm” bây giờ mới được nói ra. Tôi cảm nhận được cảm giác họ đã kìm nén rất nhiều, như thể họ chờ tôi đủ lớn để có thể dốc hết lòng mình tâm sự vậy. Và tôi cũng mập mờ nhận ra một câu hỏi lớn…


Tôi có hiểu gì về bố mẹ mình không?

Thật buồn cười nhỉ. Tôi luôn trách móc bố mẹ mình bằng suy nghĩ “bố mẹ không hiểu con gì cả”, nhưng ở phía kia, tôi lại chưa bao giờ cố gắng để hiểu bố mẹ mình. Có bao giờ bố mẹ nghĩ “Con cái mình không hiểu bố/mẹ nó gì cả!” không nhỉ? Tôi làm sao biết được, đã bao giờ mình cố gắng tìm câu trả lời đâu. Rồi tôi thấy mình thật may mắn khi sớm nhận ra điều này. Suy cho cùng tôi có thể nói rằng, mọi chuyện phải xuất phát từ hai phía, bố mẹ phải hợp tác thì mình mới có thể hiểu và để họ hiểu mình. Tuy nhiên, tôi chắc chắn mình không được phép quên một điều, mẹ tôi đã phải chịu đau đớn thế nào để tôi cơ hội ra đời, bố rôi đã vất vả thế nào để chăm sóc hai mẹ con những ngày đó. Nghe có vẻ truyền thống, cơ mà đã là bậc con cái, được ăn học đầy đủ, có cớ gì tôi không thể chủ động thay đổi suy nghĩ, thái độ và hành động của mình để hiểu bố mẹ hơn, để bố mẹ hiểu mình hơn, điều đó đâu phải gì to tát. Vậy mà tiếc thay “Khi mà những đứa con lớn lên trong thời đại số, bạn bè khắp nơi, bố mẹ chúng lại bỗng trở nên thật cô độc.”

 

“Bố chẳng hiểu chi con

Mẹ chẳng hiểu chi con

Đám con cái mình,

Thích truyền tai nhau thế.

Nào là vì, bố thế này

Nào là vì, mẹ thế kia

Đám con cái mình,

Thích đổ tại người thế.

 

Đám con cái mình,

Đã có phút giây?

Trao cơ hội, một cơ hội nhỏ

Để bố, để mẹ, một lần thôi

Hiểu con cái mình nghĩ gì chưa?

 

Đám con cái mình,

Đã có phút giây?

Nhận cơ hội, một cơ hội nhỏ

Từ bố, từ mẹ, một lần thôi

Hiểu bố mẹ mình nghĩ gì chưa?"

 


Bố mẹ tôi không phải là những người hoàn hảo. Họ có thể vì những bận rộn, bực bội đời thường mà vô tình làm tổn thương tôi. Họ làm tôi phải khóc nấc vì oan uổng, vì buồn tủi, vì ty tỷ những lý do khác. Tuy nhiên, tôi đã từng nghe ‘không một người bố, người mẹ nào là hoàn hảo cả, nhưng tình yêu họ dành cho con cái luôn luôn và mãi mãi là một tình yêu hoàn hảo’. Tôi tin bố mẹ mình luôn dành cho mình một tình yêu vô bờ bến, tôi tin bố mẹ mình sau những lần vô tình đó cũng sẽ dằn vặt nhiều, đau đớn nhiều không khác gì tôi. Và bởi vì tôi cũng không phải là một người con hoàn hảo. Tôi cũng có thể vì ty tỷ lý do để khiến bố mẹ khóc nấc lên vì mình, suy cho cùng bố mẹ luôn là người chịu thua thiệt. Tôi nói điều này bởi tôi đã từng muốn đòi công bằng với bố mẹ, cả kể suy nghĩ "bố mẹ không hiểu gì con cả" cũng là muốn sự công bằng. Bố mẹ mắng con này nọ, chê con này nọ thì phải hiểu con, bố mẹ mới được làm thế, nhưng vấn đề là ngay từ đầu sự công bằng đâu có tồn tại, bố mẹ chứ không phải tôi nhận phần thua thiệt về mình.

Bài viết này tôi dành cho bản thân mình hiện tại, để có thể hiểu, chấp nhận và thể hiện tình cảm với bố mẹ nhiều hơn nữa. Tôi biết đã đến lúc mình để bố mẹ có cảm giác hạnh phúc, vì những hi sinh của họ cho tương lai con cái cuối cùng cũng được báo đáp, bố mẹ có thể không cần, nhưng tự bản thân tôi muốn bố mẹ mình được nhận lại những gì họ đáng được nhận, thậm chí còn phải nhiều hơn thế nữa.

Bài viết này tôi dành cho bản thân mình khi đã có "một vợ, hai con, ba lầu, bốn bánh", để có thể học cách hiểu, chấp nhận và thể hiện tình cảm với những đứa con của mình. Tôi biết rồi thế hệ nó sẽ rất khác, nó cũng sẽ gặp phải rất nhiều điều khó khăn, nó cũng sẽ cần một người thân để chia sẻ, và đó sẽ là bố của nó.

Suy cho cùng một mối quan hệ nào cũng vậy, người chủ động nên là người "biết" . Đâu cần phân biệt vai vế, tuổi tác, giới tính, chỉ cần "biết", hãy chủ động để mối quan hệ tốt hơn. Có vẻ hơn lan man và không liên quan đến tiêu đề rồi nhỉ, cơ mà yêu cầu bài viết này cần ít nhất 1500 chữ, nên có dòng này viết thêm. Cảm ơn bạn đã lan man đến đây cùng tôi.


Tác Giả: Trần Hoàng Anh, Host @ TranHoangAnhShow 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/tran.hoang.anhhh

-------------------------------- Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

12,747 lượt xem, 12,088 người xem - 12095 điểm