Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Bỏ Qua Cuộc Tranh Cãi Muôn Thuở Về Cuộc Đấu Tranh Giữa Xã Hội Chủ Nghĩa Và Tư Bản Chủ Nghĩa – Rốt Cuộc Cũng Không Qua Khỏi Phép Biện Chứng Hege - Phương Đông Cũng Như Phương Tây Mà Phương Tây Cũng Như Phương Đông, Chẳng Bao Cả Hai Phía Sẽ Giao Nhau.

Vài Nét Về Xã Hội Chủ Nghĩa Và Tư Bản Chủ Nghĩa

Sự xung đột giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản là một phần của nhịp điệu lịch sử xuyên suốt quá trình tập trung và phân tán của cải. Tất nhiên, nhà tư bản đã hoàn thành vai trò kiến tạo trong lịch sử: ông ta đã tập hợp tiền dành dụm của nhiều người dân để biến nó thành dòng vốn tạo ra lợi nhuận, hứa hẹn sẽ chia lời cho mỗi người. Nhà tư bản đã bỏ vốn để cơ giới hóa công-nông nghiệp và hợp lý hóa cách thức phân phối sản phẩm đầu ra. Kết quả là đã có một dòng hàng hóa từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng nhiều nhất mà lịch sử từng chứng kiến. Nhà tư bản lấy nguyên tắc tự do thương mại làm tôn chỉ hành động, lập luận rằng các doanh nghiệp không nên chịu thuế cầu đường cũng như sự gò bó của luật định, có vậy thì họ mới có thể thoải mái cống hiến cho công chúng thêm nhiều cái ăn, lối sống tiện nghi, sự thoải mái, an nhàn. Và họ cam đoan có thể làm điều đó tốt hơn bất kỳ ngành nghề nào do cánh chính trị gia quản lý, vốn được vận hành bởi các cỗ máy chính phủ và miễn nhiễm với quy luật cung-cầu. Trong doanh nghiệp tự do, năng lực sản xuất và óc sáng tạo được khơi dậy bởi tinh thần cạnh tranh, lòng nhiệt thành và đam mê sở hữu. Gần như mọi năng lực kinh tế không sớm thì muộn đều tìm được chỗ thích hợp để được trọng dụng và tưởng thưởng, dựa theo quy luật xáo trộn các nhân tố tài năng và sự chọn lọc tự nhiên các kỹ năng chuyên môn. Sự quy định của một nền dân chủ cơ bản chỉ dừng ở mức độ hàng hóa sẽ được sản xuất và dịch vụ sẽ được cung cấp tùy thuộc theo nhu cầu của công chúng thay vì theo sắc lệnh của chính phủ. Trong lúc đó, cơ chế cạnh tranh buộc nhà tư bản phải lao động cật lực, và bởi vì vậy mà thành quả  sản phẩm của anh ta ngày càng xuất sắc.

Những lập luận trên tuy hàm chứa một phần nào chân lý nhưng không thể giải thích tại sao lịch sử lại thường xuyên dậy sóng với những cuộc biểu tình và nổi dậy chống lại sự lộng hành của quyền làm chủ công nghiệp, thói thao túng giá cả, trò gian lận trong kinh doanh và đám nhà giàu vô trách nhiệm. Những thói lộng hành này chắc đã có tự cổ chí kim, vì vốn dĩ đã có nhiều thử nghiệm chế độ xã hội ở hàng chục quốc gia qua hàng chục thế kỷ. Điều tương tự đã được ghi nhận ở Sumer, khoảng năm 2100 trước công nguyên như sau:

Nền kinh tế do nhà nước tổ chức. Hầu hết đất canh tác đều thuộc sở hữu hoàng gia; nông sản sau khi thu hoạch xong sẽ được giao đến kho của hoàng gia để tiếp tục chia ra thành những suất đồng đều cho dân lao động. Để quản trị nền kinh tế quốc doanh sâu rộng này, một hệ thống phân cấp rất khác biệt đã được phát triển, có sổ sách lưu giữ về tất cả các lần giao hàng và việc phân phối các suất này. Hàng chục nghìn phiến đá đất sét ghi chép lại tỉ mỉ những điều như vậy đã được tìm thấy ở kinh đô Ur, ở Lagash và cả Umma… Tương tự, ngoại thương cũng do bộ máy hành chính trung ương điều khiển.

Sự Xuất Hiện Của Xã Hội Chủ Nghĩa Ở Lưỡng Hà Và Ai Cập Cổ Đại

Ở Babylonia (khoảng năm 170 TCN), bộ luật Hammurabi ấn định mức lương cố định cho những người chăn gia súc, nghệ nhân cũng như thù lao mà y bác sĩ có thể được trả công cho các cuộc phẫu thuật.

Ở Ai Cập, dưới thời vương triều Ptolemy (323 TCN-30TCN), nhà nước sở hữu đất đai và quản lý nông nghiệp: nông dân được thông báo đất đai để làm gì, trồng cây gỉ; vụ mùa của anh ta được các quan thư lại của chính phủ đến để cân đo đong đếm và ghi sổ, thóc lúa thu hoạch xong lại được đập trên các sàn đập của hoàng gia, và thành phẩm cuối cùng được một hàng dài các nông dân nối đuôi nhau chuyền tay đưa vào kho thóc của nhà vua. Mỏ, quặng cũng thuộc sở hữu của chính quyền. Chính phủ quốc hữu hóa việc sản xuất và bán dầu, muối, giấy cói và hàng dệt may. Toàn bộ hoạt động thương mại được kiểm soát và quản lý dưới tay nhà nước; ngay cả hoạt động bán lẻ phần lớn cũng nằm trong tay các đại lý quốc doanh và bán hàng của chính nhà nước. Ngân hàng là ngành độc quyền của chính phủ, nhưng hoạt động của nó có thể được khoán lại cho các công ty tư nhân. Cái gì cũng có thể đánh thuế được, thuế được áp dụng cho từng người, từng ngành nghề, sản phẩm, cả việc tố tụng, hoạt động buôn bán và tài liệu pháp lý. Để có thể lưu lại hòng kiểm soát các giao dịch và thu nhập chịu thế, chính phủ phải duy trì cả một nhóm hùng hậu các quan thư lại và một hệ thống đăng ký thông tin cá nhân và tài sản vô cùng phức tạp. Nhờ có hệ thống này, Ai Cập dưới thời vương triều Ptolemy đã trở thành quốc gia giàu có nhất bấy giờ. Các công trình kỹ thuật lớn lao và khó khăn đã được hoàn thành, nông nghiệp được cải thiện, một phần lớn lợi nhuận được đổ vào việc xây dựng, trang hoàng cho đất nước thêm lộng lẫy, cũng như để phát triển cho đời sống văn hóa. Khoảng năm 290 TCN, bảo tàng và thư viện Alexandria danh tiếng được thành lập. Nền khoa học và văn chương phát triển rực rỡ. Chẳng biết vào thời điểm nào dưới thời vương triều này, một số học giả đã dịch bản Kinh Thánh Ngũ Kinh từ tiếng Hebrew sang tiếng Hy Lạp. Phiên Bản này có tên là Bản Bảy Mươi “Septuagint” (bản dịch do bảy mươi hai học giả thực hiện). Tuy nhiên, không lâu sau, các Pharaoh đã tham gia vào các cuộc chiến tranh tốn kém. Từ năm 246 TCN, họ thỏa sức đắm chìm trong tửu sắc, phó mặc việc cai trị và quản lý kinh tế cho một đám vô lại chỉ chực chờ vơ vét từng đồng cắc của dân nghèo. Từ triều đại này sang triều đại khác, mức sưu thuế càng ngày càng tăng. Các cuộc đình công gia tăng từ về số lượng lẫn mức độ bạo động. Tại kinh đô Alexandria, để duy trì cảnh trật tự, dân chúng được mua chuộc bằng tiền và các vở diễn văn nghệ. Nhưng bù lại họ bị chính các lực lượng bảo an kiểm soát gắt gao, không được phép có tiếng nói trong chính quyền. Rốt cuộc, chính họ trở thành một nhóm bạo loạn chống đối lớn. Nông nghiệp và công nghiệp lụi tàn dần do thiếu động lực cho người ta tham gia; khắp nơi nơi là cảnh suy đồi đạo đức. Mãi cho đến khi Octavius thâu tóm và cai trị Ai Cập dưới ách thống trị La Mã thì trật tự mới được tái lập (năm 30 TCN).

(Lưỡng Hà Cổ Đại)

(Ai Cập Cổ Đại)

Sự Manh Nha Xuất Hiện Chủ Nghĩa Xã Hội Ở La Mã

La Mã đã từng có một giai đoạn chuyển tiếp theo chủ nghĩa xã hội dưới thời hoàng đế La Mã Diocletian. Do phải đối mặt với tình trạng đói nghèo ngày một dâng cao, lòng dân thì không yên, cộng thêm nguy cơ bị quân mọi rợ xâm lược cận kề, Diocletian đã ban hành Edictum de pertis (Sắc Lệnh Về Giá Trần) vào năm 301. Sắc lệnh này nghiêm cấm mọi hình thức “găm” hàng, đầu cơ hàng hóa của giới thương nhân độc quyền hòng tăng giá cả. Đồng thời nó cũng ấn định mức giá tối đa và mức tiền công tối đa cho tất cả hàng hóa và dịch vụ trọng yếu. Các công trình công cộng lớn lao đã được thực hiện nhằm tạo ra công ăn việc làm cho những người thất nghiệp, thực phẩm thì được phân phát miễn phí hoặc bán với giá rất rẻ cho người nghèo. Chính phủ vốn sở hữu hầu hết các mỏ quặng, mỏ đá và mỏ muối – đã kiểm soát một cách rất sát sao, chi tiết hầu hết các ngành công nghiệp quan trọng. Ta được nghe thuật lại rằng: “Ở tất thảy các thị trấn lớn, chính quyền nhà nước đã trở thành một nhà sử dụng lao động rất quyền lực, mạnh hơn rất nhiều so với các nhà tư bản tư nhân – nhóm tư bản tư nhân này dù gì cũng bị đè bẹp dưới mức thuế cao”. Khi giới thương nhân dự đoán về sự tàn lụi, Diocletian giải thích rẳng đám quân man rợ đang chực chờ ngay cửa ngõ quốc gia, và rằng quyền tự do cá nhân phải tạm gác lại cho đến khi nào chủ quyền và độc lập tự do của tập thể quốc gia được bảo đảm. Chế độ Chủ Nghĩa Xã Hội Của Diocletian thực chất là một nền kinh tế chiến tranh, sở dĩ nó có thể vận hành là do tất cả có một nỗi lo chung: giặc ngoại xâm. Nếu xét các yếu tố khác bất biến, sự tự do nội tại của một quốc gia tỉ lệ nghịch với mối họa từ nạn giặc ngoại xâm.

Nhiệm vụ kiểm soát kinh tế sát sao ấy tỏ ra quá sức đối với bộ máy hành chính quan liêu ngày càng cồng kềnh, tốn kém và tham nhũng của Diocletian. Để duy trì hệ thống công chức khổng lồ này – bao gồm quân đội, tòa án, việc công ích và phát lương thì thuế phải tăng đến mức người dân không còn động lực lao động kiếm tiền, và một cuộc đua diễn ra giữa  một bên là các trạng sư tìm mọi phương cách giúp thân chủ của họ trốn thuế, bên còn lại là các nhà lập pháp ráng tìm tòi, phát triển các luật định nhằm ngăn chặn những mưu mẹo trốn thuế đó. Để trốn các quan thu thuế, hàng ngàn người La Mã đã chạy trốn qua biên giới để tìm nơi ẩn náu ở khu của quân man rợ. Để kiểm soát tình trạng này, đồng thời cũng giúp chỉnh đốn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh thuế, chính phủ đã ban hành các sắc lệnh ràng buộc nông dân với ruộng đất anh ta, và người lao động phải gắn chặt với cửa hàng, mảnh ruộng – mọi tài sản ít ỏi của anh ta đến khi họ trả hết nợ và thuế. Bằng cách này hay cách khác, chế độ nông nô thời trung cổ bắt đầu.

(La Mã Cổ Đại)

Xã Hội Chủ Nghĩa Ở Trung Hoa

Trung Hoa đã có một số nỗ lực xây dựng nhà nước theo đường lối xã hội chủ nghĩa. Tư Mã Thiên (sinh khoảng năm 145 TCN) cho ta biết rằng người Trung Hoa đã ngăn chặn tư nhân “chiếm dụng tài nguyên thiên nhiên dồi dào của núi, biển để tư lợi cá nhân, cũng như ngăn chặn việc bắt giai cấp thấp hơn tòng phục mình”, Hán Vũ Đế trị vì trong thời gian 140-87 TCN) đã quốc hữu hóa tài nguyên đất đai, mở rộng sự chỉ đảo của chính phủ đối với thông thương và thương mại, đánh thuế thu nhập và phát động thần dân xây dựng các công trình công cộng, bao gồm hệ thống kênh đào để kết nối các dòng sông và dẫn nước tưới tiêu ruộng đồng. Nhà nước tích trữ hàng hóa  dự trữ và tung ra bán khi giá tăng cao, rồi mua vào nhiều hơn khi giá xuống thấp. Do vậy, theo Tư Mã Thiên, “những thương gia giàu có và các nhà bán lẻ không tài nào kiếm lời cao được, và giá cả hàng hóa cứ thế do triều đình ấn định”. Chúng ta được biết trong một thời gian, Trung Hoa đã nhờ vậy mà thịnh vượng hơn bao giờ hết. Nhưng khi Hán Vũ Đế băng hà, “lệnh trời” cộng với lòng hiểm ác của con người đã đặt dấu chấm hết cho cuộc thử nghiệm đó. Lũ lụt xen kẽ với hạn hán đã tạo ra tình trạng thiếu hụt thê thảm và giá cả của nó tăng vọt vượt tầm kiểm soát. Giới thương gia phản đối rằng họ đang nai lưng ra đóng thuế để nuôi bọn bất tài vô dụng. Quá phiền muộn vì vật giá leo thang, dân nghèo đồng thanh tương ứng với dân giàu và yêu cầu mọi thứ được trả về như trật tự cũ. Một số người còn đề xuất tế sống kẻ nào đã bày ra chính sách mới. Thế là các cuộc cải cách lần lượt bị bãi bỏ và gần như bị chìm vào quên lãng hoàn toàn cho đến khi một vị vua  hiền triết đem chúng ra áp dụng lại.

Vương Mãng (trị vì trong giai đoạn 9-23) là một học giả tài ba, một nhà bảo trợ cho nền văn chương Hoa Hạ, một triệu phú đã san sẻ sự giàu có của mình để giúp đỡ bạn bè và những người khốn cùng. Sau khi giành lấy ngai vàng, ông trọng dụng những nhân tài được đào tạo thiên về văn chương, khoa học và triết học. Ông đã quốc hữu hóa đất đai, phân phát đều cho nông dân và bãi bỏ chế độ nô lệ. Cũng như Hán Vũ Đế, ông ta đã cố gắng kiểm soát giá cả bằng cách tích lũy hoặc giải phóng các kho dự trữ của triều đình khi cần thiết. Ông đã cho các tư nhân vay tiền với lãi suất thấp. Bởi vậy, các tập thể mà lợi ích cuả họ bị ảnh hưởng do các chính sách của ông đã liên kết lại với nhau để âm mưu lật đổ nhà vua. Vừa lúc những trận hạn hán, rồi lũ quét và nạn ngoại xâm nổ ra như đổ thêm dầu vào lửa, vô tình nối giáo cho bọn người ấy. Gia tộc họ Lưu giàu có đã hung hăng cầm đầu cuộc nổi loạn, giết chết đức vua Vương Mãng, và bãi bỏ hết chế độ luật pháp của ông ta. Thế là mọi việc quay về như cũ.

Một nghìn năm sau, Vương An Thạch, trong vai trò tể tướng từ năm 1068 đến năm 1085, đã áp dụng một chế độ chính quyền toàn trị trên diện rộng đối với nền kinh tế Trung Hoa. Ông cho rằng: “Nhà nước nên đứng ra quản lý toàn bộ thương mại, công nghiệp và nông nghiệp, trên quan điểm này có thể hỗ trợ cuộc sống của tầng lớp lao động và ngăn chặn họ bị giới thượng lưu vùi dập”. Ông đã giải cứu nông dân khỏi những kẻ cho vay nặng lãi bằng cách cho phép họ vay tiền của triều đình với lãi suất thấp. Ông khuyến khích nhóm người đi khai khẩn các vùng đất mới qua hình thức cấp phát trước cho họ hạt giống và các khoản viện trợ, tất cả những khoản này sau đó có thể cấn trừ vào vụ mùa sau của họ. Ông phát động các công trình xây dựng quy mô lớn giúp kiểm soát nạn lũ lụt và nạn thất nghiệp. Các hội đồng được bổ nhiệm ở cấp quận để kiểm soát và quy định giá cả, lương lậu. Hoạt động thương mại đã được quốc hữu hóa. Các khoản trợ cấp được phát cho người già, người thất nghiệp và người nghèo. Giáo dục và chế độ khoa cử (vốn dĩ là quy cách để tuyển quan lại cho triều đình) thì được cải cách và tái tổ chức. Một nhà sử học Trung Hoa cho rằng: “Sĩ tử đã từ bỏ các đầu sách giáo khoa nặng tính khoa trương, cường điệu, hoa mỹ. Thay vào đó họ chuyển qua nghiên cứu sách vỡ lòng về lịch sử, địa lý và kinh tế, khoa học”.

 

Vậy thì đâu là lỗ hổng của thử nghiệm này? Thứ nhất, phải kể đến các mức thuế suất quá cao áp đặt cho bá tánh để nuôi một cỗ máy quan lại ngày một cồng kềnh. Thứ hai, chính là sự kêu gọi mỗi gia đình phải có một người đàn ông nhập ngũ để thành lập một đạo quân chống ngoại bang. Và cuối cùng là nạn tham nhũng trong bộ máy chính quyền. Trung Hoa cuối cùng cũng cùng chung số phận với các nhà nước khác, phải đối mặt với bọn tư nhân bóc lột và bọn quan lại ưa nhận hối lộ. Phe bảo thủ, do chính em trai của Vương An Thạch cầm đầu, cho rằng con người vốn dĩ thối nát và bất tài, chính vì vậy để triều đình đảm nhận việc quản lý các ngành nghề là điều phi thực tế. Một nền kinh tế tối ưu phải là nền kinh tế tuân theo mô hình tự do thương mại, với nguyên tắc vận hành thuận theo những thôi tthúc bản năng của con người. Khi gia sản bị tổn thất nặng do mức thuế cao và chủ trương độc quyền thương mại của triều đình, giới nhà giàu quyết tâm đổ hết nguồn lực vào một chiến dịch vận động nhằm hạ bệ uy tín của thể chế kinh tế mới ấy, làm sao để nó không được thi hành và phải chấm dứt. Cuộc vận động này được tổ chức rất đâu ra đó nên đã liên tục gây ra áp lực đáng kể cho hoàng đế. Sau một giai đoạn hạn hán rồi lũ lụt liên tiếp, đỉnh điểm là sự xuất hiện của ngôi sao chổi khiến dân tình hoảng loạn, Thiên Tử đành bãi nhiệm Vương An Thạch, thu hồi lại các sắc lệnh của họ Vương và lệnh cho phe đối lập của ông lên nắm quyền bính.

(Trung Hoa Cổ Đại)

Cuộc Thử Nghiệm Xã Hội Chủ Nghĩa Ở Inca

Chế độ xã hội chủ nghĩa tồn tại lâu đời nhất mà lịch sử ghi nhận phải kể đến chế độ của người Inca thiết lập nên vào khoảng thế kỷ XIII tại nơi mà ngày nay gọi là Peru. Những người đứng đầu Inca cho rằng quyền lực đế vương của họ là được Thần Mặt Trời giao phó, vì vậy họ có trách nhiệm trông coi và cai quản mọi thứ từ hoạt động nông nghiệp, công ăn việc làm, cho đến thương mại. Chính quyền Inca phát động một cuộc thống kê trên diện rộng và lưu trữ tông tin chi tiết về từng loại nguyên liệu, từng cá nhân và mức thu nhập của họ. Phải có những người với chuyên môn “chạy để truyền tin”, sử dụng một hệ thống đường sá tuyệt vời đến mức đáng kinh ngạc thì mới có thể duy trì được mạng lưới thông tin liên lạc ấy; mà với một phong cách cai trị toàn cõi vô cùng sát sao như vậy, mạng lưới thông tin ấy là điều không thể thiếu. Mỗi một người dân đều được tính là một lao động của nhà nước, và hầu như ai ai cũng vui vẻ chấp nhận điều đó để đổi lại lời hứa bảo an và lương thực không bao giờ thiếu. Chế độ này vẫn tồn tại mãi đến khi Pizarro tiến hành chinh phạt Peru vào năm 1533.

(Inca Cổ Đại)

Chế Độ Xã Hội Chủ Nghĩa Của Một Trăm Năm Mươi Tu Sĩ Dòng Tên

Ở phía bên kia thềm lục địa Nam Mỹ, đối diện với vùng đất Peru là một thuộc địa của Bồ Đào Nha nằm dọc theo sông Uruguay. Vào giai đoạn 1620-1750, một trăm năm mươi tu sĩ Dòng Tên đã thiết lập và tổ chức một nhóm gồm hai trăm ngàn người da đỏ (người bản địa) vận hành theo chế độ chủ nghĩa xã hội. Các vị linh mục đã cai trị và quán xuyến gần như toàn bộ ngành nông nghiệp và kỹ thương. Họ cho phép mỗi thanh niên lựa chọn một trong số các ngành nghề mà họ truyền dạy, và đặt ra yêu cầu là những thanh niên trai tráng khỏe mạnh này phải lao động tám tiếng mỗi ngày. Ngoài ra, họ còn đem đến các thú vui chơi giải trí, tổ chức các hoạt động thể thao, khiêu vũ, biểu diễn hợp xướng với ca đoàn lên đến hàng ngàn người, và đội tấu nhạc được đào tạo bài bản và hòa âm theo phong cách Âu Châu. Họ kiêm nhiệm nhiều vai trò: vừa là nhà giáo, thầy thuốc, thẩm phán. Bộ luật hình sự do họ biên soạn không có án tử hình. Về mọi phương diện, nhóm dân bản địa tỏ ra rất dễ bảo và mãn nguyện với chế độ ấy. Bởi vậy, khi cộng đồng của mình bị tấn công, họ đã chống cự với một nhuệ khí hừng hực và với khả năng tác chiến khiến kẻ thù phải kinh ngạc. Vào năm 1570, Bồ Đào Nha nhượng lại cho Tây Ban Nha một phần lãnh thổ bao gồm bảy khu định cư của các tu sĩ Dòng Tên. Một tin đồn lan truyền trằng những thuộc địa này chứa vàng khiến người Tây Ban Nha ở Châu Mỹ nhất quyết phải chiếm đóng các thuộc địa này ngay lập tức. Chính quyền Bồ Đào Nha dưới thời tướng Pombal (ông này vốn có mâu thuẫn với Dòng Tên) đã hạ lệnh cho các linh mục và dân bản địa phải rời ngay khỏi các khu vực định cư ấy. Sau những nỗ lực phản công thất bại của dân bản địa, cuộc thử nghiệm xã hội chủ nghĩa đành đi đến hồi kết thúc.

Chủ Nghĩa Xã Hội Ở Đức

Trong cuộc khởi nghĩa xã hội đi kèm Cải Cách Tin Lành ở Đức, nhiều thủ lĩnh phiến quân đã đề cao các khẩu hiệu cộng sản được viết dựa theo Kinh Thánh. Một nhà truyền giáo tên Thomas Munzer đã kêu gọi dân chúng lật đổ chế độ vương quyền và công tôn, giai cấp tăng lữ cùng giai cấp tư bản để thành lập một “xã hội cao nhã”, mà ở đó mọi thứ đều là của chung. Ông ta còn tuyển mộ nghĩa quân nông dân, lấy các câu chuyện, giá trị cộng đồng chủ nghĩa tạm gọi là “cộng sản” diễn ra giữa các Tông Đồ của Chúa để tạo nguồn cảm hứng đưa họ ra trận mạc. Nghĩa quân bị đánh bại, năm ngàn người phải bỏ mạng và Munzer thì bị chém đầu vào năm 1525. Sau này, một người tên Hans Hut ưa chuộng những giáo huấn của Munzer, đã thiết lập và tổ chức một cộng đồng phái Anabaptist vận hành theo mô hình “cộng sản” tại Austerlitz gần một thế kỷ (trong khoảng thời gian 1530-1622). John của vùng Leiden thì thống lãnh một nhóm theo phái Anabaptist để chiếm quyền kiểm soát Munster, thủ phủ của Westphalia; tại đó họ duy trì chế độ cộng sản trong vòng mười bốn tháng (1534-1535).

(Nước Đức Thời Trung Cổ)

Chủ Nghĩa Xã Hội Ở Anh

Vào thế kỷ XVII tại Anh Quốc, một nhóm theo Phong Trào San Bằng (“Levellers”) thuộc quân đội Cromwell đã khẩn khoản cầu xin trong vô vọng rằng họ muốn thiết lập một xã hội lý tưởng thuộc chủ nghĩa cộng sản ở Anh. Sự sôi sục của chủ nghĩa xã hội tạm lắng dịu trong Thời Kỳ Phục Hưng, nhưng nó lại có dịp bùng lên khi bộ mặt thật của Cách Mạng Công Nghiệp dần lộ ra: sự tham lam và tàn bạo của Chủ Nghĩa Tư Bản thuở sơ khai thể hiện qua việc sử dụng lao động trẻ em và lao động phụ nữ, bắt họ làm việc nhiều giờ liền với đồng lương mạt hạng, còn các nhà máy thì thực chất là những ổ dịch, bẩn thỉu chả kém gì các khu ổ chuột. Karl Marx và Friedrich Engels đã soạn thảo ra cho phong trào xã hội chủ nghĩa một văn bản mang ý nghĩa tương tự Đại Hiến, tức bản Tuyên Ngôn Cộng Sản năm 1847, và một văn bản mang ý nghĩa kinh điển, tức bộ Tư Bản Luận (1867-1895). Cả Marx và Engels đều kỳ vọng rằng chủ nghĩa xã hội sẽ có hiệu lực trước nhất ở Anh, bởi nền công nghiệp ở đó phát triển nhanh, mạnh nhất và đã đạt đến giai đoạn quản lý tập trung khiến chính phủ lăm le quốc hữu hóa. Tuy nhiên, họ không sống đủ lâu để chứng kiến cái ngày làm họ phải kinh ngạc – đó là ngày Chủ Nghĩa Cộng Sản Trên Thực Tế Lại Bùng Nổ Ở Nga.

(Anh Quốc Thời Trung Cổ)

Chủ Nghĩa Xã Hội Bùng Nổ Ở Nga

Tại sao chủ nghĩa xã hội hiện đại lại xuất hiện đầu tiên ở nước Nga, nơi chủ nghĩa tư bản còn quá sơ khai và không có các nghiệp đoàn lớn làm cầu nối để quá trình chuyển giao quyền kiểm soát nhà nước dễ thực hiện hơn? Đành rằng tình trạng đói nghèo qua nhiều thế kỷ của nông dân và hàng loạt cuộc nổi dậy của giới trí thức đã mở đường, nhưng nông dân Nga vốn đã được giải phóng khỏi tình trạng nô lệ vào năm 1861, và giới trí thức thì có khuynh hướng nghiêng về chủ nghĩa vô chính phủ, đối lập hoàn toàn với một hình thái nhà nước thâu tóm toàn bộ mọi thứ. Sở dĩ cách mạng Nga năm 1917 thành công vì chế độ Sa Hoàng đã đại bại và mất hoàn toàn tín nhiệm do chiến tranh và năng lực quản lý tệ hại. Nền kinh tế Nga sụp đổ trong hỗn loạn, những người nông dân trở về từ mặt trận mang theo vũ khí, còn chính phủ Đức lại tạo mọi điều kiện, đã chu cấp cho Lenin và Trotsky để chạy qua xứ người an toàn, êm thắm. Cuộc cách mạng buộc phải chuyển sang hình thái xã hội chủ nghĩa bởi nhà nước non trẻ liên tục đối mặt với những thách thức từ rối loạn nội bộ đến giặc ngoại xâm. Dân tộc Nga đã phản ứng như bất kỳ dân tộc nào sẽ phản ứng trong tình thế bị bủa vây – nó tạm gác quyền tự do cá nhân sang một bên cho đến khi trật tự và an ninh được tái lập. Ở đây, chủ nghĩa xã hội có thể hiểu là một nền kinh tế thời chiến. Nó tồn tại được có lẽ bởi nỗi sợ chiến tranh tiếp diễn. Trong thời bình, ta có thể đoán chắc nó sẽ bị chính bản chất của con người làm cho sai lệch đi.

(Chân Dung Karl Marx)

(Chân Dung Friedrich Engels)

(Chân Dung Lenin)

Tổng Kết – Lời Cuối Phép Biện Chứng Hegel - Phương Đông Cũng Như Phương Tây Mà Phương Tây Cũng Như Phương Đông, Chẳng Bao Lâu Cả Hai Phía Sẽ Giao Nhau.

Hiện nay, chủ nghĩa xã hội ở Nga hiện đang khôi phục lại các động cơ cá nhân để kích thích tăng gia sản xuất và ban cho quyền tự do về mặt thể chất lẫn tinh thần. Cùng lúc đó, chủ nghĩa tư bản cũng trải qua một quá trình tương quan: hạn chế tư hữu thông qua hình thái luật pháp mang một nửa đặc tính xã hội chủ nghĩa và hệ thống “phúc lợi nhà nước nhằm phân phối của cải”. Marx là môn đệ “bất trung” của Hegel: Ông diễn dịch phép biện chứng Hegel với ngụ ý rằng cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội sẽ kết thúc trong thắng lợi hoàn toàn của chủ nghĩa xã hội. Nếu ta lần lượt áp dụng lý thuyết của Hegel (luận đề chính, phản đề, tổng hợp) thì ta có công thức sau: nếu cuộc cách mạng công nghiệp là luận đề chính, sự xung đột giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội là phản đề, thì điều kiện cuối cùng sẽ là sự tổng hợp giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Dễ thấy, hiện nay thế giới phương Tây đang dịch chuyển theo hướng kết hợp, hòa hợp hai chủ nghĩa này. Mỗi năm, vai trò của chính phủ phương Tây tham gia vảo nền kinh tế ngày một tăng, trong khi vai trò của giới tư nhân ngày một giảm. Chủ nghĩa tư bản vẫn duy trì kích thích tư hữu tài sản, tự do doanh nghiệp, môi trường cạnh tranh và nguồn hàng hóa phong phú; nhưng đồng thời cũng áp dụng chính sách thuế cao đánh vào tầng lớp thượng lưu, nhờ vậy chính phủ mới có thể cung cấp cho một dân số (nay đã biết tự kìm hãm) đủ mọi dịch vụ từ giáo dục, y tế đến giải trí mà trước đây chưa từng xảy ra. Nỗi e ngại chủ nghĩa tư bản đã thúc đẩy chủ nghĩa xã hội phải nới lỏng quyền tự do, và chính nỗi sợ hãi chủ nghĩa xã hội đã buộc chủ nghĩa tư bản phải củng cố quyền bình đẳng. Phương Đông cũng như Phương Tây mà Phương Tây cũng như Phương Đông, chẳng bao lâu cả hai phía sẽ giao nhau.

(Chân Dung Hegel - Cha Đẻ Của Phép Biện Chứng Hegel)

Tác Giả: Thần Ánh Sáng 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: Thần Ánh Sáng

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

299 lượt xem, 174 người xem - 176 điểm