Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

" Bóc Phốt " Công Kích Cá Nhân Trên Mạng Xã Hội - Hành Vi Giết Người Không Dao!

Từ thời xa xưa, con người đã tin rằng một cuộc sống hạnh phúc chính là được sống hòa hợp với muông thú, sống cùng với cỏ cây, hoa lá. Tuy nhiên, khi xã hội loài người ngày càng phát triển, những nhu cầu trong cuộc sống ngày càng tăng cao thì đòi hỏi phải có sự phát triển của nhiều công cụ tiện ích mới để nâng cao chất lượng cuộc sống. Và từ đó, con người đã dần chập chững bước trên con đường tìm đến sự đổi mới công nghệ. Ngày nay, Internet là một mạng lưới gần như phủ sóng toàn cầu. Cùng với đó, mạng xã hội đã ra đời và mang lại rất nhiều tiện ích mới, phục vụ cuộc sống, giúp cho mọi người có thể thoải mái trao đổi thông tin, chia sẻ cảm xúc, kết nối cùng nhau. Tuy nhiên, khi sự tự do, thoải mái của ta trong thế giới ảo đó quá lớn thì những tác động tiêu cực là những điều không thể tránh khỏi. Một trong những vấn đề điển hình của những tác động tiêu cực đó là việc xúc phạm danh dự nhân phẩm trên mạng xã hội.

(nguồn ảnh: sưu tầm)

Tạo hóa sinh ra con người là động vật bậc cao có vô vàn thứ cảm xúc. Lòng đố kỵ, ghen ghét hay sự thù hận đều là những cảm xúc tiêu cực mà mỗi người đều có. Phải thừa nhận rằng không phải ai trên thế gian này cũng đều có thể sống hòa hợp với tất cả mọi người mọi lúc. Cho dù là vợ chồng, anh em cũng sẽ có những lúc xảy ra mâu thuẫn, giận hờn, cãi vã; huống chi là những con người ngoài kia. Và một trong những đỉnh điểm của mâu thuẫn đó là khi người ta bắt đầu xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Có lẽ ai trong mỗi chúng ta đều ít nhất một lần chứng kiến hoặc tham gia vào một vụ mâu thuẫn nào đó mà ở đó người ta chửi rủa, lăng mạ, vu khống nhau hết lời. Những hành vi nhất thời đó có thể để lại những hệ lụy vô cùng nặng nề mà ta chưa lường trước được, đặc biệt là trong thời đại mới, khi nó được diễn ra trên mạng xã hội, trong đó có hành vi mà cộng đồng mạng hay gọi là "bóc phốt". 

(nguồn ảnh: sưu tầm)

"Bóc phốt" là một ví dụ điển hình cho việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm trên mạng xã hội. Vậy "bóc phốt" là gì?

"Bóc phốt" là tiếng lóng được dùng trên mạng xã hội, nghĩa là đưa ra những thông tin công khai lên mạng xã hội cho nhiều người cùng biết, những thông tin khi bóc phốt thường không tốt đẹp hoặc là nói về việc làm sai trái của người khác nhằm làm xấu hình ảnh của cá nhân hoặc tổ chức nào đó trước công chúng. Nhìn theo một hướng tích cực, những bài "phốt" sẽ giúp lên án những hành động sai trái, giúp cho mọi người hiểu rõ và tránh xa cái xấu. Nhưng thực tế thì những bài viết này có thể là đúng sự thật hoặc không. Ví dụ, họ có thể sử dụng những hình ảnh, thông tin giả, bóp méo sự thật để vu khống cho người khác, "chuyện bé xé ra to" khiến cho mọi người hiểu nhầm và có cái nhìn tiêu cực. Vậy thì việc "bóc phốt" một cá nhân hay tổ chức nào đó trên mạng xã hội có phải là điều nên làm hay không? Tôi tin là bạn đã bước đầu có câu trả lời cho vấn đề này. Những bài "phốt" nói chung thường là những bài viết với nội dung công kích, làm nhục cá nhân, ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm của người khác hơn là giá trị giáo dục hay giá trị nhân đạo. 

(nguồn ảnh: sưu tầm)

Việc xúc phạm danh dự nhân phẩm trong cuộc sống thường ngày sẽ tệ hơn nếu diễn ra trên mạng xã hội

Trong những năm gần đây, việc nói xấu, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội đã trở nên phổ biến và dường như trở thành một tệ nạn. Có thể phân tích ra một số nguyên nhân để việc này trở nên phổ biến như sau: 

  1. Thứ nhất, mạng xã hội phủ sóng trên phạm vi lớn. Chỉ cần một dòng trạng thái hay một hình ảnh, một video được đăng lên là tất cả những người nằm trong diện quyền riêng tư của bài viết đều có thể xem và gần như là tự do bình phẩm; hay chỉ cần một đường link và một cú click là người ta có thể biết hết những thông tin đó. Một bài viết khi được chia sẻ rộng rãi thì những thông tin đó cũng sẽ đến với mọi người theo cấp số nhân, rất nhanh sẽ được rất nhiều người biết đến. Vì vậy, việc truyền tai nhau về một chuyện xấu sẽ không nhanh bằng một vài thao tác trên thiết bị điện tử có kết nối internet. Đúng là thời đại “trong nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã tường”! Và sẽ ra sao nếu những thông tin sai trái đã và đang được truyền đạt như thế.

  2. Thứ hai, "bóc phốt" trên mạng xã hội dễ dàng có được lòng tin từ người khác hơn. Con người ai cũng có phần ích kỉ, đặc biệt là đối với người lạ. Nếu đọc được một dòng tin không hay về cá nhân hay tập thể nào đó trên mạng xã hội, phần lớn người ta sẽ tin vào đó hoặc tỏ thái độ nghi ngờ đối với cá nhân/tập thể bị dính "phốt" thay vì muốn tìm hiểu sự thật. Vậy nên việc "bóc phốt" trên mạng xã hội dễ khiến người ta tin và sẽ giáng một đòn mạnh vào các nạn nhân khi họ muốn lên tiếng giải thích.  

  3. Thứ ba, bóc phốt nói xấu trên mạng xã hội hoàn toàn có thể ẩn danh. Người ta có thể tạo một tài khoản mới, thậm chí là một Trang riêng trên Mạng xã hội chỉ để công kích một cá nhân hay tập thể nào đó. Khi đó mọi người nhìn vào sẽ không biết kẻ đứng sau là ai nếu không được điều tra rõ ràng. Không khó để tôi hay bạn bắt gặp một Trang "antifan" của một nhân vật nào đó trên mạng xã hội phải không? Đa phần chúng ta chỉ nhìn thấy những cái xấu kia được phơi bày trước mắt mà không nhìn ra kẻ đứng sau kia cũng chỉ là một tên trộm đang lén lút mà thôi.

  4. Thứ tư, công kích cá nhân trên mạng xã hội có thể có sức ảnh hưởng lâu dài hơn. Ngày nay, để nhắc nhở chúng ta về những kỉ niệm đã qua thì một số mạng xã hội như Facebook đã có tính năng nhắc lại những gì bạn đã đăng tải vào tối thiểu 1 năm trước. Nếu như bạn bị người ta nói xấu, dù thế nào thì sau cùng mọi chuyện cũng dần dần được lắng xuống và không còn quá nghiêm trọng nữa. Còn ở trên mạng xã hội, những dòng “phốt” không hay kia hằng năm cũng sẽ được "kỉ niệm" ở những tài khoản đã đăng tải hay chia sẻ và người ta sẽ khiến người ta khó mà quên nó. 

Vì vậy, việc "bóc phốt" công kích cá nhân trên mạng xã hội vẫn luôn có sức lan tỏa rộng rãi hơn và sự thật dù đúng dù sai thì những kẻ kia vẫn đang ngồi phía sau màn hình đắc thắng khi xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của người khác. 

(nguồn ảnh: sưu tầm)

Sự lên tiếng không đúng cách của truyền thông và dư luận sẽ trở thành công cụ tiếp tay cho kẻ xấu 

Nếu bạn đã chứng kiến một vụ "phốt" nào đó, sẽ không khó để bạn thấy hàng trăm những bình luận và phản hồi, mỗi người một ý. Khi là người ngoài cuộc, họ sẽ không thể hiểu ra sự thật đằng sau đó và chỉ lên tiếng theo quan điểm của bản thân, nhưng nó lại gây ra ảnh hưởng nặng nề đó là tiếp tục gây ra thêm nhiều tranh cãi của những... người ngoài cuộc! Chúng ta đều không thể hiểu rõ về những sự việc này và quan điểm của dân mạng không bao giờ là chắc chắn đúng. 

Nếu là một người thường xuyên đọc báo Điện tử hay cập nhật thông tin, hẳn là bạn sẽ biết mỗi ngày mỗi giờ đều có rất nhiều bài báo khác nhau được đăng tải liên tục. Người ta thường nói vui với nhau: người nổi tiếng chỉ cần hắt hơi thôi cũng đủ để bị soi mói rồi. Bạn thử lên mạng tìm kiếm tên của một người nổi tiếng, sẽ có vô vàn những thông tin khác nhau, thường thì sẽ có tin tốt và cả tin xấu. Vậy có bao giờ bạn nghi ngờ những thông tin đấy chưa? Khi một dòng trạng thái về ai đó được đăng tải trên mạng xã hội, nếu đó là người có tầm ảnh hưởng thì chắc chắn nó sẽ xuất hiện trên mọi mặt báo. Vậy bạn nghĩ sao nếu đó là những dòng trạng thái để nói xấu, để công kích cá nhân? Nếu vậy, những tiếng xấu cũng từ đó mà được phóng to lên gấp ngàn lần. Nếu đó là điều sai sự thật, thì cái sai ấy cũng bắt đầu được nhân lên nhiều hơn để rồi hầu hết mọi người đều bị hướng theo một cái nhìn tiêu cực. Tất nhiên, người gánh chịu nó sẽ không phải tôi, bạn hay cộng đồng mạng mà chính là người bị dính "phốt" kia. Thông thường, nếu một người lạ thấy những thông tin đó, có lẽ họ sẽ tin và chỉ trích vào đối tượng bị nói đến nhiều hơn là việc thông cảm hay tìm hiểu sự thật.

Như vậy, sự lên tiếng quá đà và không đúng cách của truyền thông và dư luận vô tình đã trở thành công cụ tiếp tay cho kẻ xấu.  

Việc xúc phạm danh dự nhân phẩm trên mạng xã hội gây ảnh hưởng xấu đến nạn nhân và cả sự phát triển của một xã hội văn minh

Trong khi chúng ta đang hướng đến một xã hội văn minh thì tất nhiên là ai cũng muốn mọi người đều là những công dân tốt. Nếu một cá nhân hay tập thể chưa làm tốt với những chuẩn mực của xã hội thì thay vì chà đạp, chỉ trích họ, chúng ta hoàn toàn có thể mở ra một lối thoát để giúp họ sửa đổi. Nhưng việc nói xấu trên mạng xã hội sẽ đi ngược lại với mong muốn này. Nó không chỉ khiến cho mọi người có thái độ tiêu cực với vụ việc mà quan trọng nhất là khiến cho đối tượng đó bị xúc phạm danh dự nhân phẩm và phải chịu nhiều tác động tiêu cực, khó mà sửa đổi được. Còn nếu những thông tin được bóc mẽ đó là vu khống và sai sự thật, tôi và bạn đều có thể tưởng tượng ra nó tệ thế nào rồi. Tất nhiên, đó là điều không nên và không được làm! Nhiều mâu thuẫn nổ ra sẽ khiến cho những thành phần "anh hùng bàn phím" vào a dua chỉ trích, còn những người trong cuộc sẽ có thể xảy ra những xung đột không đáng có và dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nếu cứ như vậy, xã hội sẽ không thể phát triển văn minh được. 

(nguồn ảnh: sưu tầm)

Như tôi đã nói ở trên, người gánh chịu hậu quả sau cùng chính là đối tượng bị "phốt". Nếu người đó là điều sai trái và bị bóc mẽ sự thật, bạn có cho rằng việc công kích trên mạng bằng việc "bóc phốt" là điều nên làm hay không?

Tôi có một người bạn là người nổi tiếng. Cậu dường như được tất cả mọi người biết đến từ mạng xã hội cho đến ngoài đời vì cái tài đức của cậu. Nhưng cũng vì sự nổi tiếng đó, từ những mâu thuẫn riêng tư trong cuộc sống, cậu từ một thần tượng bỗng được cả cộng đồng mạng biết đến như một “thứ rác rưởi” chỉ trong vài giờ kể từ khi một bài "phốt" cậu được đăng tải. Tất nhiên đó là một cú sốc lớn và bạn biết đấy, khi mà cả thế giới đều quay lưng lại với mình chỉ vì những lời công kích cá nhân đến từ người khác, nó có thể hủy hoại tinh thần của một con người. Những dòng chữ vô tình đến từ bài viết kia, đến từ những "anh hùng bàn phím" với những bình luận ác ý sẽ làm những nạn nhân bị ảnh hưởng tâm lí nặng nề, thậm chí bị mất hết danh dự khi truyền thông đưa tin. Người ta cho rằng làm vậy là có ý tốt để giúp cho người sai nhìn nhận và sửa đổi nhưng liệu có con đường nào cho người đã bị xúc phạm nặng nề về danh dự và nhân phẩm, người mà đã bị phần lớn mọi người quay lưng? Lúc đấy, họ có còn thực sự nhìn ra cái sai của bản thân rồi sửa đổi hay không? Và sự thay đổi đó có còn được tất cả mọi người chấp nhận hay không? Nếu bản thân người đó bị vu khống, họ cũng sẽ không dám và không thể lên tiếng để giải thích với tất cả mọi người. Sẽ không khó để bạn nghe đến những vụ việc đau lòng như trầm cảm rồi tự tử chỉ vì bị chỉ trích, nói xấu. Nó đã và đang xảy ra trong cuộc sống này. Quả không ngoa khi nói rằng: "Bóc phốt" công kích cá nhân trên mạng xã hội chính là hành vi giết người không dao! 

(nguồn ảnh: sưu tầm)

Xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác là hành vi vi phạm pháp luật

Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hay Pháp luật của đa phần các quốc gia trên thế giới đều không thể bỏ qua việc “Xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác” dù ở ngoài đời thật hay cả trên mạng xã hội. Điều 34, bộ Luật Dân sự 2015 nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quy định:

      "3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

       4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.

       5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.” ...

Hiện nay, những hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác còn được truy tố trách nhiệm Hình sự, Dân sự hoặc Hành chính tùy vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Quyền tự do ngôn luận không đồng nghĩa với việc được quyền xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác!

(nguồn ảnh: sưu tầm)

Hãy chung tay đẩy lùi nạn công kích cá nhân trên mạng xã hội 

Tố cáo một cá nhân hay tập thể có những hành vi xấu là điều mà mỗi công dân nên làm. Tuy nhiên, nó không đồng nghĩa với việc bạn nên đi "bóc phốt", nói xấu đối tượng đó trên mạng xã hội. Điều đó chỉ mang ý nghĩa công kích, khiến cho mọi thứ trở nên tệ đi và sẽ làm phản tác dụng của việc tố cáo: là lên án, xử lí những hành động sai trái, giúp cho mọi người hiểu rõ và tránh xa cái xấu. Những hành vi bóc phốt nói xấu trên mạng xã hội đáng bị lên án và xử phạt nặng nề. Nếu những thông tin được đăng tải trong những bài "phốt" đó là đúng sự thật, người ta muốn làm vậy để mọi người biết được thì hẳn là nó đã có tác dụng. Tuy nhiên hãy nhìn những hậu quả mà nó để lại, thực sự rất nặng nề và tiêu cực. Tự do ngôn luận là quyền tự do phát biểu, trình bày ý kiến, quan điểm của bản thân tuy nhiên cũng cần phải chịu trách nhiệm những mình mình nói và đề cập đến. Việc xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác mà xem là quyền tự do ngôn luận chỉ là một sự biện minh không hơn không kém của người nói. 

Nếu bạn là đã hoặc đang là nạn nhân của việc xúc phạm danh dự nhân phẩm nói chung, tôi mong bạn hãy thật bình tĩnh để bản thân ở trong trạng thái ổn nhất. Hãy mạnh dạn lên tiếng tố cáo những hành vi sai trái xúc phạm chính bản thân bạn và người khác bởi Pháp luật sẽ bảo vệ chúng ta trước những hành vi xấu đó. Pháp luật không bỏ qua cho hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác. Vậy nên có thể khẳng định được sự cần thiết và quan trọng của việc ngăn chặn những hành vi sai trái này.

Nếu thực sự muốn xã hội trở nên tốt đẹp hơn, hãy làm những điều tuân thủ đúng những quy định của Pháp luật. Hiện nay, hầu hết các mạng xã hội đều có hỗ trợ việc báo cáo các bài viết hoặc tài khoản có hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, bạn sẽ làm được một việc tốt khi bỏ ra vài giây để báo cáo những bài viết như vậy đấy. Bên cạnh đó, nếu là một người sử dụng mạng xã hội, hãy tỉnh táo để tiếp nhận thông tin một cách chọn lọc, có chính kiến,  tránh hùa theo làn sóng dư luận. Đừng chia sẻ những thông tin mà bạn không chắc chắn về nó, chẳng ai muốn trở thành một người vi phạm pháp luật vì việc lan truyền tin giả đến mọi người mà. Trước khi bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề nào đó, hãy nhớ rằng: Đôi khi những câu bình luận dù không ác ý của bạn cũng có thể đủ để hủy hoại cuộc sống của một con người! Con người thời đại mới hãy là những người dùng internet thông minh!

Mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân của nó. Vậy nên, hãy luôn sống tử tế, luôn là một con người sống có đạo đức và kỷ luật, là một công dân có ích. Nếu vậy, sẽ không có lời nói xấu nào có thể làm hại chúng ta mãi được. Đừng chà đạp lên sai lầm của người khác để khiến cho danh dự và nhân phẩm của họ bị xúc phạm. Hãy cùng nhau chung tay xây dựng một xã hội văn minh bằng cách đối xử với nhau tử tế hơn, yêu thương và giúp đỡ nhau, cùng nhau tiến bộ. 

Tác Giả:  Đặng Lê Trà My
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link:  https://www.facebook.com/profile.php?id=100046953394587
--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,106 lượt xem, 2,289 người xem - 2296 điểm