Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Bỗng Một Ngày Ta Thấy Mình Không Muốn Sống!

       Bỗng một ngày ta thấy mình mệt mỏi với những áp lực do cuộc sống gây ra như: áp lực trong học tập và thi cử, thất bại trong tình yêu, những mối quan hệ bất hòa không thể giải quyết… ta chợt nghĩ: cuộc sống này không phù hợp với mình. Nó quá mệt mỏi, quá vô vị và quá tẻ nhạt!

            Ta đi đến quyết định kết thúc cuộc sống này, bằng cách nào đó, hoặc thả mình rơi tự do từ tòa nhà cao tầng như nhân vật chính trong Mv “There’s no one at all” của nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP. Mặc dù cảnh quay ấy chỉ được thực hiện trong mấy giây ngắn ngủi cuối cùng trong Mv, nhưng đã tạo nên một làn sóng dư luận với nhiều quan điểm trái chiều. Vấn đề đặt ra ở đây: Phải chăng hành động “thả mình” của chàng trai trong Mv ấy tạo nên ảnh hưởng tiêu cực đến người khác? Hay hành vi “tự sát” là điều cấm kỵ đối với đời sống con người? 

            “Tự sát” là một chủ đề không quá xa lạ đối với con người. Nó luôn mang tính hiện sinh vì nó gắn với cuộc sống của mỗi người. Trong số các triết gia, chỉ có Albert Camus lưu ý đến điều này cách tường tận và sâu sắc nhất. Ông nói: “Chỉ có một vấn đề triết học thực sự nghiêm túc, đó là tự sát”.

            Tại sao người ta chọn tự sát? Albert Camus cho rằng tự sát có nghĩa là thừa nhận cuộc sống đã làm ta quá tải hoặc không thể hiểu cuộc sống được nữa. Tự sát đơn giản đồng nghĩa với việc thừa nhận rằng “sống mà phải nhọc nhằn đến thế thì chẳng đáng” (Albert Camus, Thần thoại Sisyphus, tr.18).

               Tự sát là một lựa chọn.

            Khi một người lựa chọn tự sát để kết liễu cuộc sống của mình. Đó là lúc họ không còn nhìn thấy ánh sáng trong cuộc sống, không cảm nhận sự phấn khởi khi bình minh đến và niềm hoan hỉ lúc chiều về. Không ai lựa chọn tự sát trong một phút bốc đồng. Hành động tự sát diễn ra âm thầm trong đời sống của mỗi người. Nó nằm tận sâu thẳm của tâm hồn. Nó đến từ những cảm xúc tiêu cực bị dồn nén vào vô thức. Nó được nuôi dưỡng bởi những dòng suy nghĩ bi quan chiếm lĩnh tâm trí mỗi ngày. Đến một lúc nào đó, người ấy không đủ mạnh mẽ để khắc chế những cảm xúc tiêu cực. Sức lực của họ bị cạn kiệt, tinh thần mệt mỏi và cuộc sống không còn ý nghĩa. Khi ấy, tự sát là lựa chọn cuối cùng và tối ưu nhất đối với họ.

            Lựa chọn này mang một ánh sáng cứu rỗi cho người muốn tự sát. Đó dường như là quyết định tự do duy nhất họ có thể thực hiện trong tình trạng đó. Không bị áp lực bởi học hành, công việc, bổn phận. Không còn mệt mỏi khi phải gặp gỡ người khác, nói theo cách của triết gia J. P. Sartre là những “hỏa ngục” mỗi ngày. Không cần biết bên kia cái chết có những gì, nhưng một điều chắc chắn đối với họ, cái chết là một lối thoát, là một con đường hy vọng kéo họ ra khỏi kiếp sống đọa đày này.

                   

                                                      Nhảy hay không nhảy? (Nguồn ảnh: https://www.pexels.com)

              Khi cái chết là một lối thoát.

            Thực ra, chết vốn là thứ khiến con người sợ hãi, e dè và trốn tránh. Cái chết là cái họ không muốn đối diện không chỉ trong tinh thần mà còn ở nơi thể xác. Cái chết là thứ luôn cần phải chống lại. Cơ thể tránh khỏi sự hủy diệt hư hoai bằng cách đáp ứng những nhu cầu như: ăn, uống, ngủ, nghỉ…Tinh thần chống lại cái chết bằng cách chế ngự những đau khổ, mất mát do cuộc sống mang lại qua hành động tập trung suy nghĩ về những điều tích cực giúp thoải mái và hạnh phúc hơn. Niềm hy vọng về cuộc sống mai hậu cũng là một cách thế giúp con người sống trọn vẹn ở cuộc sống này. Nhưng khi những điều này không còn giá trị hoặc chúng không đóng vai trò nào trong cuộc sống, điều tất yếu xảy ra: cuộc sống này không đủ sức hấp dẫn để con người cố gắng tồn tại.

            Khi có ý nghĩ như thế về cuộc sống, con người cảm thấy sự tồn tại của mình dường như vô nghĩa trong thế giới này. Cảm giác xa lạ với tất cả chiếm lĩnh cuộc sống của họ, bản thân họ như cái trục xoay một cách vô hồn giữa một thế giới chuyển động chung quanh. Đằng sau câu chuyện của những người tự sát là một cuộc chiến đấu mãnh liệt. Ở thế giới riêng biệt của họ đầy rẫy những cảm xúc hỗn độn trong chính họ; những áp lực và mệt mỏi đến từ thế giới ngoại tại như gia đình, xã hội…

            Mỗi ngày gánh nặng cuộc sống càng chất chồng thêm; tình trạng ngày càng nặng nề cho đến lúc khi họ cảm nhận bản thân đã bị dồn đến đường cùng, bị ép đến tận hang cùng ngõ hẻm. Khi ấy, họ đã trở thành kẻ xa lạ với thế giới này, mái ấm gia đình, những mối tương quan trở thành gánh nặng cần phải trút khỏi càng nhanh càng tốt. Lúc đó, cái chết như một lối thoát, như một ánh sáng kéo họ ra khỏi tình trạng mệt mỏi, chán chường, vô vị của cuộc đời. Bởi chết là thực tại ai ai cũng phải đối diện, vậy thì chết sớm để bớt khổ thì hẳn có lợi hơn chết trễ như Camus đã viết trong tác phẩm Người xa lạ: “Khi người ta chết, thì chết ra sao và chết như thế nào, điều ấy không can hệ mấy” (Albert Camus, Người xa lạ, tr.155).

                     (Nguồn ảnh: https://www.fashionbible.vn/wp-content/images/2017/09/22/bi-an-sau-cai-chet9.jpg)

 

            Phải chăng cuộc sống vô vị đến thế sao!

            Không!

            Bản chất cuộc sống không hề vô vị đến thế!

            Vì nếu như cuộc sống vô vị và tẻ nhạt thì người ta đã không mong ước được sống thọ hay trường sinh bất tử. Nếu cuộc sống là nguyên nhân làm cho con người mệt mỏi thì những người mang trong mình căn bệnh ung thư giai đoạn cuối sẽ không chiến đấu mỗi ngày để giành giật từng giây phút cuộc sống; và còn bao nhiêu người đang nỗ lực làm việc trong thời tiết mưa nắng dãi dầu để tồn tại, để kiếm cái sinh nhai với mong muốn cải thiện cuộc sống tốt hơn.

            Con người yêu mến sự sống, thậm chí họ còn cố gắng tận dụng tất cả mọi giây phút của cuộc sống để được sống. Họ như những con tàu hằng ngày băng băng trên đường ray dành cho mình. Học sinh chạy theo thời khóa biểu. Công nhân viên chức chạy theo những kế hoạch, những bổn phận mình phải thực hiện. Những vận động viên rèn luyện thể lực, giữ gìn phong độ theo đúng liệu trình luyện tập… Mỗi ngành nghề, mỗi niềm đam mê đều có sự hiện diện của con người và họ cố gắng tìm kiếm, xây dựng ý nghĩa cuộc đời mình trong đó.

            Vì thế, sống luôn là một thứ gì đó con người muốn níu kéo thật lâu. Sống giúp ta cảm thấy hạnh phúc khi ở bên người mình thương. Sống là tạo nên những dự phóng tương lai tốt đẹp, nhằm thay đổi hiện tại đang bế tắc. Sống cho ta hy vọng và mơ ước. Hơn nữa, ta không chỉ sống cho riêng mình, mà còn sống cho người mình thương yêu. Bởi không ai sống một mình trên thế gian này. Quanh ta luôn có một ai đó chăm sóc, quan tâm và lo lắng cho mình. Và sự sống cũng không do bản thân mình tự tạo ra, mà cuộc sống của ta đa số là hoa trái của tình yêu cha mẹ mà thành. Cao hơn nữa, đó là món quà Thượng Đế dành riêng cho mỗi người.

            Chỉ khi chúng ta bị trật khỏi đường ray cuộc sống. Chúng ta bị vỡ kế hoạch và chậm nhịp so với người khác. Khi đó chúng ta mới cảm thấy những áp lực và khó khăn trong công việc lẫn các mối tương quan. Chúng ta trở nên mệt mỏi và chán nản. Điều ấy dẫn đến hậu quả: cuộc sống trở thành chuỗi ngày lê thê và nhạt nhẽo. 

                      (Nguồn ảnh: https://elead.com.vn/wp-content/uploads/2019/09/nhung-cau-noi-hay-ve-cuoc-song.jpg2_.jpg)


            Một vài cách thế để sống có ý nghĩa hơn.

            Từ những gì đã nói ở trên, ta thấy, để sống con người phải mạnh mẽ và chiến đấu chống lại những áp lực bủa vây chung quanh mình. Thực ra, việc sống hay tự sát, lựa chọn ấy nằm trong thái độ nhìn nhận cuộc sống của mỗi người. Trong tác phẩm “Đi tìm lẽ sống” (Man’s search for meaning), Viktor E. Frankl, một người gốc Do Thái, là nạn nhân của Đức quốc xã đã nói rằng: “Tôi dám chắc rằng không có gì trên đời này có thể giúp một người sinh tồn trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất một cách hiệu quả bằng việc hiểu rằng cuộc sống của mỗi người luôn có ý nghĩa” (V. E. Frankl, Đi tìm lẽ sống, tr. 74).

            Từ những kinh nghiệm của mình Frankl gợi ý cho ta ba cách thức tạo nên ý nghĩa cho cuộc đời:

            Thứ nhất: hãy tạo ra một công việc hoặc làm điều gì đó. Khi tập trung vào một điều gì, niềm đam mê vui thích sẽ xuất hiện và chúng lấp đầy những khoảng trống vô vị của cuộc sống chúng ta. Vì thế, khi làm một điều gì đó bằng thái độ tích cực và chân thành sẽ kiến tạo nên ý nghĩa cho cuộc sống của mình.

            Thứ hai: trải nghiệm điều gì đó hoặc gặp gỡ một ai đó. Ví dụ như: thực hành và tập yêu mến những đức tính tốt, chân lý và cái đẹp; hay dành tình yêu thương dành cho một người. Tình yêu là con đường để thấu hiểu một ai đó. Qua tình yêu, ta có thể vươn đến tận cùng bản thể của người khác, thấu hiểu và sẻ chia cuộc sống với họ. Ý nghĩa sống được thiết lập khi nhận thấy giá trị quan trọng của bản thân trong mắt người yêu, và ngược lại, giá trị và những khả năng đang tiềm ẩn của họ được vén lộ ra nhờ tình yêu.

            Thứ ba: thái độ đối với đau khổ. Có những lúc trong cuộc đời, ta đối diện với nghịch cảnh không thể tránh được. Trong hoàn cảnh đó, ta rơi vào tận cùng tuyệt vọng, nhưng cũng chính khoảnh khắc ấy ta nhận ra giá trị thật sự của cuộc sống và tầm quan trọng của bản thân. Thay vì buông xuôi, ta cố gắng tạo nên những điều ý nghĩa trong khả năng có thể để cuộc sống có giá trị hơn. Đau khổ tự bản chất nó không có ý nghĩa gì cả, chính thái độ của ta mới tạo nên cho chúng những ý nghĩa khác nhau. Do đó, khi gặp đau khổ, điều cần thiết là khám phá ý nghĩa ẩn chứa trong đó để tạo nên giá trị cho bản thân.


            Tạm kết

            Khi người ta còn trẻ, họ nhìn cái chết với vẻ thản nhiên. Thậm chí họ chọn cách tự sát với niềm mong muốn mình được chết, để đi vào một cõi huyền bí nào đó. Nhưng, càng về già, càng sống lâu, sự bám rễ vào cõi sống càng chặt chẽ và họ cũng sợ chết nhiều hơn. Họ muốn sống và muốn được sống nhiều hơn.

            Sống và chết, một con đường tất yếu ai cũng phải bước qua. Có thể hôm nay ta chán chường, mệt mỏi, bỗng dưng thấy mình không muốn sống thì hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp mình đã trải nghiệm trong cuộc sống của riêng mình. Nó sẽ giúp cho ta có một thái độ tích cực,

            Sống không chỉ để tồn tại, mà còn là một hành trình kiến tạo cuộc sống mình có ý nghĩa, không chỉ cho riêng mình mà còn cho người khác. Vậy sống là sống sao cho khi chết ta không phải tự cười chính mình: Phải chăng cái mình gọi là sống chính là sống?

Tác Giả:  Nghiêm Hoàng 
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/hoang.nghiem.2707/ 
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá +19,087,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

474 lượt xem, 423 người xem - 429 điểm