Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Bức Thư Tuổi Trẻ

Em chào cô!

Em là một sinh viên trong lớp Kế toán quốc tế của cô. Em từng học với cô một môn rồi. Em rất ấn tượng và ngưỡng mộ cô vì cô là một giảng viên thật sự tâm huyết nhất mà em đã từng gặp. Em rất muốn được tâm sự với cô. Bởi vì em đã cố tìm một ai đó để tâm sự, để tìm ra sự kết nối với câu chuyện của bản thân. Nhưng đáng tiếc là không ai cả. Cho tới khi cô nói với chúng em rằng hãy liên lạc với cô nếu cần một sự chia sẻ.

Em xin lỗi cô vì không thể trực tiếp trao đổi với cô cũng như vì em đang dùng một tài khoản fake để viết cho cô bức thư này. Vì sự thật em là một đứa chỉ có thể diễn tả suy nghĩ của mình bằng cách viết ra.

Buổi học hôm trước cô có dành một tiết để nói về phương pháp học, về việc theo đuổi đam mê. Em cảm thấy đó là một tiết học ý nghĩa và quý giá đối với em vô cùng. Không hoàn toàn là do em đã giác ngộ được gì quá nhiều từ buổi học hôm đó (em xin lỗi cô nhiều) nhưng đó chính là những gì mà em luôn loay hoay tìm câu trả lời từ khi sắp bước vào trường cấp ba, đặc biệt là từ khi gần kết thúc lớp 12 cho tới bây giờ, năm 3 ĐH.

black and silver fountain pen

Em chưa bao giờ hài lòng về bản thân cô ạ. Em là một đứa nhút nhát, ít nói, khó cởi mở hay làm quen với người lạ, dù có là người quen nhưng khi không tìm thấy mối liên kết khi họ lắng nghe câu chuyện của mình thì em cũng sẽ chọn im lặng. Và từ trước đến giờ em vẫn chưa tìm được ai có thể hiểu mình, để mình có thể chia sẻ tất cả suy nghĩ.

Cô ạ, đã năm 3 ĐH mà em vẫn chẳng tìm nổi đâu là cái đích mà mình phải đến. Em không tìm được mục tiêu, không biết được đam mê của mình là gì. Thậm chí “đam mê” thực sự có nghĩa là gì em cũng không thể định nghĩa. Em luôn nghĩ nó là một thứ động lực khủng khiếp, là thứ duy nhất để con người ta ôm lấy và cùng nó đi tới một đích đến nào đó mà không bị dao động hay mất phương hướng. Biết được đam mê thì con người ta sẽ tìm được nơi mà mình cần tới. Em đã nghĩ thế. Và cứ mãi hỏi mình rằng đam mê của mình là gì? Ngày qua ngày vẫn không thể tìm ra.

Em muốn kể với cô về thời đi học của mình.

Em đã từng là đứa học sinh cưng của nhiều thầy cô, ở các lớp khác nhau. Lớp 5, em đã từng đạt giả Nhì HSG cấp huyện. Hè năm đó em đã nghĩ rằng mình sẽ đăng kí vào 1 trường cấp 2 chuyên trong huyện. Nhưng vì chuyện gia đình nên em đã bỏ dở ý định của mình. Em học cấp 2 trong những lớp chuyên của trường. Thật sự em cảm thấy sức học của mình có thể phát triển hơn nhiều. Nhưng giờ nhìn lại thì em nhận ra lúc ấy em đã không cố gắng hết mình. Em đã trải qua nhiều cuộc thi. Nhưng thật sự không đầu tư với chúng. Em đã chọn thi Toán và Lý HSG thành phố vào năm lớp 9 bởi vì em thích toán, lý hơn văn. Nhưng em nghĩ rằng văn là môn mà em học khá hơn 2 môn kia. Và rồi kết quả thi chẳng có gì tốt đẹp.

six assorted-color mail boxes

Lên cấp ba, em đã quyết định mình sẽ đăng kí vào khối D để học nhưng gia đình đã khuyên em nên đăng ký khối A. Và em đã không giữ được lựa chọn của mình.Tuy thế, thời cấp 3 của em cũng khá tốt. Không quá tệ. Bởi vì khi đó em không thực sự biết mình đam mê cái gì. Chỉ thích thì muốn làm, nhưng ngay cả khi làm điều mình không thích thì em vẫn có thể quen và thích  nghi một cách gượng gạo. Vì người thân kỳ vọng, em phải làm tốt. Em luôn dặn dò bản thân mình như thế.

Thật ra hồi còn học THPT em là một đứa rất thích cạnh tranh. Em luôn muốn mình là người cao điểm nhất lớp. Vì thế em đã luôn cố gắng để mình không bao giờ là người đứng thứ 2.

Lên đại học, em bước chân vào trường mình một cách không hề có hoạch định. Tuy đã đậu ngành đầu tiên mà mình đăng ký tại một ngôi trường khác (ngành học, trường học đó thực ra em cũng vì thích một cách đơn thuần nên mới chọn, vì em chẳng biết thực sự mình cần phải là ai trong tương lai mà cứ nghĩ rằng mình sẽ cứ tiếp tục cố gắng từng bước ngắn mà không có mục đích cụ thể, làm gì cũng được miễn là sau này có nhiều tiền, có điều kiện để chăm sóc cho mẹ, cho em bởi vì bố đã mất từ hồi em học lớp 7) nhưng lại một lần nữa vì lời khuyên của những người xung quanh, em đã nộp hồ sơ vào trường mình, với một ngành học mà từ bé em đã tự hứa rằng mình sẽ chẳng bao giờ sẽ theo đuổi trong tương lai. Chỉ bởi vì mọi người nói rằng nó có nhiều cơ hội việc làm, không sợ thất nghiệp.

Kỳ học đầu tiên phải nói là một kỳ học nhiều cảm xúc với em nhất trong quãng đời đi học của mình. Em một mình ra Hà Nội nộp hồ sơ, một mình xách hành lý từ quê ra, từ bến xe vào chỗ trọ mà ban đầu định rằng sẽ ở cùng đứa bạn cấp 3. Rồi nhà trường thông báo cả khoa sẽ phải xuống cơ sở Hà Nam học một kỳ. Một mình em lại xách hành lý tự lùi lại trong sự chen lấn của mọi người để đi theo đoàn xe của trường, rồi được xếp phòng ở với những người bạn mới, hoàn toàn xa lạ. Không một ai quen thuộc xung quanh, cộng với khả năng giao tiếp hạn chế một cách đáng báo động của mình, lúc đó em thấy thật sự mất phương hướng. Ngày nào em cũng phải gọi cho mẹ, cho đứa bạn thân nói chuyện, rồi lại tự kiếm chỗ ngồi khóc vì tủi thân.

Tuy thế nhưng kì học đó là kì học chăm chỉ nhất trong quãng đời đi học của em. Sau thời gian một kì em cũng đã tạm quen với các bạn cùng ký túc và kết thúc kỳ học đó với điểm xuất sắc.

Trở lại Hà Nội, em ở cùng đứa bạn thân cấp ba. Em đã không thể thích nghi nhanh chóng với lối sống của bạn mình. Đi học trên trường, đi làm thêm, tối tối đêm đêm thì gọi với bạn bè nói chuyện tới khuya lơ khuya lắc mà không học bài cũ. Bạn của em cứ như thế ngày qua ngày. Em cảm thấy mình không thể sống như vậy, em đã chuyển ra ở với người thân. Em mua sách về đọc, tạo cho mình thói quen đọc sách, em học chăm chỉ và tham gia một câu lạc bộ tình nguyện.

Nhiều lúc ngồi suy nghĩ, em không thể biết mình đang làm mọi thứ vì cái gì. Em chỉ có mục tiêu mình sẽ được học bổng để mẹ không phải lo đóng học phí cho mình. Mặc dù tham gia câu lạc bộ, nơi có một môi trường lý tưởng để trở nên hòa đồng, tự tin hơn nhưng tính cách em vẫn chẳng thay đổi gì. Em vẫn luôn là người im lặng giữa đám đông, mờ nhạt giữa tập thể.

Sau một thời gian em trở ra trọ cùng người bạn, tự lập kế hoạch cho bản thân và đặt ra những quy định với bạn cùng phòng. Em đã cố gắng nhưng kết quả là năm nhất em đã trượt học bổng vì chủ quan với một môn đại cương. Em lại xuống tinh thần. Rất buồn nhưng chóng quên, em đã vì nỗi buồn mà quyết tâm rằng sẽ phục thù. Năm 2 em tiếp tục cố gắng với mục tiêu như cũ, nhưng không hiểu một điều là những môn học em học tốt trên lớp, hào hứng ôn tập, đặt ra mục tiêu cao thì lại cho em một kết quả thấp. Mỗi lần không như mong đợi em lại trở về phòng, im lặng. Sự thật là em đã cố gắng chia sẻ với đứa bạn cùng phòng nhưng luôn nhận được câu trả lời “Học bổng làm gì, đừng có hy vọng vào học bổng, tao chỉ mong ra trường với bằng khá là được rồi.” Em rất thất vọng vì những lời nói đó nên chỉ 1 2 lần là quen, không muốn chia sẻ với ai nữa, khó chịu thì em lại tự lôi mình ra ngoài, rong ruổi trên những chuyến buýt vô định không điểm đến hay tản bộ dọc cầu Long Biên và suy ngẫm rồi trở về phòng với vẻ mặt thản nhiên cần thiết để che giấu mọi tâm tư với cô bạn cùng phòng. Em đã không ít lần suy nghĩ về câu nói của đứa bạn. Và rồi em nhận ra mình đâu có biết sau này mình phải trở thành ai, phải đi đến nơi nào, nên mình chỉ biết rằng mỗi kỳ học phải cố gắng để kỳ tiếp mẹ không còn phải lo đóng học phí cho mình. Em không thể hoạch định cho mình một kế hoạch dài hạn và cụ thể. Trong khi bạn cùng phòng mải mê với việc làm thêm kiếm tiền, tiết kiệm tiền, thì em cũng tự đặt mục tiêu đạt được gì đó trong học tập chứ bởi em và người bạn của mình đứng trên 2 quan điểm khác nhau. Đôi lúc em cũng dao động. "Hay là mình đi làm thêm phụ giúp cho mẹ?" Nhưng sau đó em lại gạt đi, bởi vì em nghĩ rằng mẹ đang cho mình đi học chứ không phải đi kiếm tiền. Năm 2 kết thúc, em nhận mức học bổng 50%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đầu năm. Em lại chuyển chỗ trọ, vì cảm thấy khi quan điểm khác nhau thì em và đứa bạn sẽ không thể có một lịch trình cũng như quy định thỏa mãn cả hai trong cùng một phòng.

Kỳ một năm ba, em đặt mục tiêu trên 800 TOEIC. Cho dù đã dùng ý chí cạnh tranh để cố gắng hằng ngày (em học chung lớp với 5 bạn khối A1), để không bị thụt lùi quá xa so với các bạn, để không quá chênh lệch quá nhiều với cô bạn cùng phòng mới. Những ngày cuối ôn thi TOEIC, em luôn làm bài điểm cao, xếp thứ 2 trong lớp. Em đã lạc quan khi nghĩ về một kết quả tốt nhưng cuối cùng mọi thứ lại  một lần nữa trượt ra khỏi dự tính.

Ngày biết kết quả thi là một ngày cận Tết, đang ở bên gia đình nên em càng cảm thấy thực sự thất vọng vì bản thân, cảm thấy có lỗi với mẹ. Cũng học như các bạn nhưng lại không thể bằng các bạn. Em đã luôn so sánh mình với mọi người như thế. Em đã stress mấy hôm liền nhưng chẳng thể chia sẻ cùng ai.

Thỉnh thoảng, em lại thấy những người bạn cũ qua mạng xã hội. Các bạn ấy từng nhút nhát như em, từng học không nổi bật thời cấp 3, nhưng bây giờ họ đều đã thay đổi. Họ có đam mê để mà nỗ lực, để rồi ngày càng phát triển, ngày càng thành công, càng đáng ngưỡng mộ. Nhìn lại bản thân, em luôn thấy mình giậm chân tại chỗ. Luôn bắt đầu mỗi ngày với những việc phải làm chứ không phải những việc được làm. Tuy đã có lúc em tự kéo tinh thần của mình, tự dặn mình phải lạc quan, tự cho rằng đam mê thật ra không tồn tại mà điều tốt hơn là nên làm tốt tất cả những gì đến với mình để rồi từ đó mà bước chân vào những cánh cửa bất ngờ trong cuộc sống và khám phá chúng nhưng em đã không thể tránh khỏi những lúc buông thả, nằm trên giường và giết chết thời gian cùng những thiết bị thông minh hay mạng xã hội.

round gold-colored analog watch with link bracelet

Cho tới một ngày không thể chịu nổi việc nhìn thời gian trôi qua trong nhàn rỗi, trong sự trống rỗng vô định. Em đã lấy sổ tay, vạch ra những điều mình cần thực hiện. Rất nhiều việc được liệt kê trên giấy. Tăng cân, chăm sóc sức khỏe, quan tâm người thân, học tiếng Anh giao tiếp, cải thiện kỹ năng văn phòng, đọc sách, tìm hiểu về cơ hội việc làm, tập sống hòa đồng với đám đông nhanh chóng,.. rất nhiều thứ em còn thiếu và phải hoàn thiện. Nhưng rồi em nhận ra mình không biết sẽ làm từ đâu, làm như thế nào và làm xong mình sẽ được gì, sẽ đi đến đâu.

Em đọc sách, những trang sách self - help mà người ta cứ mãi nói về đam mê, nói về động lực khiến con người vượt qua tất cả những khó khăn, thách thức trong cuộc sống và chúng lại làm em suy nghĩ, làm em tiếp tục khủng hoảng với câu hỏi định mệnh “Đam mê của mình là gì?”.

Trong phòng trọ, mọi người đều có việc để làm trong lúc em loay hoay vạch định những mục tiêu mơ hồ trên giấy. Em viết rằng mình phải học tiếng Anh thật giỏi, tiếng Anh sẽ mở ra những cơ hội cho bản thân trong tương lai. Nhưng em không thể bắt đầu việc tự học giao tiếp khi trong phòng có một bạn giỏi tiếng Anh, 865 TOEIC và đang theo học một khóa tiếng Anh giao tiếp. Em luôn bị chính bản thân  mình chặn lại. Không muốn ai thấy mình đang học, không muốn ai cười cợt khi mình phát âm sai (vì em không cảm giác an toàn với những người ngoài gia đình, em tự cảm nhận được điều đó). Em muốn tự mình làm tất cả trong một sự riêng tư tối đa hoặc bắt đầu với những người hoàn toàn xa lạ đang học như mình ở một trung tâm nào đó chẳng hạn. Nhưng đó lại là điều không thể lúc này.

Em muốn học tiếng Anh, muốn trở lại với thói quen đọc sách đã bỏ rơi lâu nay nhưng không muốn bất cứ ai nghĩ mình đang học theo họ như một kẻ a dua. Đó thật sự là những gì em cảm thấy vào lúc này. Thật không nên tâm sự với cô vì những hoàn cảnh tác động xung quanh em bây giờ. Nhưng chúng chính là phần lớn lí do em sử dụng để trì hoãn mình.

Ước muốn được ở một mình và không phải bị tác động bởi thái độ hay hành động của bất cứ ai khi mình thực hiện những kế hoạch hoàn thiện bản thân lại trở về với em, khiến em ngày càng yêu thích sự cô đơn.

Hoặc phải thực hiện được việc ra ngoài ở riêng hoặc phải tìm một cách để giải quyết hợp lý. Cho nên, em lại tìm kiếm tất cả những câu hỏi lòng vòng trong đầu của mình trên Internet. Em search Google một cách điên cuồng để hy vọng rằng sẽ có thể tìm những bài viết liên quan đến những chông chênh, mất phương hướng của mình, nguyên nhân và cách giải quyết và tất cả những gì xung quanh cuộc sống của một người trẻ như mình hay là để biết mình không phải là người duy nhất có những khó khăn này cũng được.

Rồi sau đó em viết nhật kí, viết lại những gì cảm thấy hay ho mình đọc được, tìm hiểu sâu hơn về những khái niệm mới lạ mình tiếp cận lần đầu, tìm cách hoạch định cho những mục tiêu hoàn thiện bản thân, để luôn lạc quan, để tiếp tục cố gắng đi tìm định nghĩa về đam mê cho mình và cố gắng để biết được đam mê của mình là gì, đích đến của mình ở đâu, nó trông từa tựa như thế nào.

Nhưng đó là một quá trình thật khó khăn cô ạ! Em rất muốn biết rằng mình bắt đầu mọi thứ như thế đã đúng chưa, liệu có phải là quá muộn không. Em không muốn lại tiếp tục phí hoài tuổi trẻ nữa, em muốn mỗi phút giây mình sống đều phải có ý nghĩa nhưng lại cứ mãi mông lung, vô định, lạc lối và mò mẫm trong những suy nghĩ hạn hẹp của chính bản thân.

Em thật sự muốn biết mình phải làm gì lúc này. Và thật sự muốn tìm người để chia sẻ những gì trong lòng.

Em xin lỗi cô vì đã viết cho cô một bức thư dài và tiêu cực đến vậy. Không biết là cô có đọc được nó không nhưng em thật sự cảm ơn cô vì cô đã sẵn lòng chia sẻ với chúng em những bài học ý nghĩa, và sẵn lòng chìa một bàn tay giúp đỡ cho những sinh viên của mình. Nếu có thể em rất muốn nhận được lời khuyên của cô.

Em chúc cô luôn thành công trong sự nghiệp giảng dạy của mình, luôn là một giảng viên tâm huyết hết mình với sinh viên và luôn hạnh phúc trong cuộc sống!

Em biết ơn cô nhiều!


Tác Giả: An Thảo
--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info


(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

430 lượt xem, 429 người xem - 452 điểm