Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Bước Qua Giai Đoạn "Chững" Trong Cuộc Sống

Trong quá trình thực hiện một kế hoạch nào đó nhằm nâng cao khả năng của bản thân, nhất là những kế hoạch “dài hơi”, đến một thời điểm, bạn cảm thấy bản thân không thể nào tiến thêm một bước nào nữa trong quá trình rèn luyện. Những giai đoạn đột nhiên chững lại đó khiến chúng ta cảm giác bị cầm tù và bế tắc. Bạn hiểu bản thân muốn gì, khao khát trong tâm can của bạn là gì nhưng bạn lại bị mắc kẹt ở một nơi, và nơi đó cách xa mục tiêu mà bạn muốn đạt đến rất nhiều. Bạn đã cố gắng để cải thiện, nhưng dù cố gắng rất nhiều, tình hình vẫn không có vẻ khả quan hơn.

Tôi đã từng trải qua cảm giác này nhiều lần, nên lời khuyên của tôi là bạn nên thay đổi cách giải quyết vấn đề và nhìn chúng ở một khía cạnh khác. Giống như một khối rubik có 6 mặt, nếu bạn chỉ chăm chăm nhìn vào một mặt của nó, bạn sẽ không thể nào xoay nó theo đúng hướng được. Và chỉ bằng một vài thay đổi nhỏ trong thói quen và quan điểm của mình, bạn có thể phá bỏ rào cản của sự tầm thường và nâng tầm cuộc sống của mình lên.

Giai đoạn “chững”

Vào năm 1967, trong cuốn sách Human Performance (tạm dịch: Hiệu suất làm việc của con người), hai nhà tâm lý học Paul Fitts và Michael Posner đã nhận định rằng, thông thường, khi muốn chinh phục một kỹ năng mới, con người thường phải trải qua 4 giai đoạn:

Nhận thức. Trong giai đoạn này, bạn phải tiếp cận kiến thức, nghiêm túc tập trung cao độ vào những gì mình đang làm, bạn phải đọc lý thuyết cũng như biết được các công cụ cần thiết để thực hiện kỹ năng đó hiệu quả. Quá trình này sẽ xuất hiện rất nhiều những sai lầm vì ta mới chỉ đi những bước đầu tiên trong quá trình hình thành kỹ năng.

Liên kết. Đây là lúc bạn liên kết những gì bạn đọc/ học trên lý thuyết với thực tiễn và áp dụng chúng vào việc thực hành. Người học biết cách làm một cái gì đó; nhưng, mặc dù vậy, việc thể hiện kỹ năng hoặc kiến ​​thức này đòi hỏi rất nhiều ý thức hoặc sự tập trung. Ý thức và sự tập trung cao độ này thường làm cho người học cảm thấy căng thẳng, lo âu.

Tự chủ. Tác giả Joshua Foer gọi đây là giai đoạn "OK plateau" (ngưỡng OK). Giai đoạn này xảy ra khi chúng ta đã giỏi một thứ gì đó, chúng ta sẽ đưa những kỹ năng đó vào “chế độ lái tự động”, như một dạng hành động vô thức và chúng ta sẽ ngừng cố gắng để trở nên tốt hơn. 

Thành thạo. Đây là lúc bạn đã vượt qua giai đoạn “hài lòng với chính mình” để thách thức bản thân làm những điều khó khăn hơn, bạn sẽ nâng cao được kỹ năng cũng như khả năng chịu đựng của bản thân để có thể thực hiện kỹ năng đó một cách hoàn hảo và thậm chí chia sẻ cách thực hiện nó với những người xung quanh. Nếu ở ngưỡng OK, bạn chỉ là một người ở mức độ Intermediate (trung cấp) thì ở mức độ thành thạo, bạn đã trở thành Master rồi và nếu tiếp tục, bạn sẽ trở nên Professional (chuyên gia). 


(nguồn ảnh: The Startup)

Thông thường, khi chạm đến ngưỡng OK này, bạn sẽ cảm thấy chẳng vui vẻ chút nào cả. Theo thời gian, giai đoạn này sẽ là thứ khiến bạn cảm thấy bất ổn, khiến kế hoạch của bạn lung lay và bạn sẽ cảm thấy rằng mục tiêu bạn muốn đạt đến đột nhiên trở nên càng lúc càng xa vời.

Hầu hết mọi người cho rằng sẽ rất khó để vượt qua ngưỡng này, vì nó đại diện cho giới hạn khả năng bẩm sinh của bạn. Chẳng có một tác nhân ngoại vi nào (như sự nỗ lực và phương pháp giáo dục) có thể hỗ trợ bạn vượt qua nó cả. Tuy nhiên Fitts, Posner và rất nhiều nhà tâm lý học khác đã khám phá ra rằng, bằng việc tiếp cận đúng vấn đề khó khăn và điều chỉnh thái độ của bạn đi một chút, tất cả chúng ta đều có thể phá vỡ giai đoạn chững và chạm đến năng lực thực hành vô thức.

Cách vượt qua giai đoạn chững (chỉ mang tính tham khảo)


1. Đừng sợ rủi ro mà hãy đón nhận nó

Chúng ta chỉ có thể phát triển khi thoát ra khỏi “vùng an toàn” của bản thân. Khi chúng ta mong muốn mọi việc phải thật hoàn hảo mà lại bị mắc kẹt ở giai đoạn chững sẽ khiến bạn thực sự nản lòng và khó chịu. Bạn không thay đổi những cách làm cũ, vì bạn sợ mình sẽ đi sai bước nào đó. Bạn chấp nhận một thành công an toàn từ đầu đến cuối. Bạn chấp nhận việc đứng yên để có kết quả tốt còn hơn chạy nhanh để rồi ngã đau. Tâm lý sợ rủi ro xảy ra này chính là một lý do quan trọng khiến bạn mãi bị chững lại.

2. Thất bại là một việc tất yếu

Chúng ta đều sợ rủi ro, tuy nhiên, muốn vượt qua chúng, bạn phải cho phép bản thân thất bại và trở nên tầm thường. Những người thành công, dù bản thân họ sợ thất bại, nhưng họ sẽ vui vẻ chấp nhận thất bại của mình để rút ra kinh nghiệm cho lần tiếp theo. Nghĩa là họ sẽ nhìn vào thất bại để tìm ra lối đi khác cho họ. Việc làm này khiến họ rất khó bị mắc kẹt trong một giai đoạn nào đó dẫn đến ngưỡng OK và có tác dụng thúc đẩy họ hành động nhanh hơn. Hãy nghĩ rằng thất bại là một món quà mà Chúa đem đến cho bạn để bạn tiến gần hơn với mục tiêu của mình. 

3. Tập cho mình thói quen tránh khỏi những “tấm đệm êm”

Hãy thừa nhận đi nào, việc bạn dâm chân tại chỗ như hiện nay có một phần đến từ việc những người xung quanh bạn nói rằng mọi thứ bạn làm đều ổn.  

“Bài thi toán lần này tao làm kém quá, được có 7 thôi”

“7 điểm là cao rồi đấy, hãy biết ơn vì mày được điểm trên trung bình đi, đầy đứa dưới 5 điểm kia kìa”

Đó chắc hẳn là một tình huống quen thuộc phải không? Những tiêu chuẩn mà bạn đưa ra sẽ luôn bị người khác hạ thấp xuống. Bản chất của việc này giống như luận điểm “Dưới một người, trên vạn người” của mấy ông Thái sư trong phim truyền hình cổ trang vậy.

Có một thực tế rõ ràng rằng, mỗi khi bạn đối diện với khó khăn và chia sẻ điều này cho người khác, bạn mong rằng họ sẽ nói với bạn điều bạn muốn nghe, chứ không phải điều mà bạn cần nghe. Bạn mong rằng mọi người vẫn đang nhìn nhận công việc mà bạn đang làm là ổn, là đi đúng hướng, chứ bạn không muốn nghe những ý kiến mang tính “xây dựng” hay nhắm thẳng vào điểm yếu của bạn. Kết quả là sau mỗi dự án bạn thực hiện, thay vì nhận được những góp ý giúp bạn rút kinh nghiệm vào lần sau, bạn sẽ chỉ toàn nhận được những câu nhận xét kiểu như “bạn đã làm rất tốt rồi, không có gì cần phải sửa cả”.

Nếu bạn đang rơi vào tình trạng này, tôi khuyên bạn hãy tìm đến những chuyên gia, cố vấn nghiêm khắc để họ chỉ ra chỗ bạn làm chưa được, dù lời họ góp ý có thể khó nghe lúc ban đầu, nhưng hãy biết ơn, vì ít nhất họ sẽ không lừa bạn.

Khi bạn chấp nhận những lời chỉ trích và góp ý thẳng thắn, bạn sẽ trở nên kỷ luật và cố gắng luyện tập nhiều hơn. Bằng việc ghi nhận lời nhận xét có chủ ý tốt và tìm ra lỗi sai của bản thân để mình có thể cải thiện vào lần sau, bạn sẽ nhận ra, những lời chỉ trích đó, hóa ra lại là điều hữu ích đối với bạn. 

4. Quay trở lại những điều cơ bản

Khi chạm đến giai đoạn chững việc chúng ta thường làm là cuống cuồng tìm cách thoát khỏi nó bằng việc thay đổi chiến thuật hay phương pháp thực hiện. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm cá nhân lẫn việc quan sát hàng ngày, tôi không cho đó là một phương án hữu ích, vì đôi khi bạn sẽ phải mất rất nhiều thời gian để thay đổi, lập trình kế hoạch mới, và trong quá trình thực hiện, sẽ là một tỉ lệ phần trăm rất cao rằng bạn sẽ lại gặp lại giai đoạn chững mà bạn đang cố gắng vượt qua.

Vậy nên, thay vì dành thời gian tìm kiếm những thứ mới, tôi bắt đầu tập trung vào những điều căn bản. 

Khi tôi chạm đến giai đoạn chững trong việc dịch thuật tiếng Anh, tôi sẽ đánh giá lại kỹ năng dịch thuật của mình và đi làm một bài tập dịch đơn giản trong sách giáo khoa của học sinh cấp 2. Khi chạm đến ngưỡng OK của việc viết lách, tôi sẽ dừng viết trong 3-5 ngày, tìm đọc vài quyển sách mà tôi thấy thích và quay trở lại với việc viết lách. Đôi khi, những điều đọc được trong sách còn giúp tôi nảy ra ý tưởng cho câu chuyện tiếp theo của mình. Các vận động viên nâng tạ khi gặp phải giai đoạn chững trong việc luyện tập, họ sẽ giảm cân, tập trung vào vóc dáng và tăng dần số tạ trở lại, ...

Dù đang ở trình độ nào, dù cao đến mức nào đi chăng nữa, bạn không thể phủ nhận rằng những điều cơ bản nhất là những điều quan trọng nhất, nó là điểm khởi đầu để bạn tiến xa hơn nữa trong quá trình đạt được mục tiêu của mình.

5. Nhìn xa hơn, suy nghĩ nhiều hơn

Không có khoảnh khắc nào kéo dài mãi mãi, cũng không có thất bại nào khiến ta phải mãi mãi cúi đầu. Giai đoạn chững không thể kéo dài nếu bạn không cho phép nó làm thế. Bằng sự nỗ lực hết mình, bạn thực sự có thể vượt qua nó. Khi nhìn và suy nghĩ xa hơn, xoáy sâu vào cái nhìn toàn cảnh, bạn sẵn sàng chấp nhận rủi ro, lùi một bước để tiến ba bước.

Để có được thái độ này, hãy suy ngẫm về những lần bạn đạt đến ngưỡng OK và vượt qua được nó. Nếu quá khứ bạn làm được, hiện tại bạn cũng có thể. Nếu bạn không nghĩ ra đó là gì, hãy hỏi bạn bè hay những người xung quanh mình, vì chắc chắn họ sẽ nhận ra điều mà bạn đã vô tình bỏ qua.

Khi tôi học phát âm tiếng Anh, tôi chạm đến ngưỡng mà bản thân tôi cảm thấy rằng phát âm của mình không thể nào tốt hơn được nữa, rằng lưỡi tôi sẽ cứng lại nếu tôi tiếp tục luyện phát âm như thế này. Nhưng vì tôi không chấp nhận bản thân đang đi sai hướng, nên tôi đã tìm cách để thúc đẩy bản thân bằng cách đọc lại những sách về phát âm viết bằng tiếng Việt, xem những video hoạt hình của trẻ con có những từ tiếng Anh phát âm dễ. Cứ thế, tôi ngừng sợ luyện phát âm, và thoải mái diễn tả suy nghĩ của mình bằng tiếng Anh mà không sợ rằng phát âm của mình là đúng hay sai. Bây giờ, mỗi lần tôi đạt đến giai đoạn chững ở bất kỳ lĩnh vực nào, tôi chỉ cần nhớ lại câu chuyện này và nhận ra rằng giai đoạn chững chỉ là do bộ não lười biếng của tôi đang nói dối chính tôi mà thôi.

Công việc nào, kế hoạch nào cũng có những khó khăn, những trở ngại mà bạn bắt buộc phải vượt qua, cho dù đó chỉ là việc nhỏ như rửa bát hay quét nhà. Tuy nhiên, những trở ngại này không thể đánh gục bạn khi bạn không hề sợ hãi nó. Những điều tuyệt vời nhất vẫn đang đợi bạn ở phía cuối con đường, chỉ cần bạn không từ bỏ mục tiêu của mình, bạn sẽ vượt qua khó khăn. Hãy dành thời gian để suy ngẫm, đánh giá lại quá trình làm việc của mình để biết bản thân sai ở đâu và sửa cho đúng. 

Link tham khảo:

https://lifehacker.com/break-through-your-ok-plateau-by-studying-yourself-fa-5944508 

https://www.topvelocity.net/3-stages-of-learning/

https://www.psia-rm.org/download/resources/fall_training/PSIA-RM%20&%20Fitts%20&%20Posner%20Stages.pdf

https://www.ubrand.global/courses/ban-da-bao-gio-doi-mat-giai-doan-chung-trong-cuoc-song

Tác giả: Bút Xanh 

--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link:
http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info


(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,256 lượt xem, 1,248 người xem - 1253 điểm