Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Cách Đơn Giản Nhất Để Thắng Đời 1- 0: Làm Đi, Chờ Chi?

"Thôi nháp nốt năm nay, năm sau làm lại."

"Nếu lúc đó mà chịu nhảy trên Tiktok thì giờ đã không phải đi làm ngày 8 tiếng."

Những câu nói quen thuộc, nghe tưởng đùa, nhưng lại là tâm trạng rất thật của thế hệ trẻ bọn mình. 

Thẳng thắn với nhau này, tại sao những câu nói đó lại LẶP LẠI nhiều lần trong đời chúng mình vậy nhỉ? Như một vòng xoáy khiến chúng mình thất vọng về bản thân HẾT LẦN NÀY ĐẾN LẦN KHÁC...Có thể vì:

- Sợ hãi?

- Lười biếng?

- Thiếu động lực?

- FOMO?

- ...

Dù lý do là gì thì sự thật là, những cái "giá như", "nếu lúc đó" đều là sự tiếc nuối cho vô số cơ hội bị bỏ lỡ, cho quãng thời gian bị lãng quên, vân vân và mây mây nữa


Thật dễ dàng để ai đó ngoài cuộc chơi đưa ra lời khuyên kiểu: LÀM ĐI, CHỜ CHI?

Và bạn sẽ phản ứng kiểu: ??? cùng muôn vàn những hoài nghi trong đầu.


KHÔNG SAO! Hãy cùng nhau từ từ gỡ rối...



1. THẤU HIỂU cho mọi loại trạng thái vì não cũng cần được lười biếng

Bạn có biết? Thực tế, bộ não nguyên thủy của chúng ta được thiết kế để trở nên lười biếng. Nghe rất ngược đời đúng không? Nhưng đó lại là sự thật được khoa học chứng minh. Thông qua việc nghiên cứu các bộ tộc, bộ lạc lâu đời, giáo sư Harvard chuyên về sinh vật học tiến hóa Daniel E. Lieberman chỉ ra rằng tổ tiên loài người thường chỉ vận động để phục vụ mục đích sinh tồn. Họ đi bộ khi cần di chuyển, săn bắn để tránh bị đói và chỉ chạy khi gặp nguy hiểm. Do đó, đừng vội thất vọng về bản thân nếu bạn cảm thấy mình thật lười biếng, bởi cũng như ta, họ thậm chí dành 10 tiếng mỗi ngày chỉ để ngồi và không làm gì cả. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, dù con người nguyên thủy ít khi vận động, song mức độ hoạt động thể chất của họ vẫn ở cường độ cao và đều đặn hơn so với đa số chúng ta hiện nay. Nên đừng vội cười haha mà hãy nghiêm túc tự đánh giá lại xem bản thân mình có lười hơn cả "người ở thời đười ươi" không bạn nhé. 

Để hiểu toàn diện, cần biết thêm rằng não có hai cơ chế vận hành chính: Focused Mode (tập trung để xử lý công việc nhanh) và Diffuse Mode (phân tán để kết nối vấn đề sâu sắc). Chế độ tập trung thì quá nhiều ưu điểm rồi. Vậy còn ở trạng thái phân tâm thì sao? Liệu có lợi ích gì? Trong cuốn Exercised, giáo sư Lieberman khẳng định cảm giác lười biếng trong mỗi chúng ta là bình thường, là cơ chế bản năng, giúp não tiết kiệm năng lượng. Củng cố thêm lợi ích cho vấn đề này, một nghiên cứu khác của Viện Khoa học Thần kinh và Nhận thức Max Planck của Đức cũng chỉ ra: "Khi con người cho phép tâm trí mình lười biếng, bộ não dành tới 48% thời gian để suy nghĩ về tương lai, nhiều gấp 14 lần bình thường, ngoài ra, những dự tính về mục tiêu dài hạn của bản thân cũng nhiều gấp 7 lần khi ta thơ thẩn." Hiểu đúng và đầy đủ hai cơ chế này, bạn sẽ nhận ra rằng sự lười biếng có chọn lọc là sự ngắt kết nối với bên ngoài để kết nối với chính mình, khác hoàn toàn so với sự lười biếng vô định, xao lãng.

Bộ não thì rất phức tạp để hiểu, nhưng không khó để vận hành. Chúng ta cần thấu hiểu cảm xúc của bản thân và tập điều chỉnh hành vi theo chiều hướng mong muốn. 

Tự hỏi: mình đang ở trạng thái nào, tại sao và cần làm gì để tình huống tốt hơn?


2. Ngưng dán nhãn bản thân và ĐỐI DIỆN với “con bò” của bạn

Hãy thử tưởng tượng bạn đang chăn cả một đàn bò.

Mà mỗi "con bò" ở đây đại diện cho nỗi sợ, niềm tin sai lầm, thói hư tật xấu, lời nói dối, biện minh...  

Dù chúng không mấy tốt đẹp, nhưng lại là tấm khiên vững chắc, giữ chặt bạn trong vùng an toàn.

Vậy bạn còn muốn giữ chúng nữa không? 

Cần hiểu rằng nỗi sợ hay những cái cớ chỉ là một phản ứng giữa các dây thần kinh, một cơ chế bảo vệ được não kích hoạt để giúp chúng ta thoát khỏi các mối nguy hiểm. Như trong Kinh Phật có một câu nói rất hay "Chúng ta là những gì chúng ta nghĩ." gắn với câu chuyện về vị tu sĩ Angulimala, vị này đã chuyển hóa bản thân từ một tên tướng cướp giết 999 mạng người cho đến bậc A la hán đắc Thánh quả bằng việc thay đổi nhạn thức và hành động của mình. Thật vậy. Chỉ khi chúng ta thay đổi cách nhìn, buông bỏ đi những chấp niệm, những niềm tin sai lầm, những cái cớ và biện minh, thì suy nghĩ và hành vi mới đổi khác, từ đó cuộc sống mới có những bước ngoặt mới.

Tương tự với bản đồ sao, thần số học, nhóm máu, tarot, tử vi,...

Bạn có đang để những thứ này định nghĩa? Chẳng hạn:

- Tính cách là do cung hoàng đạo, MBTI.

- Thất bại là do năng khiếu không khớp với con số cá nhân.

- Ngoại hình còn tùy thuộc vào nhóm máu.

Hãy thử chậm lại một chút và tự hỏi: Liệu bạn có hiểu bản thân mình? Bạn có đang tự ý thức được hành vi của mình? Hay bạn đang vô thức bị kiểm soát bởi người khác? Những công cụ vui, những thông tin không thể kiểm chứng, vô tình đã trở thành kim chỉ nam điều hướng nhận định và suy nghĩ của bạn về bản thân. Chưa kể, khi mang tâm lý đồng thuận với việc rập khuôn hình mẫu, chính bạn cũng vô thức tiếp nhận những dán nhãn của người khác.

Theo đó, qua một khảo sát, 3 nhà khoa học Mỹ cũng chỉ ra rằng: khi bắt đầu một ngày mới, những người tiếp thu thông tin tiêu cực về tử vi của bản thân sẽ có xu hướng sống hời hợt và buông thả hơn những người không nhận được thông tin đó. Nghiên cứu này tuy chưa toàn diện, nhưng đã phần nào cho thấy được việc dán nhãn bản thân sẽ mang đến những tác động không lành mạnh cho chúng ta. 

Nên nhớ, bạn là tập hợp của hàng nghìn tỷ tế bào, vậy nên những con số hay biểu tượng không thể diễn tả được trọn vẹn về bạn, cũng như một vài nỗi đau cũng không thể đánh gục bạn dễ dàng. 

Tự hỏi: mình hiểu gì về bản thân và "con bò" nào đang cản bước tiến của mình?


3. Chấp nhận rằng quá khứ đã qua và hiện tại không thiếu cơ hội cho ta THỂ HIỆN KHÁC ĐI 

Hãy thử tưởng tượng bạn đang đứng trước cửa một tiệm bánh mới khai trương, với vô vàn các loại bánh ngon mắt khác nhau. Bạn quyết định chọn vài món để thưởng thức. Sau khi ăn, bạn nhận ra, có món hợp miệng, có món không. Vậy thì cho mình hỏi, vào lần mua tiếp theo, liệu bạn có chọn lại vị bánh mà bạn từng chưa ưng ý không? 

Mình cho rằng đa số sẽ lắc đầu. Bởi nếu được lựa chọn thì đâu ai muốn "tắm hai lần trên một dòng sông". Nhỉ?

Ấy thế mà chúng ta vẫn đang làm điều đó hàng ngày, trong những lựa chọn quan trọng, quyết định được nhiều thứ hơn là làm no cái dạ dày. Chẳng hạn:

- Bám rễ trong cách phản ứng mà đã từng rất muốn loại bỏ (tức giận với người nhà, chán ghét bản thân...)

- Chơi game "lò vi sóng" cùng những nhân vật có ảnh hưởng không lành mạnh tới đời sống cá nhân (bạn yêu cũ, đồng nghiệp cũ, hay chỉ đơn giản là một người ối dồi ôi ngẫu nhiên nào đó trên mạng...)

- Dễ dàng bỏ qua lần thứ N cơ hội tương tự mà đã từng tiếc (tham gia CLB, tham gia cuộc thi, thử sức lĩnh vực mới...)

Nếu bạn cảm thấy quá khó để đưa ra quyết định, mình gợi ý mô hình Yes-No Flowchart được tạo ra bởi 2 kỹ sư người Mỹ. Mô hình này đơn giản và hiệu quả, giúp bạn xử lý vấn đề bằng việc trả lời các câu hỏi theo chiều hướng dứt khoát mà không cần tốn quá nhiều năng lượng và cảm xúc để nghĩ lan man:

- Yes -> do it (Có -> Làm luôn)

- No -> quit/if else (Không -> bỏ/nghĩ cách khác)

Tự hỏi: sau những lần sống bản năng, mình đã thử lựa chọn một lần sống bản lĩnh chưa? 


4. Dám nghĩ dám làm chưa chắc sẽ "thành công", nhưng chắc chắn là một trải nghiệm XỨNG ĐÁNG

Mình còn nhớ vào năm cuối đại học, khi các bạn than là "Làm đồ án chưa đủ mệt hả?" thì mình trả lời là "Không! Không chỉ không mệt mà tui còn muốn thử kinh doanh trong dịp chỉ có 1 lần trong đời này đây!" Nói là làm. Song song với việc cày báo cáo đồ án, lên công ty thực tập, mình còn tự tay handmade những bông hoa gấu độc nhất vô nhị, háo hức chuẩn bị bán trong 1 tuần lễ báo vệ đồ án của trường.

Kết quả là, thương vụ đầu tay thành công hoàn vốn, có lãi nhỏ. Tuy không rực rỡ về mặt thành tích, nhưng bù lại, mình đã nhận được nhiều bài học kinh nghiệm, nhiều trải nghiệm sống chưa từng có. Và chắc chắn, điều tuyệt vời hơn cả chính là không có thêm một "giá như" được sưu tầm vào trong danh sách "những điều hối tiếc". Chỉ riêng thế thôi, mỗi khi nhắc lại cũng đủ khiến mình thấy tự hào và tin tưởng vào bản thân nhiều biết chừng nào. 

Định nghĩa thành công của chúng ta có thể không giống nhau, nhưng mình luôn giữ niềm tin và khẳng định là những trải nghiệm khi bạn dám làm luôn là "xứng đáng". Bởi lẽ:

- Mình nhận ra: “Khi bạn muốn một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lại để giúp bạn đạt được nó." Theo cách rất riêng và đặc biệt, vũ trụ mang đến cho mình một gia đình yêu thương, một người bạn trai tâm lý, những người bạn tài giỏi, luôn tôn trọng và ủng hộ quyết định của mình, hỗ trợ mình rất nhiều mỗi khi mình chia sẻ rằng mình sẽ làm cái này và quyết đi tới cùng.

- Mình hiểu được không gì là thất bại, tất cả chỉ là một phần trong quá trình tìm và đạt được mục đích. Câu chuyện kinh doanh của mình cũng không hề hoàn hảo, do không tính toán kỹ nguyên vật liệu mà mình bị tồn dư khá nhiều đồ. Nhưng không sao hết, dù chưa tận dụng được hết trong dịp này, thì mình còn nhiều dịp khác để bán.

Tự hỏi: mình đã dám làm gì và ngẫm lại xem hành trình đó có những điều gì đáng học hỏi? 


5. Truyền cảm hứng và xây dựng động lực tự thân bằng tư duy NGƯỜI CHIẾN THẮNG

Nếu bạn đã chán nản với việc tìm kiếm cảm hứng và động lực từ bên ngoài thì để mình nói cho bạn nghe: BẠN CŨNG CÓ THỂ TRỞ THÀNH "NGƯỜI ẤY".

Trong cuốn sách "The Winner Effect", giáo sư tâm lý học và khoa học thần kinh người Anh - Ian Robertson đã nghiên cứu và chứng minh được vai trò của hệ thần kinh với chiến thắng. Qua thí nghiệm của mình, ông chỉ ra rằng một con vật sau khi đã chiến thắng các đối thủ yếu, nó sẽ có nhiều khả năng giành chiến thắng trước các ứng cử viên mạnh hơn. Điều đáng kinh ngạc là phản ứng này xảy ra tương tự với con người, khẳng định sự liên kết mật thiết giữa khoa học thần kinh và các yếu tố tạo nên thành công. Cụ thể, các hormone tích cực testosterone và dopamine được gia tăng ngay khi ta vượt qua ai đó, hoàn thành được một công việc, hay giải quyết được một vấn đề mà ta cảm thấy đó là một chiến thắng. 

Tuy nhiên, không phải lúc nào cuộc đời cũng đầy những trận đấu lớn và việc "giữ chuỗi" là một điều vô cùng thử thách đối với tất cả chúng ta. Vậy làm thế nào để có thể sử dụng "Hiệu ứng người chiến thắng" một cách hiệu quả và chinh phục những thách thức lớn hơn?

Chìa khóa nằm ở những chiến thắng nhỏ.

Hãy nghĩ về thứ nhỏ nhất có thể khiến bạn cảm thấy thành công? Hãy làm điều đó. Rồi ăn mừng chiến thắng như một đứa trẻ! Chẳng hạn:

- Dọn dẹp phòng sạch sẽ là một chiến thắng nhỏ.

- Đọc thêm 5 trang sách là một chiến thắng nhỏ. 

- Ăn ít hơn trong kỳ nghỉ lễ vì mục tiêu giảm cân, cũng là một chiến thắng nhỏ.

Những chiến thắng nhỏ dần dần sẽ giúp chúng ta xây dựng và củng cố sự tự tin để chuẩn bị cho những chiến thắng lớn. Ngược lại, nếu bạn đang cảm thấy thiếu tự tin, hãy xem xét lại, có thể bạn đang để mình thua trong những kỳ vọng quá lớn hay những mục tiêu quá xa vời. Hãy nhớ rằng những thất bại cũng tác động tâm lý mạnh mẽ ngang với chiến thắng. Cách duy nhất để xây dựng và duy trì động lực tự thân theo hướng bền bì là bạn cần điều chỉnh mục tiêu và hành động sao cho phù hợp với lộ trình của riêng mình. 

Tự hỏi: mình thần tượng điều gì ở bản thân và có thể làm gì để mình trở nên tuyệt vời hơn?

Mình cho rằng cuộc đời chúng ta chưa bao giờ là một đường thẳng. Thậm chí là trong những giây phút mà bạn hoài nghi về bản thân hay cảm thấy cuộc đời sao mà nhạt và ít biến động thế. Hãy thử đổi góc quan sát khác đi, trân trọng nỗ lực của bản thân hơn, có lẽ bạn sẽ nhìn ra rằng mình cũng đang sống trong một cuộc đời tuyệt vời mà bao người ao ước. Thế nên đừng vội cảm thấy thiệt thòi nếu ngôi sao là mình chưa đủ sáng. Hãy xắn tay lên và đẩy kính viễn vọng ra xa hơn, vì còn nhiều điều đang chờ bạn chinh phục.

Vậy đó,

LÀM ĐI, CHỜ CHI?                            

                                                                


Tác Giả: Phương Thảo (Minji)

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: Minji.phngthao 

 --------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +15.000.000 VND/tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,866 lượt xem, 610 người xem - 1207 điểm

lh-fulllh-x