Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Cái Giá Của Sự Ổn Định Và Giá Trị Của Sự Từ Bỏ

Bản thân chúng ta, như một lẽ tự nhiên, luôn rất sợ cảm giác thiếu an toàn. Chính vì điều này, bạn luôn phải đấu tranh trong nhiều tình huống rằng nếu mình dũng cảm, can trường bước lên thì liệu ngày mai sẽ như thế nào. Trường hợp bạn vẫn dè chừng, sợ hãi không dám vượt qua nỗi sợ ấy, thì đảm bảo rằng tinh thần và tâm can của bạn cũng chẳng để bạn được yên thân.

Bạn có bao giờ dám làm điều này?

Với tâm thế của một sinh viên mới ra trường, tìm được một công việc tốt, có cơ hội phát triển, mức lương đáng mơ ước quả là một điều không tưởng. Vậy nếu đặt vào tính huống bạn đã tìm được công việc tương đối “ngon” ở mọi khía cạnh nhưng một ngày đi làm bạn chìm ngập trong sự bế tắc và không biết ngày mai công việc của mình sẽ là gì. Có hai lựa chọn, tiếp tục công việc ấy vì vẫn chưa tìm được công việc mới, đồng thời mức lương cũng không hề thấp, ngậm ngùi làm thời gian nữa rồi tính tiếp hay nghĩ đến cơ hội nghề nghiệp và sự phát triển của bản thân và ngay lập tức nộp đơn nghỉ việc.

Lựa chọn ở lại có thể là một lựa chọn an toàn ở thời điểm đó nhưng chúng ta sống trong sự an toàn nguy hiểm. Tại sao?

Bạn định nghĩa công việc là gì? Người Nhật có một thuật ngữ rất hay được gọi là “IKIGAI”. Thuật ngữ này được ghép từ ikiru – có nghĩa là sống, và kai – là thấy được hy vọng. Ikigai được hiểu là “lẽ sống” (hay “lý do để thức dậy mỗi sáng”). Với người Nhật, họ nghĩ rằng ai cũng một Ikigai ẩn dấu. Để tìm ra nó, đó có thể là hành trình sâu rộng, và kéo dài.


Một ngày có 24 giờ đồng hồ trong đó bạn dành 8 tiếng để ngủ và 16 tiếng còn lại dành cho mọi hoạt động khi còn thức của bạn, trong đó, công việc chiếm đến 2/3 khoảng thời gian thức trong một ngày. Vậy nên, cuộc đời này, bạn đã dành hơn 2/3 thời gian để làm việc khi đã bước ra khỏi ghế nhà trường. Công việc không đơn thuần là cái bạn kiếm cơm, nuôi bản thân, gia đình và trở thành người có ích cho xã hội nữa, công việc có thể được hiểu là chính cuộc sống của bạn. Và lẽ đó, bạn luôn cho rằng nếu đi làm mà không được như mình mong muốn, công việc không giúp mình phát triển về lâu dài thì chẳng có lý do gì thúc đẩy bạn thức dậy mỗi ngày nữa?

Quay trở lại câu chuyện trên, lựa chọn ở lại là một lựa chọn vô cùng nguy hiểm vì bạn tốn thời gian, tốn trí tuệ vào công việc không hề đem lại cho bạn lợi ích và sự phát triển gì ngoài những đồng tiền lương vô tri vô giác. Áp lực và ma lực của đồng tiền ngày nay gần như chi phối chúng ta trong mọi hoạt động, mọi sự việc và luôn là một trong những tiêu chí hàng đầu để bạn quyết định làm gì đó. Suy cho cùng, việc đi học cũng chính là để phục vụ mục đích đi làm để trước tiên là nuôi sống bản thân, gia đình và sau cùng chính là đóng góp chung vào sự phát triển của xã hội. Xuất phát từ tất cả những điều trên, lựa chọn công việc là việc quan trọng và trước nhất để bạn bắt tay vào làm bất cứ điều gì.

Cái giá của sự ổn định chính là một tương lai mờ mịt, một bản thân bất lực và thảm hại. Nếu làm việc mà bản thân không còn hứng thú, bạn sẽ chẳng khác gì một chú rô bốt, tuân lệnh theo người khác, buồn, vui, giận hờn theo người khác. Điều khiến bạn trở nên tốt hơn mỗi ngày chính là những gì bạn làm có giá trị thực sự và xuất phát từ chính bàn tay, khối óc của mình tạo ra. Ngược lại, sự dám dấn thân và từ bỏ lại chính là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời và sự nghiệp của bạn. Tại sao?

Dám bước ra khỏi vùng an toàn, dám vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân chính là một cánh cửa để bạn nhận ra những giá trị thực sự của mình. Công việc không thiếu, cuộc sống này chỉ thiếu người tận tâm với công việc mình làm trong khi dư thừa người đi làm hàng ngày nhưng chẳng biết mình phải làm gì, nên làm gì, không hề có một lộ trình, một định hướng cụ thể cho tương lai của chính mình. Câu chuyện mà tôi muốn hướng đến, đặc biệt là những người trẻ chính là dám dấn thân và đi tìm ý nghĩa đích thực của cuộc đời mình. Lựa chọn công việc cũng thể hiện tính cách và con người của bạn, cách bạn đối xử với bạn mỗi ngày. Tự tin lên, khi công việc đang làm không còn phù hợp với bạn nữa, không còn khả năng giúp bạn phát triển thêm nữa, đừng ngại ngần hãy từ bỏ và tìm cơ hội mới cho bản thân bởi nếu được làm công việc mà mình yêu thích thì mỗi ngày đi làm chẳng khác gì đi chơi. Như vậy cuộc đời chẳng phải nhẹ tênh hay sao!

Bài toán lớn nhất lúc này là làm sao để tìm ra công việc phù hợp với chính mình. Công việc phù hợp chính là có sự bổ trợ của 3 yếu tố: việc mình làm được, mình thực sự hứng thú và tạo gia giá trị. Muốn tìm ra điều đó, cũng giống như đó là hành trình tìm ra “Ikigai” của đời bạn, một hành trình lâu dài và nhiều thách thức. Trải nghiệm là cách duy nhất để giúp bạn tìm ra công việc phù hợp nhất với chính mình. Ngày nay khá nhiều bạn trẻ dám dấn thân để đi tìm lí lẽ cuộc đời mình, họ xông pha và không sợ thất bại trong khi vẫn còn bộ phận còn lại, luôn lo sợ, e dè tiến lên về phía trước vì họ nghĩ mình không làm được, mình không đủ tự tin và mình không bằng người khác. Trải nghiệm là một quá trình rèn luyện giúp bạn từ con số  0 của một sinh viên trên trường Đại học thành một người lao động trí thức trải đời. Trải nghiệm cũng là cánh cửa để giúp bạn tiến gần hơn đến sự thành công mà cá nhân bạn đôi khi không thể ngờ tới. Người đời có câu “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” cũng vì lẽ đó. Khi bạn chưa chịu bước ra khỏi vùng an toàn, vùng vẫy với thế giới ngoài kia thì ngày đó thành công của bạn càng thụt lùi, con đường vươn tới đỉnh cao sự nghiệp càng cách xa hàng vạn dặm. Sự ổn định đôi khi là liều thuốc giết chết sự nghiệp của bạn vì bạn vẫn chỉ đứng ở vị trí đó trong khi người khác đang chạy, đang tăng tốc để đi tới đích. Từ bỏ danh dự cá nhân, từ bỏ lòng tự trọng để dám làm những điều bạn chưa dám, dám thay đổi để thích ứng với thời cuộc chính là góp phần tạo nên giá trị của bản thân. Mọi sự không phải là giấc mà là mục tiêu mà bạn vạch ra cho đời mình.

Đôi khi, tôi cảm thấy bản thân vô cùng liều lĩnh và bốc đồng khi dám quyết tâm từ bỏ công việc mình đang làm vì nó chẳng hề giúp tôi tiến bộ và khiến mỗi ngày đi làm lại trở nên mệt mỏi như hàng ngàn cục tạ đặt trên vai. Thế nhưng đó chỉ là suy nghĩ thoáng qua vì tôi tin bản thân mình, đã đủ trải nghiệm, đã vạch rõ được hành trình sự nghiệp của mình thì sẽ sớm thôi, tôi sẽ tìm được một công việc phù hợp hơn, giúp tôi cảm thấy bản thân khá khẩm và có ích hơn.


Các bạn trẻ, nếu bạn đang bế tắc với công việc của chính mình, hãy tự tìm cho mình liều thuốc giải, đừng ngại ngần từ bỏ, dám xông pha, liều lĩnh tìm kiếm những cơ hội mới bởi tất cả đều trong tầm tay của chúng ta. Tại sao thành phố lại ngày càng đông người, tất thảy đều đổ xô vào thành thị để làm việc, để tìm kiếm cơ hội cho chính mình vì ao làng vì nơi yên bình thì chẳng có gì thú vị cả, nơi đông đúc mới có chỗ đứng cho những người dám bứt phá và cạnh tranh với người khác. Thay vì nghĩ rằng bản thân chỉ nên tìm một công việc an nhàn, hết ngày đầy công, sống một cuộc đời lẳng lặng như nước chảy mây trôi thì hãy chịu khó một chút, tìm tòi, dám nghĩ dám làm, dám vượt qua vùng an toàn để từ bỏ sự an nhàn, tìm ra ý nghĩa đích thực của cuộc đời mình. Công việc bạn làm ngay cả khi giúp bạn có miếng cơm manh áo nhưng chẳng bao giờ bạn cảm thấy thỏa mãn, hạnh phúc vì những nỗ lực của mình cuối cùng cũng được đền đáp mà chỉ đơn giản làm việc như một cỗ máy. Quan trọng nhất vẫn là giá trị mà bạn tạo ra để khẳng định rằng bạn có ích với xã hội này.

Ngoài kia còn nhiều cánh cửa, nhiều cơ hội đang chờ bạn khám phá, hãy mạnh mẽ vượt qua vùng an toàn, từ bỏ sự nhàn hạ đang giết dần giết mòn tâm hồn bạn để tìm ra giá trị đích thực của chính mình.


Tác Giả: Quỳnh Mai (Mia), giáo viên Tiếng anh

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/girl0nfire


--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info


(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,777 lượt xem, 2,659 người xem - 2659 điểm