Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Cảm Giác An Toàn - Công Cụ Để Chống Lại Stress Hay Giới Hạn Khống Chế Sự Phát Triển Của Bản Thân?

 

          Theo lý thuyết của tác giả Maslow về sự phát triển cá nhân và động lực được công bố vào năm 1943, hành vi của con người bắt nguồn từ mong muốn thỏa mãn các nhu cầu cá nhân. Nhu cầu của con người được chia thành 5 bậc từ thấp (cấp thiết nhất) đến cao (ít cấp thiết) gồm: nhu cầu sinh học – nhu cầu an toàn – nhu cầu xã hội – nhu cầu được tôn trọng – nhu cầu tự thể hiện bản thân. Nhu cầu bậc cao chỉ xuất hiện khi nhu cầu ở bậc thấp hơn đã được thỏa mãn. 

Cảm giác an toàn khi yên lặng của người hướng nội

           Để bắt đầu đi vào chủ đề này, tôi sẽ kể một câu chuyện để làm ví dụ. Đây cũng chính là một câu chuyện thật của bản thân tôi. Mặc dù mỗi người có những trải nghiệm cá nhân không ai giống, mỗi chúng ta là một cá thể đặc biệt nhưng trên thực tế nhưng chúng ta vẫn được phân chia vào những nhóm thiên hướng tâm lý nhất định. Đó cũng là một điều tốt giúp bạn không cảm thấy lạc lõng trước một vấn đề của bản thân khi bạn biết có những người cũng trải qua những điều tương tự. Tôi sẽ bắt đầu câu chuyện của mình bằng việc lấy ví dụ về sự khó khăn trong giao tiếp đối với người hướng nội.

          Nếu như bạn là một người hướng nội gặp khó khăn trong việc bắt chuyện làm quen, duy trì cuộc hội thoại… bạn sẽ hiểu ngay cảm giác mà tôi đang muốn diễn tả. Nhưng nếu bạn là người hướng ngoại thì hơi khó để bạn hiểu được chính xác cảm giác đó là như thế nào?

         Bạn có biết tại sao người ta lại khuyến khích không ngắt nguồn điện của tủ lạnh khi không sử dụng không? Ai cũng biết rằng vì như vậy sẽ đỡ tốn điện hơn rất nhiều so với việc cứ để nó chạy liên tục. Vậy bạn đã hình dung ra chưa? Khi tủ lạnh khởi động lại từ nhiệt độ phòng xuống nhiệt độ đủ làm đông đá thì nó mất nhiều thời gian và điện nặng hơn nhiều so với việc duy trì độ lạnh có sẵn. Cũng gần giống như vậy đối với một người hướng nội và hướng ngoại khi bắt đầu một cuộc trò chuyện hay một mối quan hệ mới. Người hướng nội sẽ gặp những khó khăn mà người hướng ngoại không hề cảm thấy gì. Người hướng nội để bắt đầu một cuộc trò chuyện họ sẽ phải khởi động từ trạng thái nghỉ và tất cả những gì cần cho cuộc hội thoại như ngôn từ, ngữ điệu, biểu cảm hay cử chỉ đều tốn nhiều năng lượng hơn người hướng ngoại trong hoàn cảnh tương tự. Cũng giống như chiếc tủ lạnh hay các loại máy móc, chúng sẽ tốn nhiều năng lượng hơn để khởi động từ đầu.

Cảm giác an toàn là tự do tài chính

        Tôi mở đầu chủ đề bằng một câu chuyện của chính mình như vậy để lấy ví dụ cho cảm giác an toàn. Bạn có thấy một sự liên quan nào đó không? Và để nói rõ hơn về cảm giác an toàn tôi xin phép lại được lấy một ví dụ khác của bản thân tôi. Tôi là một người tiết kiệm. À nhưng cũng không đồng nghĩa rằng tôi là người tiết kiệm giỏi. Chỉ là tôi mất nhiều thời gian để tính toán và đắn đo suy nghĩ trước khi mua một thứ gì đó. Và để không quá vội vàng, khi thích một món đồ nào đó tôi thường không quyết định mua ngay. Tôi thường để đó, để xem tôi có nhất thời thích nó hay không. Nếu như sau một thời gian tôi vẫn thích nó tôi sẽ mua. Mọi thứ chi tiêu của tôi thường như vậy. Tôi chi tiêu những gì thực sự cần thiết cho bản thân mình. Và sâu xa của tính cách đó chính là cảm giác an toàn. Tôi sợ tôi tiêu quá hết tiền sẽ không còn tiền để dùng cho những mục đích khác, hoặc những tình huống bất ngờ. Tôi tiết kiệm để cho mình một khoản tiền nhất định khiến cho tôi cảm giác an toàn.

Cảm giác an toàn là chương trình cài đặt để tránh xa stress


         Một ví dụ khác khi tôi nhận tháng lương làm thêm đầu tiên, tôi đắn đo mãi mới mới quyết định mua cho mình một chiếc điện thoại mới. Khi cầm trên tay nó, cảm giác thỏa mãn mà tôi có cũng có nguồn gốc từ sự an toàn. An toàn vì tôi có thể tự mua cho mình, có thể tự lo cho mình. Và đó cũng là khi tôi bắt đầu nhận thức về cái gọi là tự do tài chính. Khi tôi nhận tháng lương đầu tiên của công việc chính thức, tôi đã tự đặt mua cho mình một sợi dây chuyền bạc có tên mình. Tôi đã không đắn đo quá về giá cả vì tôi biết tôi sẵn sàng “đầu tư” cho tôi và tôi có dư khả năng mua được nó. Điều đó có nghĩa là tiêu tiền cũng tạo nên cảm giác an toàn khi biết mình có thể tiêu xài nhưng mình vẫn còn tiền. Cảm giác an toàn là một trong năm nhu cầu cơ bản của con người. Cảm giác an toàn là cái nền để những nhu cầu cao hơn xuất hiện. Cảm giác an toàn được xây dựng để bảo vệ chính mình, giống như việc chúng ta tự động phản xạ co tay lại khi chạm vào vật nóng hay chạm vào vật gì đó gây tổn thương. Cho nên đầu tiên, cảm giác an toàn chính là chương trình cài đặt cho mỗi người để tự kiểm soát và điều hoà stress. Cơ chế khác nhau ở mỗi người nhưng đều có tác dụng bảo vệ bản thân.

Cảm giác an toàn là một sự đảm bảo hay kế hoạch dự phòng

         Nhưng vùng an toàn có phải là một giới hạn, khống chế khả năng phát triển bản thân của mỗi người? Bạn nghĩ sao? Đối với tôi, tôi là người không thích rủi ro và mạo hiểm. Nhưng tôi quyết định đến một thành phố nơi tôi chưa từng sống, khi chưa có một lời hứa hẹn nào cho công việc mới - có phải quá rủi ro không? Tại sao tôi lại lựa chọn như vậy. Như tôi đã nói tôi không thích mạo hiểm nên cho dù nhìn có vẻ mạo hiểm, có vẻ như tôi đang cố bước ra vùng an toàn của mình nhưng thực tế tôi đều có cho mình những phương án khác. Bất kể lúc nào tôi thấy không ổn tôi sẽ đổi phương án ngay. Và đương nhiên tôi phải chuẩn bị cho mình một khoản nhất định để cảm thấy an toàn cho những tình huống xấu nhất. Tôi chấp nhận thử thách nhưng phải kèm với những sự đảm bảo tối thiểu tôi đã chuẩn bị trước kể cả tinh thần và vật chất. Tôi đang không cố lao ra khỏi vùng an toàn mà bằng cách nào đó tôi đang sử dụng linh hoạt vùng an toàn và mở rộng nó. Bạn nghĩ sao về điều đó?

        Tôi đã đọc ở đâu đó rằng, khi chúng ta cảm thấy sợ hãi chính là lúc chúng ta bắt đầu bước ra khỏi vùng an toàn. Việc đối mặt với stress, một mặt giúp cho chúng ta có thêm năng lượng và sự tập trung giống như chơi các môn thể thao có tính cạnh tranh cao hoặc nói trước công chúng. Nhưng khi tình trạng này kéo dài, kiểu chúng ta gặp hàng ngày thì nó sẽ bắt đầu thay đổi não bộ của bạn. Căng thẳng mãn tính như làm việc quá nhiều hoặc cãi nhau ở nhà có thể làm thay đổi kích thước, cấu trúc và chức năng của bộ não, kể cả mức độ gen của bạn. Căng thẳng bắt đầu phát sinh ở trục hạ đồi tuyến yên thượng thận (HPA). Một chuỗi các tương tác giữa các tuyến nội tiết và trên thận giúp kiểm soát phản ứng của cơ thể chống lại căng thẳng. Khi não bạn nhận diện một tình huống căng thẳng, trụ HPA sẽ được kích hoạt tức thì và giải phóng ra hormone cortisol, khiến cơ thể phản ứng ngay tức thì. Nhưng mức cortisol cao trong thời gian dài sẽ tàn phá não bộ của bạn. Ví dụ, căng thẳng mãn tính làm tăng mức độ hoạt động và số lượng cầu nối neuron trong hạch nhân ( hạnh nhân/ amygdala) – trung tâm sản sinh nỗi sợ hãi. Và khi lượng cortisol tăng, tín hiệu điện ở vùng đồi hải mã – vùng não gắn liền với học tập, trí nhớ và kiểm soát căng thẳng sẽ bị hư. Hồi hải mã ( Hippocampus) cũng ức chế hoạt động của trục HPA nên khi nó yếu đi, khả năng kiểm soát căng thẳng cũng yếu đi (trích “ Stress đã phá hủy não chúng ta như thế nào?”).

         Như vậy khi chúng ta quyết định bước ra khỏi vùng an toàn, chúng ta phải chuẩn bị nguy cơ đối diện với strees. Và để không phải vật lộn với những tình huống bất trắc, chúng ta hãy chuẩn bị cho mình những phương án khác nhau. Đó chính là cách chúng ta nới dần vùng an toàn của mình để thay đổi và phát triển.

 

 Tác Giả: Nguyễn Thu Trang 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/tranguyen.nguyen.1/

 --------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +11,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link:  

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,361 lượt xem, 3,231 người xem - 3251 điểm