Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Căn Bệnh Mang Tên Trầm Cảm, Xin Hãy Quan Tâm Tới Nó

Căn Bệnh Mang Tên Trầm Cảm, Xin Hãy Quan Tâm Tới Nó                                    

Cuộc sống của chúng ta là một cuộc hành trình đầy cảm xúc có vui, có buồn; đây là những những cảm xúc rất bình thường, chúng đan xen nhau và tạo nên cuộc sống đầy màu sắc. Có những khoảng thời gian chúng ta cảm thấy vô cùng vui vẻ hạnh phúc, chúng ta yêu con người, thiên nhiên, yêu công việc và yêu chính bản thân mình. Và cũng có những khoảng thời gian ta cảm thấy chán nản, buồn bã, ta ghét công việc, ta ghét chính mình, ta cảm thấy cô độc, ta cảm thấy chẳng có ai hiểu ta. Và một điều hiển nhiên là chẳng ai vui vẻ mãi và cũng chẳng ai buồn rầu mãi, hai cảm xúc này cần phải song hành, đan xen nhau. Nếu một cảm xúc nào đó kéo dài quá lâu nó sẽ tạo nên sự mất cân bằng và không ổn một chút nào. Nếu như bạn bắt gặp một ai đó, hoặc chính bản thân bạn có cảm xúc chán nản, buồn bã kéo dài quá lâu, rất khó khăn để vượt qua, thậm chí là không thể vượt qua được nữa, nó sẽ trở thành một căn bệnh, căn bệnh mang tên Trầm cảm.
Có thể nói rằng, trầm cảm là một căn bệnh tâm lý phổ biến nhất trên thế giới. Căn bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nhưng điều đáng lo ngại nhất là hiện nay có rất nhiều người trẻ mắc phải căn bệnh này. Số lượng người trầm cảm gia tăng theo từng năm, và kèm theo đó là số lượng người tự tử vì căn bệnh này cũng ngày càng nhiều hơn. Có một thực tế đáng buồn là căn bệnh này hoàn toàn có thể chữa trị được nhưng nhiều người trong số chúng ta đã phớt lờ nó, thậm chí còn nhầm lẫn giữa căn bệnh trầm cảm này với cảm xúc buồn bã bình thường dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Sự khác nhau giữa trầm cảm và buồn rầu.

Gần đây những vấn đề về trầm cảm, tự kỷ hay được truyền miệng với nhau nhưng nhiều người chưa thực sự hiểu rõ được những khái niệm đó. Buồn rầu trong cuộc sống của chúng ta nghĩa là trong một khoảng thời gian ngắn ta có rất nhiều áp lực, stress, lo âu. Ví dụ như ngày mai chúng ta có một công việc khó phải hoàn thành, một bài kiểm tra cần phải làm nhưng chúng ta chưa sẵn sàng và chưa có sự chuẩn bị tốt; nó khiến cho ta phải lo lắng, suy nghĩ nhiều. Nhưng khi mà chúng ta giải quyết xong cái vấn đề đó, chúng ta nhanh chóng lấy lại cân bằng và vui vẻ trở lại. Nó được gọi là stress ngắn hạn. Trong cuộc sống khi mà có rất nhiều vấn đề xảy ra cứ hết vấn đề căng thẳng này lại đến vấn đề căng thẳng khác, những vấn đề này chưa giải quyết được thì lại tiếp tục tiếp diễn những khó khăn trong cuộc sống; nó cứ dồn dập, tái đi, tái lại, khi mà chúng ta sống trong một môi trường căng thẳng như thế lâu ngày sẽ dẫn đến stress mãn tính. Khi tình trạng căng thẳng mãn tính kéo dài sẽ dẫn đến bệnh lý thật sự được gọi là hội chứng rối loạn lo âu. Sau khi có những triệu chứng của hội chứng rối loạn lo âu, nếu chúng ta không có cách giải quyết tốt, chúng ta không điều trị, lâu ngày sẽ hình thành nên một căn bệnh khác gọi là trầm cảm. Trầm cảm là một định nghĩa bao gồm nhiều triệu chứng trong một hội chứng và nó có thời gian có tiêu chuẩn, chẩn đoán rõ ràng chứ không phải là hơi buồn một chút, thi thoảng ngồi một mình người ta lại bảo nhau là trầm cảm, tự kỷ. Những câu nói vô tình này có thể là những lời bông đùa nhưng nếu nó được truyền tai nhau qua người này tới người khác và qua các thế hệ sẽ dẫn đến sự chủ quan và gây hiểu lầm về mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này.

Dấu hiệu của căn bệnh trầm cảm.

Dưới đây là những dấu hiệu và mức độ của bệnh trầm cảm chúng ta cần phải biết để phát hiện và có hướng điều trị kịp thời.

Giai đoạn 1 của bệnh trầm cảm:

·        Bản thân không muốn làm gì, cảm thấy buồn chán không lý do

·        Cảm thấy cạn kiệt năng lượng, bỏ hết các đam mê, sở thích từ trước.

·        Bản thân không tự nhận thức được là mình có bệnh, dần tách biệt với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và thế giới xung quanh.

·        Tìm cách xa lánh mọi thứ và chỉ muốn ở một mình trong phòng kín

Giai đoạn 2 của bệnh trầm cảm:

·        Luôn thấy sợ hãi, uể oải, thiếu sức sống và muốn buông xuôi mọi thứ

·        Không muốn suy nghĩ, không muốn động chân tay làm việc.

·        Xuất hiện những nỗi sợ hãi, sợ người lạ, sợ đám đông và sợ cả những người thân thiết.

·        Xuất hiện những nỗi sợ hãi rất bình thường như sợ ánh sáng, sợ sâu, ảo tưởng

·        Cau có, nổi giận vô cớ, khó ngủ.

·        Cảm thấy không ai hiểu và không ái giúp được mình

·        Mất niền tin với bản thân, bạn bè đồng nghiệp và xã hội xung quanh.

·        Không dám đối diện với hiện tại

·        Biết mình bị bệnh nhưng không tin tưởng ai.

Giai đoạn 3 của bệnh trầm cảm:

·        Thấy tuyệt vọng, mất hiết niềm tin vào con người, cuộc sống xã hội.

·        Cảm thấy bản thân vô dụng, kém cỏi, không làm được gì.

·        Có xu hướng làm hại bản thân – tự sát.

·        Xuất hiện hoang tưởng, cảm thấy không có lối thoát.

·        Không muốn nghĩ đến quá khứ, tương lai.

·        Tiêu cực, cảm thấy mặc cảm, tội lỗi và nghĩ đến cái chết.

·        Ngủ li bì hoặc khó ngủ hơn bình thường, mất ngủ kéo dài.

·        Cảm giác ám ảnh bởi bệnh tật

·        Nghĩ đến cái chết nhiều lần trong tuần.

Những con số đang báo động.

Theo số liệu được đưa ra từ trang suicide.org, số lượng người trẻ tự tử đã gia tăng tới mức báo động.

·        Cứ 100 phút trôi qua lại có một người trẻ tự ra tay chấm dứt cuộc đời mình.

·        Tự tử đứng thứ 2 trong nhưng nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho giới trẻ từ độ tuổi 15 -26.

·        20% bạn trẻ tuổi teen đã bị trầm cảm ngay trước khi chạm đến ngưỡng tuổi trưởng thành.

·        10-15% trường hợp bị trầm cảm nặng, thể hiện qua nhiều hơn một triệu chứng.

·        Chỉ 30% những ca trầm cảm được chữa trị.

Tại sao người trẻ dễ mắc bệnh trầm cảm.

Nhịp sống ngày càng hối hả, bộn bề; những áp lực về công việc, về học tập trong xã hội đã làm cho căn bệnh trầm cảm ngày một gia tăng. Tại sao người trẻ lại dễ mắc bệnh trầm cảm? Tại sao gần đây nhiều người trẻ chọn cách chấm dứt cuộc đời mình, mặc cho bao hoài bão ước mơ vẫn còn đang dang dở? Có rất nhiều lí do để lí giải cho điều đó, nhưng có lẽ lí do đáng sợ nhất vẫn là Xã hội hiện đại.

Cuộc sống hiện đại khiến cho con người ta cảm thấy cô đơn. Trong gia đình, bố mẹ vì bận rộn với công việc mà không có thời gian bên cạnh chăm sóc con cái khiến cho tình cảm đôi bên xa cách, những thế hệ trong gia đình không hiểu nhau. Trong môi trường làm việc cạnh tranh khốc liệt, ai ai cũng chỉ chăm chăm vào lợi ích của bản thân mà không để ý tới cảm nhận của người khác gây nên sự mất đoàn kết, mất niềm tin giữa các đồng nghiệp. Thi thoảng tụ tập với bạn bè, gọi là tụ tập với nhau nhưng chẳng có đến một câu tâm sự, chụp vài bức ảnh với nhau rồi mỗi người lại cầm lấy điện thoại của mình và sống trong thế giới đó, thật đáng buồn. Rõ ràng xung quanh ta có hàng trăm hàng ngàn người nhưng vẫn thấy cô độc.

Xã hội hiện đại, người trẻ chìm đắm trong cả bể thông tin. Họ hoang mang, chơi vơi và chẳng thể nào phân biệt được đúng sai, thật giả. Trong đó có những thông tin vô tình gây nên áp lực cho họ. Những tiêu chuẩn xã hội chẳng biết từ đâu xuất hiện và bảo rằng họ phải có nhà, có xe, họ phải có cái này cái kia, họ phải trở thành người như thế này, như thế kia thì mới được xem là thành công, có giá trị và được tôn trọng. Họ nỗ lực để vươn tới cái cái tiêu chuẩn của xã hội hiện đại, họ không ngừng so sánh bản thân mình với mọi người, họ cảm thấy mục tiêu ấy quá sức, quá xa vời, họ mặc cảm, họ tự ti, họ tuyệt vọng và họ chọn cách ra đi.

Xã hội hiện đại, mọi thứ trong xã hội đó đều hiện đại và tình yêu cũng thế, có thể gọi là tình yêu hiện đại. Tình yêu-một thứ đẹp đẽ nhất được người ta ca tụng, trong thế giới này cũng trở nên đáng sợ. Có lẽ vì xã hội hiện đại quá cô đơn nên người ta luôn tìm kiếm tình yêu, người ta vội yêu đương, người ta bấu víu vào tình yêu ấy, coi nó như là tất cả sự sống, người ta mang trong mình nỗi sợ cô đơn và không dám từ bỏ. Nhưng người ta càng sợ cô đơn, cô đơn lại càng nhanh tìm đến, yêu quá vội vàng nên kết thúc cũng nhanh. Nhiều người sau khi kết thúc một cuộc tình, đặc biệt là con gái rất khó để vượt qua nỗi đau ấy, họ tự dằn vặt bản thân, họ cảm thấy tội lỗi, họ tự trách chính mình, họ níu kéo trong vô vọng, họ bị từ chối, họ đau khổ, họ chìm đắm trong nỗi buồn và rồi nếu như họ không thể tự chữa lành họ rất dễ mắc phải căn bệnh mang tên trầm cảm. Và đây cũng là một lí do không còn xa lạ khi một người trẻ mắc bệnh trầm cảm và tự kêt thúc sinh mạng mình vì nỗi đau thất tình.


Cần làm gì khi bạn có dấu hiệu của bệnh trầm cảm.

Để xác định bản thân có dấu hiệu của bệnh trầm cảm hay không, đầu tiên bạn hãy để tâm đến cảm xúc của chính mình. Khi bạn nghĩ bạn đang cảm thấy mình bất ổn, bạn hãy suy nghĩ xem mức độ bất ổn đó như thế nào, bạn hãy đánh giá và bạn cũng nên có hiểu biết về những dấu hiệu của bệnh trầm cảm; ví dụ như: bạn bắt đầu không cảm thấy ngủ ngon nữa; bạn bắt đầu không muốn ăn nữa hoặc là ăn rất là nhiều; bạn cảm thấy cơ thể mình mệt mỏi, và một dấu hiệu dễ nhận thấy nhất đó là bạn luôn thường xuyên cảm thấy buồn, cảm thấy mọi thứ nó đi xuống đối với mình, những cái mà bạn yêu thích, hứng thú dần dần bắt đầu bị thu hẹp. Nếu như những dấu hiệu đó thường xuyên xuất hiện với bạn, nó kéo dài và bạn rất khó để lấy lại cần bằng bạn hãy tìm đến những phòng khám điều trị tâm lý, sau khi đi khám nếu như nó chưa phải là một giai đoạn thực sự của bệnh trầm cảm, bạn hoàn thoàn có thể tự mình phục hồi và chữa lành cho bản thân bằng những cách sau đây:

Xây dựng thời gian biểu khoa học:

Trầm cảm khiến cho cuộc sống của bạn bị xáo trộn, bạn không biết phải làm gì và phần lớn thời gian bạn đều rơi vào trạng thái lo lắng, bồn chồn, buồn chán. Khi rơi vào trạng thái này thì những hoạt động thường ngày của bạn như ăn, uống, ngủ nghỉ, làm việc sẽ diễn ra một cách thiếu khoa học, tùy hứng, thậm chí bạn ngủ quá nhiều bỏ bữa và hoàn toàn không ý thức được điều đó. Để không lãng phí thời gian và làm cho tình trạng này trở nên tồi tệ hơn, bạn cần phải thiết lập cho mình một thời gian biểu hợp lý, ghi rõ những việc bạn cần làm vào khoảng thời gian nào thật chi tiết. Dù bạn không muốn đi chăng nữa, hãy cố gắng làm nó, điều này nếu được thực hiện thường xuyên sẽ góp phần cải thiện đáng kể tình trạng của bạn.

Đặt mục tiêu mỗi ngày.

Trầm cảm khiến bạn cảm thấy bản thân mình vô dụng, bạn chẳng làm được bất cứ điều gì cả, càng như vậy bạn càng chán ghét bản thân mình, bạn buông thả cuộc sống của mình cứ mặc nó trôi đi như thế. Đừng để cảm giác và suy nghĩ ấy bao trùm lên cuộc sống của bạn, bạn đáng yêu, bạn được yêu thương và bạn có giá trị của riêng mình, bạn sẽ hoang mang nếu bạn chẳng làm gì cả vì vậy hãy hành động đi bắt đầu từ những việc nhỏ hằng ngày thôi. Đơn giản bạn có thể đặt mục tiêu cho ngày hôm nay của mình là đọc một cuốn sách, giặt đồ, rửa chén, dọn nhà cửa hoặc trồng thêm một cây xanh, vứt bỏ những đồ không cần thiết nữa. Chắc chắn rằng trong cuộc đời của bạn không ít lần bạn tự hoàn thành một mục tiêu công việc nào đó. Hãy nhớ đến cảm xúc đó khi bạn hoàn thành một mục tiêu bạn sẽ cảm thấy hài lòng, khoan khoái, bạn có năng lượng và có động lực để làm những mục tiêu lớn hơn. Chắc hẳn tới đây bạn đã biết được sức mạnh của sự hoàn thành mục tiêu rồi chứ. Trong trạng thái trầm cảm, thật khó để bạn có thể đặt và hoàn thành những mục tiêu lớn vì vậy hãy làm những công việc nho nhỏ hằng ngày thôi và mỗi khi hoàn thành một việc nhỏ nào đó tâm trạng của bạn cũng được cải thiện lên một chút.

Hoạt động:

Hoạt động thể chất có thể giúp cơ thể sản xuất endorphin, chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng cải thiện tâm trạng và giảm đau từ đó hỗ trợ bộ não tự điều chỉnh theo hướng tích cực hơn. Bạn có nhìn thấy những vận đông viên, những nhóm nhảy, họ lúc nào cũng vui vẻ và tràn đầy năng lượng không, khi bạn xem họ thi đấu, biểu diễn bạn có thấy bản thân mình được tiếp thêm năng lượng không, hẳn là có nhỉ, đó chính là nhờ họ hoạt động thường xuyên đấy. Và bạn cũng có thể cải thiện tâm trạng của mình theo hướng tích cực hơn bằng cách hoạt động. Hãy bắt đầu những bài tập nhỏ vào mỗi sáng, bạn cũng có thể hát hò hoặc là tập nhảy theo các nhóm nhảy mà bạn yêu thích.

Ăn uống lành mạnh.

Chẳng có một chế độ ăn nào trị khỏi bệnh trầm cảm cả, nhưng chế độ ăn lại ảnh hưởng vô cùng lớn tới sức khỏe của chúng ta, không có sức khỏe tốt thì làm sao có được tinh thần tốt. Vì vậy chế độ ăn vẫn là một tác nhân vô cùng quan trọng, đặc biệt là những người trầm cảm thường có chế độ ăn vô tội vạ, bỏ ăn và ăn một cách thiếu khoa học. Để cải thiện tình trạng của bản thân, thì bạn cũng cần phải chú ý ăn uống đúng giờ, kiểm soát hàm lượng chất và thức ăn nạp vào cơ thể. Một số công trình chỉ ra thức ăn có chưa omega 3 như cá ngừ cá hồi và một số rau củ chứa axit folic như rau bina, quả bơ cũng góp phần giảm nhẹ triệu chứng trầm cảm.

Ngủ đủ giấc:

Khi mắc chứng trầm cảm bạn thường rất khó ngủ, mà nếu như ngủ ít sẽ dẫn đến bệnh càng trở nên trầm trọng hơn. Trong khoảng thời gian này bạn cần xây dựng cho mình một thói quen lên giường và dậy vào một khung giờ cố định, tốt nhất là nên đi ngủ vào lúc 23h và dậy lúc 5h30 sáng, bạn nên ngủ đủ 6 đến 7 tiếng mỗi ngày, trước khi đi ngủ bạn bỏ hết các thiết bị điện tử ra khỏi giường để tránh bị ảnh hưởng. Đối với những bạn mắc bệnh trầm cảm thì thường suy nghĩ rất nhiều và khó để ngủ sâu ngủ ngon vì vậy ngoài việc chú ý giờ giấc bạn nên thực hiện một số bài tập nhỏ như tập thiền trước khi đi ngủ để loại bỏ những lo âu ảnh hưởng đến giấc ngủ. Và một điều lưu ý nữa là tránh tiếp nhận những thông tin tiêu cực trên các trang mạng xã hội, nếu có thể hãy tạm tránh xa các trang mạng trong thời gian này, nếu bắt buộc phải dùng hãy chắt lọc và chỉ xem những thông tin mang tính tích cực và truyền cảm hứng.

Trải nghiệm mới:

Trầm cảm khiến bạn chìm đắm trong mỡ hỗn độn cũ kỹ, tại sao bạn không tìm cách thoát ra khỏi nó bằng việc đi tìm tòi học hỏi những thứ mới những thứ mà bạn chưa bao giờ được trải nghiệm. Bạn có thể đến bảo tàng, đến nhà sách, học một môn thể thao mới hoặc một ngôn ngữ mới, học bất cứ thứ gì miễn là nó mới với bạn. Khi mà bạn tiếp xúc với những thứ mới, não sẽ tiết ra dopamine, chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến niềm vui và khả năng học tập. Đây cũng chính là lí do vì sao, mỗi lần học một cái gì đó mới chúng ta đều có cảm giác vô cùng hứng thú.


Tâm sự, vui chơi với bạn bè:

Nghe có vẻ hơi vô lí một chút vì người trầm cảm thường có xu hướng tự cô lập bản thân, tách rời ra khỏi xã hội. Nhưng bạn phải là người tự cứu chính mình đầu tiên. Ngay sau khi có những ý nghĩ tiêu cực đó hãy làm ngược lại được chứ, hãy tìm những người bạn thân của bạn để đi chơi, đi du lịch và trải lòng với họ, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn đấy. Nếu bản thân bạn trước đó là một người ít nói, bạn không có nhiều bạn bè hoặc không có một ai là người bạn có thể tin tưởng để chia sẻ, vậy bạn hãy tự tâm sự với chính mình bằng cách viết nhật ký, hãy chuẩn bị cho mình hai cuốn sổ và tìm một nơi yên tĩnh, một cuốn bạn hãy viết ra những cảm xúc chân thật của mình, viết tất cả những cảm xúc vui buồn, tất cả những thứ đang đè nặng trong lòng bạn, điều này sẽ giúp bạn giải phóng những năng lượng tiêu cực và giúp bạn nhẹ lòng hơn. Người ta rất khó để đi nhanh khi trên người mang rất nhiều vật nặng, cảm xúc cũng vậy nếu nó chất chứa quá nhiều những điều tiêu cực, những nỗi ám ảnh, vậy còn nơi đâu để để bạn sống, làm sao bạn có thể thoát ra khỏi mớ bòng bong ấy. Một cuốn sổ còn lại, bạn hãy dùng để viết những điều tốt đẹp xảy ra trong cuộc đời bạn, những điều khiến bạn hạnh phúc vui vẻ, những điều bạn biết ơn, và những hành động bạn cảm thấy cảm kích, những người quan trọng với bạn như gia đình của bạn. Sở dĩ phải có cuốn sổ này là bởi trong trạng thái trầm cảm bạn sẽ cảm thấy vô cùng cô đơn, bạn chán ghét cuộc sống và bạn nghĩ mình chẳng có gì cả, cuốn sổ này là những thứ bạn có, nó giúp bạn nhận ra những điều tốt đẹp xung quanh mình và nhận ra được giá trị, ý nghĩa của cuộc sống.


Trợ giúp những người bị trầm cảm.

Nếu người thân, người bạn của mình không may bị mắc bệnh trầm cảm bạn sẽ làm gì? Bạn có bao giờ tự hỏi điều đó? Có lẽ nhiều người không biết phải làm gì cả, cũng có những người chỉ trông chờ vào bác sỹ tâm lý, thậm chí còn có những người không biết rằng người thân của mình bị mắc bệnh trầm cảm từ bao giờ, chỉ đợi tới lúc căn bệnh trở nặng, chỉ đến lúc người đó đột ngột ra đi bạn mới bàng hoàng nhận ra sự vô tâm của mình.

Những người trầm cảm, họ tự thu mình, họ tự cô lập chính mình, họ nhiều lúc sẽ nổi nóng cáu giận, nhưng xin đừng ghét bỏ và tránh xa họ, họ cần bạn, cần sự quan tâm của bạn. Những điều bạn cần làm để giúp đỡ họ đòi hỏi rất nhiều sự kiên trì và nhẫn nại. Những điều bạn có thể làm là:

Lắng nghe họ:

Bạn hãy là một người lắng nghe thật sự, hãy để người đó biết họ không cô đơn và bạn sẵn sàng lắng nghe bất kể điều gì họ nói. Hãy bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách thể hiện sự quan tâm của bạn đối với họ, hỏi họ những câu hỏi củ thể như “tớ thấy cậu dạo này rất buồn, có vấn đề gì xảy ra với cậu phải không” hãy luôn nhớ rằng, họ có thể chia sẻ với bạn về cảm xúc của họ nhưng cái họ cần không phải là lời khuyên của bạn vì vậy đừng đưa ra lời khuyên vào lúc này. Điều bạn cần làm là ở bên họ, đồng cảm với nỗi đau của họ, bạn có thể nói những câu như “thật là khó khăn đối với cậu, tớ cảm thấy đau lòng khi nghe điều đó, tớ thật sự rất muốn lắng nghe cậu, tớ sẽ luôn ở bên cạnh cậu, mong rằng cậu sẽ cảm thấy ổn hơn khi có tớ ở bên” bạn cũng có thể ôm họ, nắm tay họ, những hành động ấm áp đấy sẽ phần nào xoa dịu nỗi đau của họ.

Chủ động đề nghị giúp đỡ họ những công việc hằng ngày:

Đối với những người bị trầm cảm, những công việc hằng ngày như giặt đồ, ăn uống, lau dọn và cả việc ngủ thôi cũng khiến họ bị quá tải. Họ không biết mình phải bắt đầu từ đâu. Chắc chắn rằng họ sẽ đánh giá cao lời đề nghị giúp đỡ của bạn. Đừng hỏi họ những câu như “cậu muốn mình giúp gì không?” mà hãy hỏi củ thể như “chúng ta cùng đi mua sắm nhé, chúng ta cùng nấu ăn nhé, điều gì mà bạn cần giúp đỡ nhất?”. Bạn hãy làm việc cùng họ, chia sẻ với họ để họ cảm thấy mình không cô đơn. Nếu như bạn đã hứa làm gì cùng họ, hứa dẫn họ đi chơi, xin bạn khi đã hứa hãy giữ lời; người trầm cảm họ lại càng vô cùng nhạy cảm với những tình huống tiêu cực, nếu bạn hứa nhưng không làm sẽ khiến họ cảm thấy bản thân bị bỏ rơi và không còn có giá trị, điều này khiến cho bệnh tình của họ trở nên trầm trọng hơn. Khi muốn giúp đỡ người trầm cảm mong bạn hãy kiên nhẫn, tinh tế hơn và luôn để ý đến cảm nhận của họ.

Hãy giữ liên lạc:

Hãy để cho người ấy biết bạn luôn quan tâm tới họ. Khi muốn giúp một người bị trầm cảm, ngay cả khi bạn đã dành rất nhiều thời gian cho họ, bạn cũng nên thường xuyên nhắn tin, gọi điện hỏi thăm họ để họ biết rằng họ luôn có người quan tâm và họ không phải chống chọi một mình. Đối với những người mắc bệnh trầm cảm, những lúc chỉ có một mình và những khoảng trống kéo dài sẽ khiến họ dễ nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực vậy nên giữ liên lạc với họ bằng một vài lời hỏi thăm ngắn sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình hồi phục của họ.

Khuyến khích họ tìm kiếm sự giúp đỡ:

Có thể chính họ không biết bản thân bị mắc bệnh trầm cảm hoặc họ không biết làm như thế nào để tìm kiếm sự trợ giúp. Trong trường hợp đó bạn hãy đồng hành cùng họ, hãy cùng họ xem xét những cách trị liệu hiệu quả, những bác sĩ trị liệu giỏi. Nếu họ đang chần chừ, bạn hãy khuyến khích họ bằng cách liệt kê những câu hỏi, những thông tin cần hỏi và đề nghị đi cùng họ tới trung tâm trị liệu, như vậy sẽ giúp họ an tâm và tự tin hơn.

Tác Giả: Hồ Thị Thùy

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

354 lượt xem, 339 người xem - 359 điểm