Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Chỉ Quyết Tâm Vài Ngày Rồi Lại Nản Chí, Làm Sao Đây?

Bạn thường bắt đầu việc quyết tâm như thế nào?

Nghiên cứu thật kỹ bản thân, về điểm mạnh, điểm yếu và tìm cho mình một đường đi phù hợp trong tương lai (1 công việc, 1 lối sống, 1 chất lượng cuộc sống…). Sau đó, bạn quyết tâm thực hiện lý tưởng ấy? 

Không. Bạn chỉ thấy cái người ta đã làm, đã thành công, bạn nghe họ chia sẻ về cuộc sống lý tưởng của mình và bạn “quyết tâm” làm theo họ.

Ai cũng nói dậy sớm để làm được thật nhiều đầu việc trong ngày, dậy sớm để giúp tinh thần minh mẫn và tỉnh táo hơn. Ok, quyết tâm dậy sớm.

Chẳng thấy ai phủ nhận được lợi ích của việc đọc sách cả, người nổi tiếng nào cũng kêu gọi mọi người hãy đọc sách để tiếp thu thêm kiến thức. Ok, từ ngày mai mình quyết tâm sẽ chăm chỉ đọc sách. 

Nghe nói lên Đại học phải lấy được học bổng, phải học tốt tiếng Anh, phải tham gia các Câu lạc bộ. Vì sao ư? Ai mà biết, nhưng bất kì ai giỏi giang đều làm như vậy cả mà. Ok, đến lượt tôi, tôi cũng đạt được những thứ ấy cho khoảng thời gian Đại học của mình. 

 


1. Sự quyết tâm nhất thời: 


Rất nhiều người trẻ chúng ta luôn bắt đầu một chặng đường mới bằng việc quyết tâm thực hiện một hay nhiều mục tiêu. Đây là một việc làm tốt, thể hiện rằng bạn lo lắng cho tương lai của chính mình và đã vạch sẵn những kế hoạch cho nó. Thế nhưng với những mục tiêu mình đặt ra, bạn chỉ hăng hái, hăm hở thực hiện được 1, nhiều lắm là 2 tuần đầu tiên. Dậy sớm được thứ hai, thứ ba, thứ tư, đến thứ năm không có tiết học buổi sáng liền viện cớ “nghỉ ngơi cho lại sức” để tiếp tục “nướng” trên giường. Đọc sách được 2 ngày, đến ngày thứ 3 vì “deadline đã dí tới cổ rồi” nên thôi, tạm hoãn một ngày nhé, hoãn luôn cũng được - vì có khi nào mà không có deadline. Học tiếng Anh thì sao? Ban đầu cũng hừng hực ý chí target 7.5, 8.0 IELTS nhưng vò đầu bứt tai được vài task writing đã lóe lên ý tưởng “Ủa mình có đi du học đâu mà phải cày chứng chỉ nhỉ?”. Sau đó,... không có sau đó nữa.

 

Bạn có nhìn thấy bản thân mình trong những trường hợp tôi kể ở trên? Khi chúng ta có mục tiêu, có quyết tâm, bỗng nhiên mọi thứ xung quanh đều chan chứa hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp, về tương lai ta có thể kiểm soát được cuộc đời mình. Ta hừng hực thực hiện chúng. Và thế rồi một cái gì đó xuất hiện là gián đoạn việc quyết tâm của ta. Ví dụ như trời lạnh quá nên bị ốm, công ty đi công tác dài ngày, bạn bè rủ đi du lịch vài hôm...

 

Vì bị mấy hôm gián đoạn, nên bây giờ ta rất lười. Thật khó để dậy sớm đi tập gym, thật khó để tập trung một tiếng học tiếng Anh. Bạn thấy rất tội lỗi, nhưng vẫn lười.

 

Tôi gọi đó là “sự quyết tâm nhất thời”. Tức là, bạn chỉ quyết tâm khi có tác động từ yếu tố bên ngoài. Những tác động đó có thể xuất phát từ sự ngưỡng mộ cuộc sống lý tưởng của ai đó bạn quan tâm (vlogger, influencer…) hoặc từ những lời khuyên kinh điển trên mạng về “bí kíp để thành công”. Bạn muốn được như học thôi, chứ không biết thực sự là mình cần gì, càng không biết mình có hợp với chúng không. Học tiếng Anh, đọc sách, tập thể dục, lấy học bổng,... đó có phải là thứ bạn thực sự cần? Vì sao bạn muốn đạt được chúng?


 2. Sự quyết tâm chân chính: 


Tôi định nghĩa “sự quyết tâm chân chính” là kiên trì, luôn tiếp tục làm một chuyện gì đó trong lúc căm ghét, lúc chán nản, kiệt quệ, mệt mỏi nhất. Khi thể xác, tinh thần, con tim gào thét được nghỉ ngơi, được hưởng những thú vui khoái lạc nhưng bạn vẫn bắt chúng phải thực hiện. 


Phải, mấu chốt là "thực hiện bất-cứ-lúc-nào".


3. Như vậy, làm cách nào để có thể duy trì sự quyết tâm?


3.1. Nói không với những điều nhỏ và vụn vặt.


Một buổi trà sữa tụ tập bạn bè, một vài ván game thư giãn tới sáng, một vụ drama của một nghệ sĩ nổi tiếng nào đó… hãy dũng cảm để nói “không” với những điều vô nghĩa, vụn vặt đó và đá nó ra khỏi cuộc sống của các bạn. Khi đó, các bạn sẽ nhận ra: việc bỏ lỡ một vài chuyện phiếm trên bàn trà hay không theo dõi được hết diễn biến của drama… thật ra chẳng làm chết ai cả và bạn cũng chẳng mất mát gì. Đột nhiên bạn ý thức được rằng, bạn còn rất nhiều năng lượng, thời gian để “say yes” với mọi dự định của bạn.


Hãy dùng năng lượng và thời gian rảnh rỗi - có thể chỉ là 30 phút mỗi ngày - để bắt đầu một điều gì đó mà bạn hứng thú. Đừng vội gắn nó với trách nhiệm, sứ mệnh, mục tiêu lâu dài nào cả, chỉ làm vì bạn hứng thú và tò mò, vậy thôi. Không cần bao lâu, bạn sẽ kết nối được với bên trong của chính mình và tạo ra một thứ gọi là “nội lực”. Đó là lúc mà các bạn sẽ tìm ra được động lực tự nhiên giúp con chim đại bàng sải cánh trên bầu trời. Đó là ngày mà chúng ta không làm vì sợ, vì bắt buộc hay vì một tác động nào đó bên ngoài.



3.2. Hãy tập suy nghĩ tới hậu quả.


"Lý do nhiều người thất bại không phải là vì thiếu tầm nhìn mà là vì thiếu quyết tâm, và quyết tâm được sinh ra từ việc xác định những gì phải trả giá." (Robert H. Goddard)


Cơ thể luôn có xu hướng lựa chọn những công việc dễ dàng: giữa ngủ nướng và dậy sớm tập thể dục, giữa xem phim và học ngoại ngữ, giữa cúp học và chăm chỉ để được học bổng… phản ứng đầu tiên của tinh thần sẽ là “sẵn sàng làm nô lệ cho cảm xúc dễ chịu”. 


Chỉ có một cách để kéo cơ thể ra khỏi “cái bẫy ngọt ngào” này - đó là “bất khả kháng”, hay còn là lúc bạn ý thức được sự quan trọng của vấn đề. Ví dụ như bạn bắt buộc phải dậy tập thể dục thôi, vì bạn biết cơ thể đã không còn cân đối. Bạn ám ảnh với việc càng ngày càng nhiều quần áo bị bỏ đi do không vừa nữa, chiếc váy bạn thích cũng không thể mặc. Tồi tệ hơn là, bạn mất nhiều cơ hội phát triển vì vẻ bề ngoài không là một lợi thế. Lúc này, bạn giảm cân, dậy sớm, tạo thói quen ăn uống lành mạnh không phải vì nó là “trend” nữa. Bạn đã nhận ra được mối nguy hại ở trước mắt và phải quyết tâm thực hiện mục tiêu chứ không còn cách nào khác.


Nghe thì có vẻ nghiêm trọng và hơi tiêu cực nhỉ? Nhưng vốn dĩ, chúng ta “nuông chiều” cho cảm xúc trì hoãn chỉ bởi vì bộ não cảm thấy mọi thứ chưa quá muộn. Mà hậu quả thì nghiêm trọng hơn nó nghĩ nhiều. Tôi đã từng nghĩ đến một tương lai sau này nếu tôi không đủ kiên trì, nỗ lực: tôi sẽ không mua được thứ mình thích, tôi sẽ không có tiền để ăn ngon, mặc đẹp, đi du lịch, bố mẹ tôi lúc ấy tuy đã già nhưng ngày nào cũng phải lo lắng vì con gái họ chưa ổn định, có khi họ lại cố chấp đi làm khi đã quá tuổi về hưu. Rồi tôi sẽ lấy chồng, sinh con, lúc ấy tôi lại chẳng đủ khả năng để chu toàn cho gia đình nhỏ của mình, con tôi cũng không được hưởng những giá trị tốt nhất. Nghĩ tới đây, tôi không còn can đảm để trì hoãn hay từ bỏ nữa. Tự thân mình, tôi phải nỗ lực cho tương lai.


Bạn thử nghĩ đến một ngày bạn cầm CV đi khắp nơi nhưng không công ty lớn nào nhận vì thiếu vốn tiếng Anh xem? Thử nghĩ tới một lúc nào đó phải ngậm ngùi bỏ qua chiếc váy yêu thích thì không có size cho mình? Thử nghĩ tới khi nửa cuối đầu 2 vẫn chưa thể cho bản thân một cuộc sống vững chắc chứ nói chi là lo cho bố mẹ? Tất cả sự buông thả của tuổi trẻ đều phải trả giá.



3.3. Hãy làm điều bạn thật sự phù hợp


Không phải ai cũng cần điểm GPA cao ở Đại học, không phải ai cũng cần IELTS 8.0, không phải công ty nào cũng chú trọng vào hoạt động ngoại khóa của bạn. Có nhiều cách để học nếu như bạn không hợp với việc ngồi đọc sách. Nếu học tiếng Anh không vào, có thể đổi qua hệ chữ viết khác như tiếng Trung hay tiếng Hàn thử xem… 


Bạn không nhất thiết phải trở thành một diễn viên hài nổi tiếng, một vlogger triệu view hay là một freelancer “đắt” job. Nếu không thoải mái, đừng ép bản thân phải theo đuổi lối sống tối giản hay bất kì một phong cách nào khác, hãy sống lành mạnh theo cách của mình. Bạn hãy đặt mục tiêu phù hợp vào thế mạnh của bản thân, đừng dựa vào hình ảnh của ai đó. Bạn hãy nỗ lực để đạt được lý tưởng của chính bạn, đừng chạy theo xu hướng, đừng vì “ai cũng vậy nên tôi phải vậy”.


Trong cuộc sống, ở mỗi vị trí sẽ có những yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ, năng lực khác nhau. Bạn cần có hình dung rõ ràng về định hướng cho riêng mình: mình muốn trở thành người như thế nào, có những yêu cầu gì đặc biệt, mình phải bắt đầu từ đâu, lộ trình ra sao… Hãy vẽ cho mình một con đường đi và tập trung đi về đích. Lúc này, sự quyết tâm sẽ xuất phát từ ánh sáng chói lọi trên đỉnh đích kia. Bạn không cần nản chí vì áp lực đồng trang lứa, vì sự so sánh với “con nhà người ta”, hay mầm mống “so sánh ngầm”, tự ti luôn sẵn sàng xuất hiện ở mỗi chúng ta. Vì bạn biết bạn đang làm thứ bạn cần, và bạn chỉ cần thứ đó thôi.



3.4. Ngưng tìm kiếm động lực đi, “just do it”.


Nếu như bạn muốn làm, hãy làm ngay hôm nay. Tất cả chúng ta hãy bắt đầu bằng những gì đơn giản nhất mà chúng ta có, miễn là chúng ta bắt đầu.


Trước đây, trước khi tôi bắt tay vào học hay có một việc tôi cần làm, tôi thường tìm động lực để làm cái đó, ví dụ như nghe một bài nhạc, xem một video. Tức là tôi thường tìm động lực trước rồi mới làm. Nhưng thực ra, quy trình đúng phải là bắt đầu làm việc rồi mới sản sinh động lực và tạo ra kết quả. Một khi tôi đã ngồi xuống làm rồi thì cứ thế, cứ thế làm cứ như “có đà” vậy. Đến lúc tôi làm xong rồi mới nhận ra là: “Woa, hóa ra hoàn thành công việc không khó đến thế” mà cái khoảng thời gian tôi chuẩn bị tinh thần mới lâu. Việc tìm kiếm động lực không hiệu quả bằng việc hành động rồi tạo ra “động lực tự thân” để kiên trì đến cuối cùng.


Chỉ cần tôi ngồi vào bàn và đặt bút viết từ mới thôi, tôi sẽ học tiếng Anh cho tới hết một unit bài học. Chỉ cần tôi mở Youtube lên và đứng nhún nhảy theo bài nhạc tôi yêu thích, khoảng một giờ đồng hồ sau áo tôi đã đẫm mồ hôi. Chứ nếu mà cứ để thôi, ngày mai làm, ngày mai học là trôi vào dĩ vãng luôn.



3.5. Duy trì sự quyết tâm theo Quy Luật Goldilocks: 


Theo Quy luật Goldilocks, con người yêu thích các thử thách, nhưng với điều kiện là thử thách không vượt quá độ khó tối đa mà họ chịu đựng được. Và cách tốt nhất để duy trì động lực là thực hiện những việc "có độ khó kiểm soát được".


Lấy ví dụ như việc tập thể dục. Nếu bạn bắt đầu với những bài tập cho trẻ mầm non, bạn sẽ nhanh chóng thấy chán và thậm chí “say no” ngay từ phút giây đầu tiên. Bài tập quá dễ dàng. Ngược lại, nếu bạn tập theo bài tập dành cho dân tập chuyên nghiệp, bạn sẽ cảm thấy mất sự quyết tâm vì một lý do khác. Bài tập quá nặng, quá khó. 


Trong một trường hợp khác, bạn tập theo level cho người mới bắt đầu. Trong suốt quá trình tập, có những động tác bạn làm được, nhưng lại có những động tác khiến bạn thở không ra hơi hay đau cơ kinh khủng. Bạn sẽ hoàn thành được bài tập, nhưng chỉ khi bạn thật sự cố gắng mà thôi. Tuyệt vời hơn cả là những động tác khó-dễ xen kẽ khiến bạn có sức lực và động lực để duy trì tập luyện. Quá dễ thì nhàm chán, quá khó thì gây nản lòng. Nhưng những thử thách nằm đúng ở ranh giới thành công và thất bại thì cực kỳ hấp dẫn đối với não bộ. Chúng ta không muốn gì hơn là thuần thục một kỹ năng không vượt quá xa tầm với của mình. Vì vậy, đừng quyết tâm theo đuổi một mục tiêu nào đó quá viển vông, hãy tập trung từ những cột mốc gần nhất.


Tuy nhiên, để đạt được trạng thái hiệu quả tối đa, chúng ta phải chăm chỉ đo lường sự tiến bộ của mình và dành cho cơ thể “sự công nhận xứng đáng”. Cảm thấy bản thân tiến bộ trong hiện tại là nguồn động lực cực kỳ lớn. Chúng ta cần nhìn thấy những chiến thắng của mình.


4. Lời kết:


"Những người chiến thắng dành được thắng lợi trong đời bởi trước đó họ đã chiến thắng cuộc chiến trong tâm tưởng" (Tony Gaskins).

Khi tất cả những người thành công đều đưa ra lời khuyên là “hãy kiên trì”, chúng ta chỉ “cười khẩy” và đi vào lối suy nghĩ: “Họ đã thắng, họ nói gì chả được” vì ta cho rằng, đó là lời khuyên vô thưởng vô phạt: “Chỉ cần kiên trì thôi ư?” Đúng. Và hầu hết mọi người đều không làm được thứ “chỉ cần” ấy. Cho nên đó là lý do mọi người hầu hết không phải là những người tài giỏi và thành công. Số lượng ít lắm. Còn nếu mình làm những điều mà mọi người vẫn luôn làm: đó là thích thì làm, không có cảm hứng gì thì thôi, mệt quá thì nghỉ, được không? Ô, it’s alright. Hầu hết mọi người đều như vậy, nên họ mới trở thành “mọi người”.


Tác Giả: Đào Yến Thanh

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

569 lượt xem, 545 người xem - 562 điểm