Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Chiến Tranh - Quy Luật Thiết Yếu Của Lịch Sử - Điều Người Trẻ Cần Nhận Thức

Vài Nét Về Chiến Tranh

Chiến tranh là một trong những yếu tố bất di bất dịch của lịch sử, nó không hề suy giảm theo đà phát triển của nền văn minh dân chủ. Trong vòng 3421 năm mà lịch sử ghi nhận, chỉ có 268 năm là chiến tranh không diễn ra. Hiện nay ta phải thừa nhận chiến tranh chính là hình thức cạnh tranh và chọn lọc tự nhiên tối thượng của loài người. Triết gia Hy Lạp Heracletius cho rằng: “Chiến tranh là cha đẻ của vạn vật”. Quả thực như vậy, chiến tranh là nguồn khởi phát mạnh mẽ của các ý tưởng, phát minh, các hình thái thể chế và nhà nước. Nền hòa bình, ngược lại, lại là trạng thái cân bằng thiếu bền vững, chỉ có thể duy trì bằng quyền lực tuyệt đối hoặc khi các bên có sức mạnh ngang nhau.

 

Nguyên Nhân Dẫn Đến Chiến Tranh

Nguyên nhân đưa đến chiến tranh cũng giống như nguyên nhân ganh đua giữa các cá nhân: tính hám lợi, tính hiếu chiến, lòng kiêu hãnh, tính khao khát xâm chiếm các nguồn lương thực, đất đai, nguyên liệu, nhiên liệu, và tham vọng bá chủ. Các quốc gia cũng tương tự, chúng có những bản năng hệt như con người, nhưng lại thiếu đi sự kiềm chế như chúng ta. Một cá nhân biết chịu khuất phục trước những ràng buộc mà hệ thống pháp lý và  luân lý đề ra, đồng thời cũng cũng biết chấp nhận việc đàm phán thay vì giao tranh, vì lẽ họ được chính quyền đảm bảo một sự bảo trợ cơ bản về tính mạng, tài sản và các quyền hợp pháp. Bản thân một nhà nước lại không chịu thừa nhận bất kỳ sự hạn chế nào, hoặc là vì nó mạnh đến nỗi có thể bất chấp mọi điều ngăn trở ý muốn của nó, hoặc do không có một siêu quốc gia nào có thể đảm bảo cho nó một sự bảo vệ cơ bản, trong khi không có một điều luật quốc tế hoặc quy tắc đạo đức nào thực sự có hiệu lực.

 

Chủ Nghĩa Dân Tộc

Ở mỗi cá nhân, lòng tự cao tự đại hun đúc thêm sức mạnh trong các cuộc cạnh tranh ở đời. Đối với mỗi nhà nước, chủ nghĩa dân tộc lại tạo thêm sức mạnh trong ngoại giao và trên mặt trận. Khi các quốc gia châu âu tự giải thoát mình khỏi sự thống trị và bảo hộ của các Giáo Hoàng, thì quốc gia nào cũng cổ xúy chủ nghĩa dân tộc như cách bảo trợ sức mạnh cho lực lượng vũ trang của họ. Một mặt, khi lường trước xung đột với bất kỳ đất nước nào, một quốc gia nhen nhóm trong lòng dân chúng nước mình lòng thù hận đất nước kia, rồi đưa ra những khẩu quyết hòng đẩy lòng hận thù đó lên mức đỉnh điểm đủ để gây tai họa; mặt khác, cũng chính quốc gia ấy lại ra rả rằng mình yêu hòa bình xiết bao.

 

Đã Từng Có Một Thời Chiến Tranh Không Nhất Thiết Đi Liền Với Hận Thù

Dùng đến phương cách cưỡng chế khiến người ta sợ hãi mà bài xích yếu tố nước ngoài là một đối sách chỉ được vận dụng trong các cuộc xung đột cơ bản nhất, chứ hiếm khi xảy ra trên mặt trận Châu Âu trong các cuộc chiến tranh tôn giáo vào thế kỷ XVI và trong cách mạng Pháp. Trong khoảng thời gian đó, nhân dân của các quốc gia tham chiến được tự do tôn trọng thành tựu và nền văn minh của nhau. Công dân Anh có thể sang Pháp du ngoạn an toàn dẫu cho Anh và Pháp đang giao chiến, còn người Pháp và Frederick Đại Đế vẫn tiếp tục giành cho nhau những tình cảm ưu ái mặc cho cả hai đang giao tranh trong Chiến Tranh Bảy Năm. Trong thế kỷ XVII và XVIII, chiến tranh kỳ thực là sdự tranh chấp giữa các tầng lớp quý tộc thay vì giữa các dân tộc. Trong thế kỷ XX, với sự cải tiến của thông tin liên lạc, vận tải, vũ bkhí và phương tiện truyền bá đã khiến chiến tranh trở thành cuộc đấu tranh của dân tộc, làm liên lụy từ thường dân đến binh lính. Khúc khải hoàn đồng nghĩa với việc hủy diệt một cơ số của cải và sinh mạng trên diện rộng. Một cuộc chiến giờ đây có thể hủy hoại toàn bộ công sức gầy dựng trong suốt hàng thế kỷ: các thành phố, các công trình nghệ thuật, cũng như những đức tính và phẩm chất tốt đẹp mà nền văn minh đem lại. Nói một cách vừa an ủi vừa biện minh, thì chí ít chiến tranh cũng có công thúc đẩy sự phát triển của nền khoa học kỹ thuật. Nếu nhân loại không quay lại cái thời kỳ mông muội và cho mọi thứ chìm vào lãng quên, thì biết đâu một ngày kia chính những phát minh mang tính hủy diệt có thể đem lại thành tựu to lớn cho nền hòa bình.

 


Chiến Tranh Dưới Góc Độ Lới Ích Mà Nó Mang Lại

Ở thế kỷ nào cũng vậy, các tướng lĩnh và các bậc đế vương, các vị lãnh chúa (như Ashoka và Augustus là ngoại lệ hiếm hoi) đều cười nhạo trước sự bài xích chiến tranh được thể hiện khá rụt rè của đám triết gia. Nếu dùng lăng kính chiến tranh mà kiến giải lịch sử, thì chiến tranh chính là kẻ phán xét tối hậu. Đại đa số mọi người (trừ những ai khù khờ và yếu hèn) đều công nhận rằng chiến tranh nổ ra là việc đương nhiên và cần thiết cho sự phán xét. Còn gì có thể tránh cho Pháp và Tây Ban Nha bị biến thành những vùng đất của Hồi Giáo nếu Charles Martel không đại thắng ở trận Tours vào năm 732? Điều gì sẽ xảy ra với nền di sản cổ điển đồ sộ nếu không ai cầm vũ khí đứng lên chống lại các cuộc xâm lược của Mông Cổ và Tatar? Chúng ta cười nhạo những vị tướng khi họ qua đời trên giường bệnh (quên mất rằng chính họ là những người có giá trị nhất khi còn sống chứ không phải khi chết đi), nhưng chúng ta lại dựng tượng cho họ khi họ bắt sống và giao nộp được một nhân vật tầm cỡ Hitler hoặc Thành Cát Tư Hãn. Các vị tướng lĩnh thường tỏ ra thương tiếc đám thanh niên trẻ tuổi phải chết trận. Nhưng ngẫm lại thì số thanh niên chết vì tai nạn giao thông còn nhiều hơn số tử trận, rồi bao nhiêu người trong số họ rốt cuộc lại đi chôn vùi đời mình trong bê tha, thối nát vì thiếu nề nếp kỷ luật? Ta hiểu thanh niên cần một nơi để xả tính hiếu chiến, máu phiêu lưu mạo hiểm, tâm trạng buồn chán vì những thói quen tẻ ngắt. Nếu sớm muộn gì cũng phải chết, chẳng há nên để họ hy sinh cho tổ quốc, trong mê hồn trận chiến trường và ánh hào quang đầy vẻ vang, hiển hách? Ngay đến một triết gia thấu suốt lịch sử cũng phải thừa nhận rằng một nền hòa bình kéo dài có thể làm suy yếu năng lực chiến đấu của một quốc gia. Trong tình trạng bất cập hiện nay của luật pháp quốc tế và nhiều ẩn tình, một quốc gia buộc phải có năng lực và có thể sẵn sàng tự vệ bất kỳ lúc nào. Và khi động chạm đến lợi ích thiết yếu thì nó được phép vận dụng bất kỳ phương cách nào mà nó cho là cần thiết để tồn tại. Một khi vấn đề tồn vong bị đe dọa thì Mười Điều Răn Của Chúa cũng đành nhường bước.

 

Giả Định Về Cách Tận Dụng Lợi Ích Của Chiến Tranh

Các vị tướng lĩnh lại bàn tiếp là ngày nay Hoa Kỳ phải đảm đương trọng trách mà Vương Quốc Anh từng thực hiện rất tốt trong thế kỷ XIX: Bảo vệ nền văn minh Phương Tây khỏi những nguy cơ ẩn tàng từ bên ngoài. Các quốc gia phi cộng sản non trẻ vốn ao ước có một cuộc Cách Mạng Công Nghiệp để đổi lấy sức mạnh kinh tế và quân sự, đã từng tuyệt đối choáng ngợp trước tốc độ công nghiệp hóa chóng mặt của Nga dưới sự quản lý của chính quyền Xô Viết. Rốt cuộc thì chủ nghĩa tư bản ở phương Tây có thể có năng suất cao hơn nhưng hóa ra lại chậm chạp hơn về tốc độ phát triển. Ta hãy thử hình dung đến những nước như Nhật Bản, Philippines và Ấn Độ, rồi nghĩ xem điều này đã ảnh hưởng đến Đảng Cộng Sản Ý vốn từng rất hùng mạnh ra sao, rồi thắng lợi của Đảng Cộng Sản Ý sẽ còn gây ảnh hưởng thế nào đến phong trào Cộng Sản ở Pháp, ở Vương Quốc Anh, các nước trên bán đảo Scandinavia, Hà Lan và Tây Đức? Bắc Mỹ hiện ở đỉnh cao quyền lực liệu có dám chấp nhận kết cục không thể tránh khỏi ấy, tức là phải chịu thu mình lại, để cho các nước kình địch bao vây và kiểm soát, cấm vận nguồn nguyên liệu và thị trường thương mại? Để rồi như bất cứ dân tộc nào khi bị dồn vào bước đường cùng, nước Mỹ sẽ  buốc phải nối gót chính kẻ thù của mình: thiết lập một chính quyền độc tài phủ sóng mọi mặt của đời sống, mà ai cũng quá rõ đời sống Mỹ trước đó vốn chỉ ngập tràn men say và tự do? Liệu các nhà lãnh đạo Mỹ chỉ cần xem xét sự miễn cưỡng của thế hệ ham hưởng lạc này khi phải đối mặt với một vấn đề tầm cỡ như vậy, hay họ nên xem xét thêm thế hệ tương lai thật sự mong muốn thấy gì ở hành động của các nhà lãnh đạo đương thời? Kháng cự ngay chẳng há khôn ngoan hơn? Đem quân đi đánh xứ người, cần thiết thì hy sinh một trăm ngàn lính Mỹ và có thể thêm một triệu thường dân, để đổi lấy một nước Mỹ toàn vẹn được sống một cuộc đời như ý, trong sự bao bọc an toàn và tự do, như vậy há chẳng phải là khôn  ngoan hơn sao? Một chính sách nhìn xa  trông rộng như vậy chẳng phải hoàn toàn phù hợp với những bài học lịch sử đó ư?

 

Nhưng Cái Lợi Ích Đó Là Phi Luân Lý

Các triết gia đáp lại rằng: Phải, những kết cục bi thảm như vậy hoàn toàn phù hợp với lịch sử, chỉ có điều những hậu quả thì sẽ gia tăng tương ứng với sự gia tăng về số lượng, khả năng tác chiến của các bên tham chiến, cũng như mức độ tàn phá vô biên của vũ khí. Nhưng có một điều gì đó còn vỹ đại hơn cả lịch sử. Một lúc nào đó ở một chân trời khác, nhân danh nhân loại mà ta phải quay lưng với cả ngàn tiền lệ xấu xa, để can đảm áp dụng Quy Tắc Vàng cho lối ứng xử giữa các quốc gia, như cách vị Vua Phật Giáo Ashoka đã làm (năm 262 TCN), hoặc chí ít thì như Augustus đã ra lệnh cho Tiberius dừng tiến quân sâu hơn khi xâm lược nước Đức vào năm 9. Bằng bất cứ giá nào, ta cũng không được phép để tái diễn ở Trung Hoa một trăm trận thảm sát như trận Hiroshima. Edmund Burke từng nói: “Đối với thuật trị quốc mà nói, đức cao thượng, trượng nghĩa lắm khi mới chính là chân lý, là minh triết. Một đế chế vỹ đại mà đi đôi với những bộ óc hạ tiện quả là một sự kết hợp tồi”. Thử tưởng tượng một vị Tổng Thống Hoa Kỳ nói với các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Nga thế này:

“Nếu để cho tiến trình thông thương của lịch sử đưa đường dẫn lối, thì chúng tôi nên tuyên chiến với quốc gia của các vị ngay, để đề phòng âm mưu các vị có thể khơi ra cho thế hệ mai sau. Hoặc giả nếu không làm như vậy thì chúng tôi có thể đi theo vết xe đổ nhục nhã của Liên Minh Thần Thánh vào năm 1815, tức là dồn mọi nguồn lực, của cải và toàn bộ số thanh niên ưu tú vào một công cuộc đàn áp các cuộc khởi nghĩa chống lại trật tự hiện hành ở bất cứ đâu. Nhưng chúng tôi sẵn sàng thử một cách tiếp cận mới. Chúng tôi tôn trọng dân tộc và nền văn minh của các vị - vốn là một nền văn minh mà chúng tôi đánh giá là có tính kiến tạo nhất trong lịch sử. Chúng tôi sẽ cố gắng tìm hiểu cảm nghĩ cũng như mong muốn phát triển thể chế riêng của quý vị mà không sợ quý vị tấn công. Cả hai phía chúng ta không nên để những nỗi khiếp sợ lẫn nhau dẫn dắt ta vào một cuộc chiến , bởi vũ khí tối tân với sức hủy diệt vô song của đôi bên sẽ tạo ra một tình thế vô tiền khoáng hậu trong lịch sử. Chúng tôi đề xuất mỗi quốc gia cắt cử đại diện cho đất nước mình. Những đại diện này sẽ cùng tham gia cácc phiên tọa đàm thường trực để bàn về cách dung hòa dị biệt giữa các bên, chấm dứt các hành động thù địch và chống phá, cũng như cắt giảm lực lượng vũ trang. Bất cứ nơi nào, bên ngoài bờ cõi đất nước chúng ta, chúng ta đều có thể cạnh tranh để thu phục một quốc gia mới làm đồng minh, chúng tôi sẵn sàng tuân thủ một cuộc bình bầu đầy đủ và công bằng của người dân quốc gia đó. Hãy để chúng ta mở rộng cửa đón tiếp nhau, cũng như tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa nhằm thúc đẩu sự hiểu biết và lòng cảm kích lẫn nhau. Chúng tôi không lo sợ chế độ kinh tế của quý vị có thể thay thế chế độ kinh tế của chúng tôi, cũng như quý vị không cần phải lo rằng chế độ của chúng tôi có thể thay thế chế độ của quý vị. Chúng tôi tin mỗi chế độ đều có thứ đáng để ta học hỏi lẫn nhau, và tất cả đều có thể chung sống trong hợp tác và hòa bình. Có lẽ mỗi quốc gia có thể duiy trì hệ thống phòng thủ thỏa đáng, vừa có thể ký kết các hiệp ước bất khả xâm phạm và chống lật đổ giữa các quốc gia. Biết đâu từ những hiệp định này mà một trật tự thế giới mới có thể hình thành, ở đó mỗi quốc gia đều có quyền tự chủ và tồn tại theo cách riêng của mình trong khuôn khổ những cam kết mà quốc gia đó tự ký kết. Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi quý vị hợp sức cùng chúng tôi chống lại guồng quay định mệnh của lịch sử, tức là ta nguyện vận dụng các phép tắc lịch sử và văn minh để dàn xếp mối ban giao giữa các quốc gia. Chúng tôi xin lấy danh dự của mình ra cam kết trước toàn thể nhân loại rằng chúng tôi mạo hiểm làm theo chủ trương này với tất cả lòng trung thành và sự tin cẩn. Nếu chúng tôi thua trong canh bạc lịch sử này, kết quả cũng không thể tồi tệ hơn những gì đang và sẽ diễn ra nếu chúng ta cứ chăm chăm thực hiện các chính sách theo đường lối truyền thống. Nếu phen này mà các vị và chúng tôi cùng thành công, thì công lao này của đôi bên quả xứng đáng được nhân loại khắc ghi qua hàng thế kỷ”.

 

Hòa Bình, Hợp Tác Không Thể Hoàn Toàn Thay Thế Cho Chiến Tranh

Nghe vậy, các vị tướng sẽ mỉm cười mà đáp rằng: “Các ông đã quên béng tất cả các bài học lịch sử, kể cả bản chất con người chính các ông vừa mô tả mà các ông cũng quên. Có một số loại xung đột quá căn cơ để có thể giải quyết thông qua đàm phán; vả lại lịch sử cũng chỉ cho chúng ta thấy khi tiến trình đàm phán kéo dài thì thể nào cũng có hành động chống phá giữa các bên. Một trật tự thế giới không thể nào đạt được qua các giao ước giữa các đấng quân tử, mà phải thông qua một chiến thắng mang tính quyết định của một cường quốc, để rồi cường quốc này sẽ áp chế và thực thi các luật pháp quốc tế như cải cách Đế Quốc La Mã đã thực hiện thời Augustus đến thời Aurelius. Như vậy, trong các giai đoạn chuyển tiếp mà nền thái bình tràn lan đều là những lúc ngoại lệ. Chẳng bao lâu, sự đổi mới trong việc phân bổ sức mạnh quân sự sẽ sớm chấm dứt các cảnh thái bình. Các ông từng nói với chúng tôi rằng con người vốn là giống loài cạnh tranh, rằng các quốc gia do con người tạo lập cũng mang bản chất cạnh tranh y hệt, và rằng quá trình chọn lọc tự nhiên nay đã vận hành trên bình diện quốc tế. Các quốc gia chỉ đoàn kết trong khuôn khổ hợp tác cơ bản chỉ khi nào họ cùng chịu sự tấn công từ bên ngoài. Có lẽ giờ đây chúng ta đang không ngừng tiến đến một trạng thái cao hơn của cuộc chiến, có thể chúng ta sẽ chạm trán với những giống loài đầy dã tâm đến từ các hành tinh và tinh hệ khác, kéo theo sau là một cuộc chiến liên hành tinh. Khi ấy, và chỉ khi ấy, loài người  trên trái đất này mới hòa làm một”.

 

Kể Cả Như Thế Thì Hòa Bình Vẫn Hơn Chiến Tranh – Người Trẻ Cần Chọn Phe

Dù là như thế nhưng xét cho cùng tận thì chiến tranh tuy rằng về góc độ cơ bản là cần thiết cho lịch sử phát triển và tồn tại của nhân loại tuy nhiên nó vẫn mang lại vô vàn hệ lụy đau đớn không chỉ cho một cá nhân, một gia đình, một gia tộc, một quốc gia mà là cho cả toàn nhân loại trên hành tinh mang tên địa cầu này. Khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, nhiều cựu chiến binh Mỹ quay trở lại Việt Nam – nơi họ từng cầm súng bắn giết những người Việt Nam vô tội, chỉ vì tổ quốc của họ ra lệnh cho họ. Họ thăm lại Sài Gòn, nơi họ đã có một thời quá vãng với những hồi ức khó phai về những buổi tiệc tùng thâu đêm ngập tràn trong men cay và vòng tay của những cô gái Việt. Sài Gòn giờ đây đã khác xưa, giờ đây thành phố từng là quê nhà thứ hai của họ đã sạch bóng quân xâm lược và thanh bình phồn thịnh hơn xưa. Họ được đón tiếp bằng những nụ cươi tươi như hoa hướng dương của những người trước kia họ đã ao ước đoạt mạng vì “lý tưởng ra trận lập công, mang vinh quang về cho chính phủ Liên Bang vỹ đại”. Họ được thưởng thức những món ăn dân dã mang đậm hơi thở của người Việt. Một số người tỏ ra xấu hổ trước sự tiếp đón nồng hậu ấy, nhưng một số người thản nhiên nói với người dân nước Việt rằng: “Chiến tranh đã qua đi từ lâu, nhưng chúng tôi không hiểu tại sao một số người dân nước các bạn vẫn thù hằn dân tộc chúng tôi, và đến giờ phút này vẫn coi chúng tôi là giặc”.

 

Tôi không biết những người được hỏi đã trả lời ra sao, nhưng nếu là tôi, tôi sẽ đáp lại  rằng: “ Vậy các bạn đã đã phải trải qua cảm giác chính tay mình phải bịt miệng đến chết đứa con trai duy nhất mới ba tháng tuổi chỉ để cứu cả làng thoát khỏi máy bay trinh sát của Mỹ chưa? Các bạn đã bao giờ phải tự mình vuốt mắt đứa bạn thân nhất đã gắn bó với mình từ tuỗi lên năm lên sáu chưa? Vậy các bạn đã bao giờ phải đi lượm xác người thân về chôn cất trong một cánh đồng ngập đầy tử thi người Việt, với mùi xác chết phân hủy và tiếng vo ve inh tai của ruồi nhặng chưa? Các bạn đã chứng kiến cảnh cả gia đình gục chết ngay trước mâm cơm vì bị Mỹ càn chưa? Gia đình các bạn có chiếc “kỷ vật” tàn nhẫn mang tên giấy báo tử không? Chắc các bạn đều đã trải qua cảm giác nhận giấy thông báo trúng tuyển vào đại học, vậy các bạn đã trải qua cảm giác nhận giấy báo tử chưa? Không phải vết thương nào cũng để lại thẹo, nhưng vẫn thương để lại thẹo chắc chắn sẽ đau, chưa kể đến việc vết thẹo có thể sẽ không bao giờ mất đi dù người lãnh thẹo cố xóa bỏ nó. Vết thẹo trên thể xác đã nhức nhối và xấu xí rồi, vết thẹo trong tâm hồn còn có sức tàn phá và gây đau đớn hơn gấp bội. Thẹo trên cơ thể có thể ăn da non nhưng vết thẹo trong tâm hồn chưa chắc đã liền lại được, mà có liền lại được cũng mất một thời gian rất dài: một năm, hai năm, ba năm, mười năm, hai mươi năm, nửa đời người nhưng cũng có thể là cả một đời người. Tôi không biết rằng những ai trên quê hương hình chữ s yêu chuộng hào bình của chúng tôi vẫn coi các bạn là kẻ thù, nhưng riêng tôi – một người trẻ tuổi mang trong tim hùng tâm tráng chí xây dựng Việt Nam thành Vương Quốc Thiên Đường, thì không coi các bạn là kẻ thù. Nhưng không chỉ với riêng tôi mà là với tất cả đồng bào tôi, từ cha ông, chú bác, anh em, bạn bè, con cháu – lớp lớp thế hệ người Việt sẽ không bao giờ quên người Mỹ các bạn chỉ vì tham lam thị trường, nguồn nhân lực, tài nguyên, lãnh thổ, tầm ảnh hưởng trên chính trường quốc tế mà đang tâm thảm sát người Việt chúng tôi. Giữa thời thái bình thịnh trị, các bạn đến thăm quê hương chúng tôi, mang lại cho đất nước chúng tôi nguồn lợi lớn lao về du lịch thì chúng tôi xem các bạn như thượng khách, như những người huynh đệ phương xa đến thăm tệ xá mà ân cần, niềm nở tiếp đãi các bạn trọng hậu. Nhưng nếu có một ngày, các bạn đến tổ quốc chúng tôi với dã tâm và vũ khí thay vì tính hòa hiếu và lòng mến mộ văn hóa Việt Nam, thì lúc đó mối thù xưa và tinh thần thượng tôn dân tộc của chúng tôi sẽ sẵn sàng tiếp đón các bạn, nhưng không phải bằng nụ cười và món ăn dân dã Việt Nam mà bằng cả một biển anh hùng chiến ý làm mờ nhật nguyệt”.

 

Chiến tranh và hòa bình là hiện tượng, là quy luật, là tính chất bất di bất dịch của lịch sử, cũng giống như sự sống không thể tồn tại nếu không có cái chết, cái thiện không thể tồn tại nếu không có cái ác, ánh sáng không thể tồn tại nếu không có bóng tối. Nhưng quan trọng là bạn và tôi – người trẻ chúng ta sẽ chọn phe nào? Ai cũng có khát khao riêng, đó là điều tồn tại ở bất cứ linh hồn nào của loài người nhưng sẽ rất sai lầm và ngu xuẩn nếu chọn sai phe. Không phải lúc nào cái thiện cũng sẽ thắng cái ác, không phải lúc nào ánh sáng cũng xua tan bóng tối, không phải lúc nào sự sống cũng đẩy lùi cái chết. Nhưng dù gì đi nữa làm một chiến binh xây dựng và bảo vệ cho hòa bình vẫn tốt hơn làm anh hùng của một đạo quân chinh phạt (thời kỳ của  Alexander Đại Đế, vinh quang nằm ở cuối đường chân trời, chinh phạt thật vỹ đại và thú vị nhưng đến thời đại ngày nay, khi con người hết mông muội, chinh phạt chỉ là kéo nhau đi ăn cướp với cái lý tưởng dỏm tự huyễn hoặc nên). Chiến tranh không phải là không cần thiết, nhưng ai mà lại muốn chết trong chiến tranh để mà đổi lại cái lợi ích chiến tranh mang lại cho những người không liên quan gì đến mình. Tinh thần chiến binh có lẽ chuộng chiến tranh hơn cả, nhưng không gì bằng tinh thần nhân đạo. Vậy tại sao ta không kết hợp tinh thần chiến binh và tinh thần nhân đạo làm một như Đức Vua Ashoka đã làm? Bạn thích chinh phạt ư? Trong thời bình còn rất nhiều thứ để bạn chinh phạt mà không gây đổ máu, đau thương, tang tóc như là bạn khác giới, thành công, vinh quang trong sự nghiệp. Các bạn trẻ ơi, hãy cùng tôi chọn hòa bình cho tổ quốc chúng ta và cùng nhau phấn đấu, xây dựng Việt Nam thành Vương Quốc Thiên Đường nơi Những Đứa Con Ánh Sáng sống trọn cuộc đời ít đau thương nhiều hạnh phúc. Chỉ cần có cái tâm trồng lúa thì sợ gì lúa không mọc lên lấn át cỏ dại mà để Việt Nam thành rừng đại ngàn vỹ đại thì mỗi người trẻ chúng ta phải là một “người trồng lúa cần mẫn”. Thế hệ trẻ, giới trí thức chính là sự bắt đầu của quốc lực để đánh bại sự ngu xuẩn và độc ác vì vậy giới trí thức, thế hệ trẻ phải đi thực hiện lý tưởng của mỗi cá nhân và cũng là thực hiện lý tưởng của đất nước. Mặt trời lại mọc, kỳ đạo lại sáng. Sông chảy từ nguồn, nước xiết mênh mông. Đã là trượng phu ắt không sợ sệt. Trượng phu mạnh thì nước nhà mạnh. Đã là trượng phu phải không ngừng cố gắng.

Tác Giả: Thần Ánh Sáng 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link:https://www.facebook.com/minhhoang.nguyen.5855594/ 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

206 lượt xem, 162 người xem - 168 điểm