Ánh Mai@Triết Học Tuổi Trẻ
2 năm trước
Chữa Lành - Hành Trình Làm Bạn Với Bản Thân
Mình nghĩ, trong chúng ta ai cũng sẽ có những tổn thương trong suốt quá trình trưởng thành. Không lớn thì nhỏ. Tùy thuộc vào sức chịu đựng của mỗi người mà cơn đau sẽ khác nhau. Nhưng đã là tổn thương thì chúng ta cần phải chữa lành. Nếu thuật ngữ “chữa lành” còn xa lạ với bạn thì mình sẽ giải thích một cách ngắn gọn, xúc tích nhất:
Chữa lành là bạn quay về để nhìn nhận lại chính bản thân mình (cảm xúc, suy nghĩ và hành động của chính bạn), học cách chấp nhận những tổn thương mà bạn đã trải qua. Sau đó, bạn sẽ tìm ra nguyên nhân cốt lõi đã khiến bạn gặp những khó khăn tâm lý trong cuộc sống hằng ngày. Nói một cách dễ hiểu hơn, chữa lành chính là làm bạn với bản thân, là khi bạn chấp nhận những khuyết điểm và học cách lắng nghe chính mình. Từ đó, bạn sẽ cư xử và hành động một cách có ý thức, chủ động hơn trước những vấn đề mà bạn gặp trong cuộc sống. Việc chữa lành phụ thuộc vào yếu tố nội lực hơn là ngoại lực.
Trước khi bước vào hành trình chữa lành, mình xin chia sẻ với bạn đôi điều rằng, mình không phải chuyên gia tâm lý, mình cũng chẳng phải là nhà chữa lành. Mình cũng chỉ là một "đứa trẻ" gặp khá nhiều vấn đề về tâm lý. Và để trở thành một con người lạc quan, yêu đời như bây giờ thì mình cũng đã đấu tranh với cảm xúc của mình rất nhiều. Tuy nhiên, mình chưa bao giờ cảm thấy mình là người bất hạnh cả! Mình cảm thấy hài lòng với bản thân mình bây giờ, có lẽ nó không phải là phiên bản tốt nhất nhưng mình biết mình đang trên hành trình chữa lành, tìm hiểu và khám phá bản thân- một hành trình giúp mình hoàn thiện bản thân. Hơn ai hết, mình hiểu rõ việc mang trong mình những tổn thương, nó chẳng hề dễ chịu chút nào. Đây là lý do mình quyết định hành động để giúp mọi người cảm thấy tốt hơn, sống nhẹ nhàng và lành mạnh hơn. Sau đây là những cách mình đã rút ra từ chính trải nghiệm của bản thân mình trong hành trình chữa lành:
1. Nhận thức về sự tổn thương - sát trùng vết thương:
Hãy dành thời gian cho bản thân để nhìn lại những sang chấn hay những vết thương mà bạn đã trải qua. Bạn hãy chuẩn bị cho bản thân một cuốn sổ và viết những tổn thương, những cảm xúc tiêu cực của bạn, sau đó bạn sẽ đọc lại và tìm ra nguyên nhân.
Ví dụ: Mình có quen biết một cô bé, em đã gặp một sang chấn tuổi thơ. Nguyên nhân là em sống trong bạo lực từ nhỏ, em thiếu đi sự quan tâm của cha mẹ. Khi trưởng thành, chính những điều đó đã biến em thành một cô bé không kiểm soát được cảm xúc, em thường cáu gắt và dễ buông những lời tổn thương đến người khác, đặc biệt là những người thân yêu nhất của em. Và em luôn là người khao khát sự quan tâm từ người khác.
Hay trường hợp của mình, vì là một cô gái có thân hình nhỏ bé nên thường được cho là “một kẻ yếu đuối” và mình thường xuyên phải nghe những câu đại loại như: “Mày không làm được đâu”; “Mày thì làm được gì!”;... những lời nói bâng quơ như vậy, lại khiến cho người nghe phải bận tâm. Và mình đã từng tin là như vậy! Mình đã từng tin mình là kẻ vô dụng và mình cũng đã từng buông thả, phó mặc cuộc đời. Nhưng khi mình cho phép bản thân được bước chậm lại, để nhìn nhận lại vấn đề một cách sâu sắc hơn, thì mình nhận ra họ cũng chính là nạn nhân của những lời nói ấy. Thật ra, họ cũng không hoàn toàn hiểu hết về mình và họ đánh giá mình chỉ qua vẻ bề ngoài. Nhưng mình đâu đơn giản chỉ có vậy! Mình biết bản thân mình là ai và mình đang làm gì. Vì thế, mình đã kéo bản thân mình ra khỏi vũng đầm lầy đó.
2. Chấp nhận tổn thương:
Những tổn thương cũng giống như những vết thương ngoài da vậy, sẽ có những vết thương nhanh lành và cũng có những vết thương sẽ để lại sẹo. Khi nhìn vào vết sẹo đó, trái tim ta lại thổn thất, nhưng chúng ta không thể quay lại quá khứ và sửa chữa chúng. Vậy nên hãy học cách chấp nhận tổn thương, hãy xem chúng là một phần giúp bạn trưởng thành hơn. Điều quan trọng nhất trong hành trình chữa lành là bạn phải chấp nhận rằng mình đang tổn thương.
Mình luôn tin "hạnh phúc chẳng đâu xa. Lúc nào hạnh phúc cũng tồn tại trong ta, trong tôi. Nhưng có được nhiều trải nghiệm đắng cay, khó khăn thì bản thân mới dễ tìm nó ra, ẩn sâu trong tiềm thức chứ không ở nơi đâu ngoài ta cả". Chỉ cần bạn sống tử tế thì hạnh phúc sẽ đến với bạn, không sớm thì muộn, không bằng cách này cũng bằng cách khác.
Những điều bạn đã trải qua trong quá khứ không định nghĩa được bạn là ai ở hiện tại. Cho nên hãy cùng mình đến với chặng thứ 3- chữa lành. Chúng ta hãy hành động, để có thể nhìn thấy một phiên bản hoàn thiện hơn nhé!
3. Chữa lành - xoa thuốc, băng bó vết thương:
Trò chuyện với bản thân:
Bạn hãy xem "đứa trẻ bên trong" - linh hồn của bạn như người bạn thân và hãy trò chuyện một cách thoải mái như những người bạn. Nghe đến đây có vẻ hơi nực cười phải không? Nhưng chỉ khi bạn dám đối diện với chính mình thì bạn mới có thể chữa lành tổn thương. Bạn biết không, mình đã khóc rất nhiều khi trò chuyện với chính mình. Mình nhận ra rằng, những vấn đề mình tưởng là nhỏ, những tổn thương mà mình nghĩ chỉ cần phớt lờ là nó sẽ qua thôi, nhưng hóa ra chúng vẫn ở đó, vẫn âm ỉ trong mình và hình như mình đã bỏ quên bản thân mình quá lâu rồi.
“Khi bạn ngồi đủ lâu và đủ thân với ai đó, họ sẽ cho bạn biết nhiều bí mật về họ. Bản thân bạn cũng vậy, dành đủ thời gian, nó sẽ cho bạn biết những điều thầm kín về chính bạn.”
Học cách tha thứ và biết ơn:
Trước khi ngủ mình thường thực hành thiền Ho’Oponopono với 4 câu như sau: I’m sorry - Tôi xin lỗi; Please forgive me - Hãy tha thứ cho tôi; Thank you - Cảm ơn bạn; I love you - Tôi yêu bạn; để cho mình bớt dằn vặt vì những tổn thương.
Bên cạnh đó, hằng ngày mình sẽ viết nhật ký biết ơn. Mình sẽ viết 3-5 điều mà mình biết ơn những thứ đơn giản, nhỏ bé xung quanh mình. Ví dụ, như:
+ Tôi biết ơn vì tôi còn sống và còn sức khỏe.
+ Tôi biết ơn vì tôi còn gia đình và nhà để về.
+ Tôi biết ơn vì những giấc ngủ say và những bữa ăn ngon.
+ Tôi biết ơn những thử thách trong cuộc sống giúp tôi vững vàng và trưởng thành hơn.
+ Tôi biết ơn vì tôi luôn tin tưởng chính bản mình và cố gắng để theo đuổi ước mơ.
Ngoài ra, mình còn tìm hiểu đến Phật Pháp, vì đời vốn dĩ là khổ mà! Mình học Phật để mình quay lại sửa chính bản thân mình, để chuyển hóa những tham- sân- si, để tìm thấy được hạnh phúc, bình yên hiện hữu ngay trong chính bản thân mình mà không ở đâu khác. Suy cho cùng mọi phiền não cũng vì tâm mà ra, hoàn cảnh chỉ đóng vai trò là chất xúc tác. (bạn có thể tìm hiểu Phật pháp qua kênh Youtube: Giác Lệ Hiếu; Minh Niệm hoặc kênh Tik Tok: Tuổi trẻ và Phật giáo).
Thay đổi tư duy, góc nhìn của bạn về cuộc sống này:
“Trưởng thành là khi ta không thay đổi thế giới mà thay đổi chính mình”. Khi đọc được câu đó, mình đã có góc nhìn khác về chính cuộc sống của bản thân. Mình bắt đầu đọc nhiều hơn, nghe nhiều hơn và nhận ra rằng, những thứ mình biết về cuộc đời thật ít ỏi (hãy đọc và nghe những thứ bạn thích và mang lại giá trị cho bạn). Từ đó, mình học cách mở rộng tư duy ra để có thể đón nhận, học hỏi những quan niệm khác với mình.
Hãy thử mở rộng góc nhìn của bạn:
Ví dụ, khi bạn muốn mua một chiếc xe Vision và khi đi ra đường bạn thấy ai cũng chạy chiếc xe đó; không phải là vì người ta bắt chước bạn, mà vì lúc đó sự tập trung của bạn đã hướng vào chiếc xe Vision nên đi đâu bạn cũng thấy nó. Tương tư, nếu bạn chỉ nhìn vào khuyết điểm của người khác thì điều đó chứng tỏ bạn đang lo sợ về chính khuyết điểm của bản thân. Và khi bạn nhìn vào những điều tích cực trong cuộc sống này, bạn học cách bao dung cho người khác cũng là lúc bạn thấy cuộc đời này cũng đang âm thầm yêu bạn theo cách riêng của nó. Đúng là thế giới này, có rất nhiều điều tồi tệ, nhưng những điều tốt đẹp cũng không thiếu.
Học cách chia sẻ nhiều hơn:
Khi bạn cảm thấy bế tắc, bất lực trong cuộc sống thì bạn hãy thử đi giúp đỡ, chia sẻ với người khác. Nghe có vẻ hơi ngược đời phải không? Tại sao tôi đang bế tắc, khó khăn như thế này không ai giúp tôi thì thôi, mắc gì tôi phải đi giúp người khác! Không sao, bạn không cô đơn đâu, vì mình cũng đã từng suy nghĩ như vậy! Nhưng khi mình quyết định mở lòng ra để cho đi nhiều hơn, thì mình cảm thấy mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người. Khi mình nhìn thấy những anh/ chị khuyết tật vẫn sống hết mình với đam mê của họ; khi những người cái ăn cái mặc chưa đủ nhưng họ vẫn sẵn sàng giúp đỡ những người xung quanh; khi những người xa lạ chẳng quen biết gì mình nhưng vẫn sẵn sàng giúp đỡ mình. Chính những điều giản dị đó, lại là động lực lớn đối với mình. Và cũng chính vì tình yêu thương của cuộc sống này, đã biến mình từ một cô bé nhút nhát, đầy tiêu cực trở thành một cô gái lạc quan, sống yêu người và yêu đời. Bạn không cần phải chờ đến lúc thật giàu thì mới cho đi, người ta đâu kêu bạn mang hết tài sản của cải để cho người ta đâu, mà đôi khi nó chỉ cần là nụ cười của bạn, những lời nói và hành động tử tế của bạn.
“Hãy mở rộng cửa lòng, gió lành sẽ tự thổi tới”.
Chúng ta luôn sợ rằng nếu mình bước chậm lại liệu có thua người khác hay không. Nhưng bạn ơi, mỗi người sẽ có những mục đích khác nhau dẫn đến hành trình và thời gian thành công của mỗi người cũng sẽ khác. Cho nên, thay vì đem bản thân so sánh với người khác thì bạn hãy nên hành động. Nếu bạn thấy những cách trên sao mà khó thực hiện quá đi. Vậy thì, hãy chia nhỏ chúng ra:
+ Nếu bạn thấy, thiền trong 5 phút khiến bạn buồn ngủ, mỏi lưng, mỏi chân hay bạn là người năng động nên không ngồi yên trong thời gian dài như thế được, thì hãy thực hành thiền trong 5 hơi thở. Đúng rồi, bạn không đọc lầm đâu! Nếu trong lúc thiền, tâm trí bạn suy nghĩ lung tung thì cũng không sao, vì đó là cách vận hành của bộ não. Lúc đó bạn chỉ cần kéo tâm trí của mình quay về với hơi thở. Khi đã quen rồi thì bạn có thể tăng dần lên, từ 5 hơi thở đến 1 phút rồi 5 phút hoặc nhiều hơn. Bạn càng thực hành nhiều thì bạn sẽ càng tập trung hơn, càng về sau bạn sẽ làm chủ được tâm trí, cảm xúc và cuộc đời của bạn.
+ Nếu bạn cảm thấy, việc lướt mạng xã hội vui hơn khi ngày nào cũng ngồi viết nhật ký biết ơn. Vậy thì, hãy bắt đầu viết 1 tuần/ 1 lần rồi 1 tuần/ 2 lần... rồi tăng lên 1 tuần/ 7 lần; hoặc bạn có thể viết khi bản thân cảm thấy tiêu cực, mông lung. Sau đó, hãy đọc lại chúng khi tâm trạng của bạn đã tốt hơn; bạn sẽ nhận ra rằng: tất cả mọi chuyện rồi cũng sẽ ổn thôi; cơn mưa nào rồi cũng sẽ tạnh thôi!
+ Nếu bạn không thể nào gặm nhắm hết được một cuốn sách, thì sao? Bật mí cho bạn một bí mật, mình cũng từng là đứa rất ghét đọc sách. Nhưng khi mình thử đọc một dòng, hai dòng rồi một quyển thì giờ đây mình đã trở thành một đứa “cuồng sách”. Tin mình đi, sách sẽ đem đến nhiều điều thú vị cho bạn, chứ không đơn thuần chỉ là cảm giác nhàm chán đâu. Nhưng nếu ngay lúc này, bạn chịu đọc những dòng chia sẻ này của mình, thì xin chúc mừng bạn đó đã là một thành tích đáng khen rồi đó!
Tương tự, nếu bạn gặp những vấn đề trong cuộc sống mà không biết phải làm sao hoặc có những kế hoạch chưa thực hiện được, thì hãy thử chia nhỏ nó ra và thực hiện từng điều một. Hãy nhớ rằng, để đến được số 10 bạn phải đi từ số 1. Cho nên, hãy kiên nhẫn với bản thân một chút bạn nhé!
Việc chữa lành nó cần sự kiên nhẫn và kiên trì của bạn rất nhiều, đặc biệt là bạn phải hành động. Chữa lành là một hành trình, mà trên hành trình đó có đôi lúc bạn cảm thấy tồi tệ, cô đơn, tiêu cực nhưng bên cạnh đó sẽ có những ngày bạn yêu đời đến lạ thường. Nhưng không sao đó là phản ứng tự nhiên cả thôi! Việc của bạn là chấp nhận mọi cảm xúc của mình và cho phép bản thân được thể hiện cảm xúc đó. Mình tin trong quá trình chữa lành bạn sẽ tự tìm ra cho mình những cách khác phù hợp với bạn hơn. Còn nếu bạn có những tổn thương khiến bạn không thể nào vực dậy nỗi, thì bạn nên tìm đến các chuyên gia tư vấn tâm lý để có những biện pháp phù hợp cho bạn.
Đối với mình, hành trình chữa lành là hành trình khá thú vị vì nó không những giúp chúng ta làm lành những vết thương mà còn giúp chúng ta hiểu và khám phá ra những thế mạnh của bản thân; và nhiều điều thú vị khác nữa, mà chỉ riêng bạn mới có thể cảm nhận được.
Chúng ta hãy cùng cố gắng bạn nhé!
Tác Giả: Mai Ánh
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
636 lượt xem, 524 người xem - 531 điểm