Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Chúng Ta Có Thực Sự Yêu Môi Trường?

Môi trường của chúng ta đang héo mòn đi từng ngày, có lẽ mỗi người chúng ta ít nhiều cũng có thể cảm nhận được phần nào điều tệ hại vẫn đang tiếp diễn này. Dường như chính con người chúng ta đang thay cho Trái đất một diện mạo mới, có phần cằn cỗi và già nua hơn trước. Ngày trước môi trường của chúng ta được khoác lên mình tấm áo xanh lá thật dài và rộng, phủ khắp bạt ngàn trên nền xanh biển đầy hiền hòa, tạo nên một bộ trang phục hoàn hảo. Vậy mà giờ đây, có lẽ chúng ta đang dần cắt, xén đi lớp vải đó của Trái đất để tạo một “phong cách thời trang” mới cho nó. Thế nhưng, thật không may, điều đó lại khiến cho môi trường sống của chính con người dần trở nên thật cằn cỗi và xấu xí.


Trái đất đang phải chịu một sự đối xử đầy bất công từ chính con người. Chúng ta khiến cho chính môi trường sống của mình trở nên ngày một ô nhiễm, ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, thật sự là có vô vàn loại ô nhiễm đang làm hao mòn Trái đất. Tất cả đều là do lượng rác thải mà con người thải ra, cách mà ta sản xuất thật thiếu chuyên nghiệp vô tình gây cho môi trường này những tai hại. Điều mà chính chúng ta có thể cảm nhận một cách rõ nét nhất sự biến đổi hay sự tức giận từ môi trường có lẽ là cảm giác nóng dần lên từng ngày – hiện tượng “nóng lên toàn cầu” ấy như một lời cầu cứu của Trái đất gửi tới loài người.


Cũng chính vì những điều tồi tệ mà nhân loại vô tình đè lên môi trường mà việc “bảo vệ môi trường” dường như là một điều báo động và hành động khẩn trương dành cho tất cả mọi người. Đây có lẽ là cụm từ vô cùng quen thuộc với đông đảo cư dân trên Trái đất, từ trẻ em cho tới những người lớn tuổi có lẽ không ai là không biết đến lời kêu gọi này. Vì thế nên, bảo vệ môi trường đã trở thành một nhiệm vụ chung, không của riêng ai, mỗi một đất nước đều gia sức thực hiện điều đó.


Để bảo vệ môi trường, chính phủ đã đề ra rất nhiều các biện pháp, phát động tuyên truyền để người dân nhận thức, thay đổi hành vi một cách tích cực với môi trường. Một vài biện pháp như khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng; tiết kiệm điện, nước, không vứt rác bừa bãi; phát động những phong trào như thu gom rác, tổ chức các chương trình tuyên truyền bảo vệ môi trường hay gần đây là việc kêu gọi hạn chế rác thải nhựa và rất nhiều những hành động khác.

 

Dường như, chúng ta đều cảm thấy như chúng ta đang không hề thờ ơ với môi trường bởi những biện pháp đang được thực hiện đó, vậy cớ sao lời kêu cứu của Trái đất lại ngày một mạnh mẽ hơn. Mỗi khi ra đường, ta vẫn bắt gặp rác thải vung vãi trên đường, những chiếc túi ni lông bay phấp phới “đầy nghệ thuật”, khói bụi rồi khí thải vẫn ngặp tràn quanh ta hằng ngày. Không lẽ những biện pháp và hành động mà con người đang làm đều trở nên vô nghĩa? Không, tất cả chẳng hề vô nghĩa, các bước giải quyết đó ít nhiều đều có phần ảnh hưởng tích cực đến môi trường. Thế nhưng, liệu mọi tác động tuyên truyền, kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường ấy có thực sự hiệu quả, liệu chúng ta có thực sự để tâm đến điều đó, ghi nhớ việc giải quyết lời kêu cứu từ Trái đất mỗi ngày hay chỉ trong một khoảnh khắc?


Gần đây nhất, vụ cháy rừng Amazon được ví như “lá phổi của hành tinh” đã ngùn ngụt bốc cháy, gây ra nỗi kinh hoàng với hàng triệu người trên thế giới, tạo ra một mối thảm họa môi trường toàn cầu, để lại những hậu quả thảm khốc. Thế nhưng, nguyên nhân gây ra vụ cháy ấy phần lớn lại là do tác nhân con người. Dường như tin tức về vụ việc thảm khốc này đã được truyền thông một cách mạnh mẽ tới tất cả chúng ta, không ít người bày tỏ sự bất bình thậm chí là phẫn nộ tới sự việc đáng tiếc đã xảy ra đó. Trên các trang mạng xã hội, hàng ngàn lượt thích, vô vàn những lời bình luận, rồi những lượt chia sẻ với hashtag amazon, amazonfire, prayforamazon trở nên rộng rãi và phổ biến. Việc chúng ta chia sẻ nhiều trên mạng xã hội như vậy rốt cuộc là nhằm mục đích gì? Nhờ các phương tiện truyền thông ấy đã mang lại cho không ít người thay đổi nhận thức của mình về vấn đề bảo vệ môi trường đầy cấp bách, nhiều người đã hành động. Thế nhưng tiếc thay việc chia sẻ ấy đôi khi chỉ để tạo nên một phong trào, một xu thế, để tăng lượt tương tác, để tự thấy bản thân không thờ ơ với môi trường và chẳng hề có ảnh hưởng tới ý thức của mỗi người với sự tổn thương mà Trái đất ta đang gặp phải. Kế tiếp sau đó lại là vụ cháy rừng Châu Phi thậm chí còn nặng nề hơn vụ cháy rừng Amazon trước đó, để lại vết thương vô cùng lớn cho hành tinh này. Thế nhưng, rốt cuộc sau những điều đó, ta tự hỏi lại mình, liệu ta có thực sự để tâm tới sự tàn lụi của hành tinh mà chúng ta sinh sống?



Một công cụ mang tên Ecosia ra đời, ứng dụng giúp ta có thể góp phần trồng cây cùng với mọi người trên thế giới bằng những lần ta tìm kiếm thông tin trên đó. Đây quả là một ý tưởng tuyệt vời, ta có thể chắc chắn rằng cây từ Ecosia hoàn toàn được trồng qua những thước phim được ghi lại và cam kết. Bên cạnh Ecosia, hai nhà môi trường học Ido và Shimrit, họ đã dành ra hơn 20 năm trời để thực hiện việc nghiên cứu tạo ra một loại bê tông đặc biệt, giúp cho sự sống dưới lòng đại dương được duy trì và phát triển. Nhờ phát minh đặc biệt ấy mà các loại cá nhỏ hay san hô có thể sinh sống, sinh sôi ở đó. Tuy vậy, một lần nữa, điều đó liệu có đủ để cho thấy tất cả chúng ta thể hiện sự quan tâm một cách tâm huyết nhất với môi trường quanh ta hay không?

  

Chính chúng ta – những người dân bình thường, ngay từ hôm nay, cần phải bắt tay vào hành động vì Trái đất này, tất cả cần có những biện pháp thật sự cụ thể và thiết thực. Lời kêu gọi hạn chế sử dụng túi ni lông, hạn chế sử dụng rác thải nhựa là một điều cần thiết, song nếu ta không sử dụng cái này, thì ta sẽ cần thay thế nó bằng cái khác như túi giấy, túi vải, túi gai, với khá nhiều những vật liệu khác, liệu có đủ để sản xuất và thay đổi hành vi, thói quen của chúng ta khi đã quá quen với những vật liệu cũ – đây quả là một vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm. Bên cạnh đó, từ “hạn chế” vô hình chung lại mang một nghĩa chung chung, ta hạn chế như thế nào mới có thể coi là đủ, là thân thiện cho môi trường? Những câu hỏi vẫn tiếp tục đặt ra với tất cả chúng ta. Suy cho cùng, phân loại rác và tái sử dụng rác thải có lẽ là điều mà hầu hết mọi người cần phải làm ngay bây giờ vì điều đó mới có thể triệt được cái gốc của việc gây nên đau đớn cho Trái đất.

 


 

Rác thải ngày một nhiều lên, chẳng lẽ ta cứ khoanh tay đứng nhìn điều tồi tệ đó? Bằng một cách đơn giản mà gia đình tôi vẫn đang làm, phân loại rác thải đồ ăn, rác thải nhựa, giấy (những vật có thể tái sử dụng) chia ra riêng. Lượng rác thải từ đồ ăn ấy thậm chí có thể giúp phân bón cho cây, còn lượng rác thái nhựa, giấy có thể đem tái sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Những chai, lọ nhựa có thể tái sử dụng để chứa đựng những thứ khác, hơn nữa còn có thể rửa sạch, tô vẽ làm thành những đồ trang trí. Những chai, lọ thủy tinh cũng tương tự như vậy, đặc biệt những vật dụng cũ từ thủy tinh nếu biết cách trang trí có thể làm một món đồ lưu niệm thật sự đẹp mắt và độc đáo. Giấy thừa có thể đem làm nháp, hay bọc đồ, tạo thành một quyển sổ tay hay vở mới. Nếu mỗi gia đình, hằng ngày tạo cho mình một thói quen, phân loại rác thải như vậy, có lẽ lời kêu gọi hạn chế rác thải nhựa mới thực sự phát huy đúng ý nghĩa của nó, việc phân loại rác cũng là một cách giúp ta hạn chế một cách tối đa việc phát sinh thêm những đồ dùng từ nhựa mỗi ngày.


Bên cạnh đó, việc sử dụng túi ni lông cũng là một thói quen thật khó bỏ, nó vốn dĩ là một điều hiển nhiên mỗi khi ta cần đựng thứ gì đó. Thế nhưng, vì sự an nguy của hành tinh, ta buộc phải thay đổi thói quen này. Mỗi lần ra chợ, tôi lại thấy trên tay mỗi người cầm vài ba chiếc túi ni lông, nào là để rau, để thịt, hoa quả, tất cả mọi thứ đều được đặt trong những chiếc túi ni lông rất tiện lợi. Vậy làm thế nào mới có thể hạn chế và ngưng sử dụng chúng? Những chiếc túi ni lông đựng rau hay hoa quả ta có thể đem rửa sạch rồi phơi khô, tái sử dụng nó để đựng những thứ khác. Còn với thức ăn sống như thịt, cá, gà để hạn chế túi ni lông, mẹ tôi đã mua hai chiếc hộp nhựa lớn để mỗi lần đi chợ, người bán hàng có thể để thức ăn vào trong đó, điều đó đã hạn chế việc sử dụng túi ni lông một cách đáng kể và tiện lợi cho chính chúng ta và cả những người bán hàng. Những chiếc hộp đó khi đem về, ta có thể rửa sạch, phơi khô rồi mang đi trong những lần đi chợ khác. Hiện nay, các siêu thị cũng đã và đang khuyến khích người dân sử dụng túi vải, túi thân thiện với môi trường để thay đổi hành vi của người tiêu dùng, số tiền bỏ ra mua chiếc túi đó có lẽ là một khoản đầu tư thật sự giá trị.


Một hành động đơn giản khác mà ai trong chúng ta thậm chí là một đứa trẻ cũng có thể làm được đó là bỏ rác vào thùng, không vứt rác bừa bãi. Một lời tuyên truyền tiêu biểu vậy mà trên đường phố của chúng ta vẫn luôn có sự hiện diện của rác thải vung vãi ở nhiều nơi. Nếu mỗi người chúng ta, coi Trái đất này như ngôi nhà thật sự của mình, ta sẽ chẳng bao giờ vứt rác một cách vô y thức cả. Hãy đem bỏ rác vào thùng, vào đúng chỗ, nếu tất cả mọi người cùng làm được điều đó, chính chúng ta sẽ cảm thấy yêu quý nơi mà mình đang sinh sống, cảm thấy được sống trong một môi trường xanh, sạch, đẹp.


Hành tinh này đang cầu cứu và chúng ta cần có trách nhiệm với lời khẩn cầu đó! Mỗi chúng ta chính là một anh hùng thầm lặng nhưng không hề nhỏ bé đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường…

 

Tác giả: Mạc Khánh Vi

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link:

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ

 

 

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

482 lượt xem, 452 người xem - 454 điểm