Trực Quang@Triết Học Tuổi Trẻ
3 năm trước
Chúng Ta Đã Định Nghĩa Và Hiểu Rõ Nghĩa “Từ Bỏ”?
I) Phải chăng giới trẻ đang “từ bỏ” ngay vừa khi gặp “khó khăn”?
Trước đây, chính bản thân đã nghe được đoạn trích nhỏ về Câu chuyện “Phát nguyện bố thí Ba La Mật của Ngài Xá Lợi Phất” qua lời kể của thích giác Lệ Hiếu như sau:
“Thưa Ngài, mẹ tôi đang bệnh nặng, thầy thuốc nói phải có con mắt của người tu hành hòa với thuốc mới chữa khỏi bệnh.
Chẳng cần suy nghĩ, ngài Xá-lợi-phất liền móc con mắt trái của đưa người ấy.
Người ấy nói:
- Không được rồi thầy ơi, thầy thuốc bảo phải dùng con mắt bên phải mới chữa được bệnh này.
Nghe vậy, ngài Xá-lợi-Phất hơi chựng lại một chút, rồi mạnh tay móc tiếp con mắt bên phải đưa cho người đó.
Người ấy cầm hai con mắt ném xuống đất rồi dùng chân chà nát.
Ngài Xá-lợi-phất nghe biết người ấy làm như thế không dằn được tự chủ liền thoái thất bồ đề tâm. Từ đó, ngài Xá-lợi-phất thấy thực hành bố thí Ba-la -mật khó quá nên Ngài không phát tâm thực hành Bồ-tát đạo nữa.”
Qua đó chúng ta hãy thử sử dụng hệ quy chiếu trên tuổi trẻ ngày nay và bất giác nhận ra rằng: “Những đàn chim đang chập chững cất cánh đang xoay vần với ý niệm từ bỏ ngay khi vừa gặp chông gai”. Có lẽ rằng, tôi đã được nhận thức về vấn đề này và ngày hôm nay chính tôi-cậu bé tuổi 17 sẽ cất lên những tiếng “đồng vọng” góp phần giải quyết vấn đề mà giới trẻ ngày nay ít nhiều đang gặp phải- “từ bỏ ngay khi vừa gặp chông gai”.
1. Giải quyết vấn đề xuất phát từ nhỏ:
“Từ bỏ” là gì? Liệu chăng “từ bỏ” là một điều thực không tốt, là sự hèn nhát, lo sợ, ngập ngừng, không chắc chắn của con người trước lối đi của chính mình? Ngày nay, đa phần giới trẻ đang bị đánh ngã trước những khó khăn, trước những thử thách của đời sống và không đủ can đảm, kiên cường để đứng dậy, không đủ nỗ lực để bước tiếp và thành công. Cũng chính bởi thế mà người ta đâm ra “từ bỏ”, tuân theo một “thông lệ” đã đặt ra trong tâm tưởng. Vậy “thông lệ” đó là gì? Phải chăng rằng từ nhỏ chúng ta bị đặt trong một nền giáo dục khá khuôn phép và chính điều ấy đã tác động đến ta, thơ ấu khi những bước chập chững biết đi khi té thì đa phần bậc cha mẹ thương con đỡ con đứng dậy thay vì để chính bản thân đứa bé đó đứng lên từ “vấp ngã” đó? Và đó phải chăng là khởi đầu của ý niệm “từ bỏ ngay khi vừa gặp chông gai” ? Chính dẫn chứng đó cũng là giải pháp quan trọng nhất để giải quyết vấn đề đó của giới trẻ ngày nay-bậc cha mẹ hãy cần thay đổi cách giáo dục con từ bé hãy thử đọc những cuốn sách: Những cuốn sách dạy cách làm cha mẹ.
2. Cần bước qua, chấp nhận những vấp ngã đó:
Và khi giới trẻ gặp những khó khăn đó ta hãy thử đi qua những “vấp ngã” tăm tối với những “vết nhơ” của chính bản thân. Chẳng ai là hoàn hảo và trong con người luôn tồn tại những khiếm khuyết, những thiếu sót hay vết thương chẳng thể chữa lành. Điều làm nên sự khác biệt là cách con người ta đối xử với nó, rút ra bài học từ nó, thậm chí vượt qua quá khứ ngập bóng tối ấy để hướng về tương lai với tấm lòng nhiệt thành. Đó là chàng trai John O'Leary đã vượt qua mặc cảm tuổi thơ gây tội lỗi tày trời cho gia đình: làm cháy nhà, vượt qua nỗi lo sợ khi đối mặt với cái chết, vượt qua suy nghĩ thôi nỗ lực, vượt qua những thử thách ấy với điều mong cầu là: “thôi cố gắng cho tương lai”. Cậu bé 9 tuổi của ngày trước với gia đình chìm trong bóng tối và khó khăn, nay đã trở thành một diễn giả truyền cảm hứng với cuốn tự truyện tác động mạnh mẽ đến mọi người. Đó cũng có thể là nữ tù nhân Michelle Jones hoàn lương sau những ngày ở ngục tù, từ bỏ quá khứ từng phạm tội đau thương mà trở thành một nghiên cứu sinh của đại học New York. Sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của con người sau quyết định vượt qua thử thách, bước ra từ hoang tàn, đổ nát của một thời quá vãng luôn là một điều đáng quý.
“Từ bỏ”, với tôi đôi khi cũng là lúc con người học cách “chấp nhận thất bại”, ý thức sâu sắc về những điều ta từng làm được trong suốt thời gian qua, chấp nhận mình không đủ năng lực, an nhiên bình lặng đi tìm cái mới. Sống chấp nhận chưa bao giờ là tồi tệ, là xấu xa, chỉ có những con người tồi tệ khiến cho thái độ sống ấy trở nên tiêu cực trong mắt mọi người. Ta chấp nhận không giỏi học tập để theo đuổi một môn thể thao có ý nghĩa, ta chấp nhận ta không khéo tay để làm những món quà nhưng ta lại tìm đến nấu ăn để lan tỏa hạnh phúc, ta không giỏi việc nhà nhưng ta làm ra những bất ngờ nho nhỏ cho mẹ cha bằng lời yêu thương chân thành, bằng những cử chỉ quan tâm nho nhỏ trong cuộc sống. Chấp nhận một khuyết điểm của bản thân, yêu thương nó và biết tận dụng sức mình vào công việc khác, đó là ý nghĩa lớn lao của “từ bỏ”.
II) . Phải chăng từ bỏ đồng nghĩa với chấp nhận thất bại?
Trước đây tôi từng được nghe kể về câu chuyện của hai anh em nhà nghèo trong một ngôi làng nọ. Hoàn cảnh túng quẫn và lâm vào bước đường cùng, hai người đi ăn trộm cừu, và quả thực không may đã bị phát hiện. Dân làng bắt hai người lại, khắc lên trán họ kí tự “ST”, để lại dấu ấn mãi chẳng thể nào xoá đi nổi của hai chữ “sheep thief” (kẻ trộm cừu). Ngày tháng sau ấy, trong khi người anh rời bỏ làng để đi tìm cuộc sống mới, người em lại tiếp tục ở lại và nỗ lực giúp đỡ mọi người bằng tấm lòng lương thiện và mong muốn thay đổi không ngừng nghỉ. Sau này về già, người ta đã nghĩ hai ký tự trên trán của ông là viết tắt của “saint” (thánh nhân). Và có lẽ, trong cuộc sống, con người cũng cần lắm sự từ bỏ mặc cảm quá khứ để tiến tới tương lai với tâm hồn cao cả như người em kia, từ bỏ những nỗi đau, những sai lầm để tìm đến những hạnh phúc trên cả đường đời. Câu chuyện ấy đã cho tôi câu trả lời xác đáng cho nghi vấn: Phải chăng từ bỏ đồng nghĩa với chấp nhận thất bại?
“Từ bỏ” trong tâm tưởng của tôi không hoàn toàn là sự “chấp nhận thất bại”, không có nghĩa là con người sẽ bị nhấn chìm trong đau buồn, tuyệt vọng, chán nản sau gục ngã. Con người chỉ “từ bỏ” khi đã nhận thức, giác ngộ sâu sắc cuộc sống, vậy nên nó bao hàm cả sự “chấp nhận” và cao hơn nữa là học cách tìm ra lối đi mới cho chính mình. Vậy nên, với nghi vấn “từ bỏ” có chăng là “chấp nhận thất bại”, tôi cho rằng nó trái nghĩa nhau, nhưng đồng thời “từ bỏ” trong nhiều trường hợp cũng đồng nghĩa với việc bước ra từ thất bại để cách tân chính mình.
Từ chối tiếp nhận một số điều để tìm về với chính mình, bản ngã:
Với tôi, nhiều khi sự “từ bỏ” là khi từ chối tiếp nhận những điều mình đáng ra được hưởng thụ để tìm về với chính mình, lắng nghe những tiếng vọng của hồn mình để sống thật. Người ta từ bỏ chốn đô thị hoa lệ đầy danh vọng, đầy hứa hẹn để trở về cánh đồng làng rì rào bãi cỏ, để tìm về những êm đềm bên con sông quê hương, trên triền đê tuổi nhỏ để được tưới tắm tâm hồn. Người ta từ bỏ thân phận cao quý của kẻ giàu sang để tận hưởng cuộc sống giản đơn bên những vách nhà san sát của quê nghèo. Từ bỏ những ồn ã, tấp nập của cuộc sống vốn có để cuộn mình trong khoảng lặng tâm hồn và không gian, vốn là một điều rất thường gặp, từ những nho sĩ thời xưa cho tới những con người thời nay. Một minh chứng rõ ràng nhất cho điều ấy là cô công chúa Mako của Nhật Bản chấp nhận từ bỏ cuộc sống hoàng gia để lấy người chồng thường dân, từ bỏ việc tuân theo lẽ thường để đi theo tiếng gọi của con tim tha thiết, từ bỏ cung Akasaka để làm một công dân bình thường, từ chối khoản trợ cấp của thành viên nữ rời khỏi Hoàng gia để thực sự hạnh phúc. Sự “từ bỏ” của người con gái ấy, có chăng là một sự giải thoát gò ép của chính mình, nghe theo tiếng nói bản thể để được sống thật?
Hãy xem “từ bỏ” là khả năng, “phẩm chất” của giới trẻ và con người cần có, cần thay đổi:
Với tôi, “từ bỏ” là khi con người biết tự ý thức về năng lực và giới hạn của bản thân. Tài năng thiên bẩm xác định khả năng cao nhất của con người, và áp lực sẽ định hình giới hạn thấp nhất. “Từ bỏ” là khi con người đạt đến khả năng cao nhất rồi, nhưng vì không thể gắng gượng thêm nữa, tài năng không cho phép nữa, ý chí muốn nghỉ ngơi, thì nó lại quay lại điểm xuất phát để trao cho con người cơ hội dừng lại nhìn ngắm chính mình. Sự từ bỏ ấy đem theo giá trị nhận thức sâu sắc về bản thân, giúp ta có thời gian để tự trò chuyện với chính mình, rằng ta đã thực sự phù hợp với con đường đã chọn hay chưa, ta đã làm được điều gì trong suốt hành trình cố gắng, ta liệu có nuối tiếc về những gì đã qua, và ta của hiện tại đã có gì khác so với khi trước. Thử, từ bỏ, thử, và rồi lại từ bỏ, sau cùng sẽ nhận ra năng lực của chính mình. Một Balzac thử sức với lĩnh vực kinh doanh, nhưng thất bại thảm hại, để rồi nhận ra khao khát và sở trường của chính mình vẫn là nghệ thuật. Một Isaac Asimov đã từ bỏ việc giảng dạy nghiên cứu hóa sinh và cống hiến cho việc viết lách, và cuối cùng, ông đã giành được danh hiệu danh dự của nhà văn khoa học viễn tưởng uy tín nhất thế giới. Hay một đạo diễn phim Trung Quốc Sủi Cảo từng bị coi là kẻ điên rồ và tùy hứng vì không theo đuổi ngành Y, lại đổi hướng làm hoạt hình. Sau này, anh đã làm một bộ phim chất lượng cao với doanh thu phòng vé 5 tỷ nhân dân tệ. Bởi thế, mọi sự từ bỏ khi đúng lúc đều giúp con người xác định khả năng vô hạn của mình, dồn hết sức lực vào nó và phấn đấu hết mình cho nó.
“Từ bỏ”, với tôi đôi khi cũng là lúc con người học cách “chấp nhận thất bại”, ý thức sâu sắc về những điều ta từng làm được trong suốt thời gian qua, chấp nhận mình không đủ năng lực, an nhiên bình lặng đi tìm cái mới. Sống chấp nhận chưa bao giờ là tồi tệ, là xấu xa, chỉ có những con người tồi tệ khiến cho thái độ sống ấy trở nên tiêu cực trong mắt mọi người. Ta chấp nhận không giỏi học tập để theo đuổi một môn thể thao có ý nghĩa, ta chấp nhận ta không khéo tay để làm những món quà nhưng ta lại tìm đến nấu ăn để lan tỏa hạnh phúc, ta không giỏi việc nhà nhưng ta làm ra những bất ngờ nho nhỏ cho mẹ cha bằng lời yêu thương chân thành, bằng những cử chỉ quan tâm nho nhỏ trong cuộc sống. Chấp nhận một khuyết điểm của bản thân, yêu thương nó và biết tận dụng sức mình vào công việc khác, đó là ý nghĩa lớn lao của “từ bỏ”.
Từ bỏ những thứ không nên thuộc về bản thân:
Mãi đắm chìm trong suy nghĩ không thể từ bỏ, phải cố gắng níu kéo, không chấp nhận thất bại, phải kiên cường, con người có khi nào chịu quá nhiều áp lực, đè nén, không tìm được cách giải phóng bản thân và rồi dẫn đến những hậu quả khôn lường? Có nhiều chăng, khi họ cố chấp mãi trong những luồng suy nghĩ, ép buộc mình đi theo một con đường, lạc lối trong miên man không lối thoát, không thấy ánh sáng cho dù mải miết đi trong đêm đen. Bảo thủ dễ khiến người ta bị nhấn chìm bởi suy nghĩ cũ kỹ, trong những kí ức của quá khứ mà quên mất hiện tại của bản thân, bị nhấn chìm bởi nỗi buồn đau, tuyệt vọng khi có cảm giác mình bị bỏ quên giữa cuộc đời, bị hất ra khỏi cái vòng quay vốn có của đời sống. Biết rằng cần phải luôn nỗ lực theo đuổi lí tưởng và ước mơ của cá nhân, nhưng nếu điều ấy không còn phù hợp với mình, khi chính mình cũng không gánh nổi những áp lực, ta nên từ bỏ, đặt gánh nặng kia xuống để tự yêu lấy chính mình, tự thôi thúc mình tìm ra một lối đi khác. Người ta chợt nhận ra giới hạn mong manh của sự sống khi có quá nhiều những người đã lựa chọn bước sang bên kia ranh giới cuộc đời vì không từ bỏ được những áp lực, đè nén trở thành gánh nặng cho bản thân. Đó là cậu học sinh tại một trường chuyên Hà Nội không thể từ bỏ áp lực học tập, để rồi trước mắt bố mà lựa chọn từ bỏ sự sống. Đó là cô gái Suli của làng giải trí Hàn Quốc không từ bỏ được sức nặng của ồn ào dư luận mà mãi mãi ra đi. Đó chẳng phải là những hậu quả đáng tiếc khi con người đạt đến điểm giới hạn, nhưng lại không thể từ bỏ con đường đang đi đó sao?
Nhà văn Hong Lu Peilin từng nói: “Nếu bạn không thể từ bỏ ngày hôm qua, bạn sẽ tiêu thụ cuộc sống của mình một cách vô ích trong giây phút do dự này. Nếu bạn không thể từ bỏ hiện tại, bạn không thể tìm thấy biển trời bao la khác”. Người ta thường lo ngại sự từ bỏ, và tôi cho rằng vượt qua tâm lí ấy cũng chẳng hề dễ dàng. Bởi vì có thói quen tuân theo những lí lẽ cũ, những con đường cũ mà ta thường không dám phá bỏ và trở thành ngoại lệ ở đời. Bởi cố chấp níu kéo những dang dở của hành trình ta đã đi, vì nuối tiếc những tốt đẹp đã từng có nhưng không bận tâm đến cảm giác mệt nhoài của hiện tại, vì lo sợ cho con đường sẽ đi sau khi từ bỏ và chấp nhận thất bại gặp nhiều khó khăn. Tất cả đều là những nguyên do khiến ta ngại ngần từ bỏ, và tôi cho rằng con người cần vượt qua những chướng ngại ấy, đem theo bản lĩnh đẻ dám một lần buông, quay trở về điểm ban đầu và nỗ lực cho một hành trình mới. Cần theo đuổi những điều mới với tấm lòng nhiệt thành, nỗ lực không ngừng nghỉ, cần xác định rõ định hướng của bản thân sau những lần chấp nhận từ bỏ để tìm đến những góc riêng của tâm hồn. Không do dự vẫn là một điều tốt, và điều ấy cũng đòi hỏi con người đem theo bản lĩnh vững vàng trên hành trình của chính mình.
Cần nhận thức được “những con đường mới” sau khi học cách “từ bỏ”:
Có cơ hội để biết được giá trị của hạnh phúc cá nhân và đích đến thực sự trong tâm trí, sự từ bỏ trao cho con người tâm thế sẵn sàng bước đi trên con đường mới, hành trình mới, và thành công mới. Tương lai sẵn sàng rộng mở khi con người biết lúc nào cần nắm, lúc nào cần buông. Đi qua một đêm đen, từ bỏ dáng hình của kẻ cô độc đầy vết thương lòng, chẳng phải ta sẽ hướng đến vẻ rạng ngời của nắng mai với những ấm áp tưới tắm tâm hồn đó sao. Người ta luôn muốn trở thành phiên bản hoàn thiện hơn của chính mình, và phiên bản ấy sẽ thực sự xuất hiện sau những lần vấp ngã, sau những vết thương, sau những lần buông bỏ và phát hiện ra con đường riêng của mình. Ít người biết mạng xã hội Twitter ngày xưa chỉ là một nền tảng nghe audio, Youtube là một trang web hẹn hò hay Android chỉ là hệ điều hành máy ảnh… Chỉ khi thay đổi tư tưởng, cái nhìn về con đường thành công, chỉ khi từ bỏ sự cố chấp trong ý định ban đầu, những nhà sáng lập của các nền tảng ấy mới có thể thành công trên chính những điều đã có. Sau những lần thử, những lần tử bỏ, chuyển hướng và rồi tất yếu, ta sẽ có thể ngẩng cao đầu và tự hào đã thành công.
III) Kết,
Tôi đã từng vượt qua những “chông gai” chưa? Có lẽ rồi, tôi đã vượt qua sự đau đớn đến tuyệt vọng khi không đạt giải học sinh giỏi Tỉnh vừa rồi, cứ ngỡ tôi đã mất niềm tin vào Văn Chương nhưng không chính bản thân tôi đã không cho phép làm điều ấy và ngày hôm nay một lần nữa nghiệp “câu chữ” lại sống dậy để rồi viết lên những giải pháp hướng con người nói riêng xã hội, cộng đồng ta phát triển mạnh mẽ,công bằng, văn minh, bác ái!
Tôi đã từng từ bỏ chưa? Có lẽ rồi, từ bỏ ước mơ viển vông thuở bé, từ bỏ việc theo đuổi một sở thích không thực sự phù hợp với mình, từ bỏ mải miết chạy theo một người không bao giờ quay lại hồi đáp. Và tôi biết rằng, tương lai sẽ nhiều lần hơn khiến tôi phải từ bỏ, và cũng nhiều lần buộc tôi phải kiên trì nhiều hơn. Chí ít, khi nào cố gắng được thì tôi nhất định sẽ cố gắng, cũng như người trộm cừu ở đầu câu chuyện vẫn cố gắng thay đổi bản thân mình, cố gắng đem lại những điều tốt đẹp cho đời đó thôi…
Tác Giả: Trần Nguyễn Quang Trực
@ Tổ Chức Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100046886434998
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX. VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
1,441 lượt xem, 1,096 người xem - 1112 điểm