Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Chúng Ta Đang Hiểu Sai Về Nhau - Những Ngõ Cụt Vun Đắp Từ Lòng Tử Tế

Một người lính bị thương nặng nhưng lại từ chối ngay sự giúp đỡ của nhân viên y tế và rồi dẫn đến hậu quả là nhiễm trùng nặng, hủy hoại cơ thể và không thể tham chiến cùng đồng đội được nữa. Anh ta thật sự không thấy trở ngại với vết thương hay chỉ nghĩ rằng mình quá hèn nếu khẩn cầu sự giúp đỡ ngay lúc đó. Ở đâu đó ngoài kia, luôn có những người tử tế trong tuyệt vọng như thế.

Điều gì chúng ta muốn, điều gì chúng ta thể hiện, cho đi hay nhận lấy là tốt. Nó cũng mâu thuẫn khó định như hàng đống chuyện đúng-sai ngoài xã hội kia. Khó xử thật khi Chúng ta là những gì bản thân mình giả vờ thể hiện, vì thế cần phải cẩn thận cách mình giả vờ.” - Kurt Vonnegut

Tử tế như những chú ếch

Loài ếch tử tế lắm, chúng chỉ biết gật đầu trong mọi tình huống thôi.


Thật ra, ếch con sinh ra đã mang kết cấu xương chỉ có thể chuyển động đầu - cổ lên xuống chứ không thể lắc qua hai bên được, vì thế chúng phải quay cả người nếu muốn nhìn về hai bên. Con người may mắn bỏ qua được giới hạn đó, nhưng Darwin sẽ không ngờ rằng, tiến hóa ngược trông có vẻ dễ dàng hơn

Khó khăn trong việc nói “không” với bạn bè. Không dám tự đưa ra quyết định khi được hỏi ý kiến vì sợ không đúng ý người khác. Ngại từ chối một lời tỏ tình. Nhường nhịn trong mọi tình huống. Ôm hết nhiệm vụ, trách nhiệm về phần mình.

Tất cả những dấu hiệu trên, tôi quy thành triệu chứng tử tế trong tuyệt vọng. Dễ phân biệt rằng, tử tế đơn thuần mang chúng ta đến với nhau từ những nhu cầu, kết thúc với những mục đích xuất phát từ lòng sẻ chia. Tử tế trong tuyệt vọng tạo một “văn hóa uống rượu”. Một người tử tế “rót rượu” để tiếp nối câu chuyện. Một người tử tế “nhận rượu” và trao lại ly khác. Nhìn xung quanh, tất cả các bàn tiệc khác đều như vậy, không ai dám cắt đứt sợi dây tử tế đó, sợ rằng sẽ làm mất hứng, coi là thiếu tôn trọng trong giao tiếp, dù có thể người đối diện cũng đang gồng mình để tiếp tục. Về nhà, ai cũng chỉ biết đổ thừa chung một câu rằng “anh đâu muốn thế đâu, nhưng không thể từ chối được.”


Ai cũng muốn trở thành một siêu anh hùng của chính mình và trong mắt mọi người xung quanh, nên đã khiêm tốn giấu phần tôi lại, thể hiện sự hào phóng, khoáng đạt. Nhưng lại không biết nhu cầu thực sự của người đối diện, điều này cũng bất khả thi vì ai cũng che giấu ý muốn thực sự của họ, với cùng một lý do như bạn. Tất cả rơi vào ngõ cụt vì đưa ra kết luận sai về nhu cầu của nhau. Hãy nhìn xung quanh, những cặp đôi yêu nhau, bạn thân hay chỉ là người bạn mới gặp,.. chúng ta cứ lặp đi lặp lại “Sao cũng được, tùy bạn quyết định”. Chúng ta cho rằng chỉ riêng mình gánh phần khó nhọc đó thì là hi sinh cho cộng đồng và mọi người hoàn hảo đều làm như thế.

Thành quả của “sao cũng được” là gì? -  Những bữa ăn không hoàn hảo, đúng với cả nghĩa đen.

Như kiểu “Em ăn gì cũng được” sao? Ôi! Một câu nói khiến cho con gái trở thành bài toán khó giải nhất hành tinh. Không ai dám chắc sẽ dễ dàng đưa ra đáp án cho những đề bài ngắn như trên.

Bạn chỉ cần đưa ra một vài ý kiến cá nhân như “tôi bị dị ứng hải sản” đảm bảo người quyết định sẽ cố gắng tìm một quán thịt nướng ngon nhất. Chỉ cần gỡ một vài nút thắt cho bài toán thì mọi thứ trở nên dễ thở hơn biết bao.

Và cũng vì chúng ta không muốn trở thành gánh nặng, nên không đủ can đảm để đưa ra yêu cầu. Đáng tiếc là…

Khi không muốn trở thành gánh nặng, bạn lại là gánh nặng hơn

    -   Tôi có thể làm phần này, phần này và cả phần này cho bài thuyết trình sắp tới.

    -   Cậu làm một mình được không, có cần thêm ai hỗ trợ không.

    -   Những thứ này quá đơn giản với tôi.

… Sát deadline

    -   Các cậu rảnh thì phụ cho kịp. Người bình thường làm sao có thể ôm một đống công việc trong thời gian ngắn thế này được.

    -   Nhưng chính cậu là người từ chối sự giúp đỡ từ đầu mà.

    -   Cũng chỉ vì muốn giảm nhẹ việc cho các cậu thôi. Bây giờ tớ cảm thấy chưa đâu vào đâu cả.

Thế là cả nhóm hoảng loạn thức xuyên đêm để cùng hoàn thành nốt. Sáng mai cũng chẳng ai hiểu rõ phần đấy, lộn xộn cả lên, không kịp chỉnh chu lại slide và tập thuyết trình, kết quả thì bạn hiểu rồi đấy.

Phân công lao động đã lập trình cho mỗi người chuyên hóa về công việc của mình để tạo một xã hội hiệu suất cao, để chúng ta đều vui vẻ vì sự công bằng đã được giao, không ai chịu gánh nặng, không ai cảm thấy vô dụng và tự ti. Việc bạn vun đắp cho nghệ thuật nuôi dưỡng cộng đồng có thể ngăn cản hoàn thành tốt công việc của bản thân. Người khác sẽ nhớ đến ai: người làm xuất sắc công việc được giao hay một người nhận hết mọi nhiệm vụ không phải là thế mạnh bản thân.


Người nhận sự tử - tế - dư - dả nghĩ gì?

Xung quanh chúng ta, hàng loạt dấu chấm hỏi về những câu chuyện của người vợ hoàn hảo nhưng chồng vẫn đi ngoại tình, anh chàng thanh niên hiền lành, tốt tính nhưng không có mảnh tình vắt vai, một người nhiệt huyết với đồng nghiệp nhưng lại bị phản bội. Nguyên do đến từ đâu?

Thứ nhất, người nhận được dư dả lòng tốt sẽ không muốn đầu tư nhiều vào mối quan hệ đó nữa. Đầu tư cho một mối quan hệ quá nhiều chỉ bằng những nỗ lực của bản thân là lúc mà bạn tự chi vào đó một “chi phí chìm”. Khi trở thành một nhà đầu tư, bạn không muốn dự án của mình bị phá sản, và vì thế bạn thiết lập mối liên kết chặt chẽ không muốn rời bỏ nó. Bạn càng muốn đầu tư và đầu tư nhiều hơn nữa. Trong mối quan hệ này cũng chỉ có riêng bạn muốn giữ lại vì chính sự hao tâm tổn sức giành cho nó. Bạn càng thể hiện nhiều điều tốt, bạn sẽ càng yêu thương người mình đối xử tốt hơn.

Điều ngược lại thì chưa chắc. Đối tác chưa hề có một sự cam kết hay đầu tư nào thì họ cũng có thể sẵn sàng rời bỏ, thậm chí còn coi bạn là một gánh nặng hay phiền phức.

Tử tế hay là đồng phạm? Bạn khen thưởng cho một hành động tốt thì nó sẽ được lặp lại. Bạn tán thành hoặc không phản đối với hành động xấu cũng là đang khuyến khích điều đó được tiếp tục. Người tử tế hay bị gánh nặng trong việc nói “không” và để bản thân dễ tính trong mọi sự cố. Luôn là người xin lỗi trước khi người yêu giận, luôn là người phải chờ đợi trong mọi cuộc hẹn. Trao cho người khác quá nhiều phần thưởng cũng là khuyến khích họ đối xử tệ hơn với mình.

Người tử tế thì luôn sẵn sàng. Tử tế sở hữu rất nhiều giá trị, trừ sự khan hiếm, do đó làm nó trở nên rẻ tiền hơn là món hàng xa xỉ. Không ít người thờ ơ cho rằng người tốt thì phải luôn sẵn sàng ở đó, tử tế mọi lúc mọi nơi, khó mà nhận được sự trân trọng mà nó xứng đáng có được. Và nếu như người tử tế bỗng một ngày “dở chứng” thì liệu còn được mọi người ưu ái như ban đầu, hay lại trở thành triết lí viên kẹo.

Trong khi đó, những cô nàng, anh chàng bận rộn, lạnh lùng lại làm cho người ta cảm thấy “khó có thể chiếm được”, nghiễm nhiên trở thành mặt hàng khan hiếm, hấp dẫn và lôi cuốn các nhà đầu tư tranh nhau đấu giá.

Hạnh phúc đến từ tử tế thì bất hạnh cũng có thể đến từ tử tế. Ranh giới của chúng quá mong manh. Nếu hỏi tôi sẽ chọn điều gì: trở thành một mặt hàng giá trị hay thoải mái cho đi lòng tốt. Tôi sẽ chọn học cách trở thành một người-tử-tế-đúng-lúc.

Vì loài người sẽ trở thành những cục sắt đá thay vì là món kim cương đắt giá khi không còn lòng tử tế. “Lòng tốt là một ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy”. Nó trân quý hơn bất kì kho báu nào. Nhưng sự tử tế cần được hiện diện ở đúng chỗ và trao cho đúng người. Việc trao lòng tử tế bừa bãi có thể biến nó trở thành một tội ác.

Điều gì để lòng tử tế được nhìn nhận giá trị hơn? – Đơn giản thôi, gắn giá vào nó. Là một lời khen, một lời cảm ơn chân thành, một sự sẵn lòng cho lần khó khăn sau này. Và là “Hôm nay tôi nấu cơm thì mai bạn nấu nhé”, “Con hãy biết cảm ơn khi người khác giúp đỡ bất cứ điều gì, kể cả đó là bố mẹ”. Với một thói quen xấu, trong trường hợp này không tử tế lại mới chính là sự tử tế. Nếu mỗi người đều tự bán rẻ lòng tốt của mình, họ đã vô tình chung tay tạo lạm phát cho điều tử tế. Chính khi bạn biết đánh giá lòng tốt của mình cũng là lúc để bản thân thấu cảm và trân trọng lòng tốt của xã hội. 


Dù không có phần thưởng, tại sao lòng tốt vẫn luôn tiếp diễn…

Các nhà thực nghiệm dẫn học sinh vào một căn phòng, nơi họ phải dùng tay đặt các thanh gỗ vào khay và đổi chỗ chúng hết lần này đến lần khác. Đó là một giờ đồng hồ dày vò đầy nhạt nhẽo với việc chỉ ngồi xem và ghi chép. Sau 1h, các học sinh được yêu cầu hãy nói với những học sinh khác rằng thực nghiệm này khá vui và thú vị. Một nhóm được trả 20$, nhóm kia chỉ bèo bọt nhận được 1$ cho công việc trên. Cuối cùng, cả hai nhóm điền vào bản khảo sát điều thực sự nghĩ về công việc nghiên cứu này.

Kết quả đáng ngạc nhiên rằng, những học sinh được trả 20$ nói dối người khác nhưng vẫn ghi trong bản khảo sát, như dự kiến, họ đã chịu đựng 1h đồng hồ hại não chán ngắt. Nhưng những người được trả 1$ hoàn toàn tiếp thu yêu cầu và báo cáo trong khảo sát rằng họ thấy nhiệm vụ đưa ra khá thiết thực.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng nhóm đầu tiên đã chắc chắn ngay từ đầu rằng với công việc tẻ nhạt và lời nói dối mà nhận số tiền vậy thì cũng đáng; nhưng đối với nhóm thứ hai, được trả cũng như không, họ không có bất kì bao biện nào và thay vào đó phải làm dịu sự không thoải mái về mặt tinh thần bằng cách thuyết phục bản thân rằng những việc này cũng xứng đáng để làm.

Đây là lí do tại sao những tình nguyện viên lại xung phong nhiệt huyết cho công việc và những thực tập sinh không lương lại làm việc chăm chỉ đến vậy. Khi không có một phần thưởng rõ ràng nào từ bên ngoài, chúng ta tự ban tặng cho lòng tử tế những phần thưởng tinh thần. Khi bỗng chợt nói “không” với một điều gì đấy, nó trái lại với mọi thói quen tử tế của họ, làm họ day dứt nghĩ mãi và xem đó là tội lỗi. Một vòng tuần hoàn xung đột nhận thức cứ lặp đi lặp lại, một mâu thuẫn đầy đau đớn về cách bạn hài lòng bằng cách buộc mình nhìn thế giới bằng những mảnh vỡ màu hồng.

Nhưng sẽ thật là tồi tệ nếu như hành tinh này không còn được vun đắp bằng lòng tử tế giữa người với người đúng không nào?

Một ngày oi nóng ra đường, thấy người ăn xin bên đường mà dừng lại, xuống xe cho họ một ít tiền. Một ngày mưa bùng bão tố, động lòng thương xót đến đồng bào miền Trung mà quyên góp ủng hộ. Hãy cứ tin rằng, một ngày khó khăn nào đó, rồi ông bụt cũng sẽ xuất hiện ban cho bạn phép màu.

Nhưng tôi không chắc rằng một mối quan hệ tan vỡ, thần linh sẽ ban xuống một mối quan hệ khác hàn gắn lại. Có những người cứ loanh quanh mãi một đời cũng không tìm được lối ra cho ngõ cụt vun đắp từ việc hào phóng lòng tử tế. Một mối quan hệ tử tế luôn phải có hai chiều. Biết ranh giới để thể hiện lòng tốt và biết khơi gợi lòng tốt từ đối tác, đó mới là tử tế trọn vẹn.

Sự cầu viện trợ giúp có thật sự là gánh nặng như bạn nghĩ?

Franklin nổi tiếng với gu thưởng thức thơ văn tinh tế, ông đã gửi thư cho một người từng-là-đối-thủ về việc hỏi mượn một tuyển tập sách từ thư viện của người đó, là “một quyển rất hiếm và hay”. Người đó cảm thấy hãnh diện và gửi ngay quyển sách ấy. Franklin đã phản hồi một lá thư với lòng cảm ơn sâu sắc. Tới lần gặp mặt ở nghị viện, người tặng sách đã tiếp cận và trò chuyện trực tiếp cùng Franklin đầu tiên một cách vô cùng lịch sự. Franklin viết trong tự truyện rằng: người đó “biểu lộ sự sẵn sàng giúp đỡ tôi mọi lúc mọi nơi, thế là chúng tôi trở thành bạn tốt và tình bạn này tiếp diễn đến khi ông ấy qua đời”

Nghịch lý rằng: “Những người từng giúp đỡ bạn sẽ sẵn sàng giúp bạn một lần nữa, hơn là những người chính bạn đã từng giúp đỡ” – Hiệu ứng Ben Franklin

Bạn không thể phủ nhận một điều rằng, con người là loài động vật sống theo xã hội. Cầu viện vào một sự trợ giúp cũng là khoảnh khắc giúp người với người thấu cảm cho nhau. Nếu không, khi ai khác xin giúp đỡ, chúng ta sẽ là những kẻ hếch mặt lên trời và kiêu ngạo rằng “Tôi có thể tự làm được chuyện này từ nhỏ rồi”.


Điều gì là tốt nhất cho tất cả. Kết quả sẽ trả lời. Đôi khi, dư dả sự tử tế lại dẫn dắt mối quan hệ đến ngõ cụt. Chia sẻ khó khăn và nhận lấy sự giúp đỡ lại mở đường cho một thành quả tốt đẹp.

Tác Giả: Nguyễn Hà Phương Thảo

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/haphuongthao.nguyen.56

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

378 lượt xem, 368 người xem - 380 điểm