Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

"Chúng Ta Thường Đánh Giá Người Khác Theo Tiêu Chuẩn Của Mình Nhưng Sau Đó Lại Giành Cả Đời Của Mình Để Sống Theo Tiêu Chuẩn Của Người Khác"

    "Chúng ta thường đánh giá người khác theo tiêu chuẩn của mình nhưng sau đó lại giành cả đời của mình để sống theo tiêu chuẩn của người khác"

    Câu khuyết danh ấy tôi đã nghe đâu đó, thậm chí có thời đã thuộc lòng nó, nhưng không cho nó một gốc rễ để có thể cắm chặt và sinh sống, nảy nở trong mình. Tâm hồn ta có quá nhiều cánh cửa mở, tự do cho mọi thứ đi vào, lẽ ra ta nên biết đóng mở đúng lúc. Khi mọi thứ tự do chất chứa đến một ngày ta không còn phân biệt được đâu là ta, đâu là người khác, cái bản sắc cá nhân bị hòa lẫn, trộn đều. Ban đầu chúng đánh nhau lộn nhau rồi theo thời gian chúng dịu dần đi, rồi tự nhiên quyện vào nhau như cách người ta pha những mảng màu từ hai màu đối lập nhau. Một lúc nào đấy đến cả họa sĩ tài năng nhất cũng không thể phân biệt được. Nhưng rồi một lúc nào đấy ta bỗng hoảng hốt, giật mình nhận ra .

     Điều đó cũng dễ hiểu khi con người sinh ra đâu phải sống đơn độc, chính vì thế ta sợ hãi sự cô đơn? Chúng ta sinh ra đã gắn chặt với cộng đồng nên ta sợ một ngày bị trục xuất khỏi nó. Vì thế ta thích và dễ dãi đón chào những người bạn tinh thần quen thuộc của xã hội ấy đến thăm ta, nhưng ta lại sợ hãi, e dè, khinh miệt trước những vị khách phương xa. Thậm chí ta phủ nhận và xua đổi chính ta. Nhưng ta lại lấy chính cái phủ định ấy ra làm tiêu chuẩn kết dao bạn bè. Ta mang chuẩn mực cá nhân hay đúng hơn là nhân danh cái chuẩn mực được gọi là cộng đồng để làm một quan tòa trong tối cao trong việc nhận định và phán xét người khác. Chúng ta dễ dàng buông lời phán xét đôi khi là cay nghiệt, miệt thị ấy trước những thứ ta thấy quá đỗi xa lạ và khác biệt so với bản thân ta. Suy cho cùng đấy cũng chỉ là bản năng tự yêu thương chính mình mà ai cũng có. Cái tôi bản thân chúng ta quá lớn không ai thích phải tự phủ nhận bản thân mình, chúng ta vẫn luôn thích là trung tâm của vũ trụ và tự cho mình là trung tâm ấy, là số một để thỏa mãn niềm đam mê vô hạn ấy. Nhưng nghịch lý thay ta lại dễ dàng, sẵn sàng vứt bỏ thậm chí chà đạp lên chính mình, lên cái tôi đấy để chạy theo những tiêu chuẩn, cái tôi của người khác, của cộng đồng. Ta đem tiêu chuẩn của những bị cáo của mình ra làm tiêu chuẩn, lí tưởng sống cho mình và nỗ lực không mệt mỏi cả đời vì lí tưởng đó.

    Nhưng ta đâu biết rằng luôn có những thứ vượt ngoài khả năng hiểu biết hạn hẹp mà chúng ta vẫn luôn tự hào hay có những thứ mà dù có vận dụng hết tài năng và trí lực của cả cá nhân hay một cộng đồng cũng không đủ để dùng làm quy chuẩn trong việc nhìn nhận đánh giá người khác. Bởi “mỗi người sinh ra là một nguyên bản” mang một cá tính riêng biệt, một dân tộc, một tôn giáo, một hoàn cảnh, một điều kiện khác nhau. Mỗi cá nhân là một màu sắc và hơn hết là họ có quyền được tôn trọng màu sắc cá nhân đấy. Vì vậy trước hết chúng ta cần học cách tôn trọng màu sắc cá nhân đấy trước khi dùng lăng kính chủ quan của cá nhân. Nhưng dù có làm được vậy đi chăng nữa thì việc nhìn nhận và đánh giá người khác cũng chưa bao giờ là khó khăn và cũng chưa bao giờ là dễ dàng đến thế. Nam Cao từng đã phải thốt lên rằng “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi...toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương...Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất.” Chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể biết được một ai nếu chính chúng ta không bao giờ thực sự “cố tìm và hiểu họ”.

    Nhưng làm sao để chúng ta có thể “tìm và hiểu họ”, câu trả lời thật không dễ dàng ngay cả khi chúng ta vẫn đôi khi không thể có đủ kiên nhân nhẫn và bao dung để hiểu chính bản thân mình. Muốn hiểu và nhìn nhận người khác, trước tiên chúng ta nên hiểu chính bản thân mình trước, hãy là chính bản thân mình mà không phải là ai khác khi nhìn nhận người khác. Bởi lẽ khi bạn là chính mình, bạn hiểu được mình, bạn sẽ có hệ quy chiếu riêng của chính mình, bạn sẽ có một nội tại cố định để có thể nhìn thấu và bao quát và vươn xa hơn những gì bạn thấy. Thay vì luôn bị dao động theo ý kiến đám đông để dần dần ta cũng sẽ mất đi bản sắc cá nhân mình và tệ hơn là sống cuộc đời mình theo người khác và sống cuộc sống người khác thay vì cuộc sống của chính mình. Người ta vẫn thường nói bạn sẽ không thể hiểu được ai đó khi bạn là chính họ. Vì vậy để thực sự hiểu được ai hãy đặt chính mình trong hoàn cảnh đó. Hãy nhìn nhận mọi thứ một cách thật sự, có tâm như chính bạn nhìn mình trong tình huống đấy chứ đừng nên qua loa một cách vô cảm như không phải chuyện của mình. Nếu bạn nghĩ đấy không phải là chuyện của mình thì bạn có thể chọn cách bỏ qua thay vì phán xét, bởi sự phán xét vô tâm đôi khi sẽ giết chết người khác. Hãy đừng quan tâm một cách hời hợt và sợ hãi. Chúng ta vẫn thường sợ chúng ta quá dị biệt, chúng ta sợ vì ý kiến cá nhân của mình mà ta bị loại khỏi cộng đồng nhưng chúng ta không biết một điều rằng, hãy sống là chính mình và bạn bè sẽ tự tìm đến với ta. Khi chúng ta là chính chúng ta và tin tưởng vào những điều mình làm thì người khác sẽ không có cơ hội để nghi ngờ hay phán xét chúng ta.

    Krishnamurti trong cuốn đại bàng cất cánh đã từng nói rằng cái chúng ta nhìn sự vật không phải lúc nào cũng là đúng bản chất của nó bởi khi ta nhìn nó, ta đã vận dụng tất cả những tri thức mà ta biết về nó từ trước để nhìn nó chứ không phải bản chất thật sự của nó. Ví dụ như bạn nhìn một bông hoa dù bạn chưa thấy bao giờ nhưng những tri thức trước kia bạn có về nó có thể ngay lập tức giúp bạn hình dung trong đầu những quan điểm sơ khai ban đầu về nó, và đôi khi chính việc này gây nên sự sai lầm và nhầm lẫn.. Vì vậy muốn nhìn mọi vật bạn hãy vứt bỏ những tri thức bạn có trước đây về chúng và nhìn với một tâm hồn trống rỗng, lắng nghe một cách yên lặng và không có tư tưởng. Khi chúng ta nhìn nhận hay đánh giá một người khác cũng vậy. Chúng ta vẫn thường đánh giá họ qua tri thức mà chúng ta có trước đây về họ, những quan niệm hay những định kiến chung dùng làm lăng kính cho sự nhìn nhận và khám phá mà ít khi ta nhìn họ với con mắt của chính chúng ta và để cho họ được là chính họ. Và để hiểu cũng như nhìn nhận thực sự về một ai đó hãy bỏ qua con mắt chủ quan của chính mình, tách xa cái tôi cá nhân và tiêu chuẩn cộng đồng hãy nhìn một cách khách quan và trung thật nhất, để họ được là chính họ rồi sau đó chúng ta mới nên nhận xét. Hãy nhìn và lắng nghe một cách yên lặng bằng chính con người bạn.

    Đánh giá luôn là phương thức để xã hội thay đổi phát triển. Yêu ghét ai là chuyện của cá nhân chúng ta, chúng ta có quyền quyết định tự cho bản thân mình yêu hay ghét một người trong phạm vi giới hạn của chính bản thân chúng ta nhưng không có nghĩa là chúng ta có quyền bắt tất cả mọi người phải giống như ta. Những con người vô tội đấy không đáng bị phê phán hay chê trách bởi hiểu biết hạn hẹp của ta. Chúng ta có quyền phê phán cái xấu, ngợi ca cái đẹp. Cái đẹp có thể đích thực là cái đẹp không cần phải hoài nghi nhưng cái xấu chưa hẳn đã là cái xấu hoàn toàn mà không cần phải nghi ngờ. 

Tác giả: Hà Phương

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là ""Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ"".  Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

11,429 lượt xem, 6,237 người xem - 6237 điểm