Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Chuyện Người Lớn Ngại Yêu

Bạn có nhận ra rằng khi trưởng thành hơn một chút khái niệm về tình yêu của bạn sẽ hoàn toàn thay đổi không? Hồi còn bé còn ngây thơ nói thích là thích, là chuyện bình thường, chẳng ngần ngại gì , chẳng ai ngăn cản hay cười chê bởi quan niệm còn nhỏ tuổi ngây ngô. Lên cấp 2, cấp 3 chữ “thích” hay “yêu” lại nặng nề hơn khi phải nhìn về phía bạn bè, phụ huynh, thầy cô và chuyện học hành. Khi đã học đại học thì tình yêu nặng nề hơn một chút bởi lúc này nó lại chịu sự cộng dồn cũ cộng mới. Càng lớn thì tình yêu càng trưởng thành và đặt ra nhiều tiêu chí theo.Và nếu tình yêu không được đơm bông kết trái thì nó chuyển sang một trạng thái hoàn toàn khác: trạng thái kén duyên.

Thực tế là nhiều người càng lớn sẽ khó yêu hơn thời còn trẻ nhất là độ tuổi từ 25 trở lên . Không phải vì chữ “cao số” như các ông thầy bói thường nói mà bởi vì con mắt nhìn về tình yêu cũng đã “chuyển màu”. Vậy tại sao người lớn lại ngại yêu? Có hàng tá nguyên nhân và tôi xin được tóm gọn lại như sau:

Khái niệm về tình yêu thay đổi. Đúng là khi chúng ta trưởng thành các khái niệm cũ cũng dần thay đổi theo năm tháng. Nếu trước kia từng nghĩ trái đất là mặt phẳng thì nay ta đã ngộ ra nó là hình tròn, tưởng rằng ngôi sao trên trời là năm cánh thực chất nó là một hành tinh, con chuồn chuồn cắn rốn chẳng thể làm ta biết bơi, còn các câu chuyện cổ tích thì không còn thật như trước nữa. Khái niệm tình yêu cũng dần thay đổi như thế. Hồi còn ít tuổi nói thích là yêu, chữ yêu gắn liền với cảm xúc của tuổi  mới lớn. Lớn lên một chút chữ yêu gắn liền với nhiều thứ hơn thế: là sự bao dung, đồng cảm, sự chịu đựng, chút ghen tuông, sự tha thứ, là lý trí… Cả những băn khoăn về tương lai đôi lứa: hôn nhân, sự nghiệp, kinh tế... Khi có quá nhiều thứ gắn liền lên tình yêu như vậy, đôi lúc con người ta sẽ cảm thấy nặng nề với chính tình yêu của mình.


Và cũng có nhiều người tự gắn lên cho tình yêu thêm nhiều tiêu chuẩn khác, tự khắt khe hơn với chính tình yêu của họ. Đến nỗi họ từ bỏ đi khái niệm “tình yêu”  của mình và trở thành những người tôn thờ lối sống độc thân.

Thất vọng về các mối quan hệ. Năm tháng qua đi, khi đã trưởng thành ta càng tiếp xúc với nhiều người, có nhiều mối quan hệ xã hội hơn. Thân có, không thân cũng có, yêu có và thù ghét cũng có. Một người khi đã đi qua đôi ba cuộc tình, dù ít dù nhiều cũng khó tránh được những tổn thương mất mát mà mỗi cuộc tình để lại. Khi ngoảnh lại thấy đôi lần đổ vỡ của mình của người khác. Cái thứ gọi là ê chề cứ dần chiếm lấn khiến ta mất đi niềm tin vào những mối quan hệ đôi lứa tốt đẹp, bền lâu. Có nhiều người xuất hiện trong đời khiến chúng ta vui vẻ hạnh phúc, nhưng cũng có những người để lại cho ta những vết thương lòng, những nỗi buồn khó phai. Để rồi khi nhìn lại nhiều người, ta lại khắc lên mình hai chữ “thất vọng” sợ bị tổn thương không muốn bước tiếp. Để rồi ai đó chưa kịp đến với ta đã phải chịu sự phán xét bằng cái kinh nghiệm già dặn sẵn có.

Không có thời gian cho chuyện yêu đương. Tôi có một chị bạn ngoài 30 tuổi vẫn một mình lẻ bóng. Hỏi tại sao thì  chị chỉ thản nhiên đáp: “Chị bận lắm không có thời gian cho chuyện yêu đương”. Rồi chị kể cho tôi nghe lý do vì sao chị không có thời gian. Một ngày đi làm gồm 8 tiếng giờ hành chính, chưa kể thời gian tăng ca, đi sớm về muộn. Tính cả quãng đường di chuyển thì một ngày chị dành ra cả 10 tiếng để đi làm ở cơ quan. Sống nơi thành thị việc di chuyển chẳng dễ dàng gì nhất là những ngày tắc đường hay trời mưa. Có khi về đến nhà cũng đã 8 đến 9 giờ tối, rồi cơm nước tắm giặt cũng phải đến 10 giờ. Đến lúc ấy nếu còn bận công việc thì tranh thủ làm tiếp, còn không cũng tranh thủ nghỉ ngơi. Cái vòng tròn ấy cứ lặp đi lặp lại hết cả tuần. Cuối tuần được nghỉ lại về quê không thì cũng tranh thủ ngủ nướng hoặc chạy nốt deadline. Rồi chị chậc lưỡi và nói với tôi rằng: “Nói chung bận lắm, không có thời gian để tìm hiểu ai cả,cũng chẳng ai có thời gian để tìm hiểu người không có thời gian như mình đâu em”. 


Quả thực người lớn có nhiều chuyện để làm, để lo, để nghĩ nhiều người chỉ quan tâm đến công việc, đam mê mà chẳng màng đến những thứ khác như tình yêu chẳng hạn. Và khi chúng ta lựa chọn các giá trị sống về chính mình thì thời gian cũng xoay quanh những việc đó khiến chúng ta “lười yêu”. Hoặc cũng có nhiều người  thực chất chưa sẵn sàng cho một mối quan hệ, nghĩ yêu đương rất phiền toái mà đổ thừa cho việc không có thời gian. 

Vương vấn hình ảnh của người cũ. Hồi nhỏ tôi được tặng một chiếc xe đạp, đó là chiếc xe đạp mà tôi vô cùng thích nó gắn liền với tôi suốt mấy năm học cấp hai cho đến khi nó bị mất. Chiếc xe bị mất khiến tôi rất buồn, cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in đó là chiếc xe đạp mini màu xanh dương, có chiếc rỏ gỗ và chạy rất êm. Nhiều năm rồi tôi không thấy chiếc xe nào được như chiếc xe đạp hồi nhỏ của mình. Đấy là đồ vật tôi đã làm mất  nhiều năm rồi mà vẫn tiếc nuối, không thể quên những đặc điểm của chúng huống chi là người đã từng yêu. 


Thứ đang đang còn sẽ khó lưu tâm vì nó vẫn hiển diện  ra trước mắt nhưng thứ mất đi rồi sẽ để lại dấu ấn khó phai trong lòng.

Bước vào một cuộc tình như bước vào hồ nước đầy màu sắc. Người bước vào thì có người nổi, người chìm, có người cùng nhau đi đến cuối bờ và cũng có người bước ra một mình mang theo gam màu u tối. Người bước ra một mình chẳng thể nào quên được người kia “màu gì” từ đặc điểm ngoại hình của người ấy cho đến tính cách và cả những kỉ niệm gắn liền khó làm ta quên được. Rồi khi người mới đến, những hình ảnh của người cũ  lại xuất hiện khiến ta chẳng thể không so sánh. Đến nỗi những tiêu chuẩn mới lại xuất hiện khiến ta chẳng thể nào bước tiếp.

Chút tự ti về bản thân. Trưởng thành rồi, đi làm đôi ba năm nhiều người tỏ ra ngại yêu bởi họ cảm thấy mình chưa đủ “điều kiện” để yêu. Họ cho rằng về mặt kinh tế đồng lương mình còn quá ít ỏi, nuôi bản thân còn khó thì tính gì đến chuyện yêu đương phải đi làm kiếm tiền/ Nhà mình không  có điều kiện chưa vội nghĩ chuyện yêu mà có thì cũng không có ai yêu/ Nhà mình và người ấy điều kiện cách quá xa nhau…Cũng có nhiều người cảm thấy bản thân còn nhiều nhược điểm về ngoại hình, cảm thấy mình chưa ưa nhìn, không đủ thu hút người khác hay ái ngại về tuổi tác, gia đình, công việc...sợ đối phương để ý không chấp nhận. Và rồi họ tự ti trước những “điều kiện” bản thân tự đặt ra và không muốn bước tới mối quan hệ đôi lứa. Liệu ta có nhận ra rằng không phải tình yêu lắm tiêu chuẩn mà con người đặt ra nhiều tiêu chuẩn cho tình yêu?


Tâm sinh lý thay đổi. Con người sống luôn phát triển về mặt tâm lý và sinh lý ở mỗi độ tuổi khác nhau. Bạn chẳng thể nào đòi hỏi được tâm sinh lý mình cứ như tuổi mười tám đôi mươi trong khi mình đã hai lăm ba mươi tuổi. Sẽ chẳng còn cái cảm giác bồi hồi mãnh liệt của tuổi trẻ, chẳng còn làn da tươi tắn trẻ đẹp ngày nào khi mình đã lớn tuổi. Và khi máu vẫn chảy theo dòng tuần hoàn của nó qua trái tim nóng bỏng thì các hormone đã thay đổi mất rồi, cảm xúc yêu cũng thay đổi theo.

Kết:

Tình yêu không kén chọn ai, ai cũng có thể có tình yêu chỉ có điều ta có đang khắt khe với tình yêu của mình hay không mà thôi. Nếu trái tim không đủ dung lượng thì ắt hẳn cái vòng tròn luẩn quẩn của những lý do mãi tồn tại và trái tim ta sẽ không thể tìm ra nửa kia của mình. 


Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ. 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,944 lượt xem, 3,924 người xem - 3945 điểm