Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Có Những Việc Ta Biết Thừa Là Không Tốt, Nhưng Vẫn Cứ Làm

Lướt điện thoại quên thời gian, chơi game online, hút thuốc lá, uống rượu bia, việc quan trọng thì “thôi để mai làm cũng được” hoặc là “đợi tí nữa”… Tất cả những việc ấy chúng ta đều biết rõ ràng là thói quen xấu, nhưng để từ bỏ thì đâu phải chuyện dễ dàng nhanh chóng.

 Nguyên nhân của điều này

Thứ nhất, vì nó dễ dàng thực hiện, chẳng cần mất công sức. Đơn cử như lướt điện thoại, từ năm 1876 đến nay phát minh vĩ đại của con người đã trải qua biết bao lần cải tiến và phát triển để có thể cầm vừa tay, cảm ứng, giải trí đa phương tiện từ xem phim, đọc báo, trò chuyện trực tuyến và cả một không gian làm việc rộng lớn được nén lại chỉ bằng một chiếc điện thoại.

Việc dùng ngón tay lướt điện thoại với mục đích giải trí được tôi xếp đầu bảng xếp hạng những hình thức giải trí, thể dục, vận động xương khớp được thực hiện nhiều nhất hiện nay. Không cần mất nhiều công sức, ngồi đứng ở bất kỳ vị trí hay không gian nào cũng có thể nghe nhạc, đọc báo, xem phim, lướt youtube hoặc tiktok...

Thứ hai, những việc dễ dàng sẽ tạo được sự hài lòng gần như ngay lập tức. So với việc chạy bộ cho toát mồ hôi, tập trung cho một công việc cần thiết thì những việc dễ dàng sẽ tạo được sự thỏa mãn nhanh hơn. Theo cuốn sách “Dopamine Nation” của tác giả Anna Lembke: Thực tế của việc "nghiện" smartphone, không thể tách rời smartphone là bởi việc não bộ đã quen tìm kiếm sự kích thích từ những thông báo liên tục, nhanh chóng của sự thỏa mãn tức thì. Sự hưng phấn bùng nổ sẽ làm hormone dopamine được tiết ra.

Tương tự như chứng nghiện Smartphone, xã hội theo xu hướng của “chủ nghĩa tiêu dùng” sẽ dễ dàng tạo nên các “phần thưởng” nhanh chóng, tạo nên niềm vui và sự hài lòng ngay lập tức như mua sắm, đồ ăn thức uống nuông chiều vị giác, game online… Môi trường đó giống như nguồn cung cấp dopamin tức thời vô tận

Thứ ba, sự thiếu nhận thức. Một người đàn ông có sở thích uống rượu thường sẽ không quan tâm đến những lời cảnh báo về tác hại của rượu bia, cho đến khi ông ta ngồi đối diện với bác sĩ đang cầm kết quả xét nghiệm máu, siêu âm trên tay. Các thói quen gây hại sẽ gây hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần, điều này thì chính người thực hiện các thói quen ấy đương nhiên sẽ biết. Nhưng rất nhiều người thường đưa ra lý lẽ riêng cho việc làm của mình, mà điển hình là “uống một chút thôi không sao đâu”. Bao thuốc lá in hình lá phổi bị tàn phá chính là lời cảnh báo, cung cấp kiến thức nhanh chóng và hiệu quả nhất. Nhưng thường thì tôi sẽ nhìn thấy vỏ bao thuốc lăn lóc, được vứt vào thùng rác khi chẳng còn điếu nào bên trong.

Những lời cảnh báo, cung cấp kiến thức về tác hại của các thói quen gây hại vẫn luôn được đưa ra. Nhưng rất nhiều người vẫn khó từ bỏ, chỉ khi thực sự những tác hại ấy ngấm vào cơ thể, thì nhận thức thực sự mới diễn ra, đi kèm với đó là sự hối hận, sợ hãi.

Thứ tư, sự thiếu tự chủ. Mỗi người có khả năng khác nhau để chống lại những cám dỗ và sự tự kiểm soát cá nhân lại thường không phải là một yếu tố tự nhiên mà cần có sự rèn luyện. Việc thực hiện những hoạt động có khả năng gây hại nhưng dễ dàng thường sẽ tạo nên một vòng tròn luẩn quẩn, nhiều người vốn đã có tính tự chủ chưa cao lại càng trở nên bị động, dễ bị cuốn theo những hình thức giải trí.

Thứ năm, yếu tố cảm xúc. Cảm xúc của chúng ta đóng một vai trò quan trọng trong việc ra quyết định. Căng thẳng, lo lắng, buồn chán hoặc các trạng thái cảm xúc khác có thể ảnh hưởng đến lựa chọn của và khiến chúng ta có những hành dẫu biết là không tốt. Ví dụ, ăn uống theo cảm xúc hoặc tham gia vào các hành vi nguy hiểm như một cách để đối phó với những cảm xúc tiêu cực.

Tác hại của những hành vi này có thể kể đến như: tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất, tâm lý và trạng thái tinh thần; ảnh hưởng đến tài chính; cản trở sự phát triển cá nhân…Để thoát khỏi những hành vi mà chúng ta biết là không tốt cho mình, cần rất nhiều yếu tố và đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn. Trong đó

Thứ nhất, tăng cường nhận thức. Hãy tìm hiểu thêm về việc mà bạn đang làm, hình thức giải trí mà bạn đang thực hiện. Hiểu rõ về những hậu quả tiêu cực mà nó mang lại cho cuộc sống của bạn. Điều này có thể bao gồm việc nghiên cứu và tìm hiểu về tác động của hành vi đó lên sức khỏe, tài chính, mối quan hệ, hoặc mục tiêu dài hạn của bạn.

Thứ 2, tìm phương thức thay thế: Tìm các hành vi thay thế tích cực và tốt cho bạn. Điều này giúp bạn định hình lại thói quen và thay thế hành vi không tốt bằng những hành vi tốt hơn. Ví dụ, nếu bạn muốn từ bỏ việc hút thuốc, bạn có thể thử tham gia vào các hoạt động khác như tập thể dục, học một kỹ năng mới hoặc tìm kiếm hỗ trợ từ nhóm người cùng chung ý định tương tự.

Thứ 3, xác định mục tiêu dài hạn: Hãy xác định mục tiêu dài hạn rõ ràng mà bạn muốn đạt được. Điều này giúp bạn nhìn thấy mối liên hệ giữa hành vi hiện tại và mục tiêu tương lai. Dựa trên điều này, bạn có thể đánh giá xem hành vi hiện tại có tương thích với mục tiêu dài hạn hay không.

Thứ 4, tạo môi trường không thuận lợi cho những thói quen xấu: Bạn cần xây dựng một môi trường xung quanh bạn ủng hộ những thay đổi tích cực. Tránh hoặc giảm thiểu những tình huống gợi lên hành vi không tốt và tìm cách tạo ra môi trường khích lệ hành vi tích cực. Ví dụ, nếu bạn muốn giảm thời gian lướt tiktok, youtube, facebook… hãy tạo ra một môi trường nơi bạn có nhiều hoạt động khác hấp dẫn hơn, như đọc sách, đi dạo, hoặc tham gia vào các sở thích khác.

Bạn cũng có thể tìm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè hoặc nhóm cùng chí hướng. Chia sẻ mục tiêu của bạn và yêu cầu sự ủng hộ và khích lệ từ những người xung quanh. Họ có thể cung cấp sự động viên, chia sẻ kinh nghiệm và cùng bạn vượt qua khó khăn trong quá trình thay đổi.

Thứ 5, kiên nhẫn và nhớ thưởng cho bản thân: Thay đổi hành vi không tốt không phải là một quá trình dễ dàng. Đôi khi bạn có thể gặp khó khăn hoặc gục ngã. Tuy nhiên, quan trọng là kiên nhẫn và nhớ thưởng cho bản thân mỗi khi bạn đạt được tiến bộ. Tạo ra các hệ thống thưởng nhỏ và tưởng thưởng bản thân khi bạn hoàn thành các mốc quan trọng trong quá trình thay đổi.

 Một số câu nói hay về tác hại của những thói quen xấu

1.Thói quen xấu là cửa ngõ của sự tha hóa – Ngạn ngữ Đức

2.Dễ ngăn cản thói quen xấu hình thành hơn là loại bỏ nó - Benjamin Fraklin

3.Khi bạn làm điều sai trái, biết rằng nó sai trái, bạn làm như vậy bởi bạn chưa hình thành thói quen kiểm soát hoặc vô hiệu những thôi thúc mạnh mẽ cám dỗ bạn, hoặc bởi bạn đã hình thành thói quen sai và không biết phải làm thế nào để xóa chúng đi một cách hữu hiệu – W.Clement Stone

4.Những thói quen xấu như ma túy, rượu, và hút thuốc không chỉ hủy hoại sức khỏe, mà còn hủy hoại cả tâm hồn - Charles Duhigg

5. Sớm muộn thì “không phải bây giờ” cũng sẽ biến thành “không bao giờ” - Martin Luther

Những câu nói hay về sự thay đổi

1. Để thay đổi thói quen, hãy lập một quyết định lý trí, rồi thực hiện hành vi mới. Waxwell Maltz

2. Đầu tiên chúng ta tạo ra thói quen, sau đó thói quen hình thành chúng ta. John Dryden

3. Đừng đầu hàng lý lẽ ngụy biện. Hãy quay lại sửa chữa sai lầm và hình thành những thói quen khiến mục tiêu của bạn có thể đạt được. Vince Lombardi

4. Thay đổi không phải là điều dễ dàng, nhưng không thay đổi thì không có sự tiến bộ - Tony Robbins

5. Một năm nữa có thể bạn sẽ ước bạn đã bắt đầu ngày hôm nay – Karen Lamb

 Tác Giả: My Space

--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá +45,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

179 lượt xem, 150 người xem - 150 điểm

lh-fulllh-x