Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Con Đường Nào Cho Một Cuộc "Cách Mạng Tư Tưởng Xã Hội" - Bình Đẳng Giới

    Không khó để nhận ra, trong những năm gần đây, các phong trào nữ quyền đã nối tiếp nhau bùng nổ mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề này được mang ra bàn luận và tranh đấu, tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, nó vẫn chưa giành được thành công xứng đáng so với lịch sử hình thành và phát triển dai dẳng của mình - từ những năm 1850. Không chỉ đơn thuần là chưa thành công, phong trào nữ quyền còn ngày một đối mặt với vô số thách thức nặng nề khi liên tiếp xảy ra các vụ hành hung, quấy rối và tấn công phụ nữ (thậm chí cả các bé gái nhỏ tuổi cũng không ngoại lệ)...tiêu biểu nhất là vụ án của cựu thành viên nhóm nhạc Big Bang - Seungri và club do anh quản lí - Burning Sun gây chấn động dư luận thế giới. Câu hỏi được đặt ra là tại sao mức độ nhận thức của con người về "nữ quyền", "tiến bộ", "bình đẳng giới" lại tỉ lệ thuận với tính chất dã man cấp tiến của hàng loạt các bê bối xâm hại phụ nữ và trẻ em gái; từ đó dẫn đến một dấu hỏi lớn hơn rằng nữ quyền đang thực sự đi đúng hướng để đạt được hiệu quả hay không ? Nếu không thì con đường nào là đứng đắn hơn cho hành trình đi tìm "bình đẳng giới" của tất cả phụ nữ trên thế giới ?

    Điều mà tôi muốn nói sau đây chính là những sai lầm trong còn đường đòi bình đẳng giới mà phụ nữ cũng như cả xã hội mắc phải, chỉ khi khắc phục được những sai lầm đó, chúng ta mới có thể hi vọng hơn về một "chiến thắng" hoàn toàn, thực sự của nữ quyền.

    

1, Sai lầm trong tư tưởng, nhận thức

    Thực trạng: Tất cả chúng ta đang có những nhận thức sai lầm về tầm quan trọng của công cuộc đấu tranh vì nữ quyền. Nhiều phụ nữ hài lòng với cuộc sống ấm êm của bản thân hay chấp nhận với hoàn cảnh quen thuộc và nói rằng họ không cần gì thêm nữa, cứ như vậy là đủ; họ không thiết tha với "bình đẳng giới" vì nghĩ rằng không có nó thì họ vẫn "ăn ngon ngủ yên" như thường; họ hời hợt và ngó lơ quyền lợi của chính mình, thậm chí cô lập những người có mong muốn xóa bỏ định kiến.

                          Tôi đã nghe thấy rất nhiều "báo cáo thành tích" kiểu: đã tăng bao nhiêu phần trăm tỉ lệ phụ nữ trong hội đồng lãnh đạo, thực tế thì những báo cáo này đang cho chúng ta thấy phiên bản khác của "bệnh thành tích". Xã hội có phong trào, kêu gọi thì ta hưởng ứng cho văn minh, vậy nghĩa là xã hội không có "đợt phong trào" thì ta cũng không quan tâm luôn hay sao ? Ý thức tự giác của xã hội đối với "bình đẳng giới" vẫn còn quá mờ nhạt, mang tính "đối phó".

                          Tôi đã thấy nhiều người nói kiểu: "Phụ nữ nước ta so với nhiều nước khác vẫn còn được tôn trọng hơn nhiều", câu nói này có thể không sai nhưng nó vô tình gây ra sự hời hợt của phụ nữ với quyền lợi của chính mình. Nhiều phụ nữ nghe thấy điều này lại càng "hài lòng với những gì mình có" hơn mà không nhận ra: chẳng có một khiếm khuyết nào kinh khủng hơn là khiếm khuyết của "quyền con người" - thứ cơ bản nhất đảm bảo cho một sự sống tồn tại đúng nghĩa.

    Cái nhìn mới: Thế nhưng bạn không cần không có nghĩa là con gái bạn cũng không cần. Thế hệ mai sau sẽ là người "đứng mũi chịu sào" cho tất cả những gì bạn để lại hôm nay; việc phân biệt đối xử giới tính không cố định ở một điểm dừng - nó luôn lớn lên từng ngày. Có thể ở thời bạn nó chỉ giống như sự bó buộc "nho nhỏ" - dần dần sẽ quen nhưng tới thời con, cháu bạn nó có thể đe dọa đến tồn vong, nhân phẩm, công bằng chính đáng của hàng triệu con người. Hãy nhớ "bình đẳng giới" là quyền cơ bản của một con người, được đặt tương đương với quyền sống còn. Nó xứng đang được trân trọng và bảo vệ bằng tất cả những gì ta có.

                        Xã hội cần ủng hộ bình đẳng giới một cách nghiêm túc với lòng chân thành nhất có thể. Hãy làm với một nhận thức vì bảo vệ quyền lợi con người, không phải vì "làm cho nó có màu một tí".

                        Phải, không phủ nhận mức độ phân biệt đối xử cũng nặng nhẹ ở tùy từng quốc gia, nhưng đừng lấy đó làm thỏa mãn nhé ! Phụ nữ phải luôn hiểu: Đòi "bình đẳng giới" là đòi quyền con người, mà quyền của một con người không phải thứ có thể đem cân đo nặng nhẹ, so sánh thiệt hơn - quyền của một con người là đã đòi thì phải đòi cho kì đủ mới thôi.

2, Sai lầm ở cách thức đấu tranh

    Thực trạng: Hầu hết các phong trào nữ quyền đều tập trung hướng tới việc cải thiện tư tưởng nam giới trong khi đó việc đẩy mạnh củng cố tư tưởng tiến bộ của nữ giới về quyền lợi của chính mình lại khá mờ nhạt. Một bộ phận không nhỏ phụ nữ đang có những lối cư xử bao che, dung túng cho "phân biệt giới tính" lấp ló dưới danh nghĩa "truyền thống" hay những lời qua loa "mọi người đều như vậy mà ". Việc đấu tranh mà quá tập trung vào bên ngoài và quên mất thành phần cốt lõi bên trong - bản thân những người phụ nữ, sẽ khiến chúng ta phụ thuộc, bởi không phải nam giới nào cũng chân thành ủng hộ phụ nữ trong phong trào này; một số vì sợ phụ nữ đe dọa vị thế, quyền lực xã hội của họ, một số vì bản tính ích kỉ và tư duy theo lối mòn "số đông", "truyền thống" luôn đúng... có thể cố tình ngăn cản, chống lại cuộc đấu tranh đòi quyền lợi hợp pháp, vốn là dĩ nhiên của phụ nữ. Nếu chúng ta cứ mải mê phụ thuộc vào bên ngoài thì tới khi chúng ta không còn nhận được sự ủng hộ đủ lớn từ những người khác phái, mất đi "chỗ dựa", chúng ta sẽ ở thế bị "thập diện mai phục", "bao vây tứ phía".

    Cái nhìn mới: "Muốn thay đổi cả thế giới, trước hết phải thay đổi chính mình". Phụ nữ cần được xác định là đối tượng chủ yếu, quyết định của phong trào. Đừng chỉ mải chỉ trích nạn nhân hay bới móc, nhạo báng sự yếu đuối, đừng hùa nhau "khủng bố tinh thần" một cô gái nào đấy "lỡ quen" nam thần của bạn,...phụ nữ phải bảo vệ nhau chứ đừng "vô thức" tiếp tay cho chính cái "chuẩn mực xã hội" mà chúng ta phủ nhận.

 3, Sai lầm ở cách thức tổ chức, vận hành phong trào

    Thực trạng: Các phong trào nữ quyền tuy bùng nổ mạnh mẽ nhưng chưa đủ sức ảnh hưởng, tại sao ? Vì chúng quá lẻ tẻ. Chúng ta đều có chung một mục đích nhưng mỗi người một hướng, mỗi kẻ một thuyền, trong khi đối thủ lại mạnh như đàn cá mập đông đảo. Chúng ta tựa như tầng lớp tư sản Việt Nam thời Pháp thuộc - có tinh thần yêu nước nhưng dễ thỏa hiệp, chỉ cần được cho một số quyền lợi thì sẽ ngừng tranh đấu; chúng ta quá tin tưởng vào những lời hứa hẹn của xã hội: khi một phong trào bùng lên, nó nhanh chóng bị dập tắt bằng vài lợi ích trước mắt qua loa. Chúng ta vẫn chưa đủ sâu sắc về đích đến cuối cùng của cuộc chiến "bình đẳng giới".

    Cái nhìn mới: Những người phụ nữ trên toàn thế giới cần liên hệ, đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, cần quyết đoán xác định mục tiêu duy nhất của chúng ta là đòi lại "quyền của một con người" chứ không phải là đấu tranh cho bất kì một lợi ích mang tính cá nhân, tư lợi nào khác. Phụ nữ thường bị đánh giá kém cỏi hơn nam giới bởi họ nghĩ chúng ta kém thông minh, yếu đuối về thể lực, làm việc với quá nhiều tình cảm cá nhân,... hãy chứng minh rằng họ đã sai bằng cách nhìn thẳng vào điểm yếu của bản thân mà khắc phục nó, hãy ngừng biện hộ cho chính mình bằng hai từ "phái yếu".

4, Sai lầm trong sự chuẩn bị

    Thực trạng: Khi nghĩ đến đấu tranh đòi bình đẳng giới, lập tức chúng ta nghĩ đến các cuộc vận động tuyên truyền, nhưng còn một thứ quan trọng hơn thế - sự chuẩn bị của từng cá nhân trước khi bước vào "cuộc chiến" chung của cộng đồng. Trong đó tri thức, kĩ năng là những thứ không cần nói ai cũng hiểu nhưng sự chuẩn bị kĩ càng về mặt sức khỏe thì không mấy ai để tâm. Bạn khó có thể ngồi xuống uống trà nói chuyện, dịu dàng khuyên bảo với nhưng kẻ đã quen thói hành hạ, tấn công kẻ yếu; sức khỏe hay cụ thể hơn là khả năng tự vệ đóng vai trò cực kì quan trọng: bạn phải bảo vệ chính mình xong rồi mới có thể lo bảo vệ quyền lợi của mình được.

    Cái nhìn mới: Đừng ỷ lại bản thân là phái yếu, học cách bảo vệ chính mình không chỉ giúp bạn trong việc đấu tranh, nó giúp bạn đối phó với nhiều tình huống khác trong cuộc sống ngày nay - khi mà tội phạm tinh vi, liều lĩnh hơn và có thể xuất hiện ở bất kì đâu.


    Sau cùng thì những nhìn nhận của cá nhân tôi có thể còn nhiều thiều sót, công cuộc đấu tranh đòi bình đẳng giới đang đứng trước thách thức yêu cầu chúng ta phải đổi mới, phải nghiêm túc, quyết liệt hơn. Chúng ta cần một lãnh đạo sáng suốt, công bằng và thấu hiểu sâu sắc vấn đề cội rễ sâu xa, cần sự chung tay hợp sức của tất cả phụ nữ trên thế giới cũng như toàn xã hội. Không thể chần chừ hơn được nữa, bây giờ hoặc không bao giờ, nếu không nhanh chóng quyết tâm chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau và chịu đựng những điều cư xử ngày một vô lí, bất công hơn nữa.



Tác Giả: Bùi Thị Thúy Nga, Học sinh @ Trường THCS Bát Trang 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/sabestian.michael

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

159 lượt xem, 156 người xem - 158 điểm