Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Con Quái Vật Mang Tên "Khủng Hoảng Tuổi Đôi Mươi".

Đừng nói chúng tôi lười biếng, chỉ là chúng tôi đang quay cuồng đối mặt với con quái vật mang tên “khủng hoảng tuổi đôi mươi”. Trong khi thế hệ 8x đã yên bề gia thất, thế hệ 10x thì đang rong chơi, yêu đương tuổi học trò thì thế hệ 9x chúng tôi còn đang vật vã với cơm áo gạo tiền, với nỗi lo “tốt nghiệp – thất nghiệp”.

Làm sao chúng tôi dám yên bề như 8x, trong khi bản thân còn lo chưa xong, và đã qua rồi cái thời tình yêu vu vơ trong sáng của tuổi học trò như các em 10x kia, thế hệ cuối cùng của 9x giờ cũng đã ngót nghét 20, cái tuổi như một mớ hỗn độn, nào là học hành, thi cử, việc làm,…ôi không thể chịu nổi cái cảnh tất cả mọi chuyện đổ ập vào cùng một lúc trên đôi vai bé nhỏ, làm sao có thể chịu đựng nổi cơ chứ?

Nhưng có một thực tế rằng: “thứ gì không làm bạn gục ngã được thì sẽ khiến bạn trở nên mạnh mẽ hơn”. Những người bạn thế hệ 9x mà tôi gặp cơ thể họ như xây dựng bằng bê tông cốt thép, họ làm việc quần quật từ 7 giờ sáng đến 9 giờ đêm, thế mà khi về đến nhà họ còn chăm chỉ học thêm ngoại ngữ, soạn thảo. Thật kinh khủng, sao họ có thể làm được?



Mỗi chúng ta sinh ra trong những hoàn cảnh khác nhau, có người vì muốn thoát khỏi cái nghèo mà chăm chỉ làm việc thâu đêm suốt sáng, cũng có người chỉ đơn giản là muốn kiếm tiền đi du lịch. Có thể xuất phát điểm của chúng ta khác nhau, nhưng suy cho cùng cũng vì nhân sinh, chính cái động lực tận sâu bên trong ấy đã thôi thúc chúng ta phải cố gắng, nỗ lực hết mình mỗi ngày, chiến đấu cho ước mơ, cho hoài bão của tuổi trẻ.

Tuổi trẻ kiên cường không ai thấy,

Tuổi trẻ mạnh mẽ chẳng ai hay,

Nhưng những người chấp nhận thách thức, nỗ lực theo đuổi hoài bão tuổi trẻ của chính mình đều là những chiến binh vĩ đại.

Thời điểm bạn thấy quá muộn để bắt đầu thì đó chẳng phải là thời khắc sớm nhất sao? Bởi vậy, trước khi chạy hãy đi, trước khi đi hãy bò, trước khi bò hãy ngồi, đó chính là quy luật chúng ta lớn lên, vậy tại sao có những bạn xin đi làm lại chỉ chăm chăm apply vào các vị trí cấp cao? Để làm gì, để nhận được sự tôn trọng cùng vẻ mặt đầy sợ hãi của nhân viên khi thấy bạn sao? Trong khi bạn chẳng hề có kinh nghiệm gì cả, ngay cả những kiến thức cơ bản in 2 mặt như thế nào, photo ra làm sao bạn còn không biết, thì làm sao thực hiện được những công việc to lớn hơn?



Hãy tập làm những việc nhỏ, dễ trước khó sau, nếu ngay cả những việc nhỏ bạn còn không hoàn thành tốt thì đừng bao giờ bàn đến việc giải cứu thế giới.

Nói có vẻ khó nghe, nhưng hãy sống thực tế, để bản thân không phải rơi vào những hố sâu chứa đầy sự ảo tưởng. “Cũng giống như con ếch ngồi dưới đáy giếng, nhìn lên trời và tưởng rằng trời chỉ bé như cái nắp vung, hắn ngang nhiên cho mình cái quyền tài giỏi hơn người, mùa mưa nước dâng cao lôi hắn ta ra ngoài, cũng vì cái thói hung hăng, cuối cùng hắn bị một con trâu đi ngang dẫm bẹp”. Chúng ta không chết vì cái khuyết điểm của chúng ta mà thường thua cuộc bởi chính cái ưu điểm của mình, cứ nghĩ rằng bản thân thật sự giỏi về một lĩnh vực và sau năm tháng chúng ta không hề trau dồi phát triển cái ưu điểm của mình, đến cuối cùng chính cái ưu điểm đó sẽ giết chết chúng ta. Trên đời này, núi này cao thì sẽ có núi khác cao hơn, vì thế đừng bao giờ cho mình cái quyền hung hăng, xem thường người khác. Hãy luôn luôn phát triển bản thân ngày một tốt hơn.

Như Albert Einstein từng nói: “Ai trong chúng ta cũng là một thiên tài, nếu bạn đánh giá con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ sống suốt đời với niềm tin rằng nó là kẻ đần độn”.

Thật vậy, khỉ không thể bơi giỏi như cá và cá cũng chẳng thể leo cây nhanh như khỉ. Hãy chấp nhận tiềm năng riêng của chính mình và phát triển nó lên trở thành một kĩ xảo. Đừng nhìn vào tài năng thiên bẩm của người khác và so sánh sao bản thân không giỏi như họ, họ là họ - còn mình là mình, trên thế giới 7,5 tỷ người, ngay cả anh em sinh đôi cũng có những dấu vân tay khác nhau, cớ hà gì chúng ta lại đem khả năng của mỗi người ra so sánh? Bạn có biết, giây phút bạn so sánh mình với người khác chính là lúc bạn đang kìm hãm lại sự phát triển của bản thân?



Cũng vậy, những ông bố bà mẹ xin đừng bao giờ đem con mình ra để so sánh với con người khác, xin nhắc lại rằng, mỗi đứa trẻ đều có những tài năng riêng.

Tới đây, tôi muốn chia sẻ một chút về cái gọi là thông minh. Có những ông bố bà mẹ cổ hủ, bảo thủ, cầu toàn là nỗi buồn cho các thế hệ trẻ nhỏ. Bởi vì sao? Họ suốt ngày quan trọng thành tích, rằng: “con tôi phải thông minh hơn con người khác; con tôi nó thông minh lắm,…”. Nhưng thưa rằng các ông có biết thế nào là thông minh không?

Thực tế, vào năm 1983, Gardner đã đề xuất và phân biệt thành 8 loại hình trí thông minh khác nhau:

1)     Trí thông minh logic – toán học – khả năng tư duy logic, làm việc với các con số, phép tính,…

2)     Trí thông minh không gian – những người có trí thông minh không gian mạnh mẽ thường rất giỏi trong việc ghi nhớ bằng thị giác, xác định phương hướng, tưởng tượng không gian, và thường có khuynh hướng nghệ thuật.

3)     Trí thông minh vận động – dành cho năng lực liên quan đến chuyển động cơ thể. Những người có trí thông minh vận động tốt thường phát triển hoạt động thể chất và thường thích các hoạt động phong trào; học tốt nhất khi cơ thể có hoạt động thể chất.

4)     Trí thông minh tương tác giao tiếp – khu vực phải làm việc với sự tương tác giữa người với người trong nhóm này thường hướng ngoại và có đặc điểm là luôn nhạy cảm với những tâm trạng, cảm xúc, tính khí, động cơ của người khác.

5)   Trí thông minh nội tâm – đây là vùng phải làm việc hướng nội và phản chiếu năng lực của chính chủ thể.

6)     Trí thông minh thiên nhiên – năng lực quan sát sâu sắc về môi trường tự nhiên xung quanh và có khả năng để phân loại tốt.

7)     Trí thông minh ngôn ngữ - năng lực về thấu hiểu và diễn đạt ngôn ngữ.

8)     Trí thông minh âm nhạc – năng lực nhạy cảm với âm thanh, nhịp điệu và âm nhạc

Đồng thời, lý thuyết của Garder đã chỉ ra rằng mỗi người trong chúng ta đều tồn tại một vài hình thái thông minh khác nhau, thậm chí cả 8 hình thái. Tuy nhiên, chúng ta chỉ dễ dàng quan sát những kiểu thông minh nổi trội trong mỗi người. (Thi Anh Đào; Nhìn. Hỏi. rồi nhảy đi!)

Vậy đấy, mà những ông bố bà mẹ cứ lôi con mình ra so sánh như cơm bữa. Tôi hi vọng rằng, nếu bạn đọc được bài viết này, hãy truyền thông lại với gia đình mình “đừng bao giờ so sánh ai với ai” cả. Nếu sai hãy nói, hãy đưa ra lời khuyên để được phép sửa sai.

Còn tôi, thật may mắn sinh ra trong gia đình có bố mẹ luôn tôn trọng sự lựa chọn của con cái, đứng trước sự lựa chọn quan trọng trong mỗi thời điểm, họ không hề nói “con không được phép làm cái này, cái kia” mà họ chỉ nói rằng: “Con nên suy nghĩ lại, và không nên làm cái này, cái kia”. “Không nên” không có nghĩa là không được làm, mà khi làm tôi phải tự chịu tất cả những rủi ro có khả năng xảy ra, nhưng tôi vẫn đưa ra lời khuyên thuyết phục họ, cho họ thấy những điều tôi lựa chọn dựa trên thực tế và lối suy nghĩ rõ ràng, rành mạch, không mê muội, không ảo tưởng.

Đâu mới là cái giá lớn nhất của những người trẻ? Khi phải chấp nhận hi sinh quỹ thời gian rông chơi của mình vào các cuộc họp tại công sở, khi mà bạn bè chăng lứa hằng ngày trà sữa, selfie,…còn chúng ta thì suốt ngày thống kê rồi kiểm kê. Sự thật về thành công hay đâu mới là cái giá lớn nhất của những người trẻ?



Viết tới đây tôi chợt nhớ tới chị Thi Anh Đào tác giả quyển sách Nhìn, Hỏi, Rồi nhảy đi!. Chị là một trong những doanh nhân được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 30 đại diện đầu tiên trong danh sách Forbes 30 U30 năm 2015. Trong quyển sách chị đã đề cập đến cái giá của thành công và sự đánh đổi lớn nhất.

“Ai cũng nói, về sự đấu tranh đạt được thành tựu của những người thành công giống như đôi chân quẫy đạp điên cuồng của con vịt, bởi những gì chúng ta có thể nhìn thấy chỉ là mặt hồ tĩnh lặng và vẻ ung dung tự tại của con vịt ấy. Người trẻ muốn thành công phải nỗ lực làm việc, phải quẫy đạp dữ dội trong cái hồ của mình, đồng thời cũng phải học nhẫn nhịn, học nhẫn nại, học bình tĩnh, học một trăm thứ khác tưởng chừng không liên quan. Đối với tôi, đây mới chính là sự quẫy đạp dữ dội nhất của người trẻ đang tìm đường đến thành công, sự quẫy đạp từ bên trong – cuồng quay dữ dội trong nội tâm của họ mà không ai có thể nhìn thấy bất cứ động tác nào. Đây mới chính là đánh đổi lớn nhất của người trẻ khi chọn lựa dấn thân cho ước mơ của mình”. (Thi Anh Đào; Nhìn. Hỏi. Rồi nhảy đi!).

Để có được một cuộc đời đáng sống và viết nên câu chuyện của chính mình.

Chúng ta không thể bắt thế giới thay đổi theo ý chúng ta, nhưng nhất định chúng ta phải nỗ lực hết mình. Đặc biệt là con gái thời hiện đại, biết độc lập – mạnh mẽ - là chính mình để trở nên hạnh phúc hơn.

Có câu nói rằng: “nếu bạn có bố mẹ để tựa vào thì bạn là Công chúa; nếu bạn có người yêu để tựa vào thì bạn là Hoàng hậu; Còn nếu bạn sống tựa vào chính bản thân mình thì bạn chính là Nữ hoàng”.

Khí chất bao nhiêu – hạnh phúc bấy nhiêu, hãy sống theo cách mà bạn muốn sống vì sau cùng chẳng có ai quan tâm. Bạn buồn chẳng có ai phải mất ngủ, bạn tuyệt vọng chẳng có ai phải đói ăn. Vì thế, bạn cần gì phải quan tâm người khác nghĩ gì về mình, hãy sống thật hạnh phúc, thật khí chất để ai cũng phải ngước nhìn bạn nhé!


Tác Giả: Quý Mến Hoàng

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100004540455922

--------------------------------


Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info


(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,235 lượt xem, 1,218 người xem - 1230 điểm