Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Bạn Sẽ Làm Gì Trong Những Năm Đại Học?

Bạn Sẽ Làm Gì Trong Những Năm Đại Học?

Vào khoảng thời gian này, các trường đại học hầu như đã kết thúc các đợt tuyển sinh. Ắt hẳn dù các em sinh viên ấy đã lần lượt bước chân vào cấp một, cấp hai, cấp ba hay bây giờ là đại học thì vẫn mang trong mình một cảm xúc mới mẻ. Tôi nhớ rằng vào khoảng thời gian tháng tám, tháng chín năm đó, tôi cùng bố lần đầu tiên có chuyên đi xa nhà hơn nửa nghìn cây số (khoảng cách mà tôi non nớt nghĩ rằng có lẽ đây là quãng đường xa nhất mà mình sẽ trải qua). Từ Nghệ An, tôi đặt những bước chân đầu tiên lên mảnh đất Đà Nẵng – nơi tôi đã lựa chọn để khởi đầu cho bước ngoặt lớn của cuộc đời mình. Tôi đã cảm thấy rất may mắn vì đã tự lập cho mình được một kế hoạch, nuôi trong mình một ước mơ. Nhưng các bạn trẻ, trong ngã rẽ cuộc đời này, có bao nhiêu người có sẵn cho mình một mục tiêu?

Có rất ít người trong số chúng ta vào khoảng thời gian đó sẽ suy nghĩ đại học chính là một sự giải thoát. Rời xa khỏi vòng tay bố mẹ, tự quyết định cho cuộc sống của mình, nhiều bạn trẻ sẽ ngay lập tức hoà nhập vào cuộc sống mới với những cuộc vui mà quên rằng mục tiêu quan trọng hơn cả là xây dựng cho mình một lớp giáp vững chắc để chống chọi với sự cạnh tranh khốc liệt ở ngoài kia. Khi đại học chính là nơi huấn luyện cho chúng ta cách để chiến đấu với sự khắc nghiệt của cuộc sống thì rất nhiều người trẻ họ lại lầm tưởng rằng khoảng thời gian này là để tận hưởng, vui chơi. Nhưng bạn ơi, lúc bạn đang hưởng thụ niềm vui nhỏ bé đó thì có biết bao nhiêu người cùng trang lứa với bạn đang không ngừng phát triển, không ngừng nổ lực mỗi ngày đấy! Vì vậy, hãy thoát ra khỏi giấc mộng ấy ngay đi, tận dụng thời gian học đại học, góp nhặt kiến thức, trau dồi bản thân, cố gắng trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của bản thân, để khi bước chân ra khỏi cánh cổng đại học, trong balo của bạn là một gia tài kiến thức và kĩ năng.

Vậy làm thế nào để có thể tận dụng thời gian học đại học một cách thông minh? Bài viết này xin gửi đến những bạn trẻ đang chênh vênh chưa có kết hoạch nhất định cho quãng thời gian đại học.

1. Tự đánh giá bản thân

Nhiều bạn trẻ vào khoảng thời gian này vẫn chưa tìm được ước mơ, chưa có cho mình một mục tiêu cụ thể để phấn đấu. Điều này sẽ khiến chúng ta rất dễ mất đi phương hướng và dễ dàng chán nản khi đứng trước những khó khăn. Vì vậy, hãy ngồi vào bàn, nghiêm túc suy nghĩ xem đâu là thế mạnh, đâu ra điểm yếu của bản thân, đâu là việc mà bạn muốn làm, muốn đạt được. Tự nhìn nhận và đánh giá bản thân sẽ giúp bạn phát huy được những điểm mạnh và cải thiện những điều còn thiếu sót. Đừng nghĩ rằng đây là một công việc dư thừa, nhỏ nhặt. Ngược lại, khi bạn có khả năng thực hiện công việc này bạn đã vượt qua được thử thách đầu tiên rồi đấy. Bời chẳng phải ai cũng có khả năng phát hiện ra thế mạnh tiềm tàng của bản thân đâu!

 2. Xây dựng các mối quan hệ hữu ích

Hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng, các mối quan hệ ở đại học chỉ là xã giao. Cũng bởi vì suy nghĩ sai lầm như vậy mà rất nhiều người không thể xây dựng được những mối quan hệ bền vững. Tuy nhiên, một người khôn ngoan sẽ biết cách tạo nên những mối quan hệ lâu dài mà đôi bên cùng có lợi. Bạn sẽ không thể thành công nếu như không có những người sẵn sàng giúp đỡ, sẵn sàng động viên. “Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. 

Đại học là môi trường lý tưởng để phát triển những mối quan hệ đáng tin. Bất cứ ngôi trường đại học nào cũng thành lập nhiều câu lạc bộ, những hoạt động ngoại khoá, cộng đồng. Việc của bạn là lựa chọn cho mình một hoặc hai câu lạc bộ hay hoạt động phù hợp với bản thân. Đây chính là cơ hội để làm quen với những con người có cùng chung sở thích với bạn. Hơn thế nữa, bạn còn có thể học được rất nhiều điều từ họ. Đừng bỏ lỡ thời gian mà hãy lập tức tạo cho mình những mối quan hệ với những người giỏi. Họ sẽ sẵn sàng giúp đỡ bạn, chỉ ra cho bạn những khuyết điểm, thiếu sót. Và đương nhiên, những đánh giá này sẽ rất bổ ích và bạn cũng nhận ra rằng chính mình cũng chưa có cái nhìn toàn diện nhất về bản thân và họ sẽ giúp bạn làm công việc đó. Khi môi trường xung quanh bạn đều là những người có cùng đam mê, có cùng sở thích, họ luôn nỗ lực và phấn đấu không ngừung thì lúc đó bạn cũng sẽ nhận được rất nhiều động lực tích cực từ phía họ, nguồn động lực mà khi “đơn phương độc mã” bạn sẽ chẳng bao giờ có được.

3. Sử dụng mạng xã hội đúng cách

Vào những năm 2013 khi khái niệm công nghệ 4.0 ra đời, có thể nói thế giới đã bước vào giai đoạn bùng nổ của Internet. Khi mà giới trẻ hay gen Z hiện nay đã được tiếp cận với công nghệ thông tin, các thiết bị điện tử từ rất sớm. Nhiều bạn trẻ lạm dụng mạng xã hội quá mức, dần dần bị nó chi phối và trở thành nô lệ phụ thuộc vào thế giới không gian ảo.

Có hàng vạn các hội nhóm, các trang thông tin, những cá nhân gây ảnh hưởng trên mạng xã hội. Và tất nhiên, xã hội luôn tồn tại hai mặt tốt – xấu. Không phải nguồn thông tin nào cũng là sự thật mà lẫn cùng với đó là những thông tin “toxic” bạn cần phải né tránh. Chúng ta phải thật tỉnh táo để có thể biến mạng xã hội thành một công cụ cải thiện bản thân chứ không phải trở thành một cá thể bị chi phối. Bạn có thể hoàn toàn lựa chọn trở thành một công dân mạng văn minh, thông thái, nắm được nguồn kiến thức khổng lồ mà không gian này đem lại chứ không phải là một anh hùng bàn phím, bị nó chi phối theo một cách cực đoan. Hãy là một công dân mạng thông minh bạn nhé!

4. Kĩ năng mềm

Trong thế giới của những cuộc cạnh tranh, ngoài việc trau dồi những kĩ năng cần thiết cho công việc, mỗi cá nhân cần phải trang bị thêm những kĩ năng mềm khác. Rất nhiều bạn sinh viên tới năm thứ tư vẫn không biết cách viết CV, một số khác có kĩ năng nghề nghiệp nhưng lại lúng túng khi làm việc nhóm,…Bạn biết đấy, các nhà tuyển dụng hiện nay nói rằng hơn một tấm bằng đại học, họ cần những người có tài năng thực sự, những người có thể đem lại cho họ nguồn lợi ích vô tận chứ không phải chỉ một tấm bằng giỏi mà bạn cày cố trong quãng thời gian học đại học. Chính vì thế, bạn đừng sai lầm khi nghĩ rằng chỉ mỗi việc học tốt thôi cũng giúp bạn xin được vào một công ty thuộc hàng “top”. Kĩ năng mềm chính là một lợi thế giúp bạn có khả năng cạnh tranh với những ứng viên khác. Thực tế thì luôn luôn khắc nghiệt. Và dĩ nhiên khi bạn có trong tay những kĩ năng cần thiết như giao tiếp, kĩ năng làm việc nhóm hay kĩ năng quản trị thời gian,…thì con đường tương lai sẽ rộng mở hơn với bạn rất nhiều. Vì thế “khổ trước, sướng sau”, đừng ngại khó, ngại khổ, đừng oán trách, than van bởi môi trường đại học còn yêu thương bạn hơn rất nhiều so với những nhà tuyển dụng đấy!

5: Tin học văn phòng, tiếng anh giao tiếp

Đây là hai kĩ năng quan trọng và trở thành chuẩn đầu ra của hầu hết các ngành học ở Việt Nam.

Tin học chính là kĩ năng giúp bạn mở ra cánh cổng tri thức rộng lớn của thế giới. Và dĩ nhiên, nhà tuyển dụng họ sẽ yêu cầu bạn tối thiểu phải thành thạo kĩ năng tin học văn phòng cơ bản vì chẳng ai muốn đào tạo lại ứng viên của mình cách soạn văn bản đâu. Nghe có vẻ nhàm chán vì bạn đã phải học tin học từ những năm cấp một tới cấp ba, bạn đang quá ngán ngẩm thì một lần nữa đại học lại tiếp tục vùi bạn vào những bài học soạn thảo văn bản. Thế nhưng, hãy tự suy nghĩ xem, khi cả thế giới họ đang từng ngày chạy theo những đổi mới về công nghệ thì bạn vẫn còn đang khó khăn vì không thể thành thảo word và excel ư? Thật quá bất công đúng không? Vậy bạn chính là người sẽ tạo ra công bằng. Kĩ năng tin học sẽ là một công cụ hữu hiệu cho bạn không chỉ trong học tập trong việc học tập mà còn là một bước đệm cho con đường sự nghiệp của bạn sau này.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập hiện nay, tiếng Anh ngày càng thể hiện sự quan trọng của nó. Hầu như tất cả ngành học ở các trường đại học đều lấy tiếng Anh làm chuẩn đầu ra. Ngoại ngữ luôn là một câu chuyện khó khi chúng ta vẫn thường bông đùa rằng trong khi chưa thành thạo tiếng mẹ đẻ lại phải học thêm một ngoại ngữ khác một cách khó khăn. Tuy nhiên khó không có nghĩa là từ bỏ. Thông thạo tiếng Anh chính là bước tiến giúp bạn dễ dàng tiếp cận hơn với kho tàng tri thức thế giới. Cuộc chiến với ngoại ngữ chính là cuộc chiến cam go mà ở đó sẽ tạo nên hoặc là người thành công hoặc là kẻ thất bại. Không chỉ tiếng Anh, thông thạo ít nhất một ngoại ngữ khác sẽ giúp bạn ghi điểm trong lòng nhà tuyển dụng. Tiếng Anh như là một tấm “passport” giúp bạn chu du trong vô vàn kiến thức của nhân loại. Trước khi ngại khó, hãy nghĩ đến những lợi ích to lớn mà bạn sẽ gặt hái được nhé!

6: Dám thách thức, dám đương đầu

Quãng đời sinh viên, chúng ta thường gọi là tuổi trẻ. Vào thời điểm này hầu như chúng ta đều chưa mang trên mình những gánh nặng quá lớn lao. Bởi vậy đây chính là thời điểm vàng để chúng ta có thể vượt ra khỏi giới hạn của bản thân. Có một đoạn trích nhỏ trong cuốn “Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu” của chị Rosie Nguyễn mà tôi rất tâm đắc rằng “Những ngày tuổi trẻ tưởng dài rộng mệnh mông những kỳ thực lại rất hữu hạn ngắn ngủi. Nên nếu bạn còn trẻ, hãy học cách để biến tuổi trẻ của bạn thành vô giá”. Đừng ngần ngại bất cứ điều gì, hãy luôn xông xáo, sôi nổi, sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách, khó khăn. Cuộc đời này thì đầy rẫy những thử thách và chính những thử thách đó sẽ nuôi bạn lớn khôn. Nếu một thành công đến với bạn quá dễ dàng thì bạn có thể sẽ không trân trọng nó như cách mà bạn trân trọng một thành tựu mà bạn phải “sứt đầu, mẻ trán” mới đạt được.

Có rất nhiều cách để bạn phá bỏ lớp vỏ bọc bên ngoài của bản thân. Nếu bạn sợ đám đông, hãy bắt đầu tập thuyết trình trước gương, tiếp đến là thuyết trình cho nhóm bạn, sau đó là đứng trước lớp dõng dạc trình bày bài phát biểu của mình và đây chính là những bước đầu tiên cho những sân khấu rộng lớn hơn sau này. Nhưng nếu bạn không thử hành động, thì bạn sẽ mãi luôn là con ốc sên gặp nguy hiểm thì chui vào lớp vỏ an toàn. Suy cho cùng, thành công hay thất bại cũng chỉ là một kết quả. Những nếu không hành động đến mùi vị của thất bại bạn cũng sẽ không bao giờ được nếm thử. Lúc đó bạn mới thức sự là người thua cuộc. Và dĩ nhiên, môt người thiếu ý chí tiến thủ thì sẽ không bao giờ lọt vào con mắt của những nhà tuyển dụng rồi đúng không?

7. Trải nghiệm để trưởng thành

Nếu có ai hỏi rằng có giới hạn cụ thể nào cho việc học. Câu trả lời là không có bất cứ một giới hạn nào. Sự học là vô tận. Rất nhiều bạn trẻ đã hiểu nhầm rằng, chỉ cần học trong sách vở, chú tâm vào những bài giảng trên lớp là đủ. Tuy nhiên, lý thuyết luôn đi đôi với thực hành. Khi bạn ra trường với một tấm bằng giỏi, có hàng ngàn người khác cũng có thể có những tấm bằng tương tự. Điều làm nên sự khác biệt chính là những kĩ năng, kinh nghiệm mà bạn tích luỹ được trong quãng thời gian đại học.

Chỉ chăm học thôi là chưa đủ, kiến thức thực tế sẽ giúp bạn có cái nhìn gần gũi hơn với môi trường làm việc sau khi ra trường. Một số người biện minh rằng việc học thôi đã chiếm quá nhiều thời gian của họ. Tuy nhiên, đâu chỉ phải mỗi đi làm thêm mới cho bạn kinh nghiệm thực tế. Tham gia vào các câu lạc bộ kĩ năng, tham gia workshop,…họ sẽ truyền đạt cho bạn rất nhiều kinh nghiệm, sẵn sàng chỉ ra những thiếu sót của bạn, cho bạn thời gian trải nghiệm thực tế. Điều này sẽ giúp cho bạn hiểu biết hơn về cuộc sống, hiểu biết hơn về những người xung quanh và hơn hết là hiểu biết hơn về chính bản thân mình. Ông bà ta có câu “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Vì thế nếu chỉ biết hoạt động một cách máy móc sáng lên trường nghe giảng, tối về gối quyển sách lên đầu thì đó chưa phải là mùi vị thực sự của môi trường đại học.

8. Tự học

Đại học chính là tự học. Đúng vậy, đại học là một môi trường năng động. Nếu bạn không linh hoạt trong học tập mà cứ luôn phụ thuộc vào những kiến thức cố định từ những cuốn giáo trình thì bạn đang dần trở nên lạc hậu đấy. Bởi vì thông tin luôn không ngừng cập nhật với tốc độ chóng mặt, những kiến thức trong những cuốn giáo trình đó chưa hẳn đã hoàn toàn chính xác. Chính vì vậy, ngoài việc lĩnh hội những kiến thức từ trường lớp, bạn phải tự mình tìm kiếm, thu thập những kiến thức mới từ bên ngoài. Tự học chính là mấu chốt quyết định sự thành công của bạn. Những người giảng viên đóng vai trò định hướng giúp bạn phương pháp tiếp cận tri thức. Còn ứng dụng nó như thế nào vẫn là dựa vào năng lực của chính bạn.

9. Lập kế hoạch cho cuộc sống của bạn

Trong CV luôn có một đề mục không thế thiếu đó là “Mục tiêu công việc” trong đó bạn sẽ phải cho nhà tuyển dụng thấy bạn tự lập kế hoạch ngắn hạn và dài hạn cho bản thân mình như thế nào. Không chỉ trong công việc, mà trong cuộc sống cũng vậy, chúng ta cần phải lập ra những kế hoạch, những mục tiêu cụ thể cần đạt được. Rõ ràng khi bạn có sẵn mục tiêu, bạn sẽ có động lực để thực hiện. Đừng bao giờ để bản thân lạc hướng chỉ vì chẳng có nổi một mục tiêu cụ thể để phấn đấu nhé!

Quãng đời đại học có đáng nhớ hay không chính là dựa vào sự quyết định của mỗi chúng ta. Bản thân cũng là một người trẻ, tôi hiểu rằng cuộc đời này thực sự ngắn ngủi để có thể nói hai từ “nuối tiếc”. Tuổi trẻ mà, chúng ta chẳng có gì phải sợ sệt, điều đáng sợ nhất chính là không thể vượt qua nỗi sợ của bản thân, không biết trân quý thời gian, trân quý những gì mà cuộc sống đem lại. Bạn tôi ơi! Quãng đời đại học ngắn ngủi lắm, vậy nên hãy sống hết mình vì tuổi trẻ nhé!

Gửi đến tôi và các bạn trẻ cùng trang lứa! 


Tác Giả: Đậu Kim Chi

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

177 lượt xem, 176 người xem - 180 điểm