Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Cuộc Đời "Bình Yên", Nội Tâm Dậy Sóng

Mọi người thường nói, cuộc sống cần có những lúc ghềnh thác, biến động thì con người mới có thể rèn luyện được ý chí kiên cường, sức chịu đựng bền bỉ và khả năng ứng phó linh hoạt. Nhưng ít ai bảo rằng khi cuộc sống bên ngoài của ta bình yên, phẳng lặng nhất, đó mới là lúc ta nhìn thấu được những bất an, dao động trong tâm tư của mình.

Tôi vừa kết thúc một năm học dài cần mẫn dùi mài kinh sử, chịu đựng và đè nén đủ loại áp lực để tập trung ôn thi đại học. Với những ai đã từng đi qua giai đoạn này, hay bất kì quãng thời gian phấn đấu miệt mài nào, nếu được hỏi "Thời gian ấy có khó khăn không, có áp lực không?", câu trả lời chắc chắn là có. Ta tiến về phía trước, nỗ lực hết mình với niềm tin công sức của mình sẽ được đền đáp xứng đáng; đồng thời, ta phải tạo áp lực không ngừng cho bản thân vì nỗi bất an, tự ti rằng mình chưa đủ giỏi, cho nên ta cứ phải "gồng, gồng nữa, gồng mãi". Thời gian ấy, cứ mỗi ngày mới đến, tôi lại có một mục tiêu để hướng tới, để thực hiện và hoàn thành. Làm xong việc hôm nay, tôi lại suy tính đến ngày mai, chuyện của mấy tháng nữa hay chuyện của sau này. Nhìn lại, quãng thời gian ấy thật sự mệt mỏi, nhưng tất cả vẫn chưa thấm thía gì so với lúc mọi áp lực thi cử đã hoàn toàn chấm dứt.

Trong quá trình ôn thi, tôi mơ tưởng rằng khi mọi thứ kết thúc, tôi sẽ thoải mái "bung lụa", phê pha, ung dung thư thái làm mọi điều mình thích. Cuộc sống khi ấy chắc hẳn sẽ rất vui.

Nhưng không.

Khi 12 năm đi học chính thức trôi vào dĩ vãng, tôi bắt đầu kì nghỉ của mình trong thời gian chờ điểm thi và chờ kết quả, cuộc sống của tôi bắt đầu đi theo một quỹ đạo khác, êm đềm hơn và bớt hối hả hơn. Công việc trường lớp, sách vở đã nhường chỗ cho những công việc ảm đạm, những thú vui, ham mê riêng của tôi. Nhưng tôi có thấy nhẹ nhõm, vui vẻ, hạnh phúc hơn so với lúc ôn thi vất vả không? Không hề.


Những thanh âm đầu tiên

Tôi nhận ra bản thân trở nên nhạy cảm đến kì lạ, tôi phản ứng rất nhanh trước bất kì lời nói hay hành động nhỏ nào không vừa ý mình của người thân. Tôi trở nên cáu gắt, nóng tính một cách vô lí. Dù đã thả mình vào những việc mà mình yêu thích, cả ngày dài tôi vẫn cảm thấy vô cùng ngột ngạt, bí bách và dường như, có điều gì đó khiến tôi không thể thỏa mãn. Rồi tôi bắt đầu mắc kẹt trong quá khứ, nhớ về những chuyện không như ý đã qua, cảm thấy nuối tiếc, giận dữ và đau khổ. Dần dần tôi cũng nhận ra những triệu chứng không hề bình thường đó, rằng bản thân tôi đang rơi vào một trạng thái hết sức nhu nhược và yếu đuối. Nhưng mọi thứ diễn ra như một vòng xoáy luân hồi, sự tự nhận thức ấy chỉ khiến tôi thấy ghét chính mình hơn, tôi tự hỏi "Tại sao mày lại tệ hại đến vậy?", rồi tôi lại tự dằn vặt, đay nghiến chính mình, hết làm tổn thương mình đến làm tổn thương những người thân yêu.

Rõ ràng cuộc sống xung quanh tôi đang rất bình yên, nhưng bên trong tôi thì không, thậm chí tôi còn cảm thấy rối loạn hơn rất nhiều. Tôi bắt đầu cảm thấy bản thân mình có gì đó... thật sự không ổn. Điều gì đó nằm bên trong - nội tâm - chứ không phải tất cả những yếu tố ngoại cảnh kia. Hay nói cách khác, tôi đã bắt đầu nghe thấy “bão tố trong lòng mình”.

Đúng vậy, trong cuộc sống thường ngày, vì công cuộc mưu sinh, rất nhiều người trong chúng ta phải lao tâm khổ tứ để đạt được điều mình mong muốn. Chúng ta tập trung, phấn đấu hết mình vì chuyện học tập, công việc, những mối quan hệ, nếu căng thẳng, buồn chán thì có thể ra ngoài tụ tập cùng bàn bè, xem một bộ phim hay nghe một bài hát để giải tỏa. Bạn có biết tất cả những điều đó có điểm chung là gì không? Đó là khi thực hiện những điều đó, tâm của chúng ta đều hướng ra bên ngoài.

Và cứ thế, ta cứ thế lao tâm lao lực cho những gì mình muốn, ta để mặc cho bản thân bị cuốn theo guồng quay của cuộc sống trong vô thức, như thể đó là một phản xạ tự nhiên. Dần dà ta quên đi, hay thậm chí là không hề hay biết cách để hướng vào bên trong, tìm về với nội tâm và quan sát chính mình.

Khoảng thời gian giãn cách xã hội vì Covid-19 vừa qua chắc hẳn đã khiến rất nhiều người rơi vào trầm tư, tạm bỏ qua câu chuyện về tài chính, có lẽ không ít người trong chúng ta đã cảm thấy bị choáng ngợp trước sự “yên tĩnh” mà cuộc sống bất ngờ đem lại. Bởi lẽ dù cuộc sống quanh ta bận rộn, hối hả, áp lực đến mấy, tâm của ta vẫn luôn có chỗ để “neo đậu” - công việc, con người, các hoạt động vui chơi giải trí. Nhưng khi nhịp sống chậm lại, mọi thứ xung quanh bắt đầu bình lặng, những góc khuất, những tính khí xấu xa trong ta mới bắt đầu... trồi lên. Bởi khi ấy, tâm ta không còn gì để bấu víu và neo đậu, nó không thể trốn chạy nữa, ta phải đối diện và chứng kiến một phiên bản lỗi bị bỏ quên bởi chính mình bấy lâu nay: ta - tâm của ta - bắt đầu cảm thấy chơi vơi và chông chênh.

Đó chính là những gì tôi trải qua trong khoảng thời gian hậu thi cử. Nếu tôi dừng lại và không tập trung làm bất kì điều gì - học ngoại ngữ, nghe nhạc, đọc sách, v.v. - chắc tôi sẽ phát khùng lên. Thậm chí khi tôi làm những việc ấy, vì có quỹ thời gian thoải mái không sợ deadline, tôi vẫn cảm thấy vô cùng bất an và chơi vơi. Sự rảnh rỗi không khiến tôi trở nên nhạy cảm và dễ cáu gắt, sự thật là tôi đã vốn luôn như vậy mà không hề hay biết. Vì sự mải mê rong đuổi, tìm kiếm những giá trị bên ngoài trong suốt thời gian qua, những chất chứa, vết nhơ trong nội tâm tôi được xoa dịu và che lấp. Vâng, tôi đã u mê trước chính con người mình. Nhưng khi tôi không còn điều gì để theo đuổi, để “làm”, mọi thứ bắt đầu hiện lên rõ nét, tôi thấy ức chế và bí bách. Không còn gì để bám víu, che đậy hay chối bỏ nữa. Khi tiếng ồn bên ngoài đã được dập tắt, tôi mới bắt đầu nghe thấy những ầm ĩ bên trong nội tâm của mình.

 


Sự lãng quên chính mình

Tất cả những việc tôi đã từng làm, từng theo đuổi với sự mong cầu rằng mình sẽ bớt đau buồn hơn để sống hạnh phúc hơn, vui vẻ hơn, thực chất chỉ mang tính chất xoa dịu, vuốt ve những tổn thương, chúng không thể chữa lành từ tận gốc rễ những chất chứa bấy lâu nay. Nói cách khác, chúng giống như những liều thuốc giảm đau khiến tôi ảo tưởng rằng mình không còn đau nữa, nhưng thật ra, những vết thương vẫn ở đó, vẫn rỉ máu và nhức nhối theo cách của nó. Một giai điệu yêu thích, một bộ phim hay, một cuốn sách tâm đắc hay một cuộc trò chuyện với một người bạn tri kỉ, đó đều là những liều thuốc xoa dịu tạm thời. Tại khoảnh khắc ta tận hưởng những điều đó, ta tạm quên đi những chất chứa của nội tâm, nhưng khi mọi thứ kết thúc, mọi thứ vẫn lại đâu vào đấy. Liều thuốc giảm đau bắt đầu hết tác dụng.

Việc để cho cái tâm dao động của mình nương tựa quá nhiều vào những điều đó, qua thời gian, sẽ trở nên chai lì, giống như việc lạm dụng thuốc giảm đau thì sẽ gây ra phản ứng “trơ”, không còn thấy thuốc có hiệu quả nữa. Chờ cho đến khi cán cân nội tâm - ngoại tâm bắt đầu thật sự mất thăng bằng, khi ấy ta mới bắt đầu quan sát được chính mình. Trong những lúc tưởng chừng như tôi đã chìm xuống đáy, tôi không còn thấy mình như một người có tên này có ngoại hình kia, giỏi cái này dở cái kia, thích làm cái này muốn trở thành cái kia - cách mà nhiều người vẫn định nghĩa về một cá thể - cái đó thì người khác cũng có thể nhận thấy. Điều mà tôi thật sự nhìn thấy không thể quan sát bằng mắt thường, nghe bằng tai hay được khơi gợi bằng tiếng nói của lí trí, tôi thấy mình - một cái tôi chất đầy tham, sân, ngập tràn những nỗi bất an, lo âu và sợ hãi. Trong tâm tôi là một thế giới hỗn loạn, điên đảo hơn hàng vạn lần thế giới mà tôi đã đi qua ngoài kia.

Đây là sự quan sát thật nhất, một sự chứng nghiệm như thật về một cái tôi như thật với những cảm xúc như thật. Không trốn chạy hay chống trả, không phán xét cũng không chối bỏ. Đây mới chính là quan sát nội tâm. Nếu một lúc nào đó cuộc sống xung quanh bạn quá đỗi phẳng lặng và bình yên, nhưng tâm can của bạn thì hỗn loạn và điên đảo; bạn thấy buồn bã và lo âu khi ở một mình. Bạn nghĩ bản thân có gì đó… sai sai. Không, bạn không sai, nếu bạn có thể nhận thấy điều đó, bạn đã bắt đầu nhìn thấy chính mình.

Tôi nhận ra tôi chẳng biết nhiều thứ về mình như tôi vẫn tưởng, rằng tôi không hiểu mình nhiều như tôi vẫn nghĩ. Sự quan sát ấy khiến tôi nhận ra tôi đã bỏ quên chính mình quá lâu, như một chiếc áo cũ bị vứt trong xó nhà, dơ bẩn và dính đầy bụi. Tôi chưa từng nhìn thấy chính mình. Tôi, cũng giống như nhiều người khác, thích trông ngóng tương lai để xây dựng con người mà mình muốn trở thành nhiều hơn việc ngồi lại quan sát thế giới bên trong mình ngay ở hiện tại. Chúng ta thích ra ngoài xã hội để khẳng định giá trị bản thân trước người người nhiều hơn tự nhìn thấy nội tâm của mình - thứ mà chỉ ta mới có thể nhìn thấy. Chúng ta lựa chọn con đường kiến tạo bản sắc riêng, rồi sinh ảo tưởng, trở nên chấp thủ với cái tôi thay vì dừng lại quan sát chính mình, hiểu rõ nó, chấp nhận nó rồi tiến về phía trước với nội tâm vững vàng. Vì sợ mình sẽ chậm bước với mọi người xung quanh, ta miệt mài lao về phía ánh sáng của thành công, tiền bạc và danh vọng như một con thiêu thân. Chúng ta tự gán lên mình những danh xưng, vẻ bề ngoài, thành tựu, ước vọng, những gì chúng ta nghĩ mình là - đó chính là cái tôi. Chúng ta tự tạo nên cái tôi bằng những giá trị vô thường nay được mai mất, đó là lí do vì sao việc trả lời cho câu hỏi kinh điển “Tôi là ai?” lại khó đến vậy. Đáp án của một bài toán có thể tồn tại mãi mãi, nhưng "Tôi" lại không phải là một hằng số bất biến.

Biến cố của cuộc đời có thể khiến tâm ta lay chuyển, nhưng ngay cả khi cuộc đời bình yên (theo nghĩa hiểu thông thường là không có rắc rối, khó khăn gì) mà ta vẫn thấy bất an, chơi vơi thì sao? Phải chăng ta lại tiếp tục trốn chạy chính mình? Ta mải mê lướt web để tránh né cảm giác buồn chán, ta phấn đấu không ngừng vì nỗi sợ bị bỏ lại phía sau. Khi ta dũng cảm, quật cường chống lại thách thức của cuộc đời, ta thấy mình như một chiến binh chiến đấu với nghịch cảnh, với những gì xung quanh mình. Nhưng khi sóng yên biển lặng, ta thấy mình vẫn chật vật trong dằn vặt, bế tắc, ta vẫn thấy bấp bênh dù ngoài kia chẳng còn cơn bão nào. Khi khó khăn ập đến, với ta mọi thứ là quá nhiều, khi sự an nhàn, bình yên mời gọi, ta lại thấp thỏm vì… thấy thiếu thiếu. Ta tưởng rằng cuộc sống là cuộc chiến giữa ta với thế gian này, nhưng thực chất, chỉ có ta với ta mà thôi. Nỗi bất an, sợ hãi, tức giận không đến từ bên ngoài, cuộc đời này chẳng có tội tình gì khiến ta phải cảm thấy như thế, tất cả luôn xuất phát từ chính tâm của ta, luôn luôn là như vậy.


Cơ hội chữa lành

Đó là lí do vì sao cuộc sống vội vã, hối hả khó có thể thể khiến ta nhìn ra những chất chứa vốn có của mình, chỉ cuộc sống bình lặng mới có thể. Khi ngoại cảnh thật sự an yên, tần số rung động hạ xuống thấp, nó không còn đủ sức hút để kéo “tâm” của chúng ta ra bên ngoài, ta buộc phải quay về với chính mình. Cho đến lúc ấy, ta nhận ra thế giới nội tâm của mình đã trở nên vô cùng điên đảo, hỗn loạn bởi sự chất chứa vô định lượng của những đau thương, sợ hãi, ngờ vực hay hận thù từ bấy lâu nay.

Nhiều người cho rằng chỉ những biến động của cuộc đời mới là những thách thức cho tâm can, tôi thấy những tháng ngày êm đềm cũng chẳng thua kém là bao. Để vượt qua những nghịch cảnh trong cuộc sống, chắc chắn ta phải là người mạnh mẽ, nhưng ta có đảm bảo rằng trong quá trình ấy ta không phải chịu đựng những tổn thương không? Nếu như những vết thương ấy không được chữa lành, thì chúng đã đi đâu? Rồi một ngày khi cơn bão đã qua, những tháng ngày bình yên ập đến, ta nhận thấy bản thân mình vẫn thế, vẫn âm ỉ những nỗi đau, tan hoang và rệu rã. Chúng ta làm đủ mọi thứ để bản thân không rơi vào trạng thái trống rỗng, buồn chán, sợ hãi, thật ra chúng ta không hề “giải quyết” được những cảm xúc ấy, mà ta đang từ chối việc quan sát và chấp nhận chính mình. Chẳng dễ dàng gì khi tự đối diện với bản thân mình một cách trần trụi, rằng ta là một con người đầy tổn thương và khiếm khuyết, nhưng có ai cố gắng khâu một vết thương đang hở bằng cách nhắm mắt bao giờ?

Sự bình yên ấy chính là cơ hội để mỗi người tự nhìn thấy chính mình - một cách như thật. Có thể ta thấy mình đang vật vã, bất an, nhạy cảm, ta sẽ tự thấy mình thật thảm hại và yếu đuối, thật xấu xí và đáng hổ thẹn. Nhưng tất cả những điều đó, chúng đều là sự thật về con người ta. Ta sẽ thôi ảo tưởng về niềm hạnh phúc ngụy tạo của chính mình và đối diện với sự thật - một con người với trái tim vẫn còn chất chứa rất nhiều tổn thương cần được hàn gắn, thay vì đành lòng ngậm đắng nuốt cay ráng mà bỏ qua những chuyện bất như ý trong quá khứ, rồi tự huyễn hoặc rằng mình là người mạnh mẽ. Có lẽ ta sợ hãi, cho rằng bản thân yếu đuối khi phải cúi mặt xuống và nhìn thẳng vào “gót chân Achilles” của mình? Không. Dám sống thật với ý chí của mình mới chính là mạnh mẽ.


Một ý niệm khác về “bình yên”

Biến cố, nghịch cảnh của cuộc đời không đáng sợ, điều đáng sợ là ta lại cảm thấy sợ hãi trước những điều đó. Cuộc sống bình yên, tâm ta cũng từ đó mà thấy nhẹ nhõm là điều dễ hiểu. Nhưng cuộc sống đầy biến động, tâm ta vẫn bất động, bình thản, đó mới chính là bình yên thật sự. Tôi được nghe một sư cô kể một câu chuyện như sau: có một nhà vua trao thưởng cho người họa sĩ nào vẽ tranh đẹp nhất về sự “bình yên”. Có rất nhiều họa sĩ tài năng đã tham gia và vẽ nên những bức tranh tuyệt mỹ về chủ đề này. Họ vẽ một mặt nước tĩnh lặng, những cánh đồng lúa yên ả, hay khung cảnh thiên nhiên đẹp đến nao lòng. Nhưng có một bức tranh đặc biệt hơn cả, bức tranh ấy khắc họa một bầu trời với mây đen cuồn cuộn, giông tố ập đến bên một vách núi đá lởm chởm, và ở khe núi mọc lên một ngọn cây, ở đó, có một tổ chim, nơi chim mẹ đang an nhiên dang rộng cánh để bảo vệ đứa con non của mình. Cuối cùng, đó lại là bức tranh được chọn. Từ câu chuyện, ta có thể thấy cái được gọi là bình yên không chỉ những gì diễn ra quanh ta, không quan trọng dù cuộc đời lặng yên hay chao đảo, chỉ cần ta luôn có một nơi “bình yên” để an trú, để tìm về, giống như tổ chim giữa cơn bão - nơi đó chính là nội tâm con người. Vì vậy, cuộc sống vốn đã vô thường, đừng nương tựa vào công việc, thành tựu, tình yêu, xem đó là thước đo hay bản chất của hạnh phúc, mà chỉ có ta - chỉ có cái thân và cái tâm này - mới là ngôi đền cư trú vững chãi nhất. Chính Đức Phật cũng từng nói rằng: “Người là nơi nương tựa của chính mình, còn ai khác nữa có thể làm nơi nương tựa?”.

Có người bảo rằng, đừng mong cầu một cuộc sống bình yên, an nhàn. Nhưng suy cho cùng, tôi nghĩ, trên đời này không tồn tại thứ gọi là cuộc sống bình yên hay an nhàn, bởi ngay cả khái niệm về sự bình yên cũng chỉ là tương đối, chỉ có “nội tâm bình yên” mà thôi.

Tác Giả: Trịnh Tố Uyên 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/wonderstruck2512/

-------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

974 lượt xem, 917 người xem - 935 điểm