Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Cuộc Sống Có Quá Nhiều Bất Công?

Nhiều lúc chán nản và mệt mỏi với công việc và học tập, bạn có bao giờ tự hỏi rằng cuộc sống này có quá nhiều bất công, hay đơn giản rằng điểm số hay tiền lương không xứng với công sức mà bạn bỏ ra. Tại sao sếp lại khắt khe với mình hơn những đồng nghiệp khác? Tại sao điểm bài văn của lớp trưởng thường cao hơn các bạn khác? Có quá nhiều bất công trong cuộc sống này mà bạn phải đối mặt. Bất công đã có từ lúc bạn sinh ra đời.


Bất công là gì và sinh ra từ đâu?


Bất công là tình trạng bị đối xử không công bằng thông qua cảm nhận của một người hay nhiều người. Vậy công bằng là gì? "Công bằng" có thể được hiểu là việc xử lý tình huống theo đúng các quy luật tự nhiên, nguyên tắc xã hội, luật pháp quốc gia, nội quy của tổ chức đoàn thể đúng thực tế diễn ra mà không có sự can thiệp của cảm xúc cá nhân hay ý chí riêng của một nhóm người nào khác. Hay nói một cách khác, công bằng được cảm nhận khi một cá nhân hành động theo lý trí, hơn là hành động theo cảm xúc.

Bất công được thể hiện thông qua hai yếu tố: (1) hành động trái với quy tắc chung, (2) cảm nhận được bất công. Nếu bị đối xử không công bằng nhưng người ta vẫn cho rằng đó là bình đẳng không bị phân biệt thì điều đó không được xem là bất công. Ngược lại, nếu một người cảm nhận mình bị đối xử bất công nhưng thực tế họ luôn được đối xử công bằng thì tất nhiên cũng không được xem là bất công.


Tại sao bạn cảm nhận được bất công?

Cảm nhận bắt công hình thành từ tâm lý so sánh, thậm chí đó là những so sánh khập khiểng. Những đứa trẻ con nhà giàu thường có cuộc sống sung sướng hơn là những đứa trẻ con nhà nghèo. Đứa trẻ sinh ra từ gia đình học thức thường thành công hơn hẳn những đứa trẻ sinh ra trong gia đình lao động chân tay. Hay đơn giản, con trai được cưng chiều hơn con gái ở những gia đình Châu Á.

Chúng ta không thể làm giảm bất công bằng cách ngừng so sánh, bởi vì đơn giản so sánh là một quy luật của thế giới. Thế giới tồn tại những mối quan hệ liên kết chằng chịt, tương quan với nhau làm động lực cùng tồn tại và phát triển. Ánh sáng chỉ có giá trị tồn tại khi xuất hiện bóng tối, thiên tài chỉ tồn tại khi xuất hiện những kẻ ngu ngốc. Nếu thế giới không có bóng tối, thì ánh sáng chỉ là một khoảng không gian màu trắng, thiên tài chỉ là những kẻ thường trong hàng tá những đứa trẻ có năng lực như nhau. Ngay cả thời gian cũng vậy, nó chỉ tồn tại khi có sự tương quan chuyển động giữa các vật thể.


Quy luật tự nhiên cũng tạo ra sự bất công?

Không những bất công được hình thành từ cảm nhận so sánh, mà nó còn sinh ra từ các quy luật tự nhiên, yếu tố vốn tạo nên tính công bằng. Đó là sự đa dạng phong phú. Từ lúc sinh ra, tự nhiên đã giao phó phần nào vận mệnh của cuộc đời mỗi người.

Sinh ra ở một gia đình giàu có, ở một quốc gia phát triển tất nhiên sẽ có điều kiện phát triển hơn ở một gia đình nghèo khó, ở một quốc gia kém phát triển. Có một cách so sánh đơn giản hơn, tại sao có những đứa trẻ sinh ra lại có ngoại hình đẹp hơn những đứa trẻ khác. Điều đó tạo thuận lợi hơn cho chúng trong quá trình phát triển mối quan hệ và sự nghiệp sau này. Bởi vậy, có thể nói là “cuộc đời đã bất công từ khi chúng ta sinh ra đời”.

Hay đơn giản, Nhật Bản không có nhiều tài nguyên như những quốc gia Châu Á khác nhưng lại gánh chịu nhiều thiên tai; hay những quốc gia Châu Phi phải đối với thời tiết nắng nóng khắt nghiệt, nhiều hoang mạc đồi núi, ít đồng bằng. Tự nhiên đã phân chia lợi ích cho các quốc gia không giống nhau.


Sự bất công cũng đến từ quy luật cuộc sống.



Cuộc sống mỗi con người đều xuất hiện hai yếu tố: dự định và rủi ro, hay nói chính xác hơn đó là phạm trù tất nhiên – ngẫu nhiên trong triết học. Một thiên tài có thể đạt được thành công, nhưng đó chỉ là có thể chứ không phải là chắc chắn. Bởi vì cuộc sống sẽ xuất hiện những rủi ro làm thay đổi những dự định của bạn, dù đó là tốt hay xấu. Khi bạn lên một kế hoạch kinh doanh kỹ càng và tin rằng mình sẽ thành công nếu làm theo kế hoạch đó, tuy nhiên khi ấy bạn cần phải dự phòng cho những biến cố xảy ra không mong muốn bằng những phương án khác. Trong trường hợp này, phạm trù tất nhiên được thể hiện khi bạn thực hiện đúng kế hoạch trong dự định và nếu không có yếu tố rủi ro ngẫu nhiên xảy ra thì chắc chắn bạn sẽ thành công. Chính yếu tố ngẫu nhiên sinh ra bất công.


Quá trình làm giảm bất công lại sinh ra bất công?

Bất công sinh ra mâu thuẫn dẫn đến đấu tranh, vì thế các nhà trí thức và các tổ chức tiến bộ luôn muốn làm giảm sự bất công thông qua các biện pháp làm giảm chênh lệnh giàu nghèo, bình đẳng giới, hạn chế phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc, hỗ trợ tài chính cho những người nghèo khó. Tuy nhiên, quá trình làm giảm bất công ấy lại sinh ra một hình thức bất công mới. Đó là bất công giữa người chịu bất công nhận được hỗ trợ và không nhận được hỗ trợ, do sự thiếu sót về thông tin cũng như sự thiếu chuẩn xác hệ thống đo lường bất công trong xã hội.


Thật ra thế giới này này rất công bằng?

Tại sao chúng ta lại bị đối xử khi đều đó chúng ta không làm? Tại sao con cái lại gánh chịu hậu quả cho những sai lầm của ông bà, bố mẹ trong quá khứ? Chúng ta đã phải gánh chịu nhiều bất công ngay cả khi chúng ta không làm điều đó bởi vì cuộc đời mỗi người là do bản thân mỗi người quyết định.

Thật ra thế giới này rất công bằng. Chúng ta hãy suy nghĩ theo một hướng khác. Nếu nhìn mỗi cuộc đời là một vận mệnh riêng lẻ, bạn sẽ cảm thấy bất công, nhưng nếu nhìn cuộc đời bằng một chuỗi nhân quả đó sẽ là công bằng. Nghĩa là thành quả hôm nay bạn nhận được một phần nhiều là do kế thừa từ ông bà, cha mẹ giống như một nhánh cây nhỏ sinh ra từ một nhành cây lớn. Nó kế thừa và phát triển những đặc tính của thế hệ đi trước nhưng cũng có những hướng phát triển riêng. Cuộc đời mỗi con người không độc lập mà nó là một bộ phận phụ thuộc không thể tách rời với một chuỗi nhân quả của thế hệ trước.


Cuộc đời mình là của mình?

Có lẽ với lý luận nhân quả trên bạn sẽ không thể chấp nhận và cho rằng tại sao cuộc đời mình chẳng phải là của mình hay sao. Như phân tích ở trên, đó là khi chúng ta nhìn nhận cuộc đời ở một khía cạnh khác, độc lập và không phụ thuộc. Tuy nhiên, xã hội có hoàn toàn công nhận điều đó? Với những tư tưởng tiến bộ, một bộ phận tri thức xem xét cuộc đời là mỗi con người là độc lập nhưng đa phần xã hội đều không nhìn nhận như thế. “Bố mẹ như thế nào thì con cái như thế ấy” là nhận định chung của phần lớn xã hội.

Tuy nhiên, ý phân tích trong bài viết này không chỉ dừng lại ở khía cạnh cuộc đời mỗi người sẽ chịu ảnh hưởng từ kết quả hành động thế hệ trước, mà cuộc đời là sự kế thừa và phát triển từ thế hệ trước. Ban đầu nó đã là một phần của cuộc đời thế hệ trước chứ không phải là những mảnh ghép độc lập tác động lẫn nhau.


Yếu tố ngẫu nhiên không đưa đến sự bất công ?

This is the sign you've been looking for neon signage

Như phân tích ở trên, yếu tố ngẫu nhiên sinh ra bất công, nhưng nếu nhìn sự vận vận động trong mối liên hệ lẫn nhau, tác động nhân quả với nhau, thì những yếu tố ngẫu nhiên chỉ là sự tác động quy luật của những quy luật sinh ra mà thôi. Chúng ta không thể kiểm soát nó, đơn giản chỉ bởi vì chúng ta chỉ là một mắc xích trong chuỗi quy luật đó. Con người không thể lý giải quy luật tự nhiên, quy luật nhân quả vì chúng quá mức phức tạp hơn cả những cổ máy tính toán tinh vi nhất.


Vậy chúng ta làm gì bây giờ trước sự bất công?

Có rất nhiều bài báo viết về bất công và những đề xuất cho bạn cách để đấu tranh với nó, tuy nhiên lời khuyên của tôi là “HÃY MẶC KỆ NÓ ĐI”. Thay vì dành thời gian suy nghĩ về bất công, bạn hãy lên kế hoạch phát triển bản thân mình trong tương lai.



Tác giả: Khánh Dương

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại Link: https://www.facebook.com/duongkhanhk29 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

 


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,828 lượt xem, 4,318 người xem - 4323 điểm