Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Dám Bị Ghét, Dám Bỏ Ngoài Tai Lời Người Khác Nói

 Có bao giờ bạn vì một lời nói bâng quơ của ai đó mà nghĩ ngợi bâng quơ cả tuần chưa? Hay chỉ vì một ánh mắt kì thị mà mặc cảm, tự ti trong một thời gian dài. Nếu bạn đã từng như vậy, có lẽ bạn đã trải qua khoảng thời gian khó khăn. Đừng lo bài viết dưới đây sẽ tiếp thêm động lực giúp bạn dũng cảm bỏ ngoài tai lời người khác nói để sống cuộc đời của chính mình! 


Tại sao phải bỏ ngoài tai lời người khác nói? 

Liệu có sự mâu thuẫn nào không? Trong khi hầu hết các diễn giả, các cuốn sách self-help đều nói rằng chúng ta phải học cách lắng nghe thì ở đây tôi lại bảo bạn bỏ ngoài tai lời người khác nói? Bạn không nghe nhầm đâu mình đang bảo bạn đừng để ý tới lời người khác đó. 

Bởi bản thân mình cũng từng là một đứa nhạy cảm, luôn để ý tới ánh nhìn và thái độ của mọi người. Mình sợ bản thân sẽ khiến một ai đó chán ghét, cũng rất sợ trở thành đề tài bàn tán của đám đông. Nỗi sợ ấy lớn đến mức mình chỉ muốn làm hài lòng tất cả những người xung quanh.

Chỉ cần một ai đó nói rằng “Mày làm việc đó thật tệ”, mình sẽ lập tức hoài nghi năng lực bản thân. Và từ đó, mình sẽ chẳng bao giờ động tay vào việc đấy nữa, dẫu cho nó có từng là một điểm ưu điểm khiến mình tự hào. Hồi còn đi học, mình đã từng rất tự tin về khả năng viết lách của mình, cho đến khi có người đọc được bài viết của mình và cười mỉa mai. Mình đã xé phăng cuốn sổ viết bài đó và tự hứa sẽ không bao giờ để cho ai đọc được bài viết của mình nữa.

Việc đó càng ngày càng nhiều và dần dần nó khiến mình gần như đánh mất bản thân chỉ vì mong muốn bản thân trông thật hoàn hảo và nổi bật trong mắt người đối diện. Nhưng khi mình thay đổi theo ý muốn của họ rồi, lại có người nói với mình rằng “Mày thay đổi rồi! Mày của ngày xưa đâu rồi?” hay đại loại như “Thật giả tạo” trong khi mình đang cố làm theo những gì mà họ muốn.  Quả thực lúc đấy mình không biết “Sống thế nào cho vừa lòng thiên hạ?”

Và cũng từ đó mình mới thấm thía câu nói của tác giả người Nhật Kisimi Ichiro: Thật ra nỗi bất hạnh không phải do quá khứ hay hoàn cảnh, càng không phải do bạn thiếu năng lực. Bạn chỉ thiếu một chút “can đảm” mà thôi. Bạn không đủ “can đảm” để dám hạnh phúc. Bởi can đảm để dám hạnh phúc bao gồm cả “can đảm để dám bị ghét” nữa. Chỉ khi bạn dám bị người khác ghét bỏ, chúng ta mới có được tự do và có được hạnh phúc.

Không sợ bị ghét chính là can đảm tiến lên phía trước dù người khác có nói gì đi chăng nữa. Chúng ta không sống như hòn đá lăn xuống dốc mà cố hết sức leo lên con dốc trước mặt. Đó chính là tự do đối với chính cuộc đời mình. Nếu trước mặt tôi bây giờ có hai lựa chọn “cuộc đời được tất cả mọi người yêu mến” và “cuộc đời có những người ghét mình”. Tôi sẽ không hề băn khoăn mà chọn cuộc đời “bị ghét”. Giờ đây tôi quan tâm tới việc mình như thế nào hơn là mình được mọi người đánh giá ra sao. Đồng nghĩa với việc tôi muốn sống tự do.

Bạn biết không, chừng nào còn chưa trả cái giá là không để ý đến nhận xét của người khác, không sợ bị người khác ghét, không tìm kiếm sự thừa nhận từ người khác, thì bạn còn chưa được trọn vẹn cách sống của mình, tức là không được tự do. 

Bởi trên cuộc đời này có một vài kiểu người hài hước lắm các bạn ạ. Mỗi khi họ nhìn cái gì đó, câu đầu tiên đều sẽ là chê bai, không có điều gì làm vừa mắt họ được cả. Chê bai không đủ thì sẽ đi đàm tiếu xung quanh. Còn đàm tiếu mà vẫn không đủ nữa thì sẽ bới móc và đặt điều, phóng đại với mọi người. Bởi với những con người kỳ lạ ấy, việc khẳng định một ai đó tài giỏi (có thể là hơn họ) còn kinh khủng hơn cả cái chết.

Và thú vui của họ, dĩ nhiên là hạ bệ một ai đó để bản thân luôn đứng phía trên muôn loài rồi. Nhìn lại xung quanh bạn có thể bạn sẽ thấy nhiều hơn một kẻ như vậy đấy. Họ chính là những kẻ thất bại với cuộc đời của chính mình nên đành phải đi gửi gắm chút niềm vui vào việc tìm tòi nỗi thất vọng từ một ai đó khác. Cảm giác thành công với họ chính là khi hoàn hảo ghim vào đầu một ai đó rằng người đó trông thật tệ hại, thất bại, thật đáng khinh thường. 

Vậy thì có nên nghe lời góp ý của những kẻ chỉ biết bới móc để tìm ra dù chỉ một chút khuyết điểm của bạn hay không? Trọng tâm ở đây rồi! Nếu bạn phát hiện rằng có một số người như vậy đang lượn lờ xung quanh mình, bạn phải lập tức tránh xa người đó và học cách bỏ ngoài tai những lời nói mà họ đang cố đóng đinh vào đầu bạn!

Làm sao để dám bỏ ngoài tai lời người khác nói?

Nói thì có vẻ dễ đấy nhưng thực tế để làm được điều đó thì khó vô cùng. Mình đã từng cố gắng bịt tai lại, không tiếp xúc với họ nhưng bằng cách thần kỳ nào đó nhưng lời nói ấy cứ như cố ý truyền đến tai mình và khiến mình tổn thương thực sự. Nó như găm vào tim, ăn sâu vào não mình khiến mình không thể thoát ra được.

Khi lớn dần va vấp với cuộc sống nhiều hơn, mình nhận ra nếu cứ sống như vậy người đau khổ, buồn bã chính là mình chứ không phải họ. Vậy nên mình quyết tâm sống thật hạnh phúc không phải để trả thù ai cả mà để cuộc sống của mình tốt đẹp hơn chỉ vậy thôi. Nếu bạn cũng đang giống mình hãy thử thay đổi một vài điều nho nhỏ theo cách mình đã áp dụng nhé: 

Lắng nghe và thấu hiểu bản thân mình 

Đây là điểm quan trọng nhất! Hơn ai hết, bạn phải thật sự hiểu chính mình. Hãy dành thời gian để lắng nghe và tìm hiểu bản thân, để biết rằng liệu bạn thích gì, bạn có ưu điểm gì và nhược điểm của bạn là gì, năng lực của bạn tới đâu. 

Khi bạn đã thật sự hiểu về chính mình, mọi lời phán xét của những người ngoài kia đều vô nghĩa. Lúc đó, bạn sẽ luôn ở trạng thái kiên định, lắng nghe những góp ý thật lòng và tránh xa những người luôn gièm pha nhằm mục đích hạ bệ bạn.

Trước đây mình dễ bị tác động bởi lời nói của người ngoài lắm. Có một dạo mình bị chê viết dở. Thế là mình đã gác bút, sống trong nỗi hoài nghi bản thân suốt khoảng thời gian dài. Nếu như mình cứ mãi đắm chìm trong lời nói của một ai đó, bài viết này có lẽ sẽ chẳng xuất hiện, và mình cũng không nói ra được những tâm tư trong lòng.

Điều quan trọng là qua bao nhiêu lời nói miệt thị, cay đắng, mình đã học được loại bỏ những tiêu cực, học cách yêu bản thân và tự tin hơn với chính mình. Vì vậy, với những lời góp ý thì mình sẽ lắng nghe, nhưng không phải là tất cả. 

Vì trên đời này không có ai hoàn thiện cả, họ có thể chê bai bạn thiếu nhan sắc, không giỏi giang nhưng bạn nỗ lực, cố gắng khắc phục chứ không phải vùi lấp tất cả trong đống tự ti, mặc cảm đó. 

Bạn thiếu nhan sắc, nhưng có đủ sự lương thiện ngời sáng.

Bạn không giỏi giang, nhưng có quyền nỗ lực đến liều mạng.

Bạn không có vật chất dư dả, nhưng trái tim dư thừa sự kiên định.

Bạn không được người người ngưỡng mộ, nhưng lại được ba mẹ yêu thương.

Sự thật là, bạn gặp phải bao nhiêu chông gai, thử thách thì bạn cũng sở hữu bấy nhiêu điều may để bù lại.

Mỗi người có một vận mệnh và một con đường riêng. Không ai giống ai.

Hãy nhìn thẳng phía trước và bước đi.

Đừng lan man trong những so bì nhỏ hẹp, tầm thường...

Chúng ta sinh ra để trở thành phiên bản tốt nhất của chính bản thân mình chứ không phải để tìm cách hơn thua với đời.

Chọn lọc thông điệp để lắng nghe

Sự thật là không phải thông điệp nào cũng dành cho bạn. Vậy phải chọn lọc thông điệp như thế nào? Đơn giản lắm, đó là bạn phải “tia” được liệu lời góp ý nào là thật lòng, lời góp ý nào sặc mùi ganh ghét. 

Trên đời này lắm kẻ bất tài chỉ biết soi mói người khác vì sợ bản thân thua kém. Mà kẻ đang ganh ghét bạn dù cố giấu như thế nào cũng sẽ lộ sơ hở bởi lời nói, cử chỉ và ánh mắt. Cứ thấy kẻ nào nhìn vào thành tựu của mình mà khuôn mặt khó chịu, thay vì chúc mừng và góp ý thật tâm thì lại đi tìm điểm nhỏ nhặt nhất để chỉ trích. Ấy hẳn là ganh tỵ mờ con mắt rồi!

Còn những ai thật sự yêu quý và muốn bạn phát triển trong tương lai, họ sẽ thấy vui nếu bạn đạt được một thành tựu nào đó. Khi phát hiện vấn đề, họ sẽ nói thẳng vào trọng tâm điểm thiếu sót mà bạn đang gặp phải. Lúc này bạn chỉ cần tin tưởng, lắng nghe, tiếp thu và sửa đổi nếu bạn cũng cảm thấy tán thành với ý kiến đó.

Nhưng mà không phải bất cứ lời góp ý nào cũng nghe và làm theo đâu nha! Bởi vì mỗi người sẽ có một ý kiến riêng, một cái nhìn riêng. Vì thế có thể bạn đó góp ý là thật lòng, nhưng lời góp ý ấy xuất phát từ quan điểm cá nhân chủ quan của bạn đó. Đôi khi nó lại không phù hợp với con đường bạn đang chọn. Nếu thế, hãy chỉ cảm ơn và mỉm cười, còn việc sẽ làm như thế nào với lời góp ý, nó tùy thuộc vào bản thân của bạn!

Không hỏi trước khi làm 

Đúng thế! Bạn đừng mù quáng đi hỏi ý kiến của tất cả mọi người xung quanh trước khi quyết định làm một việc có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc đời bạn. Hãy lên kế hoạch và tiến hành làm nếu như bạn đã chắc chắn với con đường mình đã chọn. 

Hỏi trước khi làm chỉ khiến bạn thêm hoang mang vì tiếp nhận quá nhiều luồng thông tin trái chiều mà thôi. Đây cũng là cơ hội để những kẻ luôn chờ chực được dìm bạn xuống bổ nhào vào cấu xé giấc mộng trong bạn, biến bạn từ người đang sục sôi ý chí trở thành kẻ lụi tàn vì thất vọng. Với cả, suy cho cùng, cuộc đời của bạn mà, nên bạn phải tự chịu trách nhiệm với nó!

Tuy nhiên, bạn cũng có thể tham khảo ý kiến từ người thân và những người bạn tốt của mình. Họ sẽ không bao giờ làm hại bạn, nên việc lắng nghe ý kiến từ họ sẽ giúp bạn có thêm nhiều chiêm nghiệm mới. Nó có thể dập tắt một dự định ngu ngốc của bạn, hoặc củng cố thêm niềm tin và động lực trong bạn. 

Vì chúng ta là con người nên chẳng bao giờ có ai hoàn hảo và toàn vẹn trong mọi quyết định cả. Nếu có một ai đó sẵn sàng lắng nghe, góp ý và chỉ điểm thật tâm thì sẽ là một điều tuyệt vời. Hãy đón nhận nó và cảm ơn họ. Mình cũng hy vọng qua bài viết này các bạn sẽ có thêm sức mạnh dũng khí để bỏ ngoài tai những lời châm biếm, mỉa mai của người khác và tự tin vững bước trên con đường mình đã chọn. Cứ đi rồi sẽ đến, chúc các bạn thành công. 

Tác Giả: Tiểu Ngọc

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/langnghe.traitim.1428/

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,646 lượt xem, 3,411 người xem - 3538 điểm