Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Đam Mê Là Gì? Thích, Yêu Hay Ghét

I. Hành trình đi tìm đam mê

Hành trình đi tìm đam mê cũng giống như hành trình đi tìm người để cưới, chỉ khác một điều!

Giai đoạn 1: Thích

Trời thu nắng nhẹ, giọng hát em sao ngọt ngào đến thế, nụ cười em sao dịu dàng đến vậy khiến lòng tôi không nguôi xao xuyến và thổn thức. Tôi thích em. Tôi thích em không phải vì em sẽ cho tôi một căn biệt thự hay một chiếc xe hơi, cũng không phải vì người ta sẽ ghen tị nếu tôi có được em. Ở bên em, tôi cảm thấy vui sướng và hạnh phúc, tôi có thể quên hết mọi muộn phiền và tôi được là chính tôi. Tôi thích em chỉ đơn giản là vì tôi thích em.

Thực ra trên đời này có hàng tá những “em” như thế. Hãy ngồi xuống và liệt kê ra những thứ làm bạn say nắng: một món ăn ngon, một bản nhạc hay, một bài toán khó hay một bài văn cảm động. Đam mê bắt nguồn từ một điều rất giản dị: thứ mà bạn thích. Bạn thích không phải vì tiền bạc, danh vọng, địa vị. Bạn làm điều ấy chỉ vì bạn thích. Người ta bảo bạn làm điều vô ích, bạn cũng mặc kệ, người ta chê bạn kém cỏi, bạn cũng bàng quan. Nếu bạn đang đi tìm đam mê mà trong lòng lại vướng bận bởi tiền, tài, danh vọng hay bất kì điều gì khác, có lẽ đó không còn là đam mê nữa, bạn ạ. Ít nhất đối với bản thân tôi là thế.

Giai đoạn 2: Ghét

Những tưởng tôi sẽ luôn hạnh phúc cho đến khi tôi chết nhưng em cũng làm tôi buồn bã, mệt mỏi thậm chí là đau đớn. Giọng hát của em, nụ cười của em hóa ra không đẹp như tôi vẫn nghĩ. Em cũng có những góc khuất, những điều khiến tôi không thể đắm say như thuở ban đầu. Tình cảm tôi dành cho em như hút cạn mọi sức lực của tôi, ánh mắt tôi lúc nào cũng hướng về hình bóng người nhưng liệu nó có được đền đáp hay công nhận. Đã có lúc tôi ghét em. Tôi muốn buông tay.

Mọi thứ chỉ bắt đầu khi con người chịu dấn thân. Chúng ta cảm thấy thích thú với quá nhiều thứ và vì thế mới không biết đâu là đam mê. Đầu bếp hạng sang, ca sĩ toàn cầu, nhà toán học lừng danh, nhà văn đa tài… hay tất cả những nghề nghiệp khác đều không lung linh, hào nhoáng như những gì mà chúng ta nhìn thấy. Đã có lúc họ đau đớn, đã có lúc họ căm ghét những điều mà họ luôn tôn thờ, đã có lúc họ muốn từ bỏ. Đây chính là giai đoạn để thử thách lòng kiên trì của bạn. Liệu tình cảm của bạn có đủ lớn để bước tiếp khi bạn chán nản, hoang mang trên con đường mà bạn đã chọn hay không?


Giai đoạn 3: Yêu

Thích em, ghét em và bây giờ tôi đã yêu em. Ở ngoài kia có nhiều người tuyệt vời hơn em nhưng tôi vẫn chọn em. Trên cuộc đời này chẳng có gì là hoàn mỹ và em cũng vậy. Tôi giờ đây đã có thể chấp nhận mọi thứ thuộc về em. Tình cảm của tôi có lẽ đã đủ lớn để trở thành lòng bao dung. Những vết thương, sự buồn đau và nỗi thất vọng tôi sẽ chịu đựng tất cả chỉ để được bên em. Dù mọi người có hoài nghi tình yêu này, dù cho ai đó có thấy tôi là kẻ ngu ngốc, tôi vẫn sẽ cố gắng tiếp tục không dừng lại. Ta sẽ cùng nhau vượt qua mọi sóng gió, em nhé. Tình yêu không chỉ là thích mà là muốn ghét cũng không thể ghét được nữa.

Đúng vậy, tình yêu không chỉ là thích mà là muốn ghét cũng không thể ghét được nữa. Nếu bạn yêu thích một thứ gì đến mức như vậy thì đó chính là đam mê mà bạn tìm kiếm bấy lâu nay. Nó có thể làm bạn mệt nghỉ, nó vắt kiệt mọi sức lực của bạn. Bạn luôn tự hỏi ngoài kia có biết bao thứ đẹp đẽ, tại sao cứ đâm đầu vào một điều làm mình đau khổ. Nhưng rốt cục, sau một vòng “lượn lờ” và có cho mình ti tỉ những trải nghiệm: vui có, buồn có, hào hứng có, thất vọng có, bạn lại trở về với thứ mà bạn đã từng thích, từng ghét và bây giờ bạn trân quý hơn bao giờ hết. Tôi gọi đó là đam mê.

Tựu trung lại để tìm được đam mê bạn phải trải qua ba giai đoạn: thích, ghét và yêu. Hãy bắt đầu với một trái tim trong sáng, không vướng bận bởi điều gì (Điều quan trọng được nhắc lại ba lần). Đừng lo lắng nó có phải là nghề nghiệp sẽ giúp bạn kiếm ra tiền hay không. Hãy tự hỏi bản thân rằng: Nếu bây giờ nó không giúp mình kiếm ra tiền, nếu hết lần này đến lần khác mình thất bại, mình có tiếp tục cho đến khi mình thành công không? Đó mới là điểm mấu chốt.

II. Bạn có quyền được bắt đầu lại

Hành trình đi tìm đam mê cũng giống như hành trình đi tìm người để cưới, chỉ khác một điều ta sẽ ít làm người khác phải khổ sở.

Có người may mắn yêu một lần là cưới và đi đến trọn đời. Có người hợp rồi tan, tan rồi lại hợp, cuối cùng mới tìm được chân ái của đời mình. Tất nhiên những cuộc li biệt sẽ để lại vết thương khó lành.

Hành trình đi tìm đam mê thì lại khác, ngoài bạn ra, có rất ít người phải chịu những vết thương sau mỗi lần bạn thất bại. Bạn có thể lựa chọn theo đuổi một thứ khác và bắt đầu lại cuộc hành trình. Bố mẹ của bạn sẽ phiền lòng ư, những người yêu quý bạn sẽ tiếc nuối cho bạn ư? Nhưng thấy bạn tự đứng dậy sau khi vấp ngã mới là điều mà họ mong muốn nhìn thấy nhất.

Đôi lúc hãy sống ích kỉ một chút, cảm tính một chút, liều lĩnh một chút. Đừng sống vì bố mẹ, gia đình quá nhiều! Sống cuộc sống mà mình mong muốn mới là tốt cho những người xung quanh bạn.

III. Khi nào thì đam mê giúp chúng ta kiếm ra tiền?

Điều này thì tôi không trả lời được. Cũng giống như câu hỏi “Khi nào bạn cưới cô ấy, anh ấy?”, bạn phải tự quyết định.

Bạn có yêu người ta đủ nhiều để gắn bó cả quãng đời còn lại hay không? Bạn sẽ chịu trách nhiệm với cuộc đời của họ chứ vì hôn nhân chính là sự ràng buộc? Nếu bạn ngoại tình bạn sẽ bị phạt tiền đấy!

Tương tự như vậy, bạn có yêu công việc này đủ nhiều để biến nó thành sự nghiệp cả cuộc đời bạn không? Bạn sẽ chịu trách nhiệm với những điều bạn làm ra chứ? Nếu bạn dồn hết tâm huyết vào công việc này, bạn sẽ mất đi nhiều cơ hội để làm nhiều thứ khác đấy! Bạn có dám trả giá không?

Nếu bạn nói “có” thì xin chúc mừng bạn, đã đến lúc bạn biến đam mê thành nghề nghiệp rồi đấy.

Xung quanh chúng ta có rất nhiều những ví dụ điển hình về hành trình theo đuổi đam mê. Đó là các nhà khoa học quên ăn, quên ngủ để thực hiện nghiên cứu, tìm tòi ra những điều mới lạ bên phòng thí nghiệm của mình. Đó là Bill Gates, Steve Jobs… từ bỏ việc học để theo đuổi đam mê của mình và trở thành những ông trùm công nghệ. Đó là niềm đam mê với trái bóng tròn của Ronaldo, Messi, niềm đam mê với nghệ thuật của ca sĩ, nhạc sĩ, niềm đam mê làm đẹp của các Beauty blogger… Tất cả họ đều đã trải qua những khó khăn và thất bại. Tôi tin rằng họ cũng đã từng ghét cay ghét đắng thứ mà họ gọi là đam mê. Nếu bạn bị đuổi khỏi chính công ty mà bạn sáng lập thì bạn có “cay cú” không? Steve Jobs đã rơi vào tình trạng như vậy nhưng niềm đam mê công nghệ quá lớn đã giúp ông quay trở lại một cách đầy ngoạn mục.

Ví dụ gần gũi hơn với bạn chính là tôi, người đam mê viết lách. Tôi bắt đầu viết không vì một lí do nào khác ngoài lí do: tôi thích viết. Khi viết, tôi được là chính mình. Nhưng cũng đã từng có giai đoạn tôi ghét viết đến mức muốn từ mặt với chuyện viết lách. Tôi cảm thấy nó không dễ như những gì tôi vẫn nghĩ. Não tôi dường như nổ tung vì suy nghĩ nhiều, tôi cũng phải chăm chỉ rèn luyện hàng ngày, phải nạp kiến thức liên tục. Đánh máy rất mỏi tay, mỏi mắt, mỏi lưng. Thậm chí tôi bị dè bỉu, bị chê bai những gì tôi viết. Tôi tham gia nhiều cuộc thi nhưng kết quả đều không mấy khả quan. Thỉnh thoảng tôi đọc lại những gì mình viết và tôi căm ghét chúng. Tôi rất buồn, rất mệt, rất chán nản. Tôi ngừng việc viết lại và đi tìm một thứ gì mới lạ như hát, nhảy, chơi nhạc cụ… Nhưng rồi cuối cùng thì tôi đã quay trở về với con chữ. Tôi cứ viết thôi mặc kệ những rào cản cứ bủa vây lấy tâm trí mình và cả những ánh mắt thương hại ngoài kia.

Theo đuổi đam mê chính là hành trình đi tìm hạnh phúc một cách lặng lẽ mà chỉ mình bạn mới có thể thấu hiểu. Người khác sẽ nghĩ bạn bị điên nên bạn không cần gào lên “Tôi cảm thấy hạnh phúc lắm” cho cả thế giới biết đâu. Niềm hạnh phúc của bạn chỉ cần bạn biết là đủ rồi.

Tôi đã tìm ra đam mê của mình. Còn bạn thì sao?

Tác Giả: Thuy Duong

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link:  https://www.facebook.com/profile.php?id=100008756232961

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

780 lượt xem, 658 người xem - 660 điểm