Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Đằng Sau Lớp Mặt Nạ Hào Nhoáng Của Một Con Người

Phải chăng đạo đức chính là thước đo nhân cách của một con người? Và phải chăng điều đáng sợ nhất là việc chúng ta đánh mất chính mình? Điều này khiến tôi băng khoăn, trăn trở khi bắt gặp câu nói đáng ngẫm suy “Đạo đức giả là căn bệnh chết người núp sau bộ mặt hào nhoáng”.

Vậy “đạo đức giả” là gì”

Thật vậy, “đạo đức” là những đức tính tốt đẹp, cách hành xử phù hợp với những quy tắc chuẩn mực của xã hội. Tuy nhiên “đạo đức giả” có nghĩa là làm trái lại những đức tính tốt đẹp, che giấu đi những bản chất xấu xa để đạt được một mục đích trục lợi, giẫm đạp lên người khác để thỏa mãn chính mình. Với cách nói so sánh khá độc đáo câu nói “Đạo đức giả là căn bệnh chết người núp sau bộ mặt hào nhoáng” đã phần nào vạch trần tác hại của căn bệnh “đạo đức giả” đang tồn tại trong xã hội hiện đại.

Cuộc đời không phải là sân khấu, cớ sao lại phải diễn trò?


Trong những bộ môn nghệ thuật truyền thống, tuồng thu hút tôi hơn cả. Tuồng là thế giới của những câu hát, những vũ điệu và cả những chiếc mặt nạ. Mỗi nhân vật với những tính cách khác nhau ứng với một kiểu mặt nạ tuồng. Nhưng từ sân khấu tuồng bước ra sân khấu cuộc đời lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Ngẫm suy, trăn trở, bất giác tôi chợt nhận ra đâu phải chỉ những diễn viên tuồng mới phải đeo mặt mà dường như mỗi con người đều mang một chiếc mặt nạ mà ẩn sau đó chính là con người thật của mình. Tôi tự hỏi sao có một bộ phận con người trong xã hội lại gượng đeo chiếc mặt nạ để sống cuộc đời không vừa khuôn với chính bản thân mình. Bởi thế cho nên căn bệnh “đạo đức giả” rất vô hình, và cũng thật khó đoán cũng như gương mặt thật đằng sau lớp mặt nạ.

Dấu hiệu nhận biết những kẻ mang trong mình lối sống giả dối

Quả không sai khi người xưa thường dùng những câu như “Miệng Nam mô, bụng bồ dao găm” để chỉ những người có lối sống đạo đức giả. Người có bản chất đạo đức giả thường luôn cố che đậy, lấp liếm,  che giấu đi bản chất thật, những bản chất xấu xa tiềm ẩn. Đằng sau vẻ ngoài đạo mạo, hào nhoáng là một kẻ “miệng lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”, cách hành xử và lời nói trái ngược hoàn toàn với tâm can của chính họ và luôn tìm mọi cách, không từ mọi thủ đoạn để “đâm sau lưng” người khác. Mà mục đích của lối sống giả dối này là để trục lợi cho chính bản thân, hay đơn giản là sự đố kị, ghen tức trước những thành công mà người khác đã đạt được. Sở dĩ “căn bệnh đạo đức giả” ngày càng xuất hiện nhiều là do tác động lối sống mà ở đó con người quá coi trọng những giá trị vật chất, chấp nhận đánh đổi tất cả, thậm chí là chính bản thân để đạt được mục đích. Sức hút của những lời nói mật ngọt, những mỹ từ xuất phát từ những kẻ sống trái với đạo đức cũng có thể khiến ta rơi vào cái bẫy chết người.

Khi ta sống phần đời không thuộc về chính mình

Chúng ta đang sống trong một thế giời không chỉ có chính mình, mà ta luôn phải sống trong những mối quan hệ, luôn phải ứng xử với mọi người xung quanh. Nếu chúng ta chỉ biết sống riêng mình, sống bên ngoài, sống bên trên chứ không sống trong , sống giữa, sống chan hòa với mọi người thì cũng là lúc ta tự đào thải chính mình ra khỏi cuộc đời này. Thật vậy, căn bệnh “đạo đức giả” một khi đã ăn sâu vào tính cách, lối sống của một con người có thể dẫn đến sự suy đồi, tha hóa về mặt đạo đức. Mà ở đó con người có thể “thiên biến, vạn hóa” nhiều bộ mặt khác nhau để hành xử trong cuộc sống. Đánh mất phẩm chất đạo đức vì một mục đích nào đó là lúc con người đánh mất đi phần “người” của chính bản thân mình. Có thể thấy, tiền tài, địa vị, danh vọng là những thứ phú phiếm chỉ có đạo đức mới trường tồn vĩnh cửu. Có đáng giá hay không khi ta mải mê theo đuổi những thứ không phải là của mình để rồi phải sống cuộc đời không thuộc về chính mình? Phải chăng ta đã quá ích kỷ, quá tàn nhẫn khi đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu chỉ vì những thứ vật chất xa hoa?  

Hãy “tròn vành ngay tự trong tâm”


Thước đo giá trị của một con người không những thể hiện qua cách bạn ứng xử với nhân, với thế mà còn thể hiện qua cách bạn nhìn nhận chính mình. Khoan phán xét, bàn tán về nhân cách đạo đức của một người nào đó, mỗi người chúng ta hãy tự hỏi chính mình, soi vào bên trong chính bản thân xem chúng ta đã thực sự hoàn thiện mình trong cách hành xử. Thật vậy, căn bệnh “đạo đức giả” có thể xuất hiện xung quanh chúng ta, từ những mối quan hệ thân thiết mà ta vô tình trao đi lòng tin cho họ. Vì vậy, chọn bạn mà chơi, chọn đúng người để có thể sẻ chia những lúc khó khăn và cũng nên biết từ chối những mối quan hệ độc hại, không nên tạo cơ hội cho những kẻ đạo đức giả ngang nhiên lợi dụng lòng tốt. Điều cốt yếu là ta phải sống chân thật, “tròn vành ngay tự trong tâm” dù cuộc đời có khắc nghiệt như thế nào thì những bản chất tốt đẹp vẫn là ngôi sao sáng nhất dẫn đường cho mỗi chúng ta. Ta “chân thật” để có thể mạnh dạn lên tiếng trước những điều xấu xa được tô điểm bởi lớp vỏ bóng bẩy bên ngoài, những lớp mặt nạ vô hình, ta “chân thật” để phản ánh và phản kháng trước những con vi rút giả dối ngày càng lây lan trong cơ thể xã hội để rồi từ đó chữa lành những vết hoen ố mà lối sống giả dối ấy đã để lại. Sống thật là tốt nhưng không có nghĩa là thổ lộ hết tất cả những gì mình có, hãy dành một phần riêng cho chính mình bởi khi con người “trần trụi” thì cũng là lúc ta không còn gì trong tay để tự vệ chính mình trước những điều xấu xa trên cuộc đời này. Ai đã từng tự đeo cho mình những lớp mặt nạ trái với lương tâm thì hãy mạnh dạng tháo bỏ nó, mạnh dạn cho ta một cơ hội được thay đổi và sống đúng với chính bản thân mình.

Kết luận:

Vi - rút Corona có thể đáng sợ đấy nhưng nó có thể bị tiêu diệt, nhưng đáng sợ hơn cả vẫn là những con vi - rút của sự giả dối đang tồn tại trong xã hội hiện đại, biết đâu nó tồn tại thật gần xung quanh chúng ta. Chính vì thế câu nói “Đạo đức giả là căn bệnh chết người núp sau bộ mặt hào nhoáng” vô cùng đúng đắn, đáng suy ngẫm. “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời” quả không sai. Tính cách con người hình thành từ khi chúng ta cất tiếng khóc chào đời, ban đầu bản thể nguyên tôi ấy không bị hoen ố nhưng theo thời gian ngoại cảnh tác động khiến chúng ta không còn là mình của ngày xưa. Thật khó có thể ngày một ngày hai thay đổi tính cách của một con người mà đó là cả một quá trình dài. Vì thế làm người hãy sống đúng với những gái trị đạo đức, hướng bản thân tới những điều tốt đẹp. Bởi ai sinh ra trong cuộc đời cũng muốn mình sống hạnh phúc, bình an, không phải mang gánh nặng hay mặt cảm tội lỗi. “Đạo đức giả” là thứ thuốc độc mà chúng ta cần tỉnh táo để tự phản tỉnh chính mình, để đôi chân ta không nhúng chàm cạm bẫy giữa cuộc đời đầy rẫy những chông gai. 

Tác giả: Võ Huỳnh Hồng Ngọc

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/vohuynh.hongngoc/

------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 11 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

 

 

 

 

 

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,025 lượt xem, 1,960 người xem - 1964 điểm