Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Đây Không Phải Là Một Review Phim. Đây Là Một Câu Hỏi Về Bản Chất Của Sự Thật

Em vẫn luôn thắc mắc như vậy: “Thế rồi cái gì mới là sự thật?” 

Từ hồi còn bé, em đã tự hỏi: “Liệu rằng có phải mình chỉ đang là diễn viên trong một bộ phim nào đó hay không? Liệu rằng đằng sau màn hình kia, những ai đang dõi theo nhất cử động nhất động của mình? Liệu rằng hết thảy ý chí tự do này rốt cuộc cũng chỉ là dựa trên một kịch bản nào đó chăng?” Mớ câu hỏi như thế cứ hay làm phiền tâm trí đứa con nít chẳng đủ năng lực để lý giải. 

Cách đây vài tháng, em bắt gặp “The Truman show”. Một bộ phim thuộc về thập niên 90, trong đó Jim Carrey đóng vai một đứa trẻ mồ côi (Truman Burbank), mà ngay từ khi mới sinh ra thì cuộc sống của gã đã được truyền hình trực tiếp 24/7 cho hàng tỷ người cười đùa và giải trí. Gã đã lớn lên như bao người, gặp một vài biến cố, cưới vợ và an phận với công việc. Những tưởng bản thân đang tự viết nên câu chuyện đời mình bằng tất cả ý chí tự do. Để rồi, lỗ hỏng mỗi lúc một rõ nét. Vết nứt mỗi ngày một lớn dần. 



Nỗi bất an len lỏi trong mạch máu của Truman, gã biết rõ điều đó. Dường như, mảnh ghép nào đó bị thiếu ở đây, ở thế giới tưởng chừng là lý tưởng này. Seahaven chính là tên gọi nơi gã lớn lên và chưa một lần rời đi. Mọi thứ đều đẹp đẽ và hạnh phúc lạ thường. Những người hàng xóm thân thiện vẫn chào gã mỗi sáng qua hàng rào trắng. Những tòa nhà luôn trong trạng thái “mới được sơn xong”. Bầu trời xanh một màu trong trẻo và dịu êm. Hoàng hôn nhuộm lên thị trấn dáng vẻ cam vàng rực rỡ mà ấm áp. Thế nhưng, tại sao lại không phải là “Seaheaven”? Phải chăng đó chính là nét mực bị bỏ quên để hoàn thiện bức vẽ hoàn hảo? 

Khoảnh khắc Truman nhận ra sự thật, em đắn đo về câu hỏi ngày bé. Bỗng chốc, người bạn thân quen lại ôm chầm lấy em, nỗi sợ hãi. Nếu dòng suy nghĩ kia là đúng, thì có bao nhiêu chiếc camera đang ẩn mình theo sau em? Nếu dòng suy nghĩ kia là đúng, thì em nên thoát ra khỏi phim trường này hay cứ ở lại cho trọn vai diễn? 


Bi kịch đời mình là trò giải trí cho người khác.


Christof, nhà sản xuất, giam Truman trong một phim trường được dàn dựng công phu. Mà Seahaven, đơn giản, trở nên kiên cố hơn mỗi ngày nếu nhân vật chính thôi khát khao khám phá thế giới bên ngoài vùng an toàn của bản thân. Phải chăng hòn đảo này cũng chính là nhà tù Shawshank, nơi càng ở lâu, con người ta càng bị thể chế hóa?

Trong mắt hàng tỷ người xem, cuộc đời của Truman đại diện cho “giấc mơ Mỹ”. Họ thèm muốn Seahaven. Họ thèm muốn vẻ hoàn mỹ nhân tạo. Họ thèm muốn sự thật được dàn dựng. Vậy nên, người ta dõi theo Truman ngay cả khi buồn bã thả mình trong bồn tắm. Nhưng sẽ mấy ai chọn đắm mình trong sự thật dối lừa đấy?

Bi kịch đời mình là trò giải trí cho người khác. Gã đau đớn mỗi lần nghĩ về biển cả, nghĩ về cái ngày bố mình ra đi mãi mãi. Vết thương hãy còn âm ỉ rỉ máu, vậy mà tất cả chỉ là ý đồ của một ai đó. Sẽ mấy ai chọn đắm mình trong sự thật dối lừa đấy?


“These walls are funny. First you hate 'em, then you get used to 'em. After long enough, you get so you depend on 'em.”


Christof tin rằng đây là cơ hội để Truman được sống một cuộc đời bình thường. Bởi thế giới thực của ông, của những diễn viên kia và cả hàng tỷ người xem, thật sự quá kinh khủng. Và tuy nhà tù Shawshank chẳng phải là thiên đường như Seahaven, nhưng ít nhất, “These walls are funny. First you hate 'em, then you get used to 'em. After long enough, you get so you depend on 'em.”, Red đã nói thế đấy. 

Tất cả những gì Truman Burbank có, tất cả những người thân yêu và ký ức, tất cả đều thuộc về hòn đảo này. Ở đây, gã là một nhân viên bảo hiểm với người vợ xinh đẹp, bạn tốt và hàng xóm thân thiện. Nhưng ra ngoài kia, gã sẽ là ai? Gã sẽ sống thế nào? Chẳng phải đi đến vùng chân trời cũng chính là bắt đầu lại từ con số không, thậm chí là số âm sao? Và cái chết của nhân vật Brooks Hatlen trong Shawshank Redemption là một trong những viễn cảnh tương lai của Truman hay Andy Dufresne. 



Brooks nhận được lệnh ân xá khi đã là một ông già bị viêm khớp cả hai tay. Khác với thái độ khi được “phỏng vấn” mãn hạn tù của Red, nước mắt giàn giụa, ông toan cắt cổ một tù nhân. Ước nguyện ẩn giấu sau mũi dao kia chính là được ở lại Shawshank. Brooks đã dành hầu hết phần đời của mình ở nhà tù này, 50 năm. Trong ký ức, ông chỉ mới thấy ô tô một lần duy nhất. Vậy mà, giờ đây, đường phố trở nên inh ỏi bởi tiếng còi phát ra từ những chiếc xe lắm bánh. Lá thư ông gửi cho người bạn duy nhất cách mình một bức tường là sự cầu cứu vô vọng. Trong tù, thủ thư là người quan trọng, là người có học thức. Nhưng thực tại tàn khốc này lại chỉ ra rằng ông chỉ là một lão già vô dụng vừa mới ra tù.  Đây không phải là thế giới ông thuộc về. Đây không phải là sự thật ông muốn nếm trải. “The world went and got itself in a big damn hurry.” 


“We accept the reality of the world with which we're presented. It's as simple as that.”


Seahaven hay Shawshank được tạo nên với ý nghĩa xây đắp cuộc đời cho một ai đó. Tuy một bên là hòn đảo mơ ước, một bên là ngục tù, nhưng cả hai đều có “Thượng đế”, người cho mình quyền quyết định cuộc sống của một ai đó. Họ đưa ta đến đó để học cách sống và đó cũng là tất cả những gì họ lấy đi của ta. Triết lý thật sự là đây. 

Christof đã nói thế này: “We accept the reality of the world with which we're presented. It's as simple as that.” Chúng ta ấp ủ ảo vọng về một thế giới lý tưởng nhưng lại chẳng bao giờ đấu tranh vì nó. Ta chấp nhận những gì xã hội bày biện sẵn trước mắt, vừa sống vừa căm hờn mà không mảy may thay đổi. Đó là ý niệm khiến The Truman show trở thành chương trình truyền hình đắt khách. Tất cả người xem đều bám víu lấy cuộc đời bình yên của Truman bởi họ tin đó mới là sự thật. Vô hình chung, những người theo dõi, thậm chí hết thảy ekip của chương trình, đều đã tình nguyện trở thành tù nhân ở Seahaven.



Nhưng Truman thì không. Andy Dufresne cũng vậy. Một người lênh đênh giữa bão giông của biển cả để chạm tay vào “đường chân trời”, trong khi người kia bò qua ống cống dơ bẩn dài 500 thước và“came out clean out the other end”. Hai gã đàn ông bản lĩnh đã chọn cho mình một sự thật khác. Họ tin vào bản thân mình, tin vào ý chí tự do mà chọn cách tung cánh bay giữa bầu trời mênh mông.

Bất chấp nỗi sợ hãi, Truman đập vỡ bức tường ngăn cách chính mình với thế giới thực. Gã vứt bỏ lại “cái hang” thân thuộc của mình để đối diện với sự thật mà gã xứng đáng. Gã vứt bỏ lại ‘vườn địa đàng” Seahaven để đối diện với cuộc sống mà những người xem gã đã chối từ. Truman đã biến mất khỏi câu chuyện cổ tích với cái kết có hậu được định sẵn của Christof, “Good morning, and in case I don't see ya, good afternoon, good evening, and good night!”


Keo dán dính chặt trên khuôn miệng, yên phận với sự đủ đầy tước đoạt đi giọng nói.


Mỗi một bước chân của gã về phía bóng tối, tim em lại hụt mất một nhịp. Sẽ thật là ấu trĩ khi hy vọng gã không rời khỏi Seahaven nhỉ? Nhưng đâu đó trong em trỗi dậy một khát vọng. Dẫu có phần yếu hèn, em cầu mong cuộc đời được định sẵn sẽ thật sự khiến con người ta hạnh phúc. Bởi thật lòng mà nói, toàn tâm toàn ý sống theo  người sự sắp đặt của người khác mới thực sự là thách thức lớn nhất. Lòng hoài nghi và tức giận của Truman là minh chứng xác đáng. Cái giá phải trả khi mưu cầu cuộc đời bình yên chính là cái vòng luẩn quẩn nhàm chán. Mà một khi đã chạm chân vào đó, ta không có quyền cảm thấy bất hạnh hay đau khổ. Keo dán dính chặt trên khuôn miệng, yên phận với sự đủ đầy tước đoạt đi giọng nói. Bản án kinh khủng đó mấy ai thật sự dám ôm vào lòng. 


Báo chí, truyền hình ra rả thứ ý nghĩ đó khắp mọi ngóc ngách và biến nó thành một tôn giáo mãnh liệt.


Khác với cái thời của Truman hay Andy, “Christof” nay chọn kịch bản “tù treo”, cổ vũ lối sống tự do. Người trẻ là phải có chí lớn, vẫy vùng giữa biển cả hay bay lượn trên bầu trời. Sự kỳ vọng của xã hội đè nặng lên đôi vai của những đứa trẻ đang chập chững bước đi trên đôi chân của mình. Khoác lên mình chiếc áo choàng vương giả, người đời cho rằng ta phải là một vĩ nhân của thời đại. Báo chí, truyền hình ra rả thứ ý nghĩ đó khắp mọi ngóc ngách và biến nó thành một tôn giáo mãnh liệt. Cứ thế, chúng ta lại một lần nữa bị dẫn dắt bởi những lý tưởng hào nhoáng. Chúng ta lại một lần nữa bị nhốt trong ngục tù tưởng chừng hoàn hảo như Seahaven. Và rồi chúng ta quen dần với không khí, với sắc màu và trở thành những Brooks Hatlen phiên bản nâng cấp.



Được sinh ra trong một phim trường rộng lớn và công phu hơn cả Seahaven, em không phải là trường hợp ngoại lệ. Thế giới này cũng chỉ là một chiếc hang động to lớn chứa đựng rất nhiều hang động nhỏ bé khác bên trong. Đứng giữa những ngã rẽ, em thấy mình hoảng sợ với tất thảy ý nghĩ lướt qua. Dẫu biết đây chỉ là hành trình đi từ nhà tù này sang nhà tù khác, nhưng đôi chân vẫn vững bước. Hay em nên quay trở về chiếc ghế đã định sẵn mà yên vị ngắm nhìn tuyệt tác trước mắt. Cứ đứng một khóc bù lu bù loa rồi đợi ai đó đến tận tay chỉ dẫn, em cũng có thể làm vậy mà đúng không? 

Nỗi sợ của những đứa trẻ như em trước các giao lộ là thành phẩm của thứ mang tên bàn tay của “Thượng đế”. Và trong đời này, sẽ không chỉ có mỗi một Christof hiện hữu, em tin là vậy. Mỗi một phim trường hoàn mỹ đều được dẫn dắt bởi trí não toàn năng của một nhà sản xuất truyền hình thực tế nào đó. Họ sẽ nhân danh tình yêu và xã hội để chi phối cuộc đời người khác. Thuận thì sống, nghịch thì chết. Cái tự tôn của đấng cứu thế không cho phép quân cờ vụt khỏi tay mình. Mọi phương tiện hằng ngày đều bỗng dưng hỏng đồng loạt. Sóng gió cuồng nộ như muốn nhấn chìm hết thảy ham muốn tự do. Vận xui là cái tên người đặt cho những sự kiện như thế xảy ra trong đời. Và cũng chính người rao giảng rằng chấp nhận và vượt qua thử thách thì mới là người trưởng thành. Kịch bản hoàn hảo cho một chiếc lồng hoàn hảo. 


Ý chí cứ ngỡ mang sắc màu của tự do, hóa ra lại cùng chung một số phận.


Nhưng nếu đổi góc nhìn thì sao? Sự thật của em liệu có trùng khớp với sự thật của họ? Bởi chính Christof chưa từng nghĩ bản thân đang chôn vùi ước muốn được hạnh phúc thật sự của Truman. Khi đối diện với câu hỏi của Truman, ông đã giới thiệu mình là người sáng tạo ra chương trình truyền hình mang lại niềm vui, hy vọng và nguồn cảm hứng cho mọi người. Ý niệm của ông mang dáng vẻ thuần khiết tựa như giọt sương vào những sớm mai trong lành. Đến cuối cùng, cái ông theo đuổi không phải là một chương trình truyền hình thực tế ăn khách. Mà chính là sứ mệnh mang đến hạnh phúc cho cõi trần đời. Mọi thứ ở Seahaven với ông chính là sự thật hoàn chỉnh nhất. Và suy cho cùng, Christof cũng chỉ là con chim bị nhốt trong lồng của nhu cầu người xem, của các nhãn hàng. Ý chí cứ ngỡ mang sắc màu của tự do, hóa ra lại cùng chung một số phận.

Vậy nên, ở một thời điểm nào đó, quá khứ, hiện tại hay tương lai, em cũng  đã, đang hoặc sẽ tự mang vác lên mình trọng trách của “Thượng đế”. Lập nên một bán đảo thật xa đất liền với hàng triệu camera ẩn, cuộc đời của một ai đó nằm trong lòng bàn tay này. Ngồi đằng sau màn hình tivi, em đau đớn cho phận đời của Truman và cho cả những tảng đá đè lên thân mình. Để rồi ngồi đằng sau màn hình tivi, ai đó đau đớn cho phận đời của em và cho những tảng đá đè lên thân họ.

Rốt cuộc thì đâu mới là sự thật đúng nghĩa? 



Tác Giả: Worromotdam 
Kết bạn và theo dõi instagram của tác giả tại link:  https://www.instagram.com/worromotdam/?hl=en
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ".  Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,560 lượt xem, 1,532 người xem - 1535 điểm