Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Để Giàu Có, Hãy Học Quản Lý Tài Chính Cá Nhân

  • Ở thời điểm hiện nay, áp lực tài chính chưa bao giờ là chủ đề hết “hot”. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp những câu chuyện như cô A mua nhà cho ba mẹ ở tuổi 20, anh B mới 25 tuổi đã tậu được chiếc xe 500 triệu,…

    Gen Z - giới trẻ hiện nay đang đối mặt rất nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề tài chính. Có thể kể đến như nghỉ hưu ở tuổi 30, mua nhà, mua xe, ở riêng,…

    Không quá khó để biết rằng tại sao Gen Z luôn phải cật lực suy nghĩ về vấn đề “cơm áo gạo tiền”, bởi vì chính họ là nạn nhân trong cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra năm 2008 và đại dịch Covid 19.

    Trải qua những khó khăn đó, họ nhận ra rằng tiền không phải là tất cả nhưng tiền sẽ giúp cho cuộc sống dễ dàng hơn rất nhiều. Dù muốn cuộc sống triệu phú hay cuộc sống bình yên thì học kỹ năng quản lý tài chính cá nhân vẫn là điều tất yếu.

    Vậy quản lý tài chính cá nhân là gì ? 

    Tài chính cá nhân là tổng hợp tất cả các vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng tiền, hạch toán số tiền kiếm được hoặc thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm hay đầu tư,… của mỗi cá nhân.

    Mỗi người sẽ có vấn đề tài chính khác nhau, do sự khác biệt về thu nhập, chi tiêu, nhu cầu, thói quen tiêu dùng,…

    Do đó, mỗi cá nhân cần biết cách quản trị tài chính để giảm thiểu rủi ro khủng hoảng về tiền bạc do chi quá nhiều mà thu thì quá ít.


    Xác định mục tiêu và lập kế hoạch chi tiêu cá nhân

    Đầu tiên, bạn nên xác định mục tiêu cuối cùng đang muốn hướng đến sẽ như thế nào.

    Bạn càng hình dung mục tiêu đó rõ bao nhiêu, bạn càng dễ dàng đạt được mục tiêu đó bấy nhiêu. Vì nó đòi hỏi sự kiên nhẫn và tính toán tỉ mỉ của bạn trong thời gian dài.

    Và để đạt được kết quả mục tiêu đó, bạn cần phải lên kế hoạch chi tiêu cho bản thân. Bạn sẽ học cách phân biệt đâu chi tiêu xa xỉ không cần thiết và chi tiêu thiết yếu cần thiết.

    Hãy từ từ loại bỏ những danh mục hàng hóa xa xỉ, cuộc vui tốn nhiều chi phí không đáng có. Từ đó, dành ra khoản tiết kiệm cho mục tiêu tương lai phía trước.

    Cách hay nhất để giảm thói quen mua sắm trên mạng là hãy giữ món đồ trong giỏ hàng của bạn trong vòng 21 ngày. Sau 21 ngày, bạn sẽ biết rằng bản thân thực sự cần món đồ đó hay không.

    Quan trọng hơn hết là xác định thứ đó sẽ giúp ích cuộc sống bạn như thế nào. Đừng chỉ xem video review và tiện tay mua luôn món hàng một cách quá vội vã.

    Hãy cố gắng chia thu nhập tài chính của bản thân làm 3 phần: 50/30/20

    50% số tiền bạn kiếm được nên dành cho các chi phí cố định: nhà cửa, ăn uống, đi lại. Những chi phí này là cố định trong một tháng, bạn có thể ghi lại và lược bỏ một số chi tiêu không cần thiết để giảm xuống mức thấp nhất có thể.

    30% thu nhập dành cho chi phí sinh hoạt: mua sắm, giải trí, chi phí phát sinh. Đây là những chi phí không cố định nên bạn có thể linh hoạt thay đổi chi tiêu như cắt giảm chi phí mua sắm và giải trí, chỉ mua những thứ thực sự cần thiết.

    20% thu nhập để tiết kiệm: Khoản tiết kiệm này có thể giúp bạn tránh các rủi ro bất ngờ ở tương lai. Trong những tháng đầu, bạn có thể tiết kiệm từ 10-15% rồi tăng dần mức tiết kiệm lên cho tháng sau.


    Sử dụng sổ tay chi tiêu hoặc ứng dụng quản lý tài chính

    Sổ tay chi tiêu dùng để liệt kê các nguồn thu nhập và khoản chi từng được sử dụng rất rộng rãi. Vào cuối tháng, bạn sẽ biết được rằng mình đã tiêu tiền vào những việc nào và xem xét có cần thiết hay không rồi đưa ra điều chỉnh cho tháng sau.

    Phương pháp Kekeibo của người Nhật Bản được áp dụng rộng rãi đối với việc quản lý chi tiêu bằng sổ ghi chép tài chính. Việc quản lý bằng sổ tay đã lỗi thời hiện nay và chỉ còn phù hợp với những anh chị thuộc thế hệ 8x và đầu 9x.

    Hiện nay, bạn có thể sử dụng ứng dụng quản lý tài chính cá nhân để quản lý các khoản chi tiêu thay vì sử dụng sổ tay vật lý. Một số ứng dụng nổi tiếng và miễn phí bạn có thể tải sử dụng ngay là Money Lover, Money Keeper, Spendee,….

    Với những ứng dụng này, việc quản lý thu nhập sẽ không quá khó khăn với bạn. Trên ứng dụng sẽ có những thống kê thu chi hằng tháng giúp bạn dễ hình dung số tiền đã chi liệu có cần thiết.


    Sử dụng tiền tiết kiệm để đầu tư sinh lời

    Khoản tiền nhàn rỗi là khoản tiết kiệm hoặc dự phòng của bạn. Nếu bạn giữ nguyên tiền trong tài khoản thì chắc chắn chẳng có điều gì xảy ra. Nếu khéo léo, bạn có thể kiếm thêm thu nhập chỉ bằng cách đầu tư với khoản tiền hiện đang “nhàn rỗi” này.

    Gửi tiết kiệm là hình thức quen thuộc và hiệu quả. Khoản gửi tiết kiệm tại ngân hàng sẽ sinh lời tùy theo lãi suất hoặc gói định kỳ. Đây là hình thức sinh lời an toàn nhất mà không có bất cứ rủi ro nào. Nhưng bạn cũng nên lưu ý độ chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi của ngân hàng và sự mất giá của đồng tiền. Nếu như sự mất giá của đồng tiền cao hơn lãi suất của ngân hàng thì việc gửi tiền vào ngân hàng sẽ không còn giá trị.

    Chứng khoán là kênh đầu tư tài chính hấp dẫn nhất hiện nay. Đầu tư chứng khoán có tính thanh khoản cao, đem lại lợi nhuận lớn nhưng rất bấp bênh đối với người mới. Bởi vì để đầu tư chứng khoán bạn cần tìm hiểu và phân tích thị trường kỹ để đưa ra quyết định giao dịch phù hợp, tránh rủi ro từ thị trường. Hiện nay, chứng khoán được xem là kênh đầu tư hấp dẫn được mọi người đổ xô sau đại dịch Covid 19.

    Vàng là kênh đầu tư truyền thống từ lâu được nhiều người lựa chọn vì độ an toàn cao, ít rủi ro. Đầu tư vàng rất ổn định và không mất giá nhưng cũng cần kiến thức về thị trường để nắm bắt thời cơ nhằm mang lại lợi nhuận.

    Bất động sản mang lại cho các nhà đầu tư nhiều cơ hội sinh lời lớn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhà đầu tư cần am hiểu kỹ về thị trường, vấn đề pháp lý và sở hữu số vốn lớn. Đầu tư bất động sản cho thuê là hình thức hiệu quả, cần nắm bắt xu hướng của thị trường nhằm mang lại nguồn lợi nhuận ổn định. Nếu bạn là người mới, hãy học hỏi từ những chuyên gia bất động sản giỏi nhất để tránh những rủi ro đáng tiếc.


    Xin lời khuyên quản lý tài chính cá nhân từ chuyên gia

    Cách để học hỏi nhanh nhất là học hỏi cách giải quyết vấn đề từ những người đã hoàn thành việc đó từ trước.

    Với một bề dày kinh nghiệm và kiến thức rộng lớn, nhà hoạch định tài chính sẽ giúp bạn đưa ra quyết định đầu tư khôn ngoan phù hợp nhất cho bạn.

    Một cố vấn tài chính tốt sẽ giúp tìm ra những rủi ro liên quan đến mỗi khoản đầu tư và sản phẩm phù hợp với khả năng lẫn nhu cầu của bạn. Đồng thời giúp bạn đạt được mục tiêu nhanh nhất trong thời gian sớm nhất.

    Một nhà hoạch định sẽ giúp bạn lập ngân sách tài chính ngắn hạn và dài hạn. Ngoài cố vấn tài chính, bạn có thể tham khảo thêm kinh nghiệm và ý kiến từ bố mẹ, đồng nghiệp, bạn bè xung quanh.

    Quản lý tài chính cá nhân là một kỹ năng rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Học kỹ năng quản lý tài chính không phải để trở thành tỷ phú mà là để bản thân mỗi người có thể tự do kiểm soát cuộc sống của chính mình.

    Sống một cuộc sống thoải mái mà không phải quá đắn đo về chuyện tiền bạc.

    Nguyên tắc chắc chắn bạn phải ghi nhớ: Chi tiêu ít hơn số tiền kiếm được, đầu tư để tiền đẻ ra tiền, trả tiền cho bản thân trước tiên.

    Chúc bạn thành công trong việc quản lý tài chính cá nhân và đạt được mục tiêu tự do tài chính ở tương lai gần nhất.

    Tác Giả:  Nguyễn Anh Huy
    --------------------------------
    Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá +19,087,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

    (*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

81 lượt xem, 61 người xem - 61 điểm