Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Để Trưởng Thành, Hãy Bỏ Ngay Tâm Lý Nạn Nhân

  • Em đối tốt với anh ta rất yêu, yêu anh ta bằng cả con tim, sao anh lại nỡ bỏ em?

  • Tôi đã làm việc cật lực, chăm chỉ qua ngày này tháng khác, nhưng sếp không bao giờ để ý và tăng lương cho tôi. 

  • Tôi chậm deadline là do phải bận việc nhà đấy chứ. Với lại các nhân viên khác cũng chậm như tôi, sao sếp lại mắng tôi? 

Những câu trên rất quen thuộc đúng không. Bạn có thể bắt gặp những câu này từ bạn bè, đồng nghiệp, hay chính bạn cũng đã từng than thở như vậy. Và đó đều là biểu hiện của một rối loạn tâm lý mà chúng ta đều đã từng, hoặc đang mắc phải, có tên là hội chứng tâm lý nạn nhân (victim mentality). Rối loạn này xảy ra ở với mọi lứa tuổi, từ những cô cậu bé mẫu giáo, cho đến những người trưởng thành và thậm chí cả người già. 

Tâm lý nạn nhân là một rối loạn khi chúng ta cố gắng tìm kiếm cảm giác bị đau khổ để được quan tâm, che chở, chú ý, với mục đích cuối cùng là né tránh trách nhiệm. Những người mắc phải hội chứng tâm lý này sẽ luôn đổ lỗi cho ngoại cảnh, hoặc những người xung quanh, ngay cả khi họ không chứng minh được điều đó. 

Họ tin rằng cuộc sống không chỉ nằm ngoài tầm kiểm soát mà còn cố tình làm tổn thương họ. Họ luôn cho rằng họ không có lỗi, lỗi là ở những người khác. Khi đi làm muộn, họ sẽ đổ lỗi cho tắc đường, trong khi là do họ dậy muộn, . Khi không đúng deadline, họ sẽ đổ lỗi cho nhân viên các phòng khác không gửi tài liệu đúng hẹn, nhưng thực ra họ chơi suốt một thời gian dài, gần đến deadline mới giục. Trong một mối quan hệ tình cảm, họ luôn đổ lỗi cho người yêu không quan tâm đến họ, nhưng thực chất, chính họ cũng không để ý đến người yêu. 

Tâm lý nạn nhân có quan hệ rất gần gũi với thói quen đổ trách nhiệm. Những người gặp phải rối loạn này không nhận thức, hoặc cố tình chối bỏ thực tế rằng chính họ mới là người gây ra vấn đề. Với họ, vấn đề họ gặp phải không phải do lỗi của họ, mà là của người khác, của những ngoại cảnh khác. 

Có một sự thật là những người có tâm lý nạn nhân không muốn giải quyết vấn đề của họ, hoặc nhận trách nhiệm cho vấn đề. Vì khi làm điều đó, họ sẽ ít được ủng hộ hơn, hoặc họ sợ bị chỉ trích và trừng phạt. Họ đã quá quen với những lời an ủi, hùa theo chỉ trích người khác. Trong tâm thức của những người này, khi nói ra câu sự việc này do tôi gây ra, đồng nghĩa với việc họ là người có lỗi, và sẽ phải hứng chịu những lời nói khó nghe (dù họ đáng bị như vậy). 

Hãy tưởng tượng như bạn đang đi trên một căn nhà ấm áp vào mùa đông. Nhưng bạn muốn ra ngoài để lấy đồ, bạn sẽ tự ra lấy hay nhờ người trong nhà lấy hộ đồ? Với những người có tâm lý nạn nhân, họ sẽ chọn vế thứ hai. Sự ấm áp của chăn gối khiến họ không muốn ra khỏi nhà. Tâm lý nạn nhân cũng như vậy, khi tạo cho những người gặp vấn đề này một vỏ bọc ấm áp, và họ cho rằng nếu chui khỏi đó, trước mặt họ sẽ toàn là những hiểm nguy. 

Bởi vậy, đừng cố đưa ra lời khuyên cho những người mắc tâm lý nạn nhân, vì điều này giống như bạn đang nói chuyện với một bức tường vậy. Khi người mắc tâm lý nạn nhân tìm lời khuyên, thứ chính xác mà họ muốn tìm kiếm là sự đồng lõa, được quan tâm che chở. Chẳng hạn như ừ đúng rồi, gã đó thật tệ, hoặc chuẩn rồi, nhân viên công ty của cậu toàn chậm trễ. Những người mắc tâm lý nạn nhân không thể phân biệt được giữa lòng thương hại và tình yêu. Với họ, những câu kiểu “vuốt đuôi” như trên mới là tình yêu. Còn những lời góp ý thẳng thắn, vạch ra lỗi lầm thì lại được coi như sự chỉ trích. 

Nguyên nhân của tâm lý nạn nhân 

Trước tiên cần phải khẳng định một thực tế, đó là không ai sinh ra cũng mắc rối loạn tâm lý nạn nhân. Điều này có nghĩa là rối loạn tâm lý là kết quả của một quá trình nhận thức kéo dài từ khi chúng ta còn nhỏ. 

Có những người mắc rối loạn này là do ngay từ bé, họ đã là nạn nhân của những sự lạm dụng, có thể họ bị lạm dụng về thể xác, tình dục hay cảm xúc. Trải qua các cảm giác đau đớn và tủi nhục đó, họ lớn lên với tâm lý hoang mang và lo sợ lúc nào mình cũng sẽ bị bắt nạt. Họ có xu hướng dựng lên những hàng rào vô hình, ngăn cách họ với những người xung quanh. 

Tuy nhiên, không phải ai cũng trải qua việc bị lạm dụng tâm lý như ở trên. Một phần lớn nguyên nhân của hội chứng này nằm ở cách giáo dục của ông bà bố mẹ. Người Việt Nam rất yêu thương con cái, đặc biệt là khi con nhỏ. Chúng ta sẽ có xu hướng bảo vệ người con của mình trước mọi sóng gió, khó khăn. Mỗi khi em bé ngã, hoặc va vào ghế, các bà, các mẹ sẽ thường nói đánh cái ghế này, đánh cái đất này, thay vì hướng dẫn người con, cháu đó đứng lên. Lối nuôi dạy bao bọc như vậy lâu dần sẽ khiến trẻ không có thói quen chịu trách nhiệm, đổ lỗi cho người khác. 

Một ví dụ điển hình nữa là khi trẻ bị điểm kém ở trường, thay vì thừa nhận sức học của con có vấn đề, nhiều bố mẹ lại chỉ trích do cách dạy của giáo viên và nhà trường, chứ con của họ luôn học giỏi. 

Rất nhiều gia đình không có thói quen dạy trẻ cách chịu trách nhiệm. Nhiều ông bố bà mẹ cho rằng việc để trẻ đối mặt với sóng gió từ lúc bé là một hành động liều lĩnh, và sợ trẻ gặp nguy hiểm. Có thể họ quá lo lắng cho trẻ, hoặc đơn giản chính họ từ bé đã được bao bọc như thế. Cách nuôi dạy này khiến trẻ lớn lên mà không có tư duy làm chủ vấn đề và chịu trách nhiệm. Thay vào đó, những đứa trẻ ấy lớn lên, trở thành chàng trai, cô gái với luôn đổ lỗi cho thế giới bên ngoài, thay vì nhìn vào lỗi lầm của họ. 

Vậy tại sao nhiều người lại thích dùng tâm lý nạn nhân? 

Việc biến mình trở thành nạn nhân đem lại nhiều quyền lợi hơn chúng ta tưởng. Thứ nhất, tâm lý này khiến họ không phải chịu trách nhiệm cho bất cứ vấn đề gì. Thứ hai, người khác cảm thấy phải giúp bạn và quân tâm đến họ. Thứ ba, mọi người sẽ cảm thấy không nên chỉ trích bạn hay nổi giận với họ. Tâm lý này có thể khiến họ trở thành người được quan tâm, chăm sóc, nhưng nên nhớ, cái gì cũng có giới hạn của nó. 

Thật ra trong các phản ứng, dễ nhất là đổ lỗi, còn khó nhất là nhận trách nhiệm. Trong não bộ của rất nhiều người ngay từ đầu đã được lập trình rằng họ chỉ là nạn nhân, những người bên ngoài mới là kẻ gây ra lỗi lầm. Bởi vậy, câu cửa miệng của những người mắc tâm lý nạn nhân là tôi không có lỗi, hoặc tôi chỉ là nạn nhân. Cũng không thể trách một người được bao bọc suốt 18, 20 năm, mà quay ngoắt 180 độ sang nhận trách nhiệm. Bởi vậy, nguyên nhân sâu xa của người mắc tâm lý nạn nhân có lẽ nằm ở việc người đó được bao bọc ngay từ bé. 

Tâm lý nạn nhân ảnh hưởng rất xấu đến sự phát triển của mỗi cá nhân. Trong mối quan hệ, người có mắc tâm lý này luôn đổ lỗi cho người yêu, cho rằng đối phương không quan tâm đủ nhiều đến mình. Tình yêu đó sẽ trở nên ngột ngạt và đầy mùi độc hại (toxic). Trong công việc, tâm lý nạn nhân khiến người đó luôn đổ lỗi cho đồng nghiệp, đổ lỗi cho sếp, khiến người đó bị xa lánh. 

Trong mắt một người con gái, một chàng trai mắc tâm lý nạn nhân thật sự rất trẻ con. Cô tay sẽ nghĩ người đàn ông này chưa trưởng thành. Đánh giá của cô gái hoàn toàn chính xác. Việc đổ lỗi, tự biến mình thành nạn nhân có thể khiến bạn cảm thấy nhẹ nhõm vì không phải chịu trách nhiệm. Nhưng điều đó chỉ khiến bạn trong mắt người khác không khác gì một cô bé, cậu bé chưa lớn. Một trong những điểm phân biệt giữa người trưởng thành và trẻ con chính là ở khả năng chịu trách nhiệm. Ban đầu khi bạn than thở, người khác có thể đồng cảm và chia sẻ. Nhưng khi bạn làm điều đó quá nhiều lần, người đối diện sẽ cảm thấy bạn cực kỳ phiền phức và không dám nhận trách nhiệm. 

Tất cả mọi người đều phải trưởng thành, và để trưởng thành, cách đầu tiên là phải có trách nhiệm với công việc và lời nói của mình. Tâm lý nạn nhân có thể giúp bạn cảm thấy an toàn, nhưng đây không phải là giải pháp cuối cùng. Lạm dụng điều này có thể khiến bạn mãi mãi lạc trong mê cung của chính mình. Bởi chẳng ai là nạn nhân của ai. Chỉ có chúng ta trở thành nạn nhân của chính tư tưởng tù đày và không lối thoát mà thôi. 


Tác Giả: Vương Tiến Thành
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link:  https://www.facebook.com/vuongthanh248  
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 11 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.







----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

5,395 lượt xem, 4,839 người xem - 4880 điểm