Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Để Vượt Qua Khó Khăn: Chỉ Cần Gắng Gượng Và Cố Sống Tiếp

Hồi bé, mình nghĩ rằng “thật hạnh phúc khi là người trưởng thành”, mình mong mình sớm chạm đến ngưỡng tuổi 18 để bước vào thế giới của những người trưởng thành. Thế giới đó - trong tưởng tượng của mình - là thế giới của tự do, mình được thoải mái làm điều mình thích, mình không phải về sớm trước 9h tối mỗi khi đi chơi, mình đủ tuổi lao động, mình sẽ đi làm ngay, rồi mình sẽ có tiền, được thỏa sức mua đồ mà không cần xin mẹ. Các anh chị học Đại học có khóc khi bị điểm kém đâu, họ có khóc vì bạn bè lấy đi vị kẹo mút yêu thích đâu, kể cả khi bị bố mẹ mắng, họ cũng chẳng khóc. Mình chỉ thấy anh chị thật bận rộn và đôi khi, họ hét lên trong nhà tắm, xen lẫn những tiếng hát, mà thôi.



Rồi thời gian trôi qua, tôi trở thành cô gái 18 tuổi, chập chững bước vào đời bằng việc đầu tiên - ở xa nhà và học Đại học. Đối với mình hồi bé, Đại học là môi trường trong mơ, vì mình ghét việc kiểm tra bài cũ, ghét việc phải ghi chép vở đầy đủ. Tuổi 18 - tưởng tượng thì quả tươi đẹp và lý tưởng, nhưng tới khi trải nghiệm một xíu xiu mới biết, rằng màu hồng chỉ là cái đáy, nơi tầm nhìn của một đứa trẻ bị giới hạn thôi

Tự do, là cái đáy của tự chịu trách nhiệm cuộc đời mình.

Thoải mái làm điều mình thích, là cái đáy của tự kiểm soát và bảo vệ bản thân khỏi cám dỗ.

Không phải về sớm lúc 9h mỗi tối đi chơi, là cái đáy của đi làm, đi học, chạy deadline đến tận đêm khuya, còn thời gian đâu mà chơi nữa.

Đủ tuổi lao động - có tiền, là cái đáy của việc bó hẹp quỹ thời gian, hoặc đứng giữa các lựa chọn làm thêm - bằng Giỏi, hoặc peer pressure với những bạn được học bổng, cân bằng được mọi thứ, hết ăn bám cha mẹ. 

Tự quyết định món đồ mình sẽ mua, là cái đáy của áp lực cân đối tài chính, vì hiểu được việc kiếm ra được đồng tiền vất vả đến cỡ nào, mà tiết kiệm, ki cóp từng xu.



Rồi mình nhận ra không phải tuổi 18 là không biết buồn. Tuổi 18 chẳng siêu nhân như mình tưởng. Nỗi buồn của tuổi 18 là nỗi buồn chất chứa, chỉ có thể lựa chọn giấu kín trong lòng. 

Nó không thể được giải tỏa như đứng dưới chân cầu thang, giãy lên khóc, ăn vạ với bố mẹ cho bằng được. Khóc xong, được dỗ tí hay chiều chuộng tí là quên béng đi mất. Còn tuổi 18, mình tự ôm lấy tất cả những buồn bã, tủi thân, stress vào sâu bên trong mình. Giống như một con nhím, mình xòe bộ lông đầy gai nhọn để che đi những tổn thương sâu bên trong, tự an ủi mình rằng lớn rồi, không thể hành xử như trẻ con được. 

Nỗi buồn của tuổi 18 còn đến từ những điều nhỏ nhặt nhất.

Một câu chúc đầy sự hứng khởi được gửi đi nhưng không được sự hồi đáp.

Một buổi ngồi một mình ở quán trà sữa mà trùng hợp là ai cũng có cặp có đôi.

Một ngày sinh nhật nhưng đi làm tới 9h tối và ăn cơm một mình.

Một bài hát chất chứa con người mình bên trong đó.

Một video hiện lên đúng tâm trạng.

Những cơn mưa rơi hoài không dứt và một mình hòa vào dòng xe kẹt cứng, khi về ướt nhẹp cũng tự mình sưởi ấm, tự mình lau.

Mình hào hứng kể câu chuyện rất tâm đắc nhưng người đối diện chỉ nhìn vào điện thoại.

Một người em thân thiết quên mất mình trong ngày liên hoan chung.

Mình sắp xếp thời gian để hẹn gặp mặt nhưng người ấy bận đột xuất, không thể đến.

Mình phát hiện ra mọi người vẫn vui vẻ trong cuộc chơi mà không phát hiện mình đã lặng lẽ tách khỏi một góc.

Mình cố gắng hoàn thành trách nhiệm nhưng người cộng sự không hiểu cho, leader không công nhận.

Những người mình chờ mong thì không nhớ đến mình.

Trong cuộc sống của năm 18 tuổi, mình không chỉ trải qua những nỗi buồn lớn lao, to tát như trượt một kỳ thi này, lỡ một slot tuyển thành viên mới của tổ chức nọ. Mình bắt đầu buồn vì những điều nhỏ nhặt hơn. Cứ ngỡ do mình để ý quá nhiều, lắm lúc còn tưởng mình nhỏ nhen, áp đặt người khác. Không, mình chỉ sống sâu hơn với cuộc sống hiện tại, vì mọi chuyện mình đều đặt hết tâm tư tình cảm vào. Đừng tưởng nỗi buồn nhỏ thì sớm biến mất. Một khi trái tim đã cùng nhịp đập, thì chúng không còn là những điều nhỏ nhặt nữa. Có nhỏ bé thật thì cứ lâu dần, tích tụ dần thì cũng sẽ lớn thôi. 

"Lòng người không chết đi vì những chuyện to tát mà là những thất vọng nhỏ tích tụ dần sẽ trở thành vết thương chí mạng."



Tuổi 18, mình chẳng thích kể chuyện của mình nữa. Hồi bé, từ chuyện bạn lấy mất cây bút, cục kẹo đến chuyện lớp hàng xóm cãi nhau đều liến thoắng kể lại cho mẹ nghe, sinh động như bình luận viên bóng đá. Mình bây giờ im lặng đến bản thân cũng phải giật mình. Mình luôn cảm thấy câu chuyện của bản thân là nhỏ nhặt, không đáng kể. Chỉ là phụ lòng thôi mà, chỉ là cô đơn thôi mà, chỉ là deadline dí thôi mà… những cái đó, ai mà chẳng phải trải qua.

Một ngày nọ, mình nhận ra rằng, hầu như tất cả những người xung quanh mình đều có những nỗi niềm và nỗi bất hạnh của riêng họ, và có lẽ cũng chính lúc này, mình mới chợt cảm thấy tuổi 18 của mình đến thật rồi, mình phải tự giải quyết vấn đề của mình thôi. Người thân, bạn bè đều có sự mệt mỏi và xiềng xích của riêng mình, được ẩn dưới nét mặt bình tĩnh của họ. Sao mình có thể để họ bận lòng vì những chuyện không đâu ra đâu của bản thân. Họ không có trách nhiệm hay nghĩa vụ phải nghe mình kể lể và đưa đến họ những cảm xúc tiêu cực. Cuộc đời họ, có lẽ cũng giống mình - đều đã đủ sự tiêu cực phải giải quyết rồi.

Với gia đình, mình lại càng đặc biệt không muốn than vãn nửa lời. Trả lời bố mẹ, mình luôn dùng giọng điệu bình thản nhất có thể, đôi khi còn cố tình hào hứng, liên tục lặp lại câu: “Con đủ tiền mẹ ạ, còn nhiều lắm. Học hành bình thường. Bố mẹ đừng lo”. Họ đã dành cả nửa đời mình để hy sinh, lo lắng từng chút một cho mình, mình nào có thể nhẫn tâm khiến họ từ xa lo lắng thêm. Họ sẽ là người còn lo lắng cho vấn đề của mình còn hơn cả chính mình nữa. Nên ngàn vạn lần, mình không được để họ biết. 

Rồi mình nhận ra, anh chị mình, bố mẹ mình không phải là không khóc. Thực ra, họ chẳng thể khóc. Chẳng lẽ đứng giữa Sài Gòn gào khóc? Chẳng lẽ về kí túc xá bù lu bù loa lên? Chẳng lẽ lên lớp úp mặt lên bàn mà tức tưởi? Mình cũng chẳng còn thời gian để khóc. Thời khóa biểu kín mít những lịch học chính khóa, lịch sinh hoạt câu lạc bộ, lịch học nhóm, lịch làm thêm. Có những đêm ôm chăn mà khóc lịm vào giấc ngủ, sáng dậy lại ngại mang đôi mắt sưng húp tới trường. Chẳng giống như ngày bé, cứ khóc thỏa thích để có mẹ vỗ về.

Rồi mình tự hỏi, phải chăng bố mẹ đã sống như này trong chừng ấy năm?

 

Nhưng lâu dần, có lẽ mình đã tìm được cách để vượt qua.

 

Chính là, 

 

gắng gượng tới cuối cùng.

 

Nếu bạn nào đó hỏi mình, làm thế nào để vượt qua khó khăn, chiến thắng nỗi buồn? Mình nghĩ mỗi người đều có cách riêng của mình, không có câu trả lời duy nhất cho câu hỏi này đâu. Nghe thì có vẻ hời hợt đôi chút, nhưng chính là vậy đó. Sau một thời gian, mọi thứ đều sẽ trở thành những kí ức đẹp đẽ.

Chúng ta chỉ cần chút thời gian thôi. 

Dù cho vấn đề đó có lớn đến nhường nào, bạn chỉ cần chút thời gian để nhìn nhận xem nó rắc rối đến đâu. Thời gian dần trôi, rồi sẽ đến lúc bạn có thể bình tĩnh khi đối diện với nó. 

Mình nghĩ - và cũng tự nói với bản thân mình - rằng mình chỉ cần gắng gượng thêm một chút nữa thôi.



Một bản thân nhiều phiền muộn, nhạy cảm, để ý mọi thứ - mình đã từng nghĩ đây là phiên bản tồi tệ nhất của mình. Nhưng dạo gần đây, khi đến những tháng cuối cùng của tuổi 18, mình lại biết ơn bản thân vào lúc đó. Mình nhận ra đứa trẻ u sầu mà mình vẫn thường trách cứ thật ra mới là một đứa trẻ kiên cường, là người mà mình có thể tự hào khi nghĩ đến. Thay vì nghĩ rằng mình của ngày đó là một mình bất hạnh, thì hiện tại, mình đã có thể nhớ về bản thân lúc đó như một cô gái luôn kiên định, không chấp nhận đầu hàng số phận. Lúc ấy mình chưa từng nghĩ cảm giác thả lỏng này sẽ xảy ra. Nhưng nó thật sự đã xảy ra, như cách mình nói, chỉ cần thời gian mà thôi. 

Mọi thứ đơn giản chỉ là cố gắng gượng và sống tiếp. Và thời gian về sau những trải nghiệm đó cũng sẽ phai nhạt phần nào. Niềm đau đó rồi sẽ thôi không còn nhức nhối nữa, và mình sẽ có thể đối mặt với nó tốt hơn. Ngay cả những sự việc không hay sẽ trở thành một trong những câu chuyện cuộc đời mình, thậm chí bây giờ, mình còn có thể chia sẻ chúng.

Mình không biết sau này các bạn có thể mỉm cười với gian lao mà bạn đã từng trải qua hay không, nhưng ít nhất, món quà mà bạn nhận được là tinh thần bất khuất và cả niềm tự hào rằng bạn đã vượt qua tất cả.


Giống như phép so sánh “quả trứng, cà rốt và hạt cà phê”. Cứng cáp hơn, yếu mềm đi hay thay đổi cả ly nước. Tất cả phụ thuộc vào sự lựa chọn của bạn.

 


Mình cũng không phải kiểu “nhìn thấy ánh sáng trong bóng tối”. Sẽ chỉ lừa mình dối người thôi nếu mình nói rằng mình nhìn tất cả những khó khăn trong quá khứ bằng thái độ tích cực. Với mình, việc nhận ra được cách mà mình đã được trui rèn trong lửa đỏ như thế nào quan trọng hơn nhiều. Những quãng thời gian tăm tối đã giúp mình thấu hiểu bản thân hơn, giống như trong hầu hết mối quan hệ xã hội, các bạn sẽ hiểu rõ đối phương hơn khi cùng nhau đối mặt với giông bão và rồi sau khi cùng vượt qua chúng, mối quan hệ sẽ trở nên vững vàng hơn. Mình tin mối quan hệ giữa mình và cái tôi bên trong cũng cần điều tương tự như thế. Giờ đây, tuy thỉnh thoảng mình vẫn cảm thấy stress, nhưng việc hiểu bản thân đã giúp mình biết được rằng mình nên giải quyết mớ bòng bong ấy như thế nào.

Lời cuối cùng, hy vọng rằng mọi người đều có thể tìm thấy được mảnh bình yên trong tâm hồn nhé.

Tác Giả:  Đào Yến Thanh 
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

224 lượt xem, 212 người xem - 228 điểm